Tổng thống Mahmoud Abbas và con đường chính trị nhiều chông gai

Thứ Năm, 25/01/2018, 18:20
Nhắc đến Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (Abu Mazen), không ai không biết cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc Palestine mà ông đang theo đuổi. Sau nhiều năm, ông Abbas vẫn chưa tròn ý nguyện, không ai hiểu được nỗi buồn đầy ắp trong lòng nhà lãnh đạo ngoại bát tuần của Palestine.

Cuộc bầu cử tự do và công bằng

Năm nay 82 tuổi, nhà lãnh đạo Palestine đã cho thấy ông chưa bao giờ sụt giảm quyết tâm trong cuộc đấu tranh cho nền độc lập của người Palestine. Từ một học trò, một người trợ lý cho cố Tổng thống Yasser Arafat, Abbas đã bước ra vũ đài chính trị, thay thế người thầy lãnh đạo cuộc đấu tranh của dân tộc Palestine.

Ngày 28-12-2004, hơn một tháng sau cái chết của ông Arafat, Abbas - còn gọi là Abu Mazen - khi đó 69 tuổi, đã bắt đầu cuộc vận động tranh cử Tổng thống Palestine. Nhiều người bất ngờ trước quyết định ứng cử của ông, bởi vì trước đó ông chưa bao giờ nói đến chuyện sẽ ra ứng cử Tổng thống Palestine. Các cố vấn của ông biết rằng, để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, nhà đàm phán hòa bình Abu Mazen cần phải thuyết phục toàn thể đảng Fatah, không chỉ trong bộ máy hành chính.

Để làm điều đó, Abbas đã phải đi đến trung tâm của Cuộc nổi dậy (Intifada) lần thứ 2, đó là trại tị nạn Jenin ở phía bắc khu Bờ Tây sông Jordan, nơi có 30.000 người sinh sống. Giành sự ủng hộ cao trong đảng Fatah là phải chấp nhận xâm nhập vào những địa hạt xa lạ chưa từng bước tới. Năm 2005 đánh dấu sự tiếp nối phong trào Intifada, và Abbas đã vào tận trung tâm của phong trào để kêu gọi một Intifada hòa bình, không bạo lực vũ trang.

Tuy nhiên, để thực hiện ước muốn phi vũ trang đó, Abbas phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Abbas chưa bao giờ quy tụ được đám đông đến nghe ông nói chuyện. Mohammad Shtayyeh, cựu trợ lý của Abbas, nhận xét: “Abbas là con người cao quý và ông cũng kén chọn người nghe ông nói chuyện”.

Thời điểm đó, căng thẳng đang lên cao ở trại Jenin. Trong môt cuộc nói chuyện của Abbas, Lữ đoàn Tử vì đạo Aqsa, cánh vũ trang của Fatah, kéo đến dự khán chật cả sân vận động, và họ có thái độ không mấy thiện cảm với Abbas. Ông tiến vào lễ đài một cách thận trọng, được bảo vệ cẩn thận.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại hội nghị PLO hôm 14-1.

Khi ông xuất hiện trên lễ đài, ông đã làm một việc không ai ngờ tới: Ca tụng Zakaria Zubeidi, thủ lĩnh vũ trang Palestine ở Jenin và là nhân vật ưa thích của báo chí. Abbas cần thu phục Jenin, và để làm được điều này, ông cần sự ủng hộ của Zubeidi.

Để thu phục Zubeidi không phải là điều dễ dàng đối với Abbas. Ban đầu, Zubeidi ủng hộ người đồng đội cũ Marwan Barghouti khi ông này mở chiến dịch ứng cử chức Tổng thống Palestine từ trong nhà tù Israel. Nhưng khi ông Barghouti không còn tiếp tục tham gia cuộc đua nữa, Zubeidi quay sang ủng hộ thành phần ưu tú của đảng Fatah, trong đó có Abbas. Zubeidi đã chào đón Abbas nồng nhiệt ở Jenin và tâng ông lên trên đám đông.

