Howard Schultz và cuộc đua vào Nhà Trắng:

Tổng thống – thương gia hay tổng thống – chính trị gia?

Thứ Ba, 19/06/2018, 10:49
Mới đây, sáng lập viên đồng thời là nhà lãnh đạo nhiều năm của nhãn hiệu cà phê nổi tiếng Starbucks là Howard Schultz đã rời khỏi vị trí điều hành của mình đồng thời tuyên bố đang xem xét khả năng gia nhập chính trường Mỹ. Ngay lập tức, nhiều nhà nghiên cứu chính trị và báo giới Mỹ đã đánh giá Howard sẽ là một đối thủ tiềm năng của đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới.

Thương gia có khuynh hướng chính trị

Howard Schultz dù là một thương gia nhưng lại không ít lần bị chỉ trích vì hay có những hành động quá thiên về chính trị. Người đứng đầu thương hiệu nổi tiếng Starbucks không hề e ngại bày tỏ chính kiến và không ít lần chỉ trích “đồng nghiệp tỉ phú” hiện nay là đương kim Tổng thống Donald Trump. Mới năm ngoái, ông còn tuyên bố, Donald Trump là “vị tổng thống chuyên gây xáo trộn hàng ngày”.

Còn nhớ  trước khi Trump được bầu làm tổng thống, công ty của Howard đã không ngại đối đầu phe có đường lối bảo thủ trong xã hội Mỹ bằng những sản phẩm của mình. Tháng 11-2015, Starbucks tung ra một loạt sản phẩm ly cà phê màu đỏ - trắng, khác hẳn với truyền thống giáng sinh thông thường.

Công ty này giải thích rằng, “xây dựng phong cách văn hóa đa dạng là một trong những giá trị chủ chốt của   Starbucks… tại tất cả những cửa hàng của chúng tôi trên khắp thế giới, chúng tôi sẽ chào đón tất cả các khách hàng với các nguồn gốc, tôn giáo khác nhau”. Hành động trên của Starbucks đã gây ra một làn sóng bất bình từ người bảo vệ các giá trị thiên chúa giáo truyền thống, trong đó có cả Donald Trump.

“Tại tòa tháp Trump Tower của tôi có một trong những cửa hàng thành công nhất của Starbucks đang hoạt động. Có thể chúng ta cần phải tẩy chay Starbucks? Nếu tôi trở thành tổng thống, chúng ta sẽ cùng nhau nhắc lại chuyện chúc mừng giáng sinh này” – vị Tổng thống tương lai của Mỹ khi đó đã cảnh báo như vậy. 

Howard Schultz và thương hiệu đã đưa ông trở thành một huyền thoại Starbucks.

Không có gì ngạc nhiên khi vào tuần trước, sau khi Howard Schultz tuyên bố từ bỏ cương vị lãnh đạo tại Starbucks và nhắc tới khả năng tham gia chính trường, thương gia này ngay lập tức được xếp vào danh sách những ứng cử viên tiềm năng nhất của phe Dân chủ có thể đối đầu với Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.

Biểu tượng của giấc mơ nước Mỹ

Howard Schultz là một ví dụ điển hình cho mẫu người có thể tự mình đạt được tất cả. Ông sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái nghèo khổ có 3 anh em – cha là tài xế vận tải còn mẹ làm nội trợ. Họ sống trong một khu phố nghèo ở Brooklyn và được nhà nước đài thọ một phần tiền thuê nhà. Một tương lai mờ mịt dường như đã định sẵn với Howard – không có cơ hội vào trường đại học, trước mắt chỉ là những công việc có chuyên môn thấp, mức lương nhỏ mọn.

Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra. Tại một trong những giải đấu về bóng đá Mỹ, Schultz đã lọt vào mắt xanh của những tuyển trạch viên từ Trường Đại học Tổng hợp Bắc Michigan. Nhờ đó Schultz được nhận vào trường đại học. Tốt nghiệp vào năm 1975, Howard làm quản lý về bán hàng tại Hãng Xerox, trong suốt 3 năm phải vật lộn để gây thiện cảm từ những khách hàng và có thể bán được nhiều sản phẩm nhất – điều mà các nhân viên của Starbucks bây giờ cũng luôn phải tâm niệm. Howard đã trở thành người xuất sắc nhất trong lĩnh vực của mình, kiếm được đủ tiền để thuê căn hộ và giúp đỡ cha mẹ mình. 

Năm 1979, Howard chuyển sang làm tại bộ phận đại diện NewYork của Công ty Thụy Điển Hammarplast, nhà kinh doanh các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt tại Mỹ, trong đó có sản phẩm máy pha cà phê. Đến năm 1981, ông đã là người lãnh đạo bộ phận bán hàng tại đây. Từ thời điểm này, Howard bắt đầu chú ý tới những đơn đặt hàng đến từ Seattle của một công ty có cái tên khá lạ lẫm – Starbucks.

