Vụ bê bối làm mất mặt đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh:

Trả tiền để được gặp thủ tướng

Thứ Ba, 03/04/2012, 12:10

Một vụ bê bối lớn vừa bùng phát tại xứ sở sương mù liên quan đến hoạt động đóng góp tài chính trái phép của đảng Bảo thủ cầm quyền. Theo đó, các phương tiện truyền thông đại chúng địa phương đã tung ra những bằng chứng không thể chối cãi, cáo buộc thủ quỹ chính Peter Cruddas của đảng Bảo thủ âm mưu bán… cơ hội được gặp mặt đương kim Thủ tướng David Cameron với giá 250 ngàn bảng Anh.

Hết đường chối cãi, Cruddas đã nộp đơn xin từ chức, đồng thời đứng ra nhận hết phần trách nhiệm về mình. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vụ bê bối trên chắc chắn sẽ giáng một đòn nặng nề vào vị thế và uy tín của Thủ tướng Cameron…

Được biết, những người “đào huyệt” trực tiếp chôn vùi sự nghiệp chính trị của Peter Cruddas là các phóng viên của tờ The Sunday Times. Họ tìm cách tiếp cận tay thủ quỹ chính của đảng Bảo thủ cầm quyền dưới vỏ bọc các đại diện của một hãng "tưởng tượng" nào đó của nước ngoài có tên là Zenith, được giới thiệu là "một quỹ điều hành tài sản đăng ký tại Liechtenstein". Những thương gia giả mạo này bày tỏ nguyện vọng được gặp gỡ thủ lĩnh đảng Bảo thủ, đồng thời là đương kim Thủ tướng David Cameron.

Peter Cruddas quả quyết với các phóng viên rằng, ông ta có thể "đạo diễn" cho họ một cuộc gặp không chỉ với người đứng đầu chính phủ, mà còn với nhiều thủ lĩnh khác của đảng Bảo thủ, trong đó có cả Bộ trưởng Tài chính George Osborne. Để có được cơ hội trên, các đại diện của Zenith cần phải quyên góp một khoản tiền đáng kể vào ngân quỹ của đảng Bảo thủ. "Từ 200.000 cho tới 250.000 bảng, tương tự như Premier League (tức giải ngoại hạng) - tay thủ quỹ tuyên bố với các phóng viên –

Điều đầu tiên chúng tôi có thể làm là tổ chức cho các ngài một bữa ăn trưa với Cameron và Osborne". Cruddas còn không quên quảng cáo tiếp cho "món hàng" của mình. Theo lời ông ta, trong khuôn khổ những cuộc gặp như vậy, "có thể thu nhận được nhiều thông tin giá trị". "Khi các ngài gặp gỡ Thủ tướng, trên thực tế là các ngài gặp cá nhân David Cameron chứ không phải Thủ tướng - Cruddas giải thích - Các ngài có thể hỏi ông ấy về tất cả mọi thứ. Chưa hết, tất cả những nội dung được nói trong căn phòng trên đều được giữ bí mật tuyệt đối". Cần biết là theo luật pháp Anh, các đảng phái chính trị không có quyền nhận tiền quyên góp từ nước ngoài. Để không vi phạm pháp luật, tay thủ quỹ của đảng Bảo thủ còn khuyên các phóng viên nên mở một chi nhánh của công ty họ tại Anh.

Theo Cruddas, với 250.000 bảng, ông ta có thể "đạo diễn" một cuộc gặp trực tiếp với Thủ tướng David Cameron (trái) và Bộ trưởng tài chính George Osborne (phải).

Đảng Bảo thủ thật ra không thể phủ nhận hoàn toàn những cuộc gặp gỡ trả tiền kiểu trên. Phe này trên thực tế đã có cả một câu lạc bộ những người góp quỹ, liên kết tất cả những cá nhân có nhã ý đóng góp cho các nhu cầu hoạt động của đảng. Tùy thuộc vào giá trị các khoản góp, các nhà tài trợ được phân thành những nhóm khác nhau, giúp cho họ có quyền tham gia vào cuộc sống chính trị của đảng.

Các thành viên của nhóm cao cấp nhất, gọi là "nhóm thủ lĩnh" (tất nhiên là những người quyên góp nhiều nhất) sẽ có được giấy mời ăn tối với David Cameron và các thủ lĩnh khác của đảng Bảo thủ, cũng như tham gia vào nhiều sự kiện có sự hiện diện của giới lãnh đạo cao cấp trong đảng. Có điều để được gia nhập vào "nhóm thủ lĩnh", nhà tài trợ chỉ cần quyên góp tối thiểu 50.000 bảng (chứ không phải là 250.000 như Cruddas đã vòi vĩnh).

Quay trở lại với vụ bê bối, các phóng viên The Sunday Times đã ghi lại cuộc trò chuyện với Cruddas bằng một camera bí mật và tung ra ngay sau đó. Biết không còn cơ hội để chối cãi, Cruddas ngay trong sáng sớm 25/3 đã tuyên bố về quyết định từ chức của mình. "Tôi rất lấy làm tiếc rằng, trò huênh hoang của tôi trong thời gian cuộc nói chuyện có thể tạo ra ấn tượng rằng, đó là những hành động không chính trực" - Cruddas thừa nhận.

