Tổng thống Putin lại đảo các “quân bài nhân sự”

Thứ Sáu, 09/12/2005, 11:32

Ngạn ngữ Nga có câu: Hãy chuẩn bị giày trượt tuyết từ mùa hè! Mặc dù phải tới năm 2008 mới diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Nga nhưng ngay từ bây giờ đã liên tục sôi động những tin tức về người có thể sẽ được trở thành vị Tổng thống mới của nước Nga.

Điện Kremli cũng không chịu ngồi thúc thủ mà đang cố gắng chuẩn bị mọi điều kiện để việc chuyển giao quyền lực, nếu diễn ra, vẫn đảm bảo tính kế thừa hợp lý từ bộ máy đương nhiệm. Việc Tổng thống V.. Putin trung tuần tháng 11 này đã đảo lại một cách bất ngờ và mạnh mẽ các "con bài nhân sự" đã thêm một lần cho thấy rõ xu thế đó.

Ngày 14/11, Tổng thống Putin đã công bố hàng loạt những đổi thay nhân sự trong thành phần Chính phủ, bộ máy hành chính Phủ Tổng thống và ban lãnh đạo của các địa phương. Khá đông những nhân vật thân cận và trung thành với cá nhân ông Putin đã được xếp vào những vị trí quan trọng hơn trong bộ máy hành pháp.

Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Dmitri Medvedev (40 tuổi) được xếp vào ghế Phó Thủ tướng thứ nhất (thuật ngữ chính trị Nga gọi vị trí này là Phó Chủ tịch Chính phủ thứ nhất). Đồng thời, ông Medvedev vẫn tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Giám đốc Gazprom, "bầu sữa chính" của nền kinh tế Nga. Kế tục ông Medvedev trong vai trò lãnh đạo bộ máy hành chính của Phủ Tổng thống là ông Sergey Sobianin, cựu Thống đốc tỉnh Tiumen ở Siberi, khu vực mà ông Putin đánh giá là nơi sẽ "một vốn bốn lời" của kho báu Nga.

Người bạn cố tri từ thuở KGB Sergey Ivanov vẫn tiếp tục lãnh đạo Bộ Quốc phòng nhưng lại được thăng thêm lên chức Phó Thủ tướng với nhiệm vụ làm thêm là quản lý luôn cả nền công nghiệp quốc phòng để điều hành hoạt động của nó theo những yêu cầu thời sự cũng như chiến lược của các lực lượng vũ trang Nga. Cựu Thủ tướng Sergey Kirilenko (43 tuổi), được chuyển từ chức đại diện của Tổng thống ở khu vực Privolzhie về lãnh đạo Tổng cục Hạt nhân (Rosatom)...

Những "quân bài nhân sự" chủ chốt của Điện Kremli: Ông Ivanov, ông Medvedev và ông Sobianin.

Các nhà bình luận đều nhìn thấy trong những thay đổi nhân sự này dấu hiệu chứng tỏ ông Putin đang chuẩn bị cho người sẽ thừa kế vị trí của mình trong Điện Kremli. Tuy nhiên, ý kiến chính xác về gương mặt cụ thể của người mà ông muốn sẽ bàn giao quyền cầm lái nước Nga vẫn còn trong vòng bí mật. Cũng có thể người ấy nằm trong bộ ba Medvedev, Ivanov và Sobianin, nhưng cũng có thể, bộ ba này chỉ là thành viên của một chiến dịch đánh lạc hướng dư luận về người thừa kế đích thực và rốt cuộc, nhân vật ở vị trí ứng cử viên chính thức của Điện Kremli hiện nay sẽ là một người thứ tư nào khác?

"Em ta, ta dấu"

Với đương kim Tổng thống Nga, cựu luật sư Medvedev là "đệ tử ruột": đồng hương, đồng khoa và đồng khát vọng dâng hiến cho nước Nga... Cũng như ông Putin, Medvedev sinh ra và lớn lên ở Leningrad. Ông cũng từng tốt nghiệp khoa Luật Trường Đại học Quốc gia Leningrad (LGU) năm 1987, nơi trước đó, ông Putin từng theo học. Ba năm sau, Medvedev trở thành PTS luật và trở thành giảng viên LGU cho tới năm 1999.

Cũng giống như ông Putin trước kia, vừa làm công tác giảng dạy đại học, Medvedev vừa tham gia vào bộ máy chính quyền thành phố Saint Peterburg, tham gia Ủy ban Đối ngoại của "kinh đô phương Bắc" (ông Putin từng lãnh đạo Ủy ban này khi chưa lên Moskva)...

Chính ông Putin tháng 11/1999, vừa ngồi chưa ấm chỗ trong vị trí lãnh đạo Chính phủ, đã đưa Medvedev lên làm Phó Văn phòng Thủ tướng. Sau khi ông Putin đắc cử Tổng thống, tháng 6/2000, Medvedev được cử làm Phó Chánh văn phòng thứ nhất Phủ Tổng thống Nga. Từ tháng 10/2003, ông ngồi vào vị trí lãnh đạo bộ máy văn phòng của Tổng thống Nga. Đồng thời, ông cũng được Điện Kremli đưa vào vị trí lãnh đạo Công ty Dầu khí Gazprom...

