Tổ chức du kích Zapatista từ bỏ bạo lực tham gia chính trường

Thứ Tư, 06/09/2017, 11:14
Ở Mexico, Zapatista được xem là tổ chức du kích nổi dậy hùng mạnh nhất trong vòng 100 năm qua. Phương châm đấu tranh của phong trào du kích Zapatista là lấy bạo lực làm hình thức đấu tranh chủ yếu; dùng bạo lực để thay lời nói. Mục tiêu cao nhất của phong trào này là giành lấy công bằng, công lý cho người da đỏ bản xứ.

“Ở Mexico, làm một người bản xứ có nghĩa là chỉ được xem như một nửa con người, và nếu bạn là phụ nữ thì giá trị càng thấp hơn” - Maria de Jesus Patricio Martinez, người dân tộc Nahua, ứng cử viên Tổng thống Mexico nhiệm kỳ tới, chia sẻ.

Tổ chức Zapatista ra đời vào ngày 17-11-1983, ban đầu gồm những thành viên là du kích quân FLN của ông César Germán Yánez Munoz, không phải người da đỏ, từ miền Bắc Mexico đứng ra sáng lập. Địa bàn hoạt động ban đầu của Zapatista ở miền đông tỉnh Chiapas. Trong hơn 10 năm đầu, Zapatista từng bước lớn mạnh, dần dần thu hút những nông dân người da đỏ bản xứ tham gia.

Đến nay, thành phần của tổ chức Zapatista chủ yếu là người da đỏ bản xứ. Người duy nhất không phải người da đỏ là phó chỉ huy Marcos, năm nay 60 tuổi. Ông có cha người da đỏ, mẹ người Tây Ban Nha.

Lần đầu tiên Zapatista gây chú ý trong xã hội Mexico và cả trên thế giới là vào ngày 1-1-1994. Đó là ngày Hiệp ước Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực. Zapatista ra Tuyên bố thứ nhất và Luật Cách mạng, chính thức triển khai các hoạt động chống lại hiệp ước.

Trong bản tuyên bố, Zapatista đưa ra phương châm hành động lấy bạo lực quân sự làm phương tiện đấu tranh cho mục tiêu cách mạng. Lực lượng Zapatista đã tổ chức một cuộc tấn công quân sự vào một số thị trấn của tỉnh Chiapas và tuyên bố chiến tranh chống lại nhà nước Mexico.

Từ mục tiêu ban đầu là “tổ chức một phong trào cách mạng chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa tân tự do”, nhưng sau hơn 10 năm đấu tranh không đạt được mục tiêu này, Zapatista chuyển hướng gây chú ý và kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm đến cuộc đấu tranh của họ nhằm chống lại việc ký kết NAFTA.

Zapatista cho rằng, Hiệp ước NAFTA sẽ làm tăng khoảng cách giàu nghèo và bất công trong xã hội Mexico, đặc biệt là sự bất công đối với người da đỏ bản xứ. Tổ chức này yêu cầu nhà nước Mexico phải công nhận và bảo vệ quyền, lợi ích của người da đỏ bản xứ. Sự vùng dậy, sử dụng bạo lực vũ trang gây ra nhiều vụ tấn công đẫm máu, với lời kêu gọi thực thi công bằng xã hội cho người da đỏ bản xứ đã buộc chính quyền Mexico phải nhìn lại lịch sử bất công đối với người da đỏ bản xứ.

Lực lượng du kích Zapatista với chiếc khẩu trang che mặt quen thuộc.

Sau 12 ngày đối đầu căng thẳng giữa quân đội chính phủ và quân Zapatista, hai bên đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn này bị phá vỡ ngay sau đó khi Tổng thống lúc đó là Ernesto Zedillo phát lệnh bắt giam đối với các thành viên nổi bật của Zapatista, kể cả phó chỉ huy Marcos. Zapatista bắt đầu mở rộng lực lượng mạnh mẽ.

Phó chỉ huy Marcos lên yên ngựa đi khắp vùng Chiapas kêu gọi mọi người tham gia ủng hộ Zapatista, và hàng đoàn người đã nhiệt tình hưởng ứng. Trên thế giới, một số quốc gia, tổ chức vì quyền con người đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh của Zapatista, hoan nghênh cuộc đấu tranh chính nghĩa của người da đỏ bản xứ trong thời kỳ “hậu cận đại”.

