Trung - Ấn tranh giành ảnh hưởng ven Ấn Độ Dương

Thứ Ba, 20/11/2018, 16:09
Với tham vọng giành ưu thế vượt trội, hai đối thủ nặng ký tại châu Á này từ lâu luôn nỗ lực thiết lập lực lượng quân đội và sự hiện diện kinh tế mạnh mẽ hơn tại các nước dọc Ấn Độ Dương, tạo nên một cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì vậy, bất cứ động thái bất thường nào cũng có thể tác động đến chính sách “long tranh, hổ đấu” của các nước Trung - Ấn ở khu vực Ấn Độ Dương.

Những tham vọng mới

Khi Sri Lanka tính xây dựng cảng biển ở phía bờ nam đối diện với Ấn Độ Dương, họ đã tìm tới sự giúp đỡ từ các quan chức Ấn Độ. Xây cảng Hambantota - địa điểm bị tàn phá nặng nề bởi trận sóng thần ở Ấn Độ Dương vào năm 2004 - sẽ cần có một khoản tiền khổng lồ và New Dehli đã tỏ ra “hờ hững”.

Sri Lanka đã hướng tới Trung Quốc và Bắc Kinh đã không ngần ngại đồng ý với đề xuất này thông qua khoản đầu tư mạnh tay hơn 1,5 tỷ USD. Sau cùng, sự “hờ hững” của New Dehli đã khiến họ chậm chân hơn đối thủ Bắc Kinh về mặt lợi thế địa chính trị.

Tiếp đó, Trung Quốc đã đầu tư 1,4 tỷ USD để cải tạo và mở rộng thành phố tài chính quốc tế Colombo vốn có vị trí chiến lược vì nằm cạnh cảng container nước sâu duy nhất trong khu vực của Sri Lanka. Đây là động thái “xâu chuỗi ngọc trai” (với tham vọng nối Biển Đông và Ấn Độ Dương) khiến Bắc Kinh có thể xâm nhập tới ngay sân sau Ấn Độ.

Thêm vào đó, Bắc Kinh vừa ký được hợp đồng thuê cảng biển Hambantota trong 99 năm, cung cấp cho Trung Quốc một điểm tiếp cận chiến lược vào phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ. Động thái này phản ánh quyết tâm bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương và tạo nên mối đe dọa lớn cho Ấn Độ.

Giới quan sát cho rằng, Sri Lanka dường như đã trở thành mắt xích trong kế hoạch “Vành đai - Con đường” của Trung Quốc. Hàng thập niên qua, Trung Quốc đã đổ tiền vào Sri Lanka ngay cả khi cộng đồng quốc tế ban hành lệnh trừng phạt liên quan tới cuộc nội chiến giữa lực lượng chính phủ và lực lượng Hổ Tamil.

Khi châu Âu quay lưng với Sri Lanka, Trung Quốc không những tài trợ về nhân đạo mà còn về mặt quân sự và cam kết sẽ đầu tư giúp Sri Lanka xây dựng cơ sở hạ tầng bị tàn phá. Trung Quốc muốn tăng cường ảnh hưởng chiến lược ở Ấn Độ Dương và sử dụng Sri Lanka làm bàn đạp cho kế hoạch dài hơi này.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại cũng khiến Bắc Kinh có chút dè chừng. Trong những năm gần đây, Colombo đang có nhiều động thái nhằm “tạo khoảng cách” với Bắc Kinh và cải thiện quan hệ với New Delhi. Ngoài ra, việc ông Rajapaksa không còn nắm quyền làm dấy lên hy vọng về dân chủ và cải thiện nhân quyền ở Sri Lanka, là cơ hội để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh, trong đó chính phủ của Tổng thống Sirisena mới lên nắm quyền cam kết sẽ xem xét lại và sửa đổi một số thỏa thuận mà ông Rajapaksa đã ký kết với Trung Quốc.

Khi mà Tổng thống Sirisena bất ngờ quay ngược lại ủng hộ người tiền nhiệm Rajapaksa thì liệu Trung Quốc có ở thế thượng phong nếu ông Rajapaksa thay thế ông Wickremesinghe lên giữ chức thủ tướng?

