Tony Blair – “đắt sô” làm cố vấn

Thứ Sáu, 25/11/2011, 17:50
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair mới đây đã nhận lời làm lãnh đạo một nhóm cố vấn có trọng trách soạn thảo một chương trình cải cách kinh tế cho Tổng thống Nursultan Nazarbayev của Kazakhstan. Với công việc mới này, cựu Thủ tướng Anh một lần nữa cho thấy mình đã “đắt sô” như thế nào trong vai trò của một cố vấn chính trị cao cấp cho nhiều khách hàng VIP trên thế giới.

Chuyên đề ANTG từng có bài đề cập đến việc ông Blair đã kiếm thêm được một khoản tiền không nhỏ nhờ đảm trách sứ mạng của một “đặc phái viên về vấn đề Trung Đông”. Theo một số nguồn tin, trước Tổng thống Kazakhstan, ông Blair còn chẳng ngại nhận lời cố vấn cho cố Đại tá Muanmar Gaddafi tại Libya

"Công ăn việc làm" mới của Blair đã được chính tay đại diện Matthews Doyle của ông ta thừa nhận. "Ngài Blair đã giúp tập hợp một đội ngũ các cố vấn và chuyên gia tầm cỡ quốc tế cho Kazakhstan. Họ đang đảm trách một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo tiền đề cho các cuộc cải cách sắp tới" - Matthews Doyle tuyên bố.

Theo những thông tin có được từ tờ báo Anh The Telegraph, giới chức tại Kazakhstan tỏ ra rất hài lòng với "dịch vụ cao cấp" của ông Blair. "Những lời khuyên của ông ấy trong lĩnh vực kinh tế và chính trị là vô giá" - một nguồn tin cao cấp tại địa phương tiết lộ với phóng viên tờ báo Anh như vậy. Hiện chi phí của "những lời khuyên vô giá" trên vẫn chưa được tiết lộ. Nhưng theo một số nguồn thông tin, ông Blair sẽ nhận được khoảng 8 triệu bảng mỗi năm từ dịch vụ trong vai trò cố vấn cao cấp này.

Tony Blair đã có mối quan hệ thân cận với Tổng thống Nazarbayev từ khi ông ta còn là thủ tướng Anh.

Chuyện hợp tác giữa Tony Blair và Tổng thống Nursultan Nazarbayev thực ra đã bắt nguồn từ những mối quan hệ đặc biệt thân thiết trong quá khứ. Tờ The Telegraph nhân sự kiện này đã nhắc lại một câu chuyện cảm động từ năm 2000, trong thời gian chuyến thăm của Tổng thống Nazarbayev tới nước Anh. "Ngài Thủ tướng khi đó đã cho phép Tổng thống Nazarbayev bế trên tay và ru cậu con trai Leo mới có 6 tháng tuổi của mình" - The Telegraph kể lại.

Kể từ thời điểm đáng nhớ đó, giữa hai chính trị gia này đã hình thành mối quan hệ đặc biệt khăng khít. Sau khi từ chức vào năm 2007, ông Blair đã nhiều lần ghé thăm nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này. Ông đã bỏ ngoài tai nhiều chỉ trích từ phía các quan chức phương Tây, những người vẫn có xu hướng chỉ trích chế độ của Tổng thống Nazarbayev. Lần gần đây nhất là tháng 5 năm nay, Tony Blair bay tới Astana để tham gia một phiên họp của Hội đồng các nhà đầu tư nước ngoài.

Hoạt động đặc biệt tích cực của Tony Blair trên vai trò cố vấn kinh tế và tài chính kể từ khi rời khỏi Downing Street đã gây ra không ít những "điều qua tiếng lại". Theo ước tính, Blair nhờ đó đã tích lũy được một gia sản không hề nhỏ - khoảng từ 20 đến 50 triệu bảng. Trong số các khách hàng của cựu Thủ tướng Anh còn có nhiều công ty, tổ chức khác nhau như Ngân hàng Đầu tư JP Morgan của Mỹ, Tập đoàn bảo hiểm Zurich Financial Services.

Ngoài ra, ông Blair cũng trực tiếp lãnh đạo Công ty Tony Blair Associates, hiện đang đảm trách dịch vụ tư vấn cho Chính phủ Kuwait và Quỹ đầu tư Abu Dhabi Mubadala. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Anh vẫn đang đảm trách vai trò đặc phái viên đặc biệt về vấn đề Trung Đông, theo như đánh giá của nhiều chuyên gia, ông vẫn đang rất tích cực tận dụng những mối quan hệ chính trị có được từ vị trí này để phục vụ cho quyền lợi hoạt động kinh doanh của chính mình.

Nhiều thông tin khẳng định, Gaddafi từng là khách hàng trong dịch vụ tư vấn của Tony Blair.

Trong lĩnh vực kinh doanh, chính trị gia tháo vát này tỏ ra không quá khó tính trong việc lựa chọn khách hàng. Theo báo chí Anh, ông Blair chuyển sang làm việc cho Nazarbayev chẳng qua là để kịp thời thay thế một "khách hàng sộp" cũ là Muanmar Gaddafi. Đó cũng là lý do khiến một loạt thông tin về mối quan hệ thân thiết của Tony Blair với chế độ cũ tại Tripoli đã gây ra nhiều vụ tai tiếng không nhỏ.

Như từ năm 2010, con trai của Đại tá Gaddafi, Saif al-Islam (nhân vật hiện đang bị Tòa án quốc tế truy tố) đã tiết lộ rằng, Tony Blair đang làm cố vấn tài chính cho cha mình và còn "trở thành một người bạn thân cận của gia đình", rồi tham gia cố vấn cho Libyan Investment Authority, một quỹ đầu tư quốc gia chuyên điều hành các khoản vốn đầu tư về dầu mỏ của Libya.

Ngay sau đó, đại diện của ông Blair đã vội vàng lên tiếng bác bỏ. Dù thế nào, dư luận tại Anh cũng tỏ ra đặc biệt nghi ngờ về việc, liệu có phải chính cựu Thủ tướng đã tác động để trả tự do cho Abdel Baset al-Megrahi, kẻ được cho là đã trực tiếp tổ chức vụ khủng bố đẫm máu làm nổ tung chiếc máy bay dân dụng của Mỹ trên bầu trời Lockerbie. Giả thuyết trên càng được cho là có cơ sở nhờ những thông tin cho biết, Tony Blair đã qua lại Libya tới 5 lần chỉ trong vòng có 14 tháng trước khi Al-Megrahi được trả tự do.

Người Anh còn rỉ tai nhau rằng, ông Blair hồi năm 2009 từng rất nỗ lực trong vai trò trung gian trong một thương vụ trị giá cả tỉ USD giữa Libyan Investment Authority với Tập đoàn Rusal của Nga. Tuy nhiên, thương vụ này cuối cùng đã đổ bể không rõ lý do

Đinh Linh (Tổng hợp)
.
.