Tiết lộ về người anh trai bí mật của Thái tử Charles

Thứ Ba, 18/04/2006, 13:30

Hoàng gia Anh lại gặp phải tai tiếng mới, đó là tiết lộ về việc Thái tử Charles có một người anh trai cùng cha khác mẹ. Hay nói đúng hơn đó là con trai của Hoàng tế Philip.

Ngày 20/1/2006, Nhà xuất bản Author House của Anh đã cho phát hành cuốn tự truyện có nhan đề "Tommy Boy", kể về cuộc đời của một kỹ sư điện tử người Đức tên Gunther Focke, năm nay 60 tuổi. Cuốn tự truyện này khi được phát hành đã gây sốc cho dân chúng Anh và nhanh chóng trở thành một cuốn sách bán chạy. Riêng tác giả Gunther Focke lại trở thành đối tượng bị săn lùng bởi các phương tiện truyền thông, đồng thời cũng bị chỉ trích, lên án bởi Hoàng gia Anh. Theo đó, Gunther Focke chính là con ngoài giá thú của Hoàng tế Philip với một phụ nữ Đức tên là Marie Karoline.

Khi Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, Quận công Philip Mounbatten (Hoàng tế Philip hiện nay) nhập ngũ để bảo vệ tổ quốc. Từ năm 1941 đến năm 1946, ông là sĩ quan tác chiến trên Chiến hạm HMS Whelp của Hải quân Anh. Cùng Chiếm hạm Whelp, Trung úy Philip Mounbatten tham gia chiến tranh cả ở châu Âu và châu Á. Vào tháng 5/1945, khi Đức Quốc xã bại trận và chiến tranh kết thúc, Chiến hạm Whelp được điều động làm nhiệm vụ bảo vệ các đơn vị quân đội Anh đang đóng tại thành phố Hamburg, phía bắc nước Đức. Trong thời gian thi hành nhiệm vụ ở đây, Trung úy Philip Mounbatten làm quen với Marie Karoline khi đó đang làm tiếp viên tại một quán rượu. Chồng của Marie Karoline là một lính Đức Quốc xã tham chiến ở mặt trận phía Đông, bị mất tích và được cho là đã chết từ tháng 7/1944. Lúc đó bà Marie Karoline đã có hai con gái.

Là một sĩ quan trẻ tuổi (vào năm 1945, Philip Mounbatten mới 24 tuổi và chưa lập gia đình) quyến rũ và đẹp trai nên chẳng mấy chốc Philip Mounbatten đã chiếm được trái tim của người phụ nữ Đức. Kết quả của mối tình này là sự ra đời của Gunther Focke vào ngày 12/7/1946. Vào thời kỳ đó do Chiến hạm Whelp thường xuyên qua lại giữa Anh và thành phố Hamburg nên Philip Mounbatten đã nhiều lần gặp mặt con trai và có lần đã yêu cầu được đưa con trai đến Anh để nuôi dạy. Nhưng bà Marie Karoline đã cự tuyệt đề nghị này.

Nét mặt giống nhau giữa Gunther, Thái tử Charles và Hoàng tế Philip.
Năm 1947, khi Philip Mounbatten giải ngũ thì mối quan hệ giữa ông và bà Marie Karoline cũng chấm dứt. Thế nhưng bà vẫn thường xuyên nhận được những bưu phẩm, chủ yếu là thực phẩm rất cần thiết cho người dân Đức bại trận sau khi chiến tranh chấm dứt, gửi đến từ Anh nhưng lại không ghi rõ địa chỉ người gửi. Bà Marie Karoline biết rằng người gửi không ai khác hơn là Philip Mounbatten.

Trong khi Philip Mounbatten lập gia đình với Công chúa Elisabeth và sống một cuộc sống vương giả ở Anh, thì tại Đức, gia cảnh bà Marie Karoline lại rất bi đát. Chồng bà, người lính Đức Quốc xã Hermann, tưởng đã chết, lại trở về và khi biết vợ có con với một sĩ quan Anh đã đánh đập bà và buộc bà phải bỏ con trai. Chịu không thấu thói vũ phu của chồng, bà Marie Karoline quyết định ly dị.

Số phận của Gunther Focke cũng cay đắng không kém. Sau khi mẹ tái giá với một người đàn ông Đức khác tên Otto Focke, Gunther được mang họ cha dượng và được cho đến trường. Thế nhưng ở trường học, Gunther bị chúng bạn chế nhạo là con hoang và gọi là Tommy Boy, là cái tên gọi những con hoang được sinh ra từ những cuộc tình qua đường giữa phụ nữ Đức và lính Anh trên lãnh thổ Đức. Và thế là cái tên Tommy Boy luôn ám ảnh Gunther cho đến bây giờ. Cuộc tình ngắn ngủi giữa bà với Philip Mounbatten chỉ có mẹ bà tên Rosemary Rosenbaum biết.

Năm 1998, trước khi qua đời, bà Marie Karoline mới tiết lộ cho Gunther biết về người cha ruột của mình. Lúc đầu Gunther không tin những gì mà mẹ mình trăng trối trước khi lâm chung nhưng khi người bà Rosemary Rosenbaum khẳng định đó là sự thật thì Gunther quyết định sẽ đến Anh để nhận cha ruột của mình. Năm 2001, Gunther chuyển hẳn đến sinh sống tại Anh và xin làm việc tại một cửa hàng điện tử nhỏ ở thủ đô London. Sau đó, ông bắt đầu gửi thư đến điện Buckingham cho Hoàng tế Philip nêu rõ nguồn cơn với mong ước được nhận mặt người cha ruột của mình. Thế nhưng suốt một thời gian dài Gunther chỉ nhận được sự im lặng đáng sợ và cả đe dọa từ điện Buckingham. Điện Buckingham còn yêu cầu Gunther không được công khai cho các phương tiện truyền thông biết về bí mật này nếu không sẽ bị trục xuất về lại Đức.

Vào tháng 6/2005, một lần nữa, Gunther lại viết thư yêu cầu xin được nhận cha và đề nghị được xác định huyết thống bằng phương pháp xét nghiệm và phân tích ADN. Thế nhưng đề nghị này của Gunther một lần nữa lại bị điện Buckingham cự tuyệt.

Bất đắc dĩ, Gunther Focke phải dùng biện pháp cuối cùng là đánh động dư luận bằng cách công khai mối quan hệ huyết thống của mình với Hoàng tế Philip qua cuốn tự truyện có nhan đề "Tommy Boy", kèm theo là việc cho công bố công văn yêu cầu Gunther không được công khai vụ việc trước công chúng của điện Buckingham, những bức ảnh chứng minh những nét rất giống nhau giữa Gunther, Thái tử Charles và Hoàng tế Philip.

Phát biểu trước các phương tiện truyền thông sau khi cuốn tự truyện "Tommy Boy" được phát hành, Gunther Focke cho biết: “Tôi không muốn làm ảnh hưởng đến uy tín của Hoàng gia Anh, thế nhưng tôi buộc phải công khai sự thật về mối quan hệ huyết thống với Hoàng tế Philip vì thái độ không đúng mực của Hoàng gia. Không biết Hoàng tế Philip ngại ngùng gì mà không nhận tôi là con? Tôi không màng đến việc ông ta là Hoàng thân của một quốc gia và chỉ muốn ông ta xác nhận chính ông ta là cha của tôi để tôi có thể biết rằng tôi cũng có một người cha trên đời. Đó chính là đạo lý làm người”

Văn Hòa (theo Globe)
.
.