Tổng thống Guatemala bị điều tra tham nhũng: Lời hứa không thành

Thứ Tư, 06/09/2017, 09:16
Chính trường Guatemala lại trở nên bất ổn khi vị tổng thống được dân bầu lên vì niềm tin vào lời hứa chống tham nhũng lại bị Ủy ban Chống tham nhũng điều tra với cáo buộc tham nhũng. Một cuộc đối đầu quyết liệt đang diễn ra giữa Tổng thống Jimmy Morales với Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng Ivan Velasquez.

Màn đối đầu giữa Tổng thống Jimmy Morales với ông “vua” chống tham nhũng Ivan Velasquez lên đến đỉnh điểm và trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Ngày 27-8, Tổng thống Morales đã ra lệnh trục xuất ông Velasquez ra khỏi Ủy ban Chống tham nhũng do chính ông này lãnh đạo, với lý do là Ủy ban của ông Velasquez đã tiến hành điều tra các nghi vấn tham nhũng có liên quan đến Tổng thống Morales.

Dùng quyền hành để ngăn chặn một ủy ban chống tham nhũng là một sai lầm lớn của Tổng thống Morales, và việc ông ra lệnh “trục xuất” đối với ông Velasquez đã tạo nên một “cơn bão” chính trị ập đến với ông. Nhiều tiếng nói từ nhiều ngành, nhiều giới khác nhau đã phản đối quyết định vừa ban ra của Tổng thống Morales. Nguy cơ khủng hoảng chính trị đang hiện rõ sau khi Tòa án Hiến pháp Guatemala ra lệnh tạm đình chỉ lệnh trục xuất của Tổng thống Morales.

Ông Morales giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015 với lời hứa sẽ là một tổng thống trung thực và không khoan nhượng với tệ nạn tham nhũng, bao che tham nhũng đã làm cho chính phủ của người tiền nhiệm mất đi niềm tin của dân chúng. Là một diễn viên hài trên truyền hình tham gia chính trị, Morales được xem là người “ngoại đạo”, không hợp với vai trò của một nhà lãnh đạo chính trị ở một đất nước đang bị nạn tham nhũng và bao che tham nhũng hoành hành.

Nhưng trong bối cảnh đó, Morales lại mang đến niềm hy vọng cho người dân Guatemala với khẩu hiệu lúc tranh cử là “không tham nhũng, không trộm cắp”. Khi đó, niềm tin đang lan rộng trong dân chúng và toàn xã hội Guatemala về việc đẩy mạnh cải cách pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả cuộc chiến chống tham nhũng, truy trách nhiệm đến cùng những thành viên tham nhũng trong guồng máy chính trị và kinh tế của Guatemala.

Tổng thống Guatemala Jimmy Morales.

Ban đầu, Morales tỏ ra ủng hộ những thay đổi pháp luật này, đặc biệt là sự thay đổi căn bản trong hệ thống tư pháp. Nhưng nỗ lực cải cách pháp luật chống tham nhũng đã bị dập tắt ngay từ trong Quốc hội; các nhà lập pháp vốn chỉ biết nghe theo các doanh nghiệp ưu tú hơn là theo đảng chính trị, tuy cũng thông qua một vài đạo luật nhưng tuyệt nhiên không có sự thay đổi nào đáng kể trong chống tham nhũng. Vậy là cải cách tư pháp bị chặn đứng trong Quốc hội.

Trong khi đó, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia tiếp tục hoạt động tích cực theo trách nhiệm riêng của mình, điều tra tới nơi tới chốn những vụ việc tham nhũng có liên quan đến các chính khách, doanh nghiệp lớn. Từ những thành tích điều tra những vụ án tham nhũng gây tiếng vang lớn, Ủy ban đã gây chú ý với cộng đồng quốc tế và nhận được sự ủng hộ cao của Liên Hiệp Quốc.

Ông Velasquez, người đứng đầu Ủy ban này, đã thể hiện là một người rất đắc lực trong công cuộc chống tham nhũng. Kể từ khi đến làm Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng, đến nay, Velasquez đã điều tra và đưa ra ánh sáng một loạt vụ tham nhũng chính trị nghiêm trọng.

Năm 2015, ông và Bộ trưởng Tư pháp Thelma Aldana đã phối hợp điều tra một vụ gian lận hải quan trong đó có sự dính líu của Tổng thống Otto Pérez Molina. Vụ việc làm cho dân chúng bất bình và hàng triệu người dân xuống đường biểu tình phản đối suốt gần 5 tháng, cuối cùng mới tạm yên sau khi Tổng thống Molina từ chức và hiện đang ngồi tù vì tội tham nhũng.

Velasquez và Bộ trưởng Tư pháp Aldana thông báo một cuộc điều tra vụ làm giả hóa đơn chứng từ có dính líu con trai và em trai của Tổng thống Morales. Ngay lập tức, ông Morales dừng ngay sự hợp tác của mình với Ủy ban Chống tham nhũng của ông Velasquez, nhưng vẫn không tìm cách ngăn cản cuộc điều tra. Tuy nhiên, ông lại ra lệnh trục xuất người đứng đầu Ủy ban Velasquez nhằm làm suy yếu đi các nỗ lực điều tra chống tham nhũng của ủy ban này.

Động thái của Tổng thống Morales ngay lập tức vấp phải sự phản đối của không chỉ các đảng phái đối lập mà đa số dân chúng Guatemala, kể cả những người từng ủng hộ quan điểm chống tham nhũng của ông. Sự phản đối còn diễn ra ngay cả trong nội bộ chính phủ do ông lãnh đạo, với việc các bộ trưởng Ngoại giao và Y tế và một cố vấn kinh tế cấp cao xin từ chức để bày tỏ sự bất bình.

Còn Bộ trưởng Tư pháp Aldana cũng dọa sẽ từ chức nếu lệnh trục xuất ông Velasquez không được rút lại. Bên cạnh đó, bà Aldana kiên quyết tuyên bố hôm 28-8 rằng sẽ cùng với ông Velasquez tiếp tục đẩy mạnh cuộc điều tra nhắm vào con trai và em trai ông Morales.

Đồng thời hai người cũng sẽ triển khai kế hoạch đề nghị Viện công tố quốc gia tước quyền miễn trừ điều tra đối với Tổng thống Morales để buộc ông phải chịu trách nhiệm trả lời trước Quốc hội và nhân dân Guatemala về những khoản tiền đóng góp bí mật mà ông đã không khai báo rõ ràng.

Sự việc không chỉ gói gọn trong nội bộ Guatemala mà đang trở thành đề tài quan tâm của cộng đồng thế giới. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ “bị sốc” khi nghe Tổng thống Morales có lệnh trục xuất ông Velasquez, và mong muốn các cơ quan chính quyền Guatemala đối xử với ông Velasquez một cách trân trọng do chức trách, nhiệm vụ phục vụ công ích của ông.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki R. Haley hôm 28-8 đã tuyên bố: “Ông Velasquez được sự ủng hộ đầy đủ của nước Mỹ và cộng đồng quốc tế”. Đây là một tín hiệu cho biết người Mỹ đang ủng hộ ông Velasquez, và Tổng thống Morales sẽ gặp rắc rối lớn nếu tiếp tục đối đầu với ông Velasquez.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.