Quấn quanh mình chiếc băng in dòng chữ “Abu Mazen cho ghế tổng thống”, Zubeidi đã hộ tống Abbas đi vào trung tâm thành phố, và Abbas vẫy tay chào người ủng hộ đứng ven đường. Chuyến đi Jenin đã thắng lợi mỹ mãn. Cho dù Abbas có quan điểm chống lại bạo lực vũ trang, những người ở Jenin tham gia cuộc nói chuyện của ông vẫn chấp nhận đứng sau lưng ủng hộ ông.

“Ông ấy hứa tiếp tục cải cách khu vực công mà ông đã tiến hành vào năm 2003 nhưng bị cố lãnh đạo Arafat chặn lại” - cựu thành viên nội các Palestine Ashraf al-Ajrami cho biết. Người Palestine tin vào Abbas không chỉ vì ông là một thành viên “lão làng” trong đảng Fatah, và uy tín của ông trên trường quốc tế, mà còn vì người ta mong muốn có sự thay đổi rõ nét thời kỳ hậu Arafat.

Nhiều người Palestine có cùng suy nghĩ rằng, thời kỳ đấu tranh bằng bạo lực vũ trang đã qua rồi, vì thế bây giờ là lúc thích hợp nhất để tập trung vào những việc như quản lý, điều hành kinh tế - xã hội cho thật tốt, tăng cường hệ thống giáo dục, những điều mà ông Arafat cũng rất quan tâm.

Trong giai đoạn tranh cử kéo dài 2 tháng của năm 2005, có tất cả 7 ứng cử viên, nhưng đối thủ đáng gờm nhất của ông Abbas chỉ có Marwan Barghouti. Barghouti từng tham gia ứng cử Nghị viện Palestine vào năm 1996 nhưng bị trượt. Trong thời điểm cao trào của phong trào Intifada, Barghouti cùng một số người lập ra đảng thứ ba, lấy tên là Al-Mubadara, tức Sáng kiến Quốc gia Palestine (PNI).

Chủ trương của đảng này rất đơn giản: Chống sự chiếm đóng của Israel và cam kết ủng hộ những người Palestine tị nạn ở nước ngoài. PNI đã trở thành diễn đàn tranh cử cho Barghouti. Trong khi Barghouti vận động tranh cử ở Jerusalem và khắp khu Bờ Tây, Abbas lại hạn chế xuất hiện trước công chúng và cho phép đảng Fatah vận động thay mình. Fatah là tổ chức chính trị tốt nhất ở khu Bờ Tây, và khi đảng này ủng hộ ứng cử viên nào thì ứng cử viên đó được bảo đảm sự ủng hộ của thành viên Fatah ở mọi nơi.

Trong khi Barghouti bị các đảng phái đối thủ quấy rối và từng bị Israel bắt giam vì vận động tranh cử ở Jerusalem, Abbas không hề gặp bất cứ khó khăn nào. Ông không bị Israel cấm vận động ở Jerusalem, nhưng ông không đến đó vận động.

Thay vì thế, Abbas và đảng Fatah đã triển khai một chiến dịch vận động thông minh. Đó là vận động theo từng đối tượng cử tri cụ thể, đề cập đúng những vấn đề mà cư dân các thành phố quan tâm nhất. Điều người Palestine quan tâm nhất là “hòa bình và giảm nghèo”, Abbas lấy ngay điều này để làm khẩu hiệu tranh cử tại các thành phố.

Trong những bài nói chuyện trước cử tri, Abbas luôn trích dẫn một câu trong trong kinh Koran: “Người mang đến thức ăn cho họ ăn và người che chở họ khỏi nỗi sợ hãi”. Đó dường như là khẩu hiệu của cả một đời người theo đạo Hồi.

Cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 9-1-2005 được đánh giá là tự do và công bằng. Phái đoàn quan sát viên do cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter dẫn đầu kết luận rằng cuộc bầu cử đó “thể hiện rõ ràng nền dân chủ của người dân Palestine”.

