Toan tính thực dụng của nước Mỹ: Song phương về kinh tế, đa phương về an ninh

Thứ Tư, 03/01/2018, 13:48
Từ khi bắt đầu nhậm chức Tổng thống Mỹ, bằng sự khác biệt của một tỷ phú bước vào chính trường. Ông Donald Trump đã gây chấn động toàn thế giới bằng khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, thực sự làm xáo trộn toàn bộ trật tự thế giới đa phương. Ông D.Trump muốn giải quyết bài toán lợi ích thông qua đàm phán song phương. Song, sự thật không hoàn toàn như thế.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là minh chứng, nước Mỹ muốn song phương về kinh tế, nhưng lại đa phương về an ninh để gặt hái lợi ích theo cách của mình.

Một người có thể đảo lộn thế giới?

Khi 1 năm cầm quyền đầu tiên của ông chuẩn bị khép lại, nước Mỹ và những đồng minh đang quá mệt mỏi bởi chính sách từ nước Mỹ đang khiến họ phải đối mặt với không ít cuộc khủng hoảng ngày càng leo thang, đẩy thế giới vào nguy cơ những cuộc xung đột nghiêm trọng mới.

Trang mạng trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS, Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore) mới đây đăng bài bình luận của 2 phó giáo sư Chia-yi Lee và Su-Hyun Lee thuộc Trung tâm Nghiên cứu đa phương của trường này cho rằng ông Trump đã chỉ trích và tấn công mạnh mẽ các đối tác thương mại của Mỹ và với chính hệ thống thương mại đa phương đang tồn tại hiện nay.

Ông đổ lỗi các quốc gia đã đe dọa nền tảng trao đổi thương mại khi tham gia vào các quy tắc, luật lệ thiếu công bằng, như “phá giá hàng hóa, hàng hóa được trợ giá, thao túng tiền tệ hay chính sách công nghiệp bóc lột”.

Ông Trump cũng đã thể hiện sự không tin tưởng sâu sắc đối với hệ thống thương mại đa phương hiện tại khi nói rằng: “Những gì chúng tôi sẽ không làm nữa chính là việc tham gia vào các thỏa thuận lớn mà trói tay chúng tôi, nhân nhượng chủ quyền, và khiến cho những quy định bắt buộc đầy ý nghĩa trở nên bất khả thi”.

Ngụ ý này không giống với những tổng thống tiền nhiệm của ông Trump, những người đã đặt các giá trị và lợi ích của Mỹ hiện thân trong các thỏa thuận thương mại đa phương, ông Trump sẽ chủ yếu dựa vào chủ nghĩa song phương trong việc tái định hình các mối quan hệ thương mại của Mỹ với các quốc gia khác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chấn động toàn thế giới bằng khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”. Ảnh: CNN.

Câu hỏi đặt ra là nếu ông Trump muốn thoát khỏi một hệ thống thương mại thiếu công bằng, thì ông sẽ làm cách nào để có thể thoát khỏi tình trạng hiện nay? Nước Mỹ không thể có câu trả lời chính xác. Dường như phát biểu của ông Trump chứa đựng sự trái ngược trong chính sách: chủ nghĩa kinh tế song phương và chủ nghĩa an ninh đa phương.

Ông Trump đã nhấn mạnh lại quan điểm “Nước Mỹ trên hết” khi đề cập đến vấn đề thương mại, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác đa phương đối với các vấn đề an ninh, như vận động sức ép toàn cầu chống lại Triều Tiên hoặc thiết lập “tứ giác” Mỹ-Úc-Ấn-Nhật trong chiến lược Ấn Độ Dương để kiềm chế các cường quốc mới nổi cũng như kiểm soát an ninh tại khu vực quan trọng nhất thế giới.

