Tướng Cảnh sát Colombia được mời sang Mexico làm cố vấn Tổng thống

Thứ Tư, 04/07/2012, 16:15

Vừa mới rời chức vụ Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Colombia vào ngày 12/6, tướng Naranjo đã ngay lập tức nhận lời mời làm cố vấn cho ứng cử viên Enrique Pena Nieto của Mexico.

Sau đó ít hôm, tướng Naranjo đã bay sang Mexico để dự buổi họp báo chính thức đầu tiên. Tại buổi họp báo, ứng cử viên Nieto tuyên bố, tướng Naranjo sẽ làm cố vấn chiến dịch chống buôn lậu ma túy nếu ông giành chiến thắng vào ngày 1/7 tới. Lời tuyên bố mời tướng 4 sao Colombia làm cố vấn vào lúc này có thể nói là hơi sớm, phản ánh một niềm tin tưởng vào chiến thắng của ông Nieto. Nhưng, Nieto làm thế còn có lý do khác.

Cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống Mexico đang hồi gay cấn, quyết liệt, khoảng cách giữa các ứng cử viên đang ngày càng thu hẹp lại, và thực tế Nieto không còn dẫn điểm quá xa so với các đối thủ như cách đây khoảng một tháng. Chống ma túy và tội phạm có tổ chức là vấn đề trọng tâm trong tranh cử ở Mexico, trong đó bản thân Nieto đã giương cao khẩu hiệu "chống tội phạm bạo lực ảnh hưởng đến đời sống dân thường Mexico". Và để tăng thêm phần thuyết phục, Nieto mời tướng Naranjo làm cố vấn nếu ông đắc cử đồng thời công bố sớm vào lúc này nhằm gián tiếp tác động vào niềm tin của cử tri.

Tại sao Nieto lại làm việc đó? Ở Colombia, tướng Naranjo là một "đại công thần", một "huyền thoại sống" quá nổi tiếng nhờ thành công trong cuộc chiến dẹp tan các tập đoàn buôn lậu ma túy khét tiếng một thời ở Colombia. Năm nay 56 tuổi, Naranjo là "con nhà nòi", sinh ra trong gia đình có cha là một cựu cảnh sát trưởng khá tên tuổi ở thành phố Bogota. Từng theo học đại học 2 chuyên ngành xã hội học và báo chí, nhưng rốt cuộc Naranjo bị lôi cuốn bởi niềm đam mê "đi làm cảnh sát, chống tội phạm" nối nghiệp cha và theo học Học viện Cảnh sát Quốc gia, đỗ tốt nghiệp đầu lớp. Đó là vào năm 1983, khi bố ông nghỉ hưu.

Trong 35 năm theo đuổi sự nghiệp tại Sở Cảnh sát Quốc gia Colombia, Naranjo đã lập được một bảng thành tích dày cộp khó ai bì. Chính ông là người đã tiêu diệt được Pablo Escobar - tay trùm buôn lậu ma túy khét tiếng nhất mọi thời đại ở Colombia cùng hàng loạt tay trùm dữ dằn khác, đồng thời một tay ông đã dẹp tan 2 tập đoàn ma túy lớn nhất và nổi tiếng hung hãn ở Colombia: Medellin và Cali, góp công lớn vào thành công trong cuộc chiến chống ma túy. Những chiến công hiển hách đó đã giúp Colombia từ một quốc gia sắp sụp đổ vì nội chiến và chiến tranh ma túy hồi sinh trở lại và giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc nội chiến với quân du kích cánh tả (FARC và ELN).

Các đại sứ Mỹ tại Colombia đã có những nhận xét khá tốt về Naranjo. Trong một bức điện ngoại giao năm 2009 được WikiLeaks tiết lộ, Đại sứ Mỹ tại Colombia khi đó là William Brownfield nhận xét, Naranjo là "thành viên thông minh nhất, hiểu biết nhất" trong Chính phủ Colombia. Còn Đại sứ Myles Frechette (1994-1997) đánh giá trong một bức điện khác: "Chính những phân tích và nhiều bài chiến lược của Naranjo đã dần dần giúp Colombia có được kết quả như ngày hôm nay".

Naranjo khởi đầu sự nghiệp bằng công việc bên bộ phận tình báo cảnh sát. Cùng thời gian đó, trùm ma túy Pablo Escobar, thủ lĩnh tập đoàn ma túy Medellin, cũng đang nổi lên như một thách thức đầy nguy hiểm đối với cá nhân Naranjo. Trong giai đoạn cao trào của cuộc chiến tranh ma túy ở Colombia, trùm ma túy Escobar đã không ngần ngại sử dụng bạo lực quyết liệt để chống lại việc dẫn độ các tay chân, chiến hữu sang Mỹ chịu tội, kể cả các thủ đoạn ám sát các mục tiêu nhắm sẵn và đánh bom giết hại dân thường.

Tướng cảnh sát 4 sao Oscar Naranjo.

