Tính cách Tổng thống Venezuela Hugo Chavez (tiếp theo và hết)

Thứ Bảy, 25/07/2009, 10:15
Năm 17 tuổi, chàng thanh niên Hugo tòng quân rồi sau đó ghi danh vào Học viện Quân sự Venezuela (Academia Militar de Venezuela) để được đào tạo thành sĩ quan. Anh còn học cả Khoa Chính trị tại Trường đại học Simon Bolivar (Universidad Simón Bolivar) ở Caracas.
>> Tính cách Tổng thống Venezuela Hugo Chavez

Đây là giai đoạn quan trọng cho việc hình thành tư tưởng cách mạng đã manh nha từ thuở thiếu thời ở Chavez. Anh đã sớm tìm hiểu về cuộc đời, tư tưởng và tác phẩm của Simón Bolivar, một nhân vật được sùng bái không những ở Venezuela mà còn ở cả Mỹ Latinh, được tôn vinh là El Libertador, Người đem lại Tự do.

Từ thời trung học, Hugo đã chơi thân với hai anh em nhà Ruiz, con của Jose Ruiz, một đảng viên Cộng sản từng bị giam cầm dưới chế độ độc tài của Marcos Pérez Jiménez (1952-1958). Hugo đã được đọc những cuốn sách đầu tiên về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản từ tủ sách nhà anh em Ruiz.  

Tại Học viện Quân sự, Hugo đã cùng các bạn tâm giao lập thuyết cho một xu hướng quốc gia chủ nghĩa thiên tả mà họ mệnh danh là bolivarianismo (chủ nghĩa Bolivar), trong đó nòng cốt là tư tưởng của  Bolivar, cộng với ảnh hưởng của sử gia mác-xít Federico Brito Figueroa, rồi của Fidel Castro, Salvador Allende, Che Guevara và một số người khác. Đây chính là tư tưởng chỉ đạo cuộc cách mạng mà Hugo Chavez  gọi là chủ nghĩa xã hội của thế kỷ XXI (Socialismo del siglo XXI).

Với sự ủng hộ của nhân dân, Tổng thống Hugo Chavez thực hiện các cuộc cải cách chính trị, kinh tế, xã hội nhằm đem lại quyền lợi cho các tầng lớp nghèo khổ của đất nước. Ba triệu hécta đất đai đã được chia cho nông dân; mấy ngàn trường học và bệnh viện miễn phí đã được xây dựng ở những vùng bị thiệt thòi nhất để thanh toán nạn mù chữ và diệt trừ các bệnh nhiễm trùng.

Các hệ thống tín dụng vi mô được thành lập để tạo thuận lợi cho việc phát triển các xí nghiệp nhỏ không đủ điều kiện thế chấp để vay mượn ngân hàng. Số giờ làm việc trong tuần giảm từ 44 còn 36 và lương tối thiểu thì cao nhất Mỹ Latinh sau Costa Rica. Tỉ lệ nghèo khó giảm 5%, từ 42,8% còn 37,9%.

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki.

Nói chung, để lấy lợi nhuận làm kinh phí cho các chương trình xã hội rộng lớn và lâu dài, nhiều mảng trọng yếu trong nền kinh tế đã được quốc hữu hóa: năng lượng, ngân hàng, viễn thông, điện lực, các công ty dầu hỏa, các nhà máy thép, các xí nghiệp lương thực thực phẩm, ngành sản xuất sữa, ngành sản xuất ximăng, v.v...

Những biện pháp cách mạng quyết liệt này khiến cho các công ty đa quốc gia, đám tân bảo thủ và tân tự do cùng với các tầng lớp trên của Venezuela chống đối kịch liệt. Chính là nhờ những biện pháp này mà xã hội Venezuela đã thay đổi một cách sâu sắc.

Theo điều tra và thống kê của UNDP (Chương trình Phát triển của Liên Hiệåp Quốc), chỉ trong nhiệm kỳ đầu tiên của Chavez (1999-2005), tỉ lệ những người cực nghèo (khác với nghèo khó nói chung) ở Venezuela đã giảm từ 17% xuống còn 8,3%; chỉ số phát triển về con người (IDH) tăng từ 0,69 (trung bình) lên 0,81 (cao); tỉ lệ tử vong ở trẻ em giảm từ 24,4 còn 17 trên 1.000 và UNESCO tuyên bố Venezuela đã thanh toán nạn mù chữ.

Ta thường nhìn thấy hình ảnh một Hugo Chavez tráng kiện và năng nổ, tưởng chừng như ông chỉ thích hợp với những công việc và kế hoạch to lớn. Nhưng không, Chavez còn là một con người rất tế nhị nữa, tế nhị trong tình cảm và tế nhị cả trong việc phân biệt chữ nghĩa. Khi Barbara Walters mạnh dạn gợi ý về chuyện riêng tư thì Chavez hơi mơ màng: "Tôi cũng có nghĩ đến chuyện yêu đương đấy chứ; nhưng ta không thể... khi ta đang đứng đầu một đất nước...".

Khi Sean Penn hỏi về sự khác nhau giữa Castro và Chavez thì Chavez nói rõ: "Fidel là người Cộng sản còn tôi thì không. Tôi là người xã  hội-dân chủ. Fidel là nhà Mác-xít Lê-nin-nít còn tôi thì không. Fidel thì vô thần còn tôi thì không (...). Với tôi, Castro là một vị giáo sư, một bậc thầy. Không phải về hệ tư tưởng, mà về chiến lược". Và thật là cảm động khi Chavez quan tâm đến tình cảm và nguyện vọng của người dân thường như chuyện đi ăn nhà hàng với người yêu.

Nhận thấy giá cả ở các khách sạn và nhà hàng tăng gấp đôi trong tháng 2/2009, Chavez đã nói trong buổi truyền hình hàng tuần Alo Presidente ngày 8/3: "Tôi sẽ phải lập nhà hàng cho người dân. Bạn muốn dùng bữa dưới ánh nến với bạn gái trong ngày Tình yêu ư? Các nhà hàng Chavez sẽ đem đến cho các bạn một buổi tối tuyệt vời. Có nến. Có rượu. Rượu Venezuela  hay Chile, hay Brazil? Tất cả những gì bạn cần. Phục vụ chu đáo, với những gì tốt nhất. Và ở bên sông, ở bãi biển hay lưng chừng đồi".

Tổng thống Hugo Chavez rất có duyên chào hàng, như đã có nói khi giới thiệu chiếc điện thoại El Vergatario. Mà chiếc El Vergatario thì cũng nằm trong kế hoạch phục vụ người nghèo của Chavez. Trong một dịp khác, Chavez đã nói: "Nước ta là một trong những nước tiêu thụ nhiều whisky nhất tính theo đầu người. Ta phải xấu hổ về điều này".

Chavez không chấp nhận cái thói người dân sặc sụa mùi bia ở ngoài đường. Ông ra lệnh ngăn chặn việc bán cái thứ nước này ở ngoài đường, đặc biệt là ở các khu ổ chuột. Ông luôn luôn nhắc người dân của mình hạn chế tối đa ảnh hưởng của lối sống Mỹ.

Ông công kích mạnh mẽ những thói hư tật xấu do nó gây ra. Ông khuyên các bậc phụ huynh không nên tặng búp bê Barbie cho con cái cũng như không nên cho con gái bơm ngực, độn ngực. Nhắc đến việc này, Chavez nói: "Thật là đáng kinh tởm! Đây là biểu hiện của sự suy đồi". Chavez tuyên bố tăng thuế đối với rượu nhập khẩu, ôtô hạng sang và các tác phẩm mỹ thuật.--PageBreak--

Tư bản và đế quốc làm sao yên vui được trước các biện  pháp cách mạng quyết liệt của Chavez? Với cái nhìn đầy ác cảm, truyền thông của chúng - nắm và phân phối 90% lượng thông tin trên thế giới - thường mô tả Chavez là một “tên độc tài” ồn ào, chộn rộn. Thật ra, ông là một con người đầy nhiệt tình và dĩ nhiên là rất dân chủ.

Barbara Walters, cây cổ thụ trong làng truyền hình phỏng vấn của Mỹ, từng phỏng vấn nhiều nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, đã bị nhiều kẻ công kích chỉ vì đã phỏng vấn Chavez và bày tỏ thiện cảm với ông. Trả lời cho một trong những kẻ công kích mình là Martin Bashir, Barbara đã nói thẳng:

- Ông ấy không như tôi đã nghĩ. Ông ấy rất cao thượng. Ông ấy niềm nở, thân mật. Ông ấy quý trọng nước Mỹ. George Bush mới là người mà ông ấy không quý trọng.

Chavez quý trọng những nhân vật thuộc các ngành nghề và tầng lớp khác nhau, đến từ nước Mỹ hoặc các nước tư bản khác để gặp ông, mặc dù họ không chính thức thuộc cánh tả (nghĩa là không phải những người "cùng phe"): Barbara Walters, Greg Palast, Sean Penn, Oliver Stone, Naomi Campbell, Shakira, và ngày 25/4/2009, danh ca khiếm thị người Italia Andrea Bocelli và vợ là Veronica Berti, và những người khác.

Ông tiếp họ một cách chân tình, như những người bạn đã từng quen. Khi siêu mẫu Naomi Campbell của Anh đến Caracas gặp Chavez để làm một cuộc phỏng vấn cho nguyệt san GQ (2/2008), ông đã đích thân hướng dẫn cô đi thăm một số nơi cần thiết và đã giành được sự ngưỡng mộ của người đẹp này. Naomi nói cô muốn tự mình thẩm định lại hình ảnh "vị tổng thống của nhân dân".

Cô đoan chắc rằng người dân Venezuela cảm thấy hạnh phúc hơn trước đó 10 năm, khi cô đến thăm Venezuela lần đầu. Cô nói cô tin chắc rằng Tổng thống Chavez sẽ giữ đúng những lời cam kết của mình (với nhân dân). Rồi Naomi gọi Chavez là "thiên thần nổi loạn" (rebel angel).  

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và Tổng thống Iran M.Ahmadinejad.

Với Greg Palast thì cũng là một sự chân tình như thế. Xem video clip, ta có thể ngỡ hai người đã thân nhau từ lâu. Trong một cảnh nhìn từ xa, ta thấy Chavez và Palast đùa với nhau: Palast giở chiếc mũ đang đội trên đầu của mình ra rồi đặt vào đầu Chavez; vài giây sau, Chavez gỡ mũ ra rồi đội trở lại cho Palast.

Không có cái khoảng cách giữa một vị tổng thống với một nhà báo; chỉ có cái tình của hai người bạn. Mục đích của cuộc gặp (6/2006) thực ra là để Palast phỏng vấn Chavez (cho tờ The Progressive  của Mỹ). Cảm tình của Palast đối với Chavez, cũng như sự nói thật, nói thẳng của ông trong nhiều chuyện khác, làm cho Palast bị báo chí bảo thủ cũng như một bộ phận xã hội Mỹ thù ghét.

Sean Penn cũng vậy. Diễn viên kiêm đạo diễn hai lần (2004, 2009 ) đoạt Giải Oscar nam diễn viên xuất sắc nhất này cũng bị thù ghét và gièm pha chỉ vì "chơi" với Chavez. Trong một lần đến thăm Venezuela, Sean Penn đã được Chavez tự tay lái xe chở đi tham quan và đã dành cho gần như hai ngày liền.

Trong một cuộc tọa đàm truyền hình (talk show) cuối năm 2007, Sean Penn nói Chavez đã làm nhiều việc không tưởng tượng nổi cho 80% dân số, những người rất nghèo ở Venezuela. Sean cũng tuyên bố rằng Chavez làm cho đất nước mình nhiều việc tích cực hơn là tiêu cực. 

Nói chung, ai đã được trực tiếp gặp Chavez rồi thì rất dễ có cảm tình với ông. Ở đây, xin nói đến Siêu sao một thời của bóng đá thế giới là Diego Maradona. Tháng 4/2005, Maradona đã có mặt ở Venezuela để chủ trì lễ khai mạc Giải vô địch bóng đá U15 Nam Mỹ diễn ra tại Maracaibo từ ngày 1 đến ngày 17.

Ngày 31/3, sau bữa tiệc trưa, “cậu bé vàng” tuyên bố với các nhà báo: "Tôi yêu phụ nữ, nhưng hôm nay, tôi đã phải lòng người khổng lồ Chavez". Maradona nói: "Tôi xác định mình sát cánh với cuộc cách mạng của Chavez (...).

Sau khi nhìn thấy nhiều ông tổng thống vỗ ngực xưng tên mà thực tế là những kẻ giết người và gây chiến, tôi cho rằng ta sẽ yên bình vì có được một Chavez không chỉ cho Venezuela mà cho tất cả các nước (Nam Mỹ) chúng ta". Còn Chavez thì nói rằng ông rất vui mừng thấy Maradona khỏe khoắn hơn và đã giảm được 15kg.

Hành động cách mạng của Chavez làm cho ông được kẻ ghét, người yêu rành mạch, rõ ràng. Một phóng viên nước ngoài nhận xét rằng, nếu hỏi về thái độ và tình cảm của người dân đối với Chavez, ta sẽ không bao giờ nhận được kiểu trả lời ngập ngừng, nửa vời. Luôn luôn dứt khoát: yêu hoặc ghét, đâu ra đó.

Ghét Chavez là những kẻ giàu có và phần lớn tầng lớp trung lưu. Còn đối với những người nghèo, Chavez lại là một vị thần, họ ủng hộ ông vô điều kiện. Với những người này, Chavez là một Ngôi sao. Nhưng hơn tất cả các ngôi sao, ngôi sao bóng đá, ngôi sao ca nhạc, ngôi sao điện ảnh,... Chavez là ngôi sao của Cách mạng Bolivarian trên bầu trời Venezuela, là ngôi sao chiếu mệnh của từng người dân nghèo khổ của đất nước Venezuela.

Họ bảo vệ Chavez. Chẳng thế mà hồi tháng 4/2002, khi bọn tài phiệt và bọn quả đầu, với sự hà hơi tiếp sức của CIA, tổ chức lật đổ Chavez, thì họ đã biểu tình rầm rộ, ồ ạt, đòi phục chức cho ông và trả ông về dinh Miraflores. Và rồi Chavez đã trở về sau chưa đầy 48 tiếng đồng hồ, còn Pedro Carmona, Tổng thống 24 giờ, thì cuốn gói

An Chi
.
.