Bắc Kinh vừa ký hợp đồng thuê cảng biển Hambantota của Sri Lanka trong 99 năm, tạo mối đe dọa lớn cho Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương.

“Long tranh hổ đấu”

Trong khi đó, việc Trung Quốc không ngừng gia tăng đầu tư vào Sri Lanka đã gây cảnh giác cho Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này lo ngại hợp tác kinh tế ngày càng sâu sắc khiến quan hệ chiến lược tiềm tàng giữa Trung Quốc và Sri Lanka thậm chí có thể đem lại ưu thế về quân sự. Để giữ được Colombo trong vai trò “sân sau của New Delhi”, Thủ tướng Narendra Modi đã nhiều lần tiến hành các chuyến thăm đến Sri Lanka và hội đàm với giới quan chức nhằm mối quan hệ chặt chẽ hiện nay giữa hai nước.

Giới quan sát vẫn có xu hướng mô tả ông Rajapaksa có tư tưởng chống Ấn Độ, ủng hộ Trung Quốc và ông Wickremesinghe thì ngược lại. Tuy nhiên, thời thế có thể thay đổi. Điều đó có thể được minh chứng qua chuyến thăm New Delhi gần đây của ông Rajapaksa.

Nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của nước này tại Ấn Độ Dương, Ấn Độ và Oman đã hoàn tất một thỏa thuận cho phép Ấn Độ sử dụng cảng Duqm, nằm ở bờ biển phía Nam của Oman. Cảng này nằm về phía Tây Bắc của Ấn Độ Dương và tạo điều kiện vào Biển Đỏ và Vịnh Aden một cách dễ dàng, là một nút quan trọng cho mạng lưới các cơ sở đang được các nước trong vùng phát triển ở Ấn Độ Dương để duy trì hiện trạng, mong bảo vệ quyền lợi của mình.

Việc Ấn Độ được sử dụng Duqm sẽ tạo thành một nhân tố quan trọng trong cuộc tranh đua với Trung Quốc khi hải quân nước này có thể sử dụng cảng Duqm để thiết lập cơ sở hậu cần và hỗ trợ, cho phép nó duy trì các hoạt động lâu dài ở Ấn Độ Dương.

Trước khi ký kết thỏa thuận với Oman, Ấn Độ cũng điều chỉnh một thỏa thuận có sẵn với đảo quốc Seychelles, cho phép New Delhi xây cất một căn cứ quân sự nằm về phía đông của lục địa Đông Phi. Thỏa thuận này là kết quả của nhiều năm đàm phán ngoại giao, sẽ cung cấp cho Ấn Độ một căn cứ quân sự quan trọng thuộc chiến lược “bao vây khu vực”, từ đó bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Thủ tướng Modi nhận định, giờ đây New Delhi đã thiết lập được những khu vực trọng yếu ở Ấn Độ Dương. Trong bối cảnh đối thủ lâu năm Trung Quốc ngày càng bành trướng, chiến lược của New Delhi cũng phải mở rộng và đây là cách duy nhất Ấn Độ có thể tự bảo vệ mình.

Có thể nói, cạnh tranh đang gia tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ khi hai cường quốc lớn này mở rộng vai trò của mình trong khu vực đã tạo nên những thay đổi chóng mặt trong môi trường chiến lược ở Ấn Độ Dương. Nếu như Trung Quốc đang tìm cách hiện thực hóa chiến lược “xâu chuỗi ngọc trai” thì Ấn Độ cũng “ăn miếng trả miếng” bằng việc xây dựng các cơ sở quân sự trên khắp Ấn Độ Dương.

Cuộc chạy đua Trung - Ấn ngày càng nóng hơn nhờ công nghệ vũ khí. Để gia tăng ảnh hướng, Bắc Kinh có kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển; trong khi đó, New Delhi đề nghị mua máy bay không người lái của Mỹ là nhằm mục đích giám sát hoạt động của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương.

Giới quan sát dự đoán, cạnh tranh Trung - Ấn hiện nay có thể khởi đầu cho một trật tự chiến lược mới đa cực hơn ở Ấn Độ Dương.

Hồng Hạnh
.
.