Tổng thống Ai Cập đau đầu trước xung đột tôn giáo

Thứ Ba, 23/04/2013, 20:40

Khởi đầu là một sự kiện bình thường nhưng đã nhanh chóng chuyển thành xung đột tôn giáo. Sự việc này một lần nữa cho thấy sự mong manh của chính quyền Ai Cập hậu Mubarak. Tối 5/4 vừa qua, một vụ xô xát đã diễn ra sau khi vài đứa trẻ vẽ dấu thập ngược ở mặt tiền một cơ sở Hồi giáo tại thành phố Al-Khoussous ở phía bắc Cairo. Vụ việc đã nhanh chóng biến chuyển xấu và được giải quyết trong tiếng súng: 4 người Thiên Chúa giáo và 1 người Hồi giáo thiệt mạng.

Đám tang được tổ chức tại thánh đường Saint-Marc ở Cairo, nơi đặt trụ sở của Giáo hội Chính thống giáo Copte, và chuyển sang màu sắc chính trị. "Đả đảo chính quyền!" - các tín đồ vừa khiêng quan tài vừa hô to trong khi những người khác hò hét: "Xuống đi! Xuống đi!" (nhắm đến Tổng thống Mohamed Morsi). Bị một nhóm người lạ tấn công bằng bom xăng và đá, nhóm người Copte lui về tụ họp trước thánh đường rồi phản công.

Từ trên tầng cao họ ném bom xăng và gạch đá xuống đám người bao vây. Họ hô to: "Bằng máu, bằng linh hồn, chúng ta sẽ bảo vệ Thánh giá". Sau đó cảnh sát chống bạo động kéo đến bắn lựu đạn cay vào bên trong vòng rào. Có 2 thanh niên thiệt mạng, 89 người bị thương trong vụ đụng độ.

Hiện nay người theo Thiên Chúa giáo tại Ai Cập chỉ chiếm 10% trong tổng số 84 triệu dân. Tuy về hình thức, Hiến pháp Ai Cập ban quyền bình đẳng cho mọi công dân không phân biệt tôn giáo, nhưng thực tế lại khác. Hiếm khi thấy người Copte giữ những chức vụ cao. Họ không được coi trọng trong chính phủ, Quốc hội, trường học hay bệnh viện. Do vậy người Thiên Chúa giáo ở Ai Cập đã đón nhận cuộc cách mạng 25/1/2011 với rất nhiều kỳ vọng.

Tại quảng trường Tahrir, giữa những người Hồi giáo biểu tình có rất nhiều người Copte thuộc đủ mọi lứa tuổi và giai tầng xã hội đang khao khát sự thay đổi. Nhưng những cuộc bầu cử đầu tiên thời hậu Mubarak đã nhanh chóng khiến họ thất vọng não nề. Chiến thắng của tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo" tại Quốc hội vào tháng 11/2011, sau đó đến thành công của Mohamed Morsi trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6/2012 đã đốt cháy hy vọng của họ về một nhà nước bình đẳng. Nhất là vào cuối năm 2012, khi chính quyền phê chuẩn một bản hiến pháp mới đặt Hồi giáo ở trọng tâm của xã hội. Song song đó, sự tự do ngôn luận nhờ cuộc cách mạng lại giúp gia tăng những lời tuyên bố chống người theo đạo Thiên Chúa.

Xung đột trước thánh đường Saint-Marc.

Bị người Copte đả đảo trong đám tang nhưng Tổng thống Mohamed Morsi đã nhanh chóng phản ứng để dập tắt thùng thuốc súng. Ông khẳng định với Giáo trưởng Tawadros II rằng "mọi vụ tấn công nhắm vào Giáo hội sẽ bị xem như là tấn công cá nhân ông". Đây là một mong muốn trấn an mà ông đã từng cho thấy vào tháng 9/2012, giữa lúc bộ phim "Sự ngây thơ của người Hồi giáo" gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Lúc ấy ông tuyên bố rằng tác giả bộ phim là người Copte đang sống tại Mỹ.

Tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo" hiện nay đang ở trong tình thế nhạy cảm. Nỗi bất bình trong xã hội ngày càng tăng, "Huynh đệ Hồi giáo" sẽ không có lợi lộc gì khi bênh vực cho người Hồi giáo cực đoan trong viễn cảnh những cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới

Minh Luân (tổng hợp)
.
.