Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn dệt lại “giấc mộng Ottoman”?

Thứ Ba, 25/11/2014, 15:35

Có lẽ ông Erdogan từ khi trở thành chính trị gia đã bắt đầu ấp ủ giấc mộng khôi phục lại quá khứ oanh liệt của Đế chế Ottoman hùng mạnh nhất châu Âu và Trung Đông, do đó đã đích thân tự thiết kế và trực tiếp chỉ đạo nhiều hạng mục quan trọng của công trình dinh Tổng thống mới trị giá hơn 600 triệu USD. Báo chí phương Tây mô tả dinh Ak Saray có 1.000 phòng với các dãy hành lang và sân lát đá cẩm thạch, hệ thống an ninh công nghệ cao được lắp đặt nhằm ngăn chặn việc nghe trộm.

Liệu "giấc mộng đế vương" của ông Erdogan có trở thành hiện thực khi Ak Saray bắt đầu quay cuồng trong tâm bão chỉ trích từ người dân, các đảng phái đối lập, đặc biệt, châu Âu cũng thấy gai mắt và phải lên tiếng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có nguy cơ bị cô lập nếu cố tình “phô trương sức mạnh” là một quốc gia thiếu dân chủ?

Công trình công vụ thể hiện “phẩm giá quốc gia”

Theo ông Erdogan, công trình mới đã lột bỏ lớp áo cũ kỹ của cung điện Canakya ở trung tâm Ankara, nơi làm việc của Tổng thống đầu tiên - Mustafa Kemal Ataturk-người có công lãnh đạo nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ giành độc lập vào đầu thế kỷ XX. Từ thời đại của Mustafa Kemal Ataturk cho đến nay, không một lãnh đạo nào có quyền lực như Erdogan, tuy nhiên ông không được lòng dân như quốc phụ Mustafa.

Ông Erdogan ví Ak Saray như hình ảnh thu nhỏ về một đất nước Thổ Nhĩ Kỳ mới đang phát triển mạnh mẽ: "Chúng ta cần phải truyền đi thông điệp Ankara từng là thủ đô đế chế Seljuk. Chúng ta chăm chút đặc biệt cho phần nội thất theo truyền thống Ottoman, đồng thời cũng thêm các chi tiết phản ánh thế giới hiện đại. Chúng ta xây dựng nó như một tòa nhà thông minh... có như vậy mới tạo ra hình ảnh thu nhỏ của một đất nước vĩ đại".

Selijuk là một bộ tộc người Thổ Nhĩ Kỳ  từng lập nên triều đại Anatolia hùng mạnh vào thế kỷ XI sau Công nguyên. Họ được coi là thủy tổ của đế chế Ottoman, thống trị châu Âu và Trung Đông trong suốt hàng trăm năm cho đến khi sụp đổ vào cuối Thế chiến I. Thổ Nhĩ Kỳ đã vươn dậy từ đống tro tàn quá khứ, dưới sự lãnh đạo của Ataturk bằng con đường khác với tiền nhân: một nhà nước dân tộc chủ nghĩa thế tục có quan hệ mật thiết với phương Tây và từ chối di sản Ottoman - tức không còn dùng Thánh luật trong Kinh Koran để cai trị.

Nhưng khác với Ataturk, năm 2011, trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Time (Mỹ), ông Erdogan có ý muốn khôi phục vinh quang của đế chế Ottoman qua hình ảnh Thổ Nhĩ Kỹ hiện đại khi bóng gió nói: người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự đánh mất đi bản sắc nếu chối bỏ quá khứ. "Chúng tôi được sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất là di sản của đế chế Ottoman. Họ là tổ phụ của chúng tôi và chúng tôi có quyền tự hào về điều đó".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trong cung điện Ak Saray.

Trong chuyến thăm Turkmenistan vào cuối tháng 10 vừa qua, trả lời phỏng vấn của phóng viên xoay quanh vấn đề cung điện Ak Saray, ông Erdogan nói đầy ẩn ý: "Ở Thổ Nhĩ Kỳ có một số người muốn cùng nhau đặt những viên gạch xây nên công trình đó, còn một số khác chẳng dám mơ. Nếu các bạn muốn vươn ra thế giới, sáng ngang với các cường quốc thì các bạn cần phải nỗ lực và phải có một vị thế vững chắc".

 Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mehmet Simsek cho biết chi phí hoàn tất cung điện tổng thống ở Ankara hết 615 triệu USD. Trả lời chất vấn từ các nhà lập pháp trong phiên điều trần Quốc hội diễn ra vào ngày 3/11, ông Simsek cho biết, hơn 424 triệu USD được chi riêng cho khu làm việc chính của tổng thống, và chính phủ đã dành 132 triệu USD cho công trình từ nguồn ngân sách dự chi trong năm 2015.

Ông Simsek cũng công khai chi phí mua một chuyên cơ Airbus A330-200 phục vụ cho các chuyến công du nước ngoài của Tổng thống trị giá 185 triệu USD.

Văn phòng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ  ra một tuyên bố bằng văn bản vào ngày 30/10 để phản ứng lại các cuộc tranh luận về chi phí quá lớn dành cho Ak Saray, khi nêu: "Tất cả mọi quyền lợi thực sự thuộc về nhân dân. Cung điện Tổng thống, Văn phòng Thủ tướng, những chuyên cơ được tổng thống và thủ tướng sử dụng đều thuộc tài sản công, không phải thuộc tài sản cá nhân.

Những tài sản này sẽ được bàn giao cho những người kế nhiệm khi các vị lãnh đạo này về hưu. Sẽ không tốt để châm ngòi cho một cuộc tranh cãi có ý đồ xấu liên quan đến các công trình công vụ thể hiện cho phẩm giá quốc gia và dân tộc chúng ta".

Vẻ đẹp tráng lệ của Ak Saray vào ban đêm.

Như vậy là  ngay khi bước vào Ak Saray, chưa kịp ấm chân, Tổng thống Erdogan lập tức bị cuốn vào tâm bão chỉ trích và phản đối từ người dân và các thành phần đối lập. Trước ngày Ak Saray chính thức lộ diện vào đúng Quốc khánh Thổ Nhĩ Kỳ 29/10 cùng với sự hiện diện của hơn 2.000 khách mời cấp cao trong và ngoài nước. Một phó thủ tướng ví nơi làm việc mới của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhái kiểu dáng Điện Klemlin nhưng trông như một "ngôi nhà hình chữ đinh nằm ngang", hơn nữa, đằng trước yếu tố thủy - hồ nước, theo phong thủy sẽ tạo thành hình chữ Khốc (Khóc, nghĩa Hán Việt) có thể biến thành miệng Bạch hổ sẽ sinh bất hòa nội bộ và gây hại cho các mối quan hệ  đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ (?).

Các nhà hoạt động môi trường - xã hội cũng phản đối kịch liệt vì Ak Saray nghễu nghện mọc  lên trong khu vực đất lâm nghiệp cần được bảo tồn, có rất nhiều cây cổ thụ đã bị đốn hạ. Còn nhớ, các cuộc biểu tình năm ngoái chống lại Chính phủ Erdogan ban đầu do bức xúc với kế hoạch xây dựng khu thương mại sẽ gặm nham nhở một công viên có diện tích nhỏ hẹp ở Istanbul.

Đầu năm nay, vào ngày 10/2, Tòa án Hành chính cấp 5 Thổ Nhĩ Kỳ từng ban hành lệnh đình chỉ  xây dựng Ak Saray bởi vì nó sẽ phá hủy khu bảo tồn môi trường quý giá Ataturk. Tuy nhiên, ông Erdogan đã chống lại quyết định của tòa án và dùng quyền lực của tổng thống để công trình được hoàn tất.

 Phó giáo sư Kinh tế Mehmet Gunal kiêm Phó chủ tịch đảng Phong trào Quốc dân (MHP) vào đầu năm nay cho rằng, sẽ bất hợp pháp nếu xây dựng cung điện tổng thống bằng nguồn ngân sách do ép buộc Quốc hội phê duyệt.