Với một người sinh năm 1965, hoạn lộ như vậy cũng có thể xem là thành công. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, Medvedev đi lên chủ yếu nhờ năng lực làm việc cao, chứ không phải chỉ do chiếm được cảm tình của "ông anh" Putin. Medvedev là người biết kết nối công việc, một manager có tính thực tế và thực việc. Những cuộc họp của ông với Hội đồng giám đốc các công ty của nước ngoài làm ăn với Nga thường được tổ chức chặt chẽ đến mức không có một lời nói thừa thãi nào được vang lên.

Trong 5 năm qua, từ khi được chuyển lên Moskva làm việc tại Phủ Tổng thống, năng lực của nhà quản lý chính trị gia này đã gia tăng đáng kể: ông đã tham gia chuẩn bị nhiều dự án quốc gia, "thanh toán" hộ nội các những hệ lụy của quá trình tiền tệ hóa... Ông biết cách làm việc ổn thỏa với nhiều loại đối tượng, hợp ý mình và không làm phật lòng người.--PageBreak--

Trong khi đó, như một nguồn tin thân cận với Chính phủ Nga tiết lộ, đương kim Thủ tướng Mikhail Fradkov cùng với Phó Thủ tướng Aleksandr Zhukov và những vị Bộ trưởng có vai trò rất quan trọng trong nội các như Bộ trưởng Tài chính Aleksey Kudrin và Bộ trưởng Phát triển kinh tế German Gref lại không "ăn ý" nhau: họ chỉ đủ thời gian để trình bày quan điểm khác nhau chứ không kịp thống nhất ý kiến với nhau!

Chính vì thế nên trên cương vị Phó Thủ tướng thứ nhất, Medvedev sẽ đóng vai trò "nhịp cầu nối những bờ vui" giữa các nhân vật chủ chốt trong nội các. Uy tín của ông hiển nhiên là cao trong con mắt của nội các vì ngay từ khi còn là người lãnh đạo bộ máy hành chính của Phủ Tổng thống, trên thực tế ông đã là người thay mặt "sếp trưởng" Putin "coi sóc" hoạt động của Thủ tướng cũng như các vị Bộ trưởng.

Các chuyên gia cho rằng, với tài cao và tuổi còn trẻ, Medvedev có thể sẽ có những bước đi rất xa. Nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ hiện nay, ông có thể sẽ trở thành người lãnh đạo chính phủ và từ đấy, trở thành ứng cử viên số 1 của Điện Kremli trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008.

Bạn bè tốt khi cũ

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Ivanov cũng được đánh giá cao như một ứng cử viên sáng giá. Vốn là một vị tướng an ninh, quen biết ông Putin từ nhiều năm trước, ông Ivanov đặc biệt được đương kim Tổng thống Nga tin cậy. Nhiệm vụ hiện nay của ông Ivanov rất nặng nề: tiến hành cải cách thành công các lực lượng vũ trang Nga cho kịp thời với các nhiệm vụ mới. Đó là công việc rất khó khăn, bởi lẽ trong những năm cuối thế kỷ trước, sau khi Liên bang Xôviết tan rã, quân đội Nga đã bị thiệt hại khá nặng nề do những chính sách sai lầm và lắm khi phiến diện dưới thời cựu Tổng thống Yeltsin...

Người cũng được coi là ứng cử viên có triển vọng của Điện Kremli trong cuộc bầu cử năm 2008 là tân Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Nga: Sergey Sobianin. Ông sinh năm 1958 tại làng Niaksimvol, khu Berezovsky thuộc nước cộng hòa tự trị Nanta-Mancia. Trưởng thành từ công tác Đoàn thanh niên, nhưng tới năm 1989 cũng tốt nghiệp thêm khoa luật bậc đại học.

Năm 2000, Sobianin được ông Putin cử làm Phó Trưởng đại diện thứ nhất của Tổng thống tại khu vực Ural. Tháng giêng năm 2001, ông được bầu làm Thống đốc tỉnh Tiumen, nơi có nguồn lợi "vàng đen" rất lớn... Với môi trường chính trị ở thủ đô Nga, Sobianin là một gương mặt khá mới mẻ, nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà ông được chọn vào vị trí quan trọng và nhiều quyền lực cũng như quyền lợi là Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống.

Thứ nhất, sự có mặt của Sobianin sẽ không làm thay đổi mạnh cán cân lực lượng đã hình thành trong bộ máy Văn phòng Phủ Tổng thống. Thứ hai, là người quen với môi trường tinh hoa ở các địa phương, khi hữu sự, Sobianin sẽ biết cách thu hút sự ủng hộ của các thủ lĩnh các khu vực bằng cách khéo léo tận dụng những ưu thế của người lãnh đạo Văn phòng Phủ Tổng thống. Đấy là điều rất quan trọng một khi ông phải tham gia cuộc đua năm 2008...

Nguyễn Trọng Tín
.
.