Công ty Starbucks Coffee Tea and Spice do ba người bạn cùng lớp là Jerry Baldwin,  Zev Siegl và Gordon Bowkerthành lập ra vào năm 1971. Ban đầu họ muốn đặt tên công ty là Pequod, ý nói đến con tàu trong cuốn sách Moby-Dick. Cuối cùng họ lại chọn cái tên Starbucks cũng từ tiểu thuyết trên. Biểu tượng của công ty là một nàng tiên cá có hai đuôi – mô tả tình yêu lãng mạn của những trí thức trẻ lênh đênh trên biển.

Đến cuối những năm 1970, công ty đã mở được vài cửa hàng. Trên mỗi bàn tính tiền đều có đặt một máy pha cà phê và một ấm trà để khách hàng có thể dễ dàng nếm thử.  

Howard chú ý tới các đơn đặt hàng của Starbucks bởi một lý do: công ty chưa có tên tuổi này luôn đặt những máy pha cà phê đắt tiền và phức tạp, không phải nhà hàng nào ngay tại NewYork cũng dám mua. Ông tò mò tới Seattle và phát hiện cả chục cửa hàng của Starbucks với các loại cà phê, trà và gia vị chất lượng. Tại mỗi cửa hàng đều có máy pha cà phê của Hãng Hammarplast.

Howard gặp gỡ các ông chủ tại đây, tìm cách thuyết phục họ nhận mình vào công ty nhưng bị khước từ. Trở về với công việc trước đây, Schultz vẫn thường xuyên gọi điện và gửi thư với các đề xuất về việc nâng doanh số bán hàng của Starbucks.

Schultz được đánh giá sẽ trở thành đối thủ tiềm năng của Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.

Một năm sau, Howard đã trở thành trưởng phòng tiếp thị của Starbucks. Với hy vọng tìm kiếm những loại hàng mới, ông đặt chân tới Italia và đã rất ấn tượng với phong cách uống cà phê đường phố tại đây. Howard nhận thấy, hàng cà phê không chỉ là nơi để người Italia uống cà phê, mà còn là nơi để họ tiêu khiển, giao tiếp và bàn luận về thời sự.

Trở về Mỹ, Howard đề xuất đưa vào các cửa hàng Starbucks một loạt các loại cà phê khác nhau từ Italia như espresso, capuchino, latte v.v… Bị khước từ thẳng thừng, ông rời khỏi công ty vào năm 1983, khai trương tại Seattle một công ty riêng có tên Il Giornale. Cà phê của Howard được chế biến với chất lượng Italia trở nên nổi tiếng nhanh chóng đến mức, chỉ 4 năm sau ông đã đủ khả năng mua lại thương hiệu Starbucks từ những ông chủ cũ với giá 3,8 triệu USD.

Từ bỏ thương hiệu cũ Il Giornale, Howard đổi tên công ty thành Starbucks Corporation. Dù công ty vẫn tiếp tục bán cà phê hạt, nhưng khách hàng giờ đây bắt đầu say mê với các loại đồ uống đa dạng từ cà phê mà trước đây họ đơn giản là chưa từng nghe thấy – ngoài espresso và capuchino còn có latte, mocaccino, các đồ uống từ cà phê có bổ sung caramel hay sirô trái cây.

Khác với các quán cà phê Italia, là nơi khách chỉ ngồi đó uống cà phê, Howard còn phát triển thêm phong cách cà phê mang về, giúp nâng cao đáng kể về doanh số. 

Thành công của Starbucks được giải thích chủ yếu là do người dân Mỹ khi đó chủ yếu uống cà phê hòa tan. Cà phê hạt thường chỉ được phục vụ trong các nhà hàng sang trọng. Trong khi Starbucks cung cấp cho khách hàng một ly cà phê espresso chất lượng chỉ với giá từ 1 đến 2 USD, gần như ngang bằng với cà phê hòa tan.

Ứng cử viên tổng thống xuất thân từ giới kinh doanh

Chỉ sau 3 năm, Howard đã có trong tay 70 cửa hàng và bắt đầu mở rộng ra khắp nước Mỹ. Áp dụng kinh nghiệm từ thời làm việc cho Xerox, Howard tận dụng bưu điện để quảng bá cho công ty rất hiệu quả: người dân khắp nơi tại Mỹ nhận được danh sách các sản phẩm của Starbucks kèm theo phiếu giảm giá khi mua cà phê hạt.

Thương hiệu Starbucks nhanh chóng trở nên phổ biến rộng rãi. Chỉ sau vài tháng, Howard cho mở các quán cà phê tại tất cả những thành phố có lượng đơn đặt hàng cà phê hạt cao hơn cả.

Một ý tưởng đột phá nữa phải kể đến chính sách nhân sư: các nhân viên Starbucks không được trả lương quá cao, nhưng bù lại họ được công ty chi trả toàn bộ bảo hiểm y tế cho bản thân họ cùng gia đình. Khi Starbucks chuẩn bị phát hành cổ phiếu đầu tiên vào năm 1992, tất cả các nhân viên của họ đều quyết định đăng ký mua. Kết quả là Starbucks được xếp vào danh sách một trong những công ty được người lao động mong muốn vào làm việc nhất.

