Tổng thống Brazil điều hành đất nước bằng những phương cách riêng

Thứ Hai, 25/06/2007, 14:00
Xuất thân từ tầng lớp nghèo hèn trong xã hội, Luiz Inacio Lula da Silva đã sớm phải chịu cuộc sống cơ hàn, quanh năm lo tìm việc làm kiếm sống. Do đó, khi mới được bầu làm Tổng thống Brazil năm 2002 và tái đắc cử năm 2003, ông đã mau chóng tạo được dấu ấn riêng bằng những phương pháp quản lý rất khác người.

Trao quyền cho người chỉ trích mình

Một trong những phương cách quản lý và chiêu dụng nhân tài được Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva thường xuyên sử dụng là tuyển mộ những người chỉ trích mình. Ông chưa bao giờ ngần ngại hay e dè trước bất kỳ một lời chỉ trích, cáu giận nào đối với mình.

Trái lại, Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva thường có những cuộc tiếp xúc với những người được coi là "hay chỉ trích nhất".

Chưa hết, để cho công bằng, ông còn mời người chỉ trích mình vào làm việc trong nội các và coi người đó như một cố vấn quan trọng. Bằng chứng là trung tuần tháng 6 vừa qua, Luiz Inacio Lula da Silva đã chính thức bổ nhiệm Giáo sư trường Đại học Luật Haravard Roberto Mangabeira Unger, người chỉ trích ông nhiều nhất vào vị trí Bộ trưởng phụ trách các vấn đề dài hạn.

Đương nhiên là ông Roberto Mangabeira Unger cũng chẳng có lý do gì để từ chối bởi ông đang được trao một cơ hội có một không hai để thực hiện những ý tưởng của mình về việc xây dựng một đất nước Brazil mới hùng mạnh về kinh tế.

Và Roberto Mangabeira Unger sẽ không phải là nhân vật duy nhất trong công cuộc cải cách này. Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva cho biết, sắp tới ông sẽ thay đổi một số vị trí quan trọng trong chính phủ và sẽ mời những nhân vật có tài năng, trước nay vẫn đưa ra ý kiến phản đối hay chỉ trích kế hoạch phát triển của chính quyền cùng giúp mình.

Điều tra cả người thân, nếu có tội

Trong công việc điều hành đất nước, Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva thừa hiểu rằng sẽ không công bằng, dân chủ nếu như ông tỏ ra thiên vị bất kể một người nào cho dù đó là người thân của mình.

Vì thế, khi hiện tượng tham nhũng ở Brazil trở thành vấn nạn (do tồn tại từ thời kỳ lãnh đạo của cựu Tổng thống Fernando Collor de Mello), mỗi năm khiến Chính phủ Brazil thiệt hại từ 13 tỷ USD đến 20 tỷ USD, ông đã cho tổ chức hàng loạt chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn.

Trong vòng 5 năm, hơn 5.000 người đã bị cảnh sát bắt giữ và trong số này quan chức nhà nước chiếm tới 1/3, 50 người trong đó từng là cận thần của Tổng thống.

Đặc biệt hai năm qua quả là thời gian thử thách khắc nghiệt với ông Luiz Inacio Lula da Silva khi phải tự tay sa thải 5 Bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Năng lượng Silas Rondeau… và ký quyết định cho phép cảnh sát điều tra hàng chục nghị sĩ.

Đổi lại, ông đã có được lòng tin của dân chúng và phanh phui cả một đường dây tham nhũng từ cấp địa phương đến Trung ương. Riêng trong chiến dịch "Chiếu tướng" vừa được bắt đầu từ tháng 1, cảnh sát liên bang Brazil đã cho bắt giữ 87 nhân vật tên tuổi, trong đó phần lớn là các chính trị gia, doanh nhân và cả sĩ quan cảnh sát.

Chiếc mặt nạ tham nhũng của hàng loạt nhân vật cỡ bự đã bị lột sạch và không gì có thể giúp họ bào chữa cho hành động của chính mình. Sự nghiêm minh của pháp luật còn được thể hiện ngay trong việc Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva cho phép cảnh sát thẩm vấn anh trai mình về vai trò của ông này trong việc cung cấp tài chính, súng đạn cho một số nhóm tội phạm và bảo kê cho các sòng bạc bất hợp pháp.

Đề cao tính kỷ luật, tự giác

Với quan điểm vừa chống, vừa xây, Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva một mặt đề cao chương trình chống tham nhũng nhưng cũng không quên đưa ra các biện pháp khác như giáo dục đạo đức cho công chức, các sĩ quan cảnh sát, những người làm trong các ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với dân chúng.

Các khóa đào tạo này thường xuyên được tổ chức từ cấp địa phương tới cấp Trung ương, mang lại những kiến thức cơ bản cho công chức trong cách hành xử đối với người dân.

Nhiều người đã lên tiếng ủng hộ phương pháp này của ông và cho rằng đây cũng là cách tốt nhất để tiếp cận với người dân, lắng nghe ý kiến của họ để từ đó phát hiện thêm những tiêu cực còn đang tồn tại.

Hơn nữa, việc dạy công chức tính kỷ luật và đạo đức đã tạo cho họ một thói quen tốt đối với nghề nghiệp và nó hứa hẹn về sự phát triển của một hệ thống chính trị hạn chế tối đa được sự nhũng nhiễu, quan liêu hay tham nhũng, hối lộ

Huyền Chi
.
.