Tuy nhiên, có một chút “trục trặc” nhỏ xảy ra vào phút chót, đó là việc Ban bầu cử cho phép người Palestine đi bỏ phiếu chỉ cần xuất trình chứng minh thư thay vì phải đăng ký từ đầu như thông lệ quốc tế. Phái đoàn giám sát kết luận rằng làm như thế là “có vấn đề”, vì một người có thể lợi dụng sơ hở này để bỏ phiếu nhiều lần.

Liệu Fatah có tính đến tình huống ông Abbas thất cử trước đối thủ chính là Barghouti hay không? Một cựu trợ lý cho ông Abbas kể rằng “không hề có suy nghĩ đó”. Abbas rất tự tin vào chiến thắng của mình. Thực tế đã chứng minh, thăm dò phiếu bầu sơ bộ cho thấy ông Abbas giành chiến thắng với 66% so với chỉ 19% của Barghouti. Abbas thở phào. Vậy là chiến thắng rồi.

Ông nói với phóng viên báo chí: “Chiến thắng dĩ nhiên là đẹp rồi. Nhưng thực hiện đầy đủ lời hứa sẽ càng đẹp hơn”. Abbas khẳng định, ưu tiên của ông trên cương vị Tổng thống Palestine là sẽ đi gặp Thủ tướng Israel Ariel Sharon càng sớm càng tốt. Và như một sự khích lệ, ngay sau khi Abbas giành chiến thắng, ông đã nhận được điện thoại chúc mừng từ Tổng thống Mỹ George W. Bush.

Thêm nữa, Bush đã làm một việc chưa từng làm trước đó, đó là mời ông Abbas đến Washington thăm nước Mỹ.

Cùng nhau trên con tàu chiến lược mới hay là ra đi

Khoảng một tuần sau chiến thắng, Abbas đã có bài phát biểu nhậm chức trước Nghị viện Palestine. Ông nói: “Tôi xin hiến dâng chiến thắng này nhân danh toàn thể dân tộc cho linh hồn và tưởng nhớ nhà lãnh đạo bất tử của chúng ta, biểu tượng cho sự nghiệp của chúng ta, Ngài Yasser Arafat”.

Ngay sau đó, Abbas đi thẳng vào những vấn đề cụ thể hằng ngày của người Palestine. Ông đặt ra mục tiêu đơn giản: Chấm dứt cuộc Intifada lần thứ 2, cải tổ bộ máy chính quyền Palestine, và thúc đẩy việc tái khởi động đàm phán hòa bình. Để làm thế, ông sẽ phải định hướng lại con đường đi tới tương lai của dân tộc Palestine.

Ông xem cuộc bầu cử giống như một cuộc trưng cầu với đa số người dân ủng hộ sứ mệnh của ông. Abbas hạ quyết tâm: Để đạt được những mục tiêu trên, ông và toàn thể Palestine sẽ phải cam kết thực hiện cho được chiến lược giành lấy hòa bình và mục tiêu độc lập thông qua con đường đàm phán. Abbas khẳng định, người Palestine quyết tâm thực hiện nghĩa vụ của mình, đổi lại, Israel cũng phải thực hiện nghĩa vụ của Israel.

Ông Abbas tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Trung Đông năm 2017.

Lãnh đạo Mỹ và Israel khi ấy đã vô cùng vui mừng trước sự thay đổi lãnh đạo ở Palestine. Mỹ đã “chào mừng” thắng lợi của ông Abbas bằng quyết định viện trợ hằng năm 200 triệu USD cho người Palestine. Đồng thời, Tổng thống W. Bush cũng khuyến khích các quốc gia giàu có trong Vùng Vịnh tăng mạnh viện trợ cho Palestine. Một tuần sau lễ nhậm chức của ông Abbas, Thủ tướng Israel Sharon cũng quyết định rút quân khỏi Dải Gaza để “tạo cơ hội cho ông ấy hành động”.

