Tổng thống Đông Timor: Đứa con chiến tranh đi xây dựng hòa bình

Thứ Năm, 15/06/2017, 17:06
Tổng thống Timor Francisco “Lu Olo” Guterres đã dành gần một phần tư thế kỷ tham gia phong trào kháng chiến chống sự chiếm đóng của Indonesia, đã góp công lớn trong việc đưa Đông Timor đến độc lập, và hiện đang ra sức vun đắp cho cuộc sống bình yên của người dân.

Ngày 20-5-2017, Francisco “Lu Olo” Guterres đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 4 của Đông Timor, một trong những đất nước non trẻ nhất thế giới. Ông đã dành gần một phần tư thế kỷ tham gia phong trào kháng chiến chống sự chiếm đóng của Indonesia, đã góp công lớn trong việc đưa Đông Timor đến độc lập, và hiện đang ra sức vun đắp cho cuộc sống bình yên của người dân.

Francisco “Lu-Olo” Guterres sinh năm 1954, trong một gia đình bình dân, nghèo khó. Cuộc sống giữa thời kỳ thực dân Bồ Đào Nha đô hộ không có nhiều hoạt động để chàng thanh niên Đông Timor có cơ hội phát triển.

Tổng thống Đông Timor Francisco “Lu Olo” Guterres.

Không chấp nhận đi theo thực dân, Guterres tham gia vào lực lượng du kích kháng chiến Đông Timor từ năm 1975, đấu tranh vũ trang giành độc lập từ tay thực dân Bồ Đào Nha, và sau này là chính quyền Indonesia. Gần 25 năm trong hàng ngũ du kích, Guterres dần dần leo lên hàng ngũ lãnh đạo của đảng Mặt trận Cách mạng vì độc lập cho Đông Timor (Fretilin) - một đảng cánh tả dân tộc chủ nghĩa, xuất thân từ cuộc đấu tranh vũ trang chống thực dân Bồ Đào Nha và sự chiếm đóng của Indonesia.

Cuộc chiến Đông Timor kéo dài chưa đầy 25 năm nhưng đã để lại số thương vong khá lớn, với hơn 200.000 người chết. Năm 1999, Indonesia rút quân đội ra khỏi Đông Timor, và một cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc đã đánh dấu chuyển biến trọng đại của cuộc đấu tranh giành độc lập của Đông Timor, mở ra cơ hội để vùng đất “hình ngón tay” nhỏ bé này trở thành quốc gia độc lập có chủ quyền. Tuy nhiên, bạo lực lại bùng phát, phải nhờ đến sự can thiệp của lực lượng gìn giữ hòa bình do quân đội Australia dẫn đầu để ổn định tình hình.

Tháng 7-2001, Guterres được bầu làm Chủ tịch đảng Fretilin, một bước đệm chuẩn bị cho cuộc chuyển mình trọng đại. Một tháng sau, ông được bầu vào quốc hội lập hiến trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Đông Timor, chuẩn bị cho ra đời hiến pháp đầu tiên và nhà nước đầu tiên vào tháng 5-2002. Guterres làm chủ tịch đầu tiên của Quốc hội Đông Timor.

Guterres phải đợi đến 15 năm sau ngày độc lập mới đến lượt mình lên lãnh đạo đất nước. Bởi vì, trước ông là một dải đại thụ khai sáng đất nước gồm: Xanana Gusmao, Jose Ramos-Horta và Mari Alkatiri. Guterres từng hai lần ra tranh cử với những người cùng đảng, nhưng đều thất bại. Lần thứ ba này, với sự hậu thuẫn của nhà sáng lập Đông Timor Xanana Gusmao, Guterres thành công.

Trong lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-5 vừa qua, Guterres đã cam kết sẽ khẳng định “các nguyên tắc và giá trị” của Đông Timor trên trường quốc tế, thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng, bảo vệ môi trường và xóa bỏ nghèo đói. Ông tuyên bố, đất nước Đông Timor theo đuổi chính sách “quan hệ song phương đôi bên cùng có lợi”, bất kể là nước lớn hay nước nhỏ.