Bản thân Escobar là một tay trùm khét tiếng lão luyện và rất xảo quyệt, muốn bắt được y là một việc rất khó, nhưng không phải là không thể. Đối với Naranjo, Escobar cũng như các tập đoàn ma túy là mối đe dọa thường trực. Mối đe dọa đó đã bắt đầu chạm đến cá nhân ông vào năm 1989. Một dịp sau khi Naranjo áp giải một tay chân phụ trách rửa tiền cho trùm Escobar sang Mỹ quy án, trở về nhà, Naranjo không thấy vợ con ở nhà mà chỉ thấy một tràng hoa điếu tang có ghi dòng chữ "Trung tá Naranjo, hãy yên nghỉ". Sau đó, tập đoàn ma túy Medellin treo thưởng 5.000 USD cho cái đầu của ông. Còn các sĩ quan cấp thấp hơn hoặc ít quan trọng hơn Naranjo thì giá thưởng thấp hơn. Ít nhất khoảng 500 người đã bị tập đoàn Medellin giết trong một năm tồi tệ nhất của cuộc chiến. Đó cũng là thời gian Naranjo phải rời Colombia sang Argentina lánh nạn.

Năm 1991, Escobar tự nguyện nộp mình và được biệt giam trong nhà giam đặc biệt do… chính y thiết kế!? Lúc này, Naranjo cũng quay trở lại Colombia, được bổ nhiệm làm Thủ trưởng tình báo thuộc "Bloque de Busqueda", lực lượng đặc nhiệm chuyên săn lùng Escobar. Hàng tuần, Naranjo phải báo cáo lên một nhóm đặc trách gồm Bộ trưởng Quốc phòng Colombia, một số sĩ quan đặc trách của CIA và DEA (Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ) tại Colombia. Trên cương vị và nhiệm vụ mới này, Naranjo đã lập công to: thiết kế một chiến dịch săn lùng bí mật dẫn đến kết quả cuối cùng là tiêu diệt trùm Escobar vào ngày 2/12/1993.

Colombia những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước đang rơi vào tình trạng nguy ngập. Mỗi tuần có đến hàng trăm người chết trong các vụ nổ bom tại các thành phố lớn như Bogota, Medellin và Cali do các tập đoàn ma túy thanh toán lẫn nhau và cả do trả thù các cơ quan chính quyền (tình hình giống y hệt ở Mexico hiện nay). Muốn dẹp yên tình hình này, ông Naranjo hồi tưởng, chỉ còn cách là "phải làm bất cứ điều gì có thể làm". Và điều Naranjo chọn là tiêu diệt tay trùm quan trọng nhất, Escobar. Các chuyên gia về cuộc chiến chống ma túy ở Colombia đều cho rằng, thành công quan trọng nhất của tướng Naranjo là buộc Escobar phạm phải sai lầm khi tự mình phá vỡ các nguyên tắc an toàn của chính mình.

Thật vậy, để tiêu diệt trùm Escobar, Naranjo và nhóm đặc nhiệm Bloque de Busqueda đã không từ một thủ đoạn nào, kể cả việc "bắt tay" với tập đoàn Cali - đối thủ của Medellin, và cả băng du kích vũ trang cực hữu AUC nhằm tiêu diệt vây cánh và cô lập ông trùm Escobar. Kết quả là hàng trăm tay chân của Escobar bị tiêu diệt. Tập đoàn Medellin suy yếu nhanh chóng, Escobar bị cô lập và yếu đi hẳn.

Cũng cần nói thêm rằng, cuộc chiến chống ma túy ở Colombia đã buộc gia đình vợ con Escobar đã phải trốn ra nước ngoài để tránh nguy hiểm từ các đối thủ. Họ lưu lại một thời gian ở Đức và xin tị nạn nhưng bị từ chối. Cuối cùng, đúng vào lúc Naranjo triển khai kế hoạch tiêu diệt Escobar, họ bị buộc phải quay trở lại Colombia. Do Escobar lo sợ cho an nguy của gia đình mình, nên y dàn xếp cho họ cư ngụ tại một khách sạn.

Nhưng y đã không ngờ rằng cái khách sạn "bí mật" đó đã được Naranjo và các điệp viên CIA mua đứt, cài sẵn bọ nghe lén trong toàn bộ phòng  ngủ của khách sạn. Còn đích thân Naranjo thì đặt phòng theo dõi ở tầng trên. Vì tình cha con, vì quá lo cho an nguy của gia đình, Escobar đã nói chuyện điện thoại quá lâu với con. Vậy là số phận của Escobar đã được định đoạt. Naranjo và các đơn vị tác chiến không mấy khó khăn để định vị được địa điểm trú ẩn của Escobar. Y đã bị hạ sát trong một cuộc đọ súng khi lực lượng của Naranjo tìm đến bắt y.

Sau chiến dịch tiêu diệt Escobar, Naranjo tiếp tục công việc tại Bloque de Busqueda cho đến khi các tập đoàn ma túy Colombia bị tiêu diệt hoàn toàn. Ngày 17/5/2007, sau nhiều chiến công trong cuộc chiến chống ma túy, Naranjo được bổ nhiệm làm Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, thay thế tướng Rosso Jose Serrano, một bạn học cũ và cũng từng sát cánh với Naranjo trong chiến dịch tiêu diệt Escobar

An Châu (tổng hợp)
.
.