Tướng tình báo Omar Suleiman sẽ trở thành Tổng thống Ai Cập?

Thứ Ba, 31/03/2009, 22:25
Suốt 28 năm cầm quyền, Tổng thống Hosni Mubarak chưa bao giờ chọn cho mình một cấp phó, tức là người sẽ thay thế ông để lãnh đạo Ai Cập sau này. Theo các nhà phân tích thì lý do thật sự là ông Mubarak đã thận trọng quá mức và không muốn tạo ra một đối thủ tiềm tàng.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ông Mubarak đã tính toán, cân nhắc để lựa chọn người sẽ kế nhiệm mình giữa hai nhân vật, đó là Gamal Mubarak, người con trai đầu hiện làm Chủ tịch đảng Dân chủ Quốc gia (NDP) cầm quyền và tướng Omar Suleiman, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia (EGIS). Theo nhận định của dư luận, khả năng tướng Suleiman sẽ là lựa chọn cuối cùng của ông Mubarak.

Tướng Omar Suleiman sinh năm 1936 tại thành phố Qena, miền Nam Ai Cập, vốn được xem là căn cứ địa của các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Năm 1954, Suleiman phải buộc lựa chọn giữa hai con đường: hoặc gia nhập quân đội hoặc trở thành một phần tử Hồi giáo cực đoan như nhiều bạn bè khác.

Và đến mùa hè năm 1954, Suleiman quyết định rời thành phố Qena để đến thủ đô Cairo theo học tại Học viện Quân sự quốc gia. Được đánh giá là một học viên có năng lực, có kỷ luật và sẽ là một sĩ quan quân đội đầy triển vọng trong tương lai nên đến năm 1957, Suleiman được gửi sang Học viện Quân sự Frunze của Quân đội Liên Xô ở thủ đô Moksva để được đào tạo nâng cao.

Khalia Ahmad - Kẻ đã tổ chức vụ ám sát Tổng thống Mabarak tại Ethiopia vào tháng 6/1995.

Sau khi quay về lại Ai Cập vào năm 1960, Suleiman đảm nhiệm các chức vụ chỉ huy khác nhau trong quân đội Ai Cập. Ông từng tham gia hai cuộc chiến tranh với Israel vào các năm 1967 và 1973. Năm 1975, Suleiman đã là trung tá chỉ huy một lữ đoàn của quân đội Ai Cập.

Cuộc đời binh nghiệp của Suleiman chuyển sang một giai đoạn mới khi được điều động đến làm việc tại Cục An ninh quân đội. Và khi Tổng thống Anwar Sadat bị ám sát vào năm 1981, Suleiman có công rất lớn trong việc điều tra