Một Phó chủ tịch MHP khác là ông Zuhal Topsu cũng thẳng thắn phát biểu tại Quốc hội: "Tổng thống Erdogan đang cố lợi dụng Ak Saray để "rửa tiền" nhằm trốn tránh những cáo buộc tham nhũng". Ông cũng cho biết sớm muộn gì Tổng thống đương nhiệm sẽ phải đích thân điều trần trước người dân Thổ Nhĩ Kỳ và "trả giá cho những sai lầm" đó.

Nhà báo kỳ cựu Yilmaz Ozil, phóng viên nhật báo Sozcu (trước đây làm việc cho tờ Hurriyet, do áp lực từ chính phủ tòa soạn buộc phải cho ông thôi việc) đã so sánh kích thước của Ak Saray với các công trình nổi tiếng khác nhằm bóc trần tham vọng thao túng quyền lực của ông Erdogan: "Nhà Trắng nơi Tổng thống Mỹ đang “lãnh đạo” thế giới chỉ rộng 55.000m2, có một sân tennis, một sân chơi bowling, một bể bơi, một rạp chiếu phim và một bãi cỏ. Điện Kremlin tọa lạc trên khu đất rộng 25.000m2, tổng thể diện tích Quảng trường đỏ ở Nga chỉ có 73.000m2. Cung điện Buckingham (Anh) có 78 phòng, chỉ rộng 78.000m2 và tổng diện tích Tòa thánh Vatican là 44.000m2. Điện Elysee (Pháp) có diện tích 11.000m2”.  Nhà báo Ozdil kết luận  Ak Saray dù lớn đến chừng nào cũng không thể sánh bằng "lòng tham vô đáy" của ông Erdogan.

Châu Âu cũng phê bình và cảnh báo cô lập chính quyền Erdogan

Ngày 7/11, trả lời phỏng vấn báo Thời đại (Thổ Nhĩ Kỳ) nhân chuyến công tác tại nước chủ nhà đại hội các đảng Xanh lần thứ 21, Chủ tịch Nghị viện các đảng Xanh, nhà chính trị Đức, bà Rebecca Harms cũng là một người đại diện cho tiếng nói châu Âu tỏ ý không hài lòng khi biết tin dinh tổng thống được xây dựng với chi phí quá lớn trong khi tỉ lệ thất nghiệp tăng và đồng lương của người lao động Thổ Nhĩ Kỳ còn quá thấp, theo bà, Ak Saray có nhiều nét tương đồng với dinh thự xa hoa của cựu Tổng thống Ukraina - Viktor Yanukovych vì cả hai đều muốn hoàn toàn "thao túng" quyền lực (?).

Yếu tố "thủy" - hồ nước - gắn với hình dáng trông như hình chữ Đinh (như ngôi nhà nằm ngang) khiến Ak Saray trông như chữ “Khốc”, theo phong thủy là "hung trạch" (?)

Bà Rebacca cũng bày tỏ quan ngại về chủ nghĩa độc đoán ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời phê bình nơi làm việc mới của Tổng thống Erdogan vừa xa hoa lãng phí vừa rất lạc hậu như muốn níu kéo quá khứ của đế chế Ottoman. Bà cũng là chính trị gia dũng cảm công khai đưa ra lời chỉ trích không hề vị nể dành cho ông Erdogan: "Tổ hợp công trình thật sự là sự hoang tưởng về quyền lực không giới hạn và không thể kiểm soát".

Bà nhấn mạnh thêm sự yếu kém về tư pháp độc lập là một trong những mối quan ngại của cộng đồng châu Âu và các nhà đầu tư quốc tế dành cho Thổ Nhĩ Kỳ.  Ngoài ra, nhà chính trị Đức cũng nhắc nhở ông Erdogan: các đảng Xanh châu Âu đặc biệt quan tâm đến vấn đề tuân thủ dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ. "Điều mà EU cần phải cảnh báo đó là một quốc gia không đảm bảo quyền tự do con người không thể trở thành đối tác tin cậy”.

Bà Rebecca cảnh báo nếu ông Erdogan tiếp tục phô trương quyền lực sẽ bị ảnh hưởng vì nếu Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một quốc gia "phản dân chủ", thì dòng vốn của phương Tây đổ vào Ankara sẽ gặp rủi ro

Phạm Khôi Nguyên (tổng hợp)
.
.