Cộng hòa Gabon:

Tổng thống buộc phải hiến tặng tài sản cho người dân?

Thứ Ba, 01/09/2015, 20:10
Hôm 17/8 vừa qua, ông Ali Ben Bongo, Tổng thống nước Cộng hòa Gabon ở châu Phi gây chú ý mạnh trong dư luận trong và ngoài nước khi tuyên bố trên truyền hình quốc gia rằng, ông sẽ hiến tặng một phần tài sản ông có được từ gia tài cha mình để lại nhằm phục vụ cho mục đích "trợ giúp giáo dục và phát triển thanh niên Gabon".

Số tài sản mà Tổng thống Ali Ben Bongo hiến tặng bao gồm 2 căn nhà đồ sộ mà bố ông thường sử dụng khi đến Pháp nằm ở quận 7 và 8 của thủ đô Paris; kế đến là ngôi nhà "khổng lồ" ở thủ đô Libreville của Gabon là nơi ở của cố Tổng thống Omar Bongo; và thứ ba là khoản thu nhập từ phần thừa kế di sản từ cha ông.

Một trợ lý của Tổng thống Ali Bongo cho biết, các căn biệt thự ở Paris có thể bán đấu giá lấy tiền phục vụ cho chương trình giáo dục thanh thiếu niên Gabon, còn ngôi nhà "khổng lồ" ở Libreville thì sẽ được chuyển thành một trường đại học. Việc hiến tặng tài sản được tuyên bố một cách đột ngột bởi một vị tổng thống "cha truyền con nối" ở một đất nước được mô tả là còn khá nghèo nàn đã tạo nên những luồng dư luận khác nhau. Dư luận chung đương nhiên là ca ngợi tấm lòng vì dân nghèo của Tổng thống Bongo.

Ali Ben Bongo Ondimba năm nay 56 tuổi (sinh tháng 2-1959). Ali Ben Bongo là con trai của một chính khách, thời niên thiếu cho đến lúc trưởng thành được sống trong điều kiện sung túc, cha là Tổng thống một nước, cho nên con đường học hành rất suôn sẻ, tham gia chính trị rất sớm (gia nhập đảng Dân chủ Gabon PDG do cha mình lãnh đạo từ năm 1981, khi mới 22 tuổi), rồi thăng quan tiến chức không ngừng, nắm các chức vụ cao trong chính phủ cũng như trong đảng PDG.

Tổng thống Gabon Ali Ben Bongo hội đàm Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng trong chuyến thăm năm 2011.

Năm 24 tuổi, Ali Ben Bongo đã là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng PDG, và 3 năm sau đó được chọn làm đại diện cá nhân cao cấp của Tổng thống Omar Bongo trong đảng PDG. Năm 1989, Ali Bongo được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế - một chức vụ đầy quyền lực trong khi tuổi đời của Ali Bongo mới tròn 30. Tuy nhiên, tuổi trẻ lại trở thành yếu tố tích cực khi Ali Bongo được xem là đại diện tiêu biểu cho thành phần cải cách trong đảng cầm quyền PDG.

Tuy nhiên, vào năm 1991, một biến cố lại xảy đến làm đổi hướng con đường thăng quan tiến chức của Ali Bongo: Hiến pháp mới có nhiều sửa đổi đã đưa ra quy định độ tuổi tối thiểu cho một bộ trưởng nội các chính phủ phải là 35 tuổi trở lên. Ali Bongo mới 31 tuổi nên đành chấp nhận rời khỏi chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế. Tháng 1/1999, sau 7 năm “im hơi lặng tiếng”, Ali Bongo đã quay trở lại nội các Chính phủ Gabon, được giao giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng - chức vụ quyền lực cực mạnh, dưới một người trên vạn người.