Guterres và vợ - Cidalia Mozinho - đến thăm trẻ em tại một điểm tổ chức Ngày Quốc tế Thiếu nhi ở thủ đô Dili hôm 1-6.

Trong khía cạnh quan hệ này, từ kinh nghiệm “xương máu” trong chiến tranh chống chiếm đóng, Guterres cũng thận trọng kêu gọi các nước lớn, các “siêu cường” từ bỏ tham vọng ích kỷ của mình để chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan và xu hướng tan rã của thế giới.

Ông kêu gọi các cường quốc thế giới hãy tập trung liên kết, hỗ trợ các nước nhỏ vượt qua đói nghèo, bệnh tật, thay vì vung tiền mua sắm vũ khí. Trong quan điểm, tầm nhìn đối ngoại của mình, Guterres đặc biệt quan tâm, để mắt đến hai “ông lớn” ở sát kề bên mình - đó là Indonesia và Australia, trong đó Australia được quan tâm nhiều hơn, bởi quốc gia này đang có những tranh chấp đường biên giới vì những lợi ích về dầu mỏ và khí đốt trong Biển Timor.

Trong cuộc trò chuyện với báo chí tại Dinh Tổng thống cuối tháng 5 vừa qua, Guterres cho rằng ông tự hào về nơi ông sinh ra và lớn lên, về cuộc kháng chiến giành độc lập cho đất nước.

Trả lời phỏng vấn của tờ báo The Guardian, Guterres thừa nhận rằng, những năm tháng tham gia kháng chiến giành độc lập cho Đông Timor đã tôi rèn cho ông trở thành con người như ngày hôm nay, đồng thời giúp ông có được tầm nhìn của nhà lãnh đạo. Nhìn lại cuộc kháng chiến, Guterres chạnh lòng cho biết, “khắp từ đông sang tây trên dải đất Đông Timor này đâu đâu cũng là bãi chiến trường. Nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống. Tôi đã chứng kiến nhiều người dân Đông Timor vô tội chết dưới làn đạn bom chiến tranh”.

Nhiều người dân Đông Timor cũng có cái nhìn đồng cảm với Guterres. Ngay sau lễ nhậm chức của Guterres và nhiều ngày sau đó, báo chí phương Tây ghi nhận nhiều ý kiến người dân Đông Timor mong muốn “thế hệ 75” - tức những người tham gia cuộc kháng chiến chống chiếm đóng từ năm 1975 - tiếp tục lãnh đạo đất nước. Họ bao gồm 3 vị tiền nhiệm của Guterres (Gusmao, Ramos-Horta và Alkatiri).

Nhiều người dân Đông Timor ngày nay cảm nhận được sự thay đổi rất lớn của cuộc sống so với khi mới giành độc lập. Tuy nhiên, nhiều người cũng cảnh báo tầng lớp lãnh đạo chính trị ở thủ đô Dili không ngủ quên trên chiến thắng, không được quên một thực tế rằng vết thương chiến tranh sau 15 năm vẫn chưa lành hẳn. Cuộc sống người dân Đông Timor ngày nay vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ thứ: nước sạch, lương thực, giáo dục, chăm sóc y tế,...

Thời gian 15 năm chưa đủ để Đông Timor non trẻ khắc phục hết những khó khăn. Những người đã bỏ phiếu cho Guterres và tiếp tục ủng hộ ông kể cả sau khi ông lên nắm quyền vẫn tin tưởng ông Guterres không chỉ tiếp nối con đường mà những người của “phong trào kháng chiến 75” như ông đã chọn, mà còn mong muốn ông làm tốt hơn thế. Guterres nói rằng, ông vững tin vào kế hoạch hành động của mình, nhưng đồng thời cũng cho rằng ông cần được tiếp thêm sức mạnh sau cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 7 tới.

An Châu (tổng hợp)
.
.