Người đại diện cho lập trường thoái lui

2 chính sách này cho thấy sự thiếu nhất quán và thiếu gắn kết trong đối ngoại của Mỹ dưới thời chính quyền Trump. Mặc dù việc mở rộng sự can dự của Mỹ tại châu Á là một bước đi khôn ngoan, nhưng ông Trump đã không thể tách bạch vấn đề thương mại với vấn đề an ninh. Trên thực tế, các vấn đề kinh tế và an ninh tác động qua lại chặt chẽ với nhau.

Chúng ta ngày càng thấy rõ rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đại diện cho lập trường thoái lui khi xét về tầm nhìn và hành vi toàn cầu của nước Mỹ. Kết quả là, nước Mỹ sẽ không còn đóng vai trò dẫn đầu quốc tế, điều đã định hình chính sách đối ngoại của nước này suốt ba phần tư thế kỷ qua, dưới thời các vị tổng thống cả Dân chủ lẫn Cộng hòa. Chúng ta đã và đang chứng kiến rất nhiều ví dụ cho sự thay đổi này.

Cam kết truyền thống của nước Mỹ đối với các tổ chức toàn cầu đã phải nhường chỗ cho ý tưởng “Nước Mỹ trên hết”. Các quan hệ đồng minh và những bảo đảm an ninh từng được coi là mặc nhiên thì giờ đây đang ngày càng mang tính chất có điều kiện, tùy thuộc vào lượng ngân sách mà các đồng minh chi cho quốc phòng và việc họ có bị coi là thu lợi bất công từ thương mại với Mỹ hay không.

Tuy nhiên, không nên lẫn lộn điều này với chủ nghĩa biệt lập. Nước Mỹ ngay cả dưới thời Trump vẫn sẽ tiếp tục đóng một vai trò có ý nghĩa trên thế giới. Mỹ đang sử dụng lực lượng quân sự của mình tại Trung Đông và Afghanistan, tăng cường sức ép ngoại giao lên Triều Tiên và đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico...

Dẫu vậy, bước chuyển từ một thế giới do Mỹ chi phối với các mối quan hệ có cấu trúc và các thể chế hiện hành sang một thế giới khác vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta vẫn chưa biết được thế giới mới sẽ như thế nào. Điều mà chúng ta biết đó chính là hiện không có một cường quốc thay thế nào có nguyện vọng và khả năng tiếp quản cũng như gánh vác vai trò của nước Mỹ.

Sân chơi mới cho những người khổng lồ trên Trái Đất

Trái ngược với Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu tại APEC đã miêu tả toàn cầu hóa như “một xu thế lịch sử không thể đảo ngược”. Ông Tập Cận Bình khuyến khích một “cơ chế và thực tiễn thương mại đa phương” nhằm giúp cho “các thành viên đang phát triển hưởng lợi nhiều hơn từ thương mại và đầu tư quốc tế”.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc coi toàn cầu hóa là “một đại dương lớn mà bạn không thể thoát ra được”, đồng thời phê phán chủ nghĩa bảo hộ như là “tự soi gương trong phòng tối”. Trong một năm đầy biến động, mang đến những thay đổi đánh dấu sự hình thành một thế giới bị chia rẽ. Khi những nước lớn như Mỹ thoái lui vào chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ hoặc đơn phương. Toàn cầu hóa đối mặt với "cơn gió ngược" về mặt chính trị, trong khi sự bất ổn và bất trắc lại hiện hữu.

Nhà báo Michael Martina của Reuters cho rằng trong năm qua, ông Tập đã định vị Trung Quốc như "người bảo trợ toàn cầu hóa" trong các bài phát biểu khắp thế giới. Thông điệp này của ông Tập hoàn toàn trái ngược với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump

Chuyên gia Nick Bisley của Strategist cho rằng các cơ chế đa phương ở châu Á như APEC chính là diễn đàn để các cường quốc thể hiện sự ganh đua về ảnh hưởng. Trong khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ không chấp nhận vấn đề “lợi dụng thương mại”, muốn xây dựng các thỏa thuận thương mại song phương, còn các thỏa thuận đa phương rộng mở không phát huy tác dụng với Mỹ thì Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết toàn cầu hóa là xu thế không thể đảo ngược, đây chính là một tầm nhìn về tương lai mà ở đó các nền kinh tế đảm bảo tính kết nối và toàn diện.