Theo lời ông này, tình huống nhạy cảm trên chỉ có thể giải thích bằng sự sốt sắng quá mức của cá nhân ông ta, còn giới lãnh đạo đảng không liên quan gì tới chuyện này. "Tôi mới đảm nhiệm cương vị phụ trách tài chính của đảng từ đầu tháng, nên luôn sẵn sàng gặp gỡ những người quan tâm đến chuyện quyên góp quỹ - ông Cruddas giải thích - Hậu quả là chưa xin ý kiến của lãnh đạo đảng, tôi đã đơn phương gặp gỡ với các đại diện của Công ty Zenith".  

Về phần mình, các quan chức đảng Bảo thủ biện minh rằng, họ không nhận tiền quyên góp từ những công ty giả mạo và thậm chí "không chính thức xem xét" những vấn đề về những công ty này. Bản thân Thủ tướng David Cameron đã gọi vụ bê bối kiểu "trả tiền để gặp gỡ" như trên là hoàn toàn không thể chấp nhận được, đồng thời đưa ra lời xin lỗi về hành động của các nhân viên dưới quyền. "Việc đã xảy ra là chuyện không thể chấp nhận được. Đảng Bảo thủ kiếm tiền không phải bằng phương pháp như vậy. Điều này về nguyên tắc không thể cho phép xảy ra. Đó cũng chính là lý do Peter Cruddas xin từ chức. Tôi sẽ đích thân theo dõi để đảng tiến hành cuộc điều tra thật chi tiết. Một sự kiện tương tự sẽ không bao giờ được lặp lại" - báo chí Anh trích dẫn lời phát biểu của David Cameron.

Tất cả những giải thích và thanh minh trên không thể khiến phe Bảo thủ và cá nhân Thủ tướng Cameron tránh khỏi búa rìu của dư luận. Công đảng đối lập đã yêu cầu phải công khai tên tuổi tất cả những nhà tài trợ lớn của đảng Bảo thủ, những người đã có "vinh dự" được hiện diện tại dinh Thủ tướng ở số 10 Downing Street. Nhiều đối tác của đảng Bảo thủ trong liên minh cầm quyền cũng bày tỏ những ý kiến lo ngại. "Đây là một mối nhục nhã - nghị sĩ từ đảng Dân chủ tự do Danny Alexander tuyên bố - Trên chính trường Anh không thể có chỗ cho một hành vi như vậy".

Vụ lùm xùm lần này chắc chắn sẽ là một đòn đánh nặng nề vào uy tín của phe Bảo thủ nói chung và Thủ tướng David Cameron nói riêng. Còn nhớ mới chỉ 2  năm trước, ông Cameron trong chiến dịch tranh cử đã từng hứa hẹn sẽ thanh toán "thế giới của những trò vận động hành lang trong bóng tối". Ông này còn cao giọng buộc tội Công đảng về chuyện mua chính quyền bằng những khoản tiền lớn và hứa sẽ xóa bỏ tình trạng này. 

Tuy nhiên, nếu xem xét một cách có hệ thống, những vụ bê bối tương tự cũng từng xảy ra cách đây không lâu liên quan đến việc cung cấp tài chính cho cả phe Công đảng cũng như Dân chủ tự do. Chính vì vậy, đang ngày càng có nhiều chuyên gia lên tiếng về nhu cầu cải tổ một cách nghiêm túc hệ thống cung cấp tài chính cho các đảng phái chính trị.

Mới năm ngoái, Ủy ban Quốc hội về các tiêu chuẩn trong đời sống xã hội đã đi đến kết luận rằng, nguồn cung cấp tài chính từ ngân quỹ quốc gia cho các đảng phái chính trị cần phải được tăng lên tới mức 23 triệu bảng để giúp giảm bớt sự phụ thuộc của họ vào các khoản quyên góp. Ủy ban này cũng đồng thời đề xuất cần giảm mức trần mọi khoản quyên góp xuống thành 10.000 bảng. "Cho tới khi nào những đề xuất trên chưa được thực thi, những vụ bê bối tương tự là khó tránh khỏi" - đấy là tuyên bố của người đứng đầu Ủy ban Christopher Kelly sau khi bình luận về vụ bê bối của Peter Cruddas.

Peter Cruddas - Thủ quỹ của đảng Bảo thủ được coi là một thương gia khá thành đạt và giàu có với gia sản ước tính 750 triệu bảng. Vốn có khiếu kinh doanh, Cruddas đã phất rất nhanh từ một nhà môi giới hàng hóa tại Bank of Iran trước khi thành lập ra CMC Markets (một công ty cá cược chênh lệch hàng đầu trên mạng) ở tuổi 35.

Cruddas từng sống tại "thiên đường thuế" Monte Carlo trước khi trở về Anh vào năm 2009. Cruddas sở hữu nhiều bất động sản giá trị tại Anh và Monaco. Trở về Anh, Cruddas bắt đầu quan tâm đến đầu tư vào chính trị, ủng hộ rất mạnh tay cho đảng Bảo thủ trước khi được chỉ định phụ trách phần ngân quỹ cho đảng này.

Cruddas cũng được coi là một nhà từ thiện hào phóng, đóng góp rất nhiều tiền cho các chương trình xã hội tại Anh.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.