Italia:

Tổng bí thư Đảng Cộng sản được bầu làm Chủ tịch Hạ viện

Thứ Sáu, 12/05/2006, 08:00

Liên minh của Thủ tướng mới đắc cử Romano Prodi lại tiếp tục giành thêm một thắng lợi quan trọng nữa, sau khi các ứng cử viên do họ đưa ra đối với cương vị Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện đều đã được Quốc hội phê chuẩn. Điều đáng chú ý là thủ lĩnh kỳ cựu của Đảng Cộng sản Italia Fausto Bertinotti sẽ lên nắm chiếc ghế chủ tịch Hạ viện nước này.

Quyết định gây bất ngờ và nhiều tranh cãi được đưa ra vào cuối tuần trước, sau những cuộc tranh luận gay gắt bên trong nội bộ Liên minh trung tả Unione của Prodi, cũng như sự rút lui của một ứng cử viên khác vào cương vị này là thủ lĩnh đảng Dân chủ cánh tả Massimo D'Alema...

Theo luật pháp Italia, các ứng cử viên vào cương vị chủ tịch cả hai viện trong Quốc hội là do liên minh giành thắng lợi trong cuộc bầu cử trước đó đề xuất, trước khi được Quốc hội thông qua. Thông thường, việc phê chuẩn này hầu như không gặp khó khăn gì. Đối với chiếc ghế chủ tịch Hạ viện, thủ lĩnh liên minh Romano Prodi trước đó còn phân vân về khả năng lựa chọn giữa thủ lĩnh đảng Dân chủ cánh tả Massimo D'Alema và Tổng bí thư đảng Phục hưng Cộng sản (PRC - Party of Communist Refoundation) Fausto Bertinotti. Ban đầu, Prodi có phần nghiêng về nhân vật D'Alema. Nguyên nhân đầu tiên là cho dù đảng này từng có thời gian tách ra khỏi đảng Cộng sản, nhưng lại có đường lối phù hợp với quan điểm chính trị của Prodi. Thứ hai, D'Alema từng có 2 năm kinh nghiệm lãnh đạo nội các trung tả trước đây. Tuy nhiên, sự ủng hộ rất quan trọng của Fausto Bertinotti đối với Prodi trong giai đoạn tranh cử đã khiến ông ta phải coi trọng đảng viên Cộng sản kỳ cựu này, cho dù trước đó vào năm 1988, chính Fausto đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của ông Prodi. Trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, Đảng Cộng sản của Fausto Bertinotti đã giành được tỉ lệ số phiếu bầu, lần lượt là 5,8% và 7,4% vào Hạ viện và Thượng viện.

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Italia. Fausto Bertinotti được đánh giá là một chính trị gia uyên bác và lịch thiệp, đồng thời cũng là người rất kiên quyết về quan điểm bảo vệ quyền lợi cho người dân lao động. Hiện Bertinotti đang có dự định sẽ đấu tranh để thay đổi toàn bộ (hoặc một phần) đạo luật lao động hiện hành, trong đó không cho phép sa thải nhân viên nếu không có lý do chính đáng.

Dù sao, quyết định chọn Fausto Bertinotti vào cương vị Chủ tịch Hạ viện đã gây ra không ít chống đối trên chính trường Italia. Nhiều người cho rằng, sự kiện bất ngờ này sẽ gây ra nhiều bất đồng trong hàng ngũ liên minh trung tả. Thủ tướng mới thất cử Berlusconi cũng tận dụng cơ hội này để lên án ông Prodi là “con tin của các quyền lợi chính trị từ phe cánh tả trong liên minh của mình”, rằng đất nước Italia trong tương lai sẽ “do những người cộng sản lãnh đạo”.

Dù thế nào, Romano Prodi vẫn bày tỏ lập trường kiên quyết đối với các quyết định của mình, đồng thời hứa hẹn về những thay đổi lớn nữa trong giai đoạn lập pháp, giám sát sắp tới (cho dù chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn do tỉ lệ số ghế chênh lệch trong Quốc hội không cao). Trước mắt, Prodi tuyên bố sẽ xem xét lại ngân sách quốc gia đã được chính phủ của thủ tướng tiền nhiệm của Berlusconi soạn thảo - một biện pháp nhằm ngăn chặn những khó khăn nảy sinh trong chi phí cho các nhu cầu xã hội. Liên minh cầm quyền của Prodi sẽ còn phải tính đến một loạt những “thử thách” sắp tới trên chính trường Italia, mà đầu tiên là việc bầu chọn tổng thống vào tháng 5 này. Sau khi Tổng thống sắp mãn nhiệm Carlo Ciampi kiên quyết từ chối ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa, hiện vẫn chưa tìm được ứng cử viên sáng giá nào có thể nhận được sự ủng hộ của đa số phe cánh chính trị.

Trong một tuyên bố cách đây không lâu, thủ lĩnh đảng Cộng sản Fausto Bertinotti đã chính thức đề xuất thủ lĩnh đảng Dân chủ cánh tả Massimo D'Alema (cũng là cựu đảng viên Cộng sản) vào cương vị này

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.