Tự do báo chí gây căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Israel - Thụy Điển

Thứ Ba, 08/09/2009, 11:25
Báo chí Bắc Âu một lần nữa lại là nguyên nhân gây ra những rắc rối chính trị cho chính phủ các quốc gia tại đây. Tình trạng căng thẳng lần này xảy ra trong quan hệ ngoại giao Israel - Thụy Điển, sau khi một bài báo đăng trên tờ Aftonbladet (Thụy Điển) khẳng định, nhiều binh sĩ Israel đã sát hại nhiều người Palestine để lấy... các cơ quan nội tạng.

Phía Israel đã ngay lập tức yêu cầu Chính phủ Thụy Điển phải có phản ứng lên án "chuyện bịa đặt" trên. Đề nghị trên đã bị Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfedlt thẳng thừng bác bỏ với lý do trái với nguyên tắc tự do ngôn luận hiện đang là giá trị cơ bản trong xã hội Thụy Điển.

Bài báo "gây sốc" trong quan hệ Israel - Thụy Điển xuất hiện trên tờ Aftonbladet, một trong những tờ báo phổ cập nhất tại Thụy Điển, vào ngày 17/8/2009. Phóng viên Donald Bostrom trong bài báo có nhan đề "Họ lấy cắp nội tạng của trẻ em chúng tôi" đã khẳng định rằng, nhiều binh sĩ Israel đã sát hại người Palestine để lấy các cơ quan nội tạng.

Bài báo còn nêu rõ tên tuổi nhiều người Palestine là nạn nhân của chuyện mờ ám này. Chẳng hạn như phóng viên Bostrom kể về một trường hợp xảy ra hồi năm 1992, khi binh sĩ Israel bắn chết một thanh niên Palestine đã ném đá vào họ.

Thi thể anh chàng xấu số này sau đó được chuyển lên trực thăng và đưa đi đâu không rõ. Năm ngày sau, xác của anh ta được trao trả lại cho gia đình với một vết mổ dài trên ngực. Còn một trường hợp tương tự, theo khẳng định của tác giả, đã xảy ra trong chiến dịch quân sự "Cast Lead" tại Dải Gaza hồi tháng 1/2009.

Bostrom cũng nhắc tới một vụ điều tra có thể có liên quan gây nhiều chú ý tại Mỹ hồi tháng 7 vừa qua, khi các nhà chức trách đã phá vỡ một băng nhóm tội phạm gồm nhiều người Do Thái. Một trong những lĩnh vực kinh doanh đáng chú ý của nhóm này là buôn lậu trái phép các bộ phận cấy ghép trong cơ thể con người.

Không khó có thể hình dung phía Israel phản ứng gay gắt như thế nào trước bài báo trên tờ Aftonbladet. Bộ Ngoại giao Israel tuyên bố, những phát ngôn mang tính vu khống như vậy đã bôi nhọ hình ảnh của báo chí Thụy Điển.

Đáng chú ý là Đại sứ quán Thụy Điển tại Tel-Aviv ban đầu cũng có phản ứng tương tự, khi bày tỏ sự công phẫn về bài báo của Donald Bostrom. Bà đại sứ Elizabeth Borsin Bonier phát biểu, người Thụy Điển cũng bị sốc bởi bài báo như người Israel, và đại sứ quán thấy mình có nghĩa vụ phải tránh xa những lời vu khống kiểu trên.

Phía Israel tất nhiên cũng chờ đợi phản ứng tương tự từ phía chính quyền Thụy Điển, nhưng mọi chuyện lại không diễn ra như mong đợi. Bộ Ngoại giao Thụy Điển sau đó tuyên bố, nữ đại sứ của mình tại Israel đã quá vội vã trấn an công luận Israel, trong khi những lời nói của bà này không hề phản ánh đúng quan điểm của cơ quan đối ngoại.

Quan điểm này cũng có được sự ủng hộ của Thủ tướng Fredrik Reinfedlt - người đã khẳng định tự do ngôn luận là giá trị nền tảng của xã hội, và do đó chính phủ sẽ không lên án bài báo trên tờ Aftonbladet.

Về phần mình, nhiều người Israel cho rằng, biểu hiện trên chứng tỏ tình trạng nghiêm trọng của chủ nghĩa bài Do Thái trong xã hội Thụy Điển. "Đáng tiếc là tại Thụy Điển đang tồn tại những quan điểm hoang đường mang tính bài Do Thái" - Bộ trưởng Ngoại giao Avigdor Liberman của Israel phát biểu.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu thể hiện phản ứng có phần kiềm chế hơn khi chính thức yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Carl Bildt của Thụy Điển lên án bài báo trên, nhưng cũng không thể làm cho cơ quan ngoại giao nước này nhượng bộ. "Các phóng viên cần phải chịu trách nhiệm về những thông tin đã đăng tải, chứ không phải chính phủ" - ông Bildt tuyên bố, đồng thời bày tỏ hy vọng vụ bê bối này sẽ không làm tổn hại tới quan hệ Thụy Điển - Israel.

Những phát biểu trên lại được người Israel nhìn nhận như những cử chỉ nhạo báng. Tình hình căng thẳng chẳng khác gì "giọt nước tràn ly", khi người Israel còn biết rằng, bài báo trên còn dựa trên nội dung một cuốn sách nhan đề "Inshallah" cũng do Bostrom viết vào năm 2001 với sự hỗ trợ tài chính từ... Bộ Ngoại giao Thụy Điển. Chính phủ Israel ngay lập tức đã từ chối cấp giấy phép hành nghề cho hai phóng viên của tờ Aftonbladet, đồng thời đang xem xét khả năng tước giấy phép của tất cả các phóng viên Thụy Điển.

Sự thừa nhận của giới lãnh đạo tờ Aftonbladet về việc họ "không có bằng chứng xác đáng 100%" về những thông tin công bố trong bài báo đã không có chút tác dụng làm dịu đi cuộc khủng hoảng, nếu như không nói là còn "phản tác dụng".

Giờ đây, chuyến thăm Israel của Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển đã lên kế hoạch vào mùa thu này chắc chắn sẽ không thể diễn ra. Vụ rắc rối lần này rất có thể còn vượt ra ngoài phạm vi quan hệ song phương Thụy Điển - Israel. Cần biết là trong chuyến đi Trung Đông đã lên kế hoạch trước đó, Ngoại trưởng Carl Bildt phải thay mặt EU hỗ trợ các nỗ lực hòa bình của ông Barack Obama và tái khởi động đối thoại Israel-Palestine. Chính vì vậy, các nhà quan sát không loại trừ khả năng vụ bê bối sẽ gây tác động xấu lên quan hệ Israel với EU, khi quốc gia đang ngồi trên ghế chủ tịch của Liên minh này lại chính là... Thụy Điển.  

Bản thân những người dân thường Israel có vẻ cũng không muốn đứng ngoài cuộc trong vụ bê bối này. Đang có rất nhiều lời kêu gọi dân chúng tẩy chay các sản phẩm và công ty của Thụy Điển, đặc biệt là các cửa hàng đồ gỗ của Tập đoàn quốc tế IKEA. Sự thể đã khiến cho giới lãnh đạo tập đoàn này vội vàng đưa ra tuyên bố khẳng định, họ không phải là một tổ chức chính trị để phải chịu cảnh "tai bay vạ gió"

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.