Chủ nghĩa đơn phương không phải công thức thành công của Mỹ

Viện Brookings mới đây đăng bài phân tích của bà Mireya Solís, chuyên gia về thương mại quốc tế và Đông Á, Viện Brookings cho rằng, sự phối hợp mang tính xây dựng giữa Mỹ với các đối tác nhằm hiện đại hóa các thỏa thuận thương mại là nỗ lực đáng giá nhưng nước này lại đang khiến cho việc tái đàm phán các thỏa thuận thương mại trở nên ngày càng khó khăn

Thực tế cho thấy, thời kỳ của ông Trump sẽ qua đi, chưa thể đoán được bao giờ Mỹ quay lại hoặc quay lại thế nào đối với TPP nhưng vai trò lãnh đạo của Mỹ đã giảm sút. Một số đối tác và đồng minh thân thiết của nước này đang cố gắng tạo nên những cơ hội thị trường mới mà không có Mỹ.

Các chuyên gia kinh tế nói rằng quyết định dịch chuyển khỏi các thỏa thuận thương mại đa phương sang các thỏa thuận song phương là một thay đổi lịch sử có thể có ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng và các công ty Mỹ. Việc dịch chuyển này có thể cho phép nước Mỹ đạt được những điều khoản có lợi hơn cho mình như những gì ông Trump và các quan chức chính quyền ông lập luận.

Tuy nhiên, sự dịch chuyển đó cũng có thể dẫn tới quy trình đạt thỏa thuận đầy phức tạp, khiến thương mại toàn cầu giảm tốc - một sự thay đổi rốt cục có thể làm cho thế giới trở nên nghèo hơn.

Người biểu tình Palestine phản đối tuyên bố của Tổng thống Mỹ về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ảnh: The Times of Israel.

“Ngoại giao đa phương điều hòa sự ngạo mạn”

Mỹ vẫn là nhân tố vô cùng quan trọng ở châu Á và vẫn có tiếng nói quyết định trong hàng loạt vấn đề đối với tương lai khu vực. Tuy nhiên, nếu Mỹ muốn tiếp tục đóng vai trò quan trọng ở châu Á thì Washington phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp với những thay đổi đang diễn ra ở châu Á.

Vấn đề thật đơn giản: Không có một cơ cấu an ninh tập thể hay hợp tác an ninh nào thay thế được Mỹ và các quan hệ liên minh của Mỹ ở khu vực này. Tuy nhiên, các thể chế đa phương không có Mỹ đang ngày càng trở thành đặc điểm chung của các vấn đề kinh tế - tài chính khu vực. Điều này sẽ gây bất lợi cho Mỹ và đi ngược lại mục tiêu của Mỹ trong khu vực.

Trong 8 năm qua, chủ thuyết về chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama là dựa vào quan điểm: dù Mỹ có thể hành động theo cách của riêng mình, nhưng Mỹ sẽ không nên làm thế. Ông Obama từng tuyên bố: “Ngoại giao đa phương điều hòa sự ngạo mạn”. Trong khi đó, người kế nhiệm ông, Tổng thống Donald Trump, lại chế giễu nhiều mối hợp tác quốc tế của ông Obama, đồng thời thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trên hết” của đảng Cộng hòa nhằm khẳng định nước Mỹ sẵn sàng hành động một mình.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Twitter ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) thông qua nghị quyết xử phạt các khu định cư của Israel ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, ông Trump viết: “LHQ có tiềm năng lớn nhưng hiện giờ, đây chỉ là một câu lạc bộ cho mọi người tụ họp, tán gẫu và có một khoảng thời gian vui vẻ”.