Điều đó có nghĩa là Abbas phải hành động để chấm dứt các vụ tấn công bạo lực từ Dải Gaza nhắm vào người Israel. Về ngắn hạn, ông Abbas phải khống chế thành phần bạo lực của phong trào Intifada bên trong đảng của mình và trong toàn thể Palestine.

Bước đầu tiên, Abbas tiến hành “thay máu” chính phủ, loại tất cả người cũ của ông Arafat ra khỏi bộ máy. Ông muốn định hướng lại con đường đấu tranh của người Palestine, chuyển từ bạo lực vũ trang sang xây dựng chính quyền, đấu tranh chính trị. Ông cần phải trục xuất hết thành phần bạo lực vũ trang ra khỏi đảng Fatah.

Kết quả là, một tháng sau khi nhậm chức, Abbas đã sa thải 17 trên 24 thành viên nội các thời ông Arafat và đưa những nhân tố mới vào thay. Thông điệp rõ ràng: Cùng nhau trên con tàu chiến lược mới hay là ra đi. Nhiều người Palestine theo chủ trương bạo lực vũ trang đã chọn “ra đi”.

Ngay lập tức, Abbas đã cố gắng “thanh lọc” nội bộ bằng việc đuổi cổ 6 phiến quân vũ trang ra khỏi tổng hành dinh của chính quyền Palestine, và bị trả thù bằng loạt tấn công nhắm vào tổng hành dinh và một nhà hàng ở gần đó. Abbas đã cố thực hiện lời hứa, phần trách nhiệm của mình, nhưng tình hình mất an ninh thời kỳ hậu Intifada vẫn kéo dài dai dẳng ở khu Bờ Tây.

Lực lượng an ninh Palestine bắt đầu suy yếu, đồng thời quyền lực của chính quyền Palestine cũng sụt giảm. Đó là lý do phong trào Hamas trở giáo đánh chiếm Dải Gaza vào năm 2006, người Palestine mất đoàn kết nội bộ khiến cho tiến trình đàm phán hòa bình theo chiến lược mới của ông Abbas ngày càng đi vào ngõ cụt.

Tiến trình đàm phán để hình thành nhà nước Palestine độc lập đã “chết lâm sàng” từ vài năm qua. Israel ra sức xây dựng để hợp thức hóa các vùng lãnh thổ chiếm đóng, trong khi các nỗ lực đoàn kết dân tộc Palestine giữa hai phái chính là Fatah và Hamas vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Sự trồi sụt của Mỹ trong chính sách về Trung Đông, trong cách hòa giải thiếu công bằng, thiên vị hẳn cho Israel đã đẩy Palestine ngày càng xa bàn đàm phán.

Việc ông Abbas trình hồ sơ xin gia nhập thành viên Liên Hiệp Quốc vào năm 2011 là bước đi táo bạo tiến tới đơn phương thành lập Nhà nước Palestine. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức trao cho Palestine quy chế thành viên không đầy đủ, với tư cách là quan sát viên. Năm 2017, ông Abbas đã định tiến thêm một bước nữa, xin Liên Hiệp Quốc trao cho Palestine tư cách thành viên đầy đủ. Nếu được đồng ý, thì đây sẽ là bước đi cuối cùng tiến tới thành lập Nhà nước Palestine.

Nhưng, đầu năm 2018, Tổng thống Mỹ Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời ra lệnh chuẩn bị dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem. Sau đó, ông Trump còn quyết định cắt khoản viện trợ an ninh 65 triệu USD Mỹ dành cho Palestine nhiều năm qua. Những động thái này đã khiến ông Abbas tức giận, thể hiện bằng bài phát biểu nảy lửa tại Hội đồng Trung ương Tổ chức Giải phóng Palestine hôm 14-1 vừa qua.

Ông đã gọi quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và cắt viện trợ cho Palestine của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “tội ác”, và tuyên bố “sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì nước Mỹ có thể áp đặt lên chúng tôi”.

An Châu (tổng hợp)
.
.