Tranh cử bằng trò chơi điện tử - chuyện chỉ có ở Mỹ

Thứ Bảy, 05/02/2005, 07:18
Các “trò chơi tranh cử” thường tập trung vào việc công kích các đảng đối lập. Trong các trò chơi, người chơi bóp méo khuôn mặt của một ứng cử viên tổng thống hay tát thẳng vào mặt vị ứng cử viên này nếu muốn.

Để đạt được mục đích chính trị, các chính trị gia ở Mỹ đã không từ một phương pháp nào để giành lá phiếu của cử tri. Một trong những minh chứng cho nhận định trên là sau bầu cử, người ta thống kê được trên thị trường Mỹ có tới 20 trò chơi điện tử tham gia vào quá trình tranh cử của các ứng cử viên tổng thống.

Theo Gonzalo Fransca, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu trò chơi điện tử thuộc Trường Đại học Tin học Copenhagen, thì trò chơi điện tử ngày càng trở thành một phương tiện tự nhiên để con người bày tỏ quan điểm đối với các chủ điểm hiện thời.

Các đảng phái chính trị đã sử dụng trò chơi trong các chiến dịch vận động tranh cử vì một số lý do sau:

Thứ nhất, đó là cầu nối để các đảng phái trao đổi thông tin với một bộ phận không nhỏ các cử tri trẻ, những người vốn được coi là ít quan tâm đến đời sống chính trị. Nếu thu hút được giới trẻ thì đó không chỉ đạt được vấn đề cử tri ủng hộ đảng trong một chiến dịch tranh cử mà còn có lợi ích lâu dài.

Thứ hai, nó là một công cụ tuyên truyền để giúp các cử tri hiểu được các vấn đề phức tạp hơn, chẳng hạn như hệ thống bầu cử của Mỹ hoạt động như thế nào? Tại sao một ứng cử viên nhận được nhiều phiếu hơn nhưng lại không trúng cử? v.v...

Các trò chơi còn có thể tạo ra độ phức tạp của một chủ đề khiến cho những ứng cử viên có khả năng hùng biện nhất cũng gặp khó khăn khi đối đáp và nó thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Đồng thời, các trò chơi cũng là một phương tiện rất thoải mái để các đối thủ có thể tự do chỉ trích hoặc thậm chí “đánh nhau” mà không hề bị dư luận lên án.

Nội dung của các trò chơi tranh cử

Có thể nói các trò chơi điện tử được sử dụng vào mục đích tranh cử tổng thống vừa qua là vô cùng đa dạng. Cũng như cuộc đua chính thức giữa hai ứng cử viên nặng ký là G. Bush và J. Kerry trên các sàn diễn thuyết. Các trò chơi tranh cử cũng tập trung vào việc tuyên truyền vận động cho một đảng nào đó một cách đứng đắn hoặc cũng có thể tuyên truyền gây chia rẽ, nói xấu đảng đối lập.

Tranh cử Tổng thống là một đề tài của các trò chơi điện tử.

Các trò chơi như Frontrunner, Elections, President ForeverThe Political Machine tạo cho người chơi một “sân khấu chính trị” với đủ các tiết mục giúp người chơi có thể tham gia vào chiến dịch tranh cử một cách toàn diện. Điều đáng nói là các trò chơi này ép người chơi phải bày tỏ quan điểm đối với các chủ đề của cuộc tranh cử được đưa ra bàn luận, đồng thời còn phải đối phó với giới truyền thông và vận động tranh cử nhiệt tình.

Political Machine, do hãng sản xuất đồ chơi điện tử khổng lồ Ubisoft chế tạo phần mềm, lại cho phép những người cùng chơi có thể tranh luận với nhau trên Internet về các chủ đề trong bầu cử.

Còn trò chơi Staffers bắt người chơi phải đóng vai một nhân viên làm việc trong một văn phòng vận động tranh cử và yêu cầu họ phải giải quyết các tình huống liên hồi như vừa phải lo trả lời điện thoại, vừa phải cho tài liệu vào phong bì gửi đi hoặc tiếp khách hay uống cà phê.

Có những trò chơi còn sử dụng kỹ thuật flash để điều khiển các ứng cử viên khi họ đấu quyền Anh hoặc khi họ đang nhảy hip hop. Thậm chí có trò chơi có thể được tải vào điện thoại như tạo ra tiếng reo của điện thoại có chủ đề nhạc của phe ứng cử viên hoặc đưa vào những câu nói sai nghĩa của ứng cử viên.

Một số trò chơi còn nhằm vào các đối thủ tranh cử một cách khá thô thiển. Đảng Cộng hòa đã cho tung ra trò chơi mang tên John Kerry, trong đó đưa ra dự đoán nước Mỹ sẽ tốn bao nhiêu tiền nếu Kerry thắng cử và làm những điều mà ông ta đã cam kết trong quá trình vận động tranh cử.

Một trò chơi khác mô phỏng chính ông Kerry đấm vào mặt mình trên võ đài, ý muốn chỉ trích ứng cử viên này thay đổi đường lối và quan điểm trong quá trình tranh cử.

Tiến sĩ Gonzado Fransca còn cho biết, ông vô cùng ngạc nhiên khi thấy các chính trị gia và những cử tri ủng hộ đảng đã dành rất nhiều thời gian để làm quen với những trò chơi trước kia vẫn được xem là vô bổ.

Thế mới biết, để giành được lá phiếu của cử tri, các chính trị gia nước Mỹ không hề bỏ qua một phương thức tranh cử nào

Trần Lợi (theo BBC)
.
.