Ông Trump cũng thách thức tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trong chương trình nghị sự kinh tế của mình. Nhưng cả ông Trump và nước Mỹ vẫn chưa thể quên nhờ có cơ chế đa phương mà nước Mỹ và thế giới đã thoát hiểm khi xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ thế giới tháng 9-2008, phản ánh việc cộng đồng quốc tế áp dụng hành động tích cực để phối hợp khắc phục những thách thức mang tính toàn cầu, trong đó thể hiện nhiều vấn đề phức tạp và cũng báo trước việc sau khi khủng hoảng kết thúc, trật tự quốc tế mới sẽ dần xuất hiện.

Sau khi bước sang thế kỷ 21, toàn cầu hóa với động lực chủ yếu là phát triển khoa học thông tin và mối quan hệ kinh tế quốc tế ngày càng phát triển nhanh chóng, sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các nước và khu vực ngày càng sâu sắc, thế giới ngày càng hợp nhất, “làng trái đất” đã nghiễm nhiên hình thành.

Hiệu ứng về tính hai mặt của toàn cầu hóa ngày càng nổi bật, quan hệ giữa các nước ngày càng cùng có lợi hoặc cùng tổn thất. Đối mặt với sự tấn công nghiêm trọng của vấn đề khủng hoảng tiền tệ quốc tế và trái đất nóng lên, chủ nghĩa đơn phương cơ bản là không thể xử lý được, biện pháp giải quyết song phương hoặc ba bên chỉ đạt hiệu quả hạn chế. Vì thế, chủ nghĩa đa phương và sự lãnh đạo chung của thế giới ngày càng tăng lên, các nước cùng bắt tay đối phó đã trở thành xu thế lớn.

Chính quyền Obama của Mỹ ra đời trong khủng hoảng tiền tệ, để thoát khỏi khó khăn cả bên trong và bên ngoài do chủ nghĩa đơn phương nhiệm kỳ trước gây ra, chính quyền đã điều chỉnh lớn chiến lược đối nội và đối ngoại, chủ động thuận theo trào lưu chủ nghĩa đa phương, tích cực thúc đẩy dựa vào cơ chế đa phương quốc tế, nhấn mạnh sức mạnh mềm mà nội dung quan trọng là sự hợp tác phối hợp giữa các nước lớn, ở một mức độ rất lớn cũng có tác dụng thúc đẩy cơ chế đa phương.

Đối mặt với ngày càng nhiều thách thức mang tính toàn cầu, nhiều cơ chế quốc tế thiết lập sau Thế chiến 2 đã không còn thích hợp, cái thì thiếu sức mạnh, cái thì mất hiệu quả và đều bộc lộ khiếm khuyết ở các mức độ khác nhau. Các cơ chế đa phương khác cũng tồn tại các vấn đề khác nhau. Điều chỉnh cơ chế đa phương “nước lớn cùng lãnh đạo” đang là xu thế tất yếu và có hiệu quả. Ví dụ như việc cải tổ các thể chế lớn trên thế giới; cùng giải quyết vấn đề Triều Tiên; Jerusalem hay chống chủ nghĩa khủng bố...

Sự phát triển của cơ chế đa phương mang tính toàn cầu trong tương lai sẽ thể hiện 2 xu hướng lớn: Một là cơ chế khác nhau vừa bổ sung vừa cạnh tranh, ưu thế và sự thay thế của cơ chế mới không ngừng gia tăng, một số cơ chế đa phương bao gồm địa vị tương đối bình đẳng, quy mô phù hợp và hiệu quả cao giữa các nước lớn đang phát triển mới nổi sẽ có sức cạnh tranh và tính thích nghi mạnh hơn; hai là cơ chế đa phương có tính chuyên nghiệp và chức năng nhằm vào những thách thức mang tính toàn cầu đặc biệt sẽ càng thịnh hành hơn, còn cơ chế tổng hợp bao bọc toàn diện sẽ ảnh hưởng ít đi, cộng đồng quốc tế sẽ xuất hiện xu thế hướng đến các cơ chế trong các lĩnh vực khác nhau cùng cạnh tranh phát triển, tính chuyên nghiệp trong lãnh đạo thế giới ngày càng mạnh lên.

Hoa Huyền
.
.