Bắt đầu từ đó, con đường chính trị của Ali Bongo hoàn toàn rộng mở, không gì cản lối, không chút sóng gợn. Ông tiếp tục tái trúng cử vào Quốc hội liên tục những khóa sau đó, rồi được bầu làm Phó chủ tịch đảng, trong khi trong chính phủ ông thăng tiến lên chức vụ Bộ trưởng Nhà nước (cấp độ cao hơn bộ trưởng thông thường). Năm 2006, Ali Bongo giữ chức Bộ trưởng Nhà nước phụ trách Quốc phòng.

Biến cố quan trọng nhất trong đời Ali Bongo chính là khi cha ông, Tổng thống Omar Bongo, qua đời vào tháng 6/2009, để lại khoảng trống quyền lực cả trong đảng lẫn trong chính quyền. Với các vị trí đang nắm giữ, Ali Bongo được mọi người đánh giá là nhiều khả năng nhất kế thừa chiếc ghế tổng thống của cha.

Tuy nhiên, Ali Bongo đã gặp thách thức nghiêm trọng, thậm chí báo chí Gabon còn mô tả là "đấu đá quyền lực" từ một người chị gái tên là Pascaline Bongo (Giám đốc Văn phòng Nội các Chính phủ) và một người em trai tên là Martin Bongo nhưng cuối cùng Ali Bongo đã vượt qua 2 người thân để giành quyền đại diện cho đảng PDG tham gia ứng cử. Trong cuộc bầu cử ngày 30/8/2009, Ali Bongo đã giành chiến thắng với tỉ lệ 42% phiếu, trở thành Tổng thống Gabon.

Ở đất nước Gabon hiện nay, gần 1/3 dân số còn sống trong nghèo khó (mức sống dưới 1,25 USD/ngày), việc Tổng thống Ali Bongo hiến tặng một khối tài sản khá lớn cho mục đích an sinh xã hội được giới truyền thông không tiếc lời ca ngợi. Tuy nhiên, thành phần đối lập thì lại không vội vàng tin rằng Tổng thống Bongo thật lòng hiến tặng số tài sản nêu trên, mà cho rằng ông chẳng qua "bị buộc phải làm thế".

Vấn đề nằm ở khối tài sản khổng lồ mà gia đình ông có được và bản thân ông cũng đang thừa hưởng một phần không nhỏ từ khối tài sản đó, và những tài sản mà ông hiến tặng cũng chỉ là một phần trong tài sản thừa kế của ông.

Cha của ông, cố Tổng thống Omar Bongo lãnh đạo đất nước trong hơn 40 năm, từ năm 1967 cho đến khi qua đời vào năm 2009 (42 năm). Trong suốt quãng thời gian này, Omar Bongo đã tích lũy khối tài sản rất lớn.

Theo điều tra của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI), Omar Bongo đã sắm cho mình một bộ sưu tập gồm nhiều đội xe ôtô đắt tiền, một số căn biệt thự xa hoa ở thủ đô Paris của Pháp, và kèm theo đó là những tài khoản ngân hàng không ai biết là có bao nhiêu tiền. Riêng ở Gabon, TI đã kiểm kê được gia đình Bongo có tổng cộng hơn 40 căn nhà, biệt thự và căn hộ. Với 2 căn biệt thự xa hoa ở quận 7 và 8 của Paris, ông Omar Bongo (cùng một số lãnh đạo châu Phi khác) đã bị TI kiện ra tòa án ở Pháp, với cáo buộc "sở hữu tài sản bất minh".

Vụ kiện bắt đầu từ năm 2008 và kéo dài cho đến ngày nay vẫn chưa ngã ngũ. Ngoài ra, TI và các luật sư công tố ở Pháp cũng đang để ý đến một tài khoản bí mật lên đến 30 triệu euro do cha ông mở tại một ngân hàng ở Công quốc Monaco.

Những kiện cáo ở Pháp cũng như một số sự cố chính trị gần đây xảy ra trong hàng ngũ các phụ tá của ông đang khiến Tổng thống Ali Bongo phải đau đầu suy nghĩ. Bởi những vấn đề đó có thể trở thành vật cản đáng ngại trên con đường tái cử chức tổng thống của ông.

An Châu (tổng hợp)
.
.