Bước vào thập niên 1990, số lượng cửa hàng của Starbucks tại Mỹ tăng trưởng với tốc độ chưa từng thấy: nếu như vào năm 1991 họ mới chỉ có 75 cửa hàng thì đến 1995 con số này đã tăng lên gấp 10 với 680 cửa hàng. Đến cuối những năm 1990, Starbucks bắt đầu chinh phục thị trường thế giới – từ năm 2000 đã có các cửa hàng tại Anh, Trung Quốc, Liban và khoảng chục quốc gia khác. Doanh số của công ty đã lên tới vài tỉ USD.

Đầu những năm 2000, Howard quyết định đầu tư vào lĩnh vực say mê từ lâu của mình là bóng rổ. Năm 2001, ông rời khỏi cương vị Tổng giám đốc Starbucks và bỏ tiền mua Câu lạc bộ Seattle Supersonics của giải NBA. Nhưng ông vua của ngành kinh doanh cà phê lại không thành công trong lĩnh vực thể thao: tính khí của ông lại xung khắc với các siêu sao trong đội bóng. Sau 3 năm đầu tiên không giành được kết quả nào đáng kể, Howard – vốn đã quen với những thành công nhanh chóng tại Starbucks – đã không còn hứng thú với bóng rổ nữa.

Năm 2006, ông bán câu lạc bộ để rồi hai năm sau quay trở lại với chiếc ghế Tổng giám đốc Starbucks. Tương tự như Apple - khi Steve Jobs quay trở lại đã tạo ra động lực phát triển mới – Starbucks cùng với Howard lại bắt đầu một giai đoạn bùng phát mới: mở rộng tại các thị trường mới, cùng với việc bổ sung những đồ ăn, thức uống gây chú ý mới trong menu phục vụ khách hàng. 

Giờ đây Howard Schultz đang sở hữu khối tài sản khoảng 3 tỉ USD cùng với vô số phần thưởng nhờ việc phát triển doanh nghiệp của mình. Năm 2011, ông được Tạp chí Fortune vinh danh là thương gia của năm vì những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế và thị trường lao động Mỹ.

Tổng thống - thương gia hay tổng thống - chính trị gia?

Là một người ủng hộ cho phe Dân chủ, Howard đã có những hoạt động chính trị và xã hội rất tích cực và nổi bật. Ông đã ủng hộ rất nhiệt tình cho bà Hillary trong cuộc đua năm 2016, khiến nhiều  chuyên gia nghiên cứu chính trị phải nhận định về ông  rằng, nước Mỹ có thể sẽ xuất hiện một ứng cử viên tổng thống mới xuất thân từ giới kinh doanh.

Thật ra ngay từ năm 2008, đạo diễn David Geffen của Holywood đã từng thuyết phục Howard tham gia tranh cử nội bộ tại đảng Dân chủ nhưng ông đã khước từ. Nhiều người đang hy vọng lần này Howard sẽ suy nghĩ lại. “Howars Schultz là một ứng cử viên mẫu mực của đảng Dân chủ - nhà đồng sáng lập và là cựu ông chủ mạng lưới nhà hàng cà phê Yum! Brands là David Novak nhận xét – Ông ấy có một loạt những thành công không thể tin nổi trong kinh doanh và cả trong hoạt động xã hội”.

Starbucks được xếp vào danh sách một trong những công ty được người lao động mong muốn vào làm việc nhất.

Tuy vậy cũng phải nói thêm rằng, cựu ông chủ Starbucks rất có thể không chỉ là đại diện duy nhất của giới kinh doanh trở thành ứng cử viên Tổng thống từ đảng Dân chủ. Hiện giới bình luận cũng đã nêu tên một vài ứng cử viên tiềm tàng khác như nhà điều hành của Walt Disney là Bob Iger, ông chủ Mark Cuban của Câu lạc bộ bóng rổ Dallas Mavericks.

Quả thật trong thời gian gần đây đã ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của các tổng thống xuất thân từ giới thương gia thay cho các chính trị gia kỳ cựu. Chỉ một năm sau chiến thắng của Donald Trump vào năm 2016, một cựu chủ tịch ngân hàng đầu tư là Emmanuel Macron lên làm tổng thống tại Pháp. Còn cựu thương gia Petro Poroshenko đã lên nắm quyền tại Ukraine từ năm 2014.

Còn người chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Argentina vào năm 2015 là Mauricio Macri, trong một thời gian dài từng là nhà thầu xây dựng, sau đó làm chủ tịch của “Boca Junior”, một trong những câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng nhất tại quốc gia này. 

“Quả thật hiện giờ đang phổ biến quan điểm cho rằng, chính phủ đang hoạt động không hiệu quả như mong đợi – Giáo sư Trường đào tạo kinh doanh Fuqua thuộc Đại học Duke (bang Bắc Caroline) là Aaron Chatterjee nhận xét – Đối với những thương gia chuyên phải đưa ra quyết định chủ yếu dựa trên cơ sở lợi nhuận và chi phí thì về mặt lý luận nào đó sẽ có chỗ của mình trên chính trường. Ít nhất là về mặt lý thuyết”.

Quỳnh Nga (tổng hợp)
.
.