Sau sự vùng lên mạnh mẽ này, bắt đầu diễn ra tiến trình đàm phán đầy chông gai, dẫn đến Hiệp ước San Andrés được ký kết vào năm 1996. Hiệp ước này đưa ra lời hứa rằng Chính phủ Mexico sẽ sửa đổi hiến pháp theo hướng trao cho các cộng đồng da đỏ bản xứ quyền tự trị có giới hạn, chẳng hạn như quyền bầu ra các hội đồng địa phương để quản lý vùng đất của mình.

Tuy nhiên, hiến pháp sửa đổi được thông qua vào năm 2001 lại không đưa vào quyền tự trị quản lý các vùng lãnh thổ của người da đỏ bản xứ, dẫn đến việc Zapatista cắt mọi quan hệ với chính phủ cũng như các đảng phái chính trị ở Mexico. Thế rồi sau đó, Zapatista bỗng mất lửa, giảm dần động lực đấu tranh.

Lực lượng du kích này dần biến mất khỏi tầm quan sát của dư luận, rút trở vào căn cứ đóng quân trong khu rừng Lacandon và âm thầm tự tổ chức các cộng đồng tự trị, không cấn quan tâm đến chính phủ trung ương ở Mexico City.

Trong những năm tiếp theo, các khu tự trị da đỏ bản xứ đó tự mình xây dựng và cung cấp các hệ thống giáo dục, y tế. Sự kiểm soát an ninh của các khu tự trị này vô cùng chặt chẽ, đến nỗi bọn tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức khác không dám bén mảng, vì chỉ cần một người lạ mặt xuất hiện là bị “hỏi thăm” và đuổi đi ngay lập tức nếu là đối tượng tội phạm.

Đây là lý do mặc dù tội phạm ma túy đang hoành hành dữ dội ở khắp Mexico, nhưng ở các khu tự trị do Zapatista kiểm soát hầu như không có bóng dáng của bọn chúng. Bạo lực do tội phạm ma túy gây ra hiện đang là vấn nạn lớn nhất Mexico, với số thương vong cao nhất, khoảng 100.000 người chết và 40.000 người mất tích kể từ khi nổ ra cuộc chiến chống tội phạm ma túy cách đây 10 năm.

Cách đây 3 năm, phó chỉ huy Marcos đã có một bài phát biểu trong đó ông nêu ra những suy tư, trăn trở của mình về tương lai của đội quân Zapatista. Cũng trong bài phát biểu đó, phó chỉ huy Marcos đã đặt nền móng cho một hướng đi mới của Zapatista hôm nay. “Chúng ta chọn cuộc sống, không phải cái chết. Thay vì xây dựng các công sự và củng cố kho vũ khí, chúng ta nên xây dựng trường học, bệnh viện, và cải thiện cuộc sống của chúng ta” - phó chỉ huy Marcos nói.

Và một sự thay đổi lớn đã diễn ra trong hàng ngũ Zapatista, ngay cả phó chỉ huy Marcos cũng thế. Ông không còn lấy tên gọi “Marcos” nữa mà đổi sang tên “Galeano”. Ông tuyên bố “con người Marcos đã chết. Bây giờ không còn cần đến nữa”.

Từ bỏ bạo lực là từ bỏ một đặc thù đấu tranh của Zapatista. Nhưng các lãnh đạo Zapatista không còn sự lựa chọn nào nào khác. Carlos Gonzalez, người phát ngôn của Đại hội Người da đỏ bản xứ Quốc gia (NIC) tuyên bố do tình trạng bạo lực ma túy ở Mexico hiện nay đã vượt quá giới hạn cho phép, cho nên bạo lực vũ trang không còn là lựa chọn của Zapatista nữa.

Chính trị là con đường tốt nhất hiện nay. Và để có thể tiếp tục thúc đẩy vấn đề quyền lợi của người da đỏ trong xã hội Mexico, Zapatista đã chọn ủng hộ ứng cử viên tổng thống Maria de Jesus Patricio Martinez.

An Châu (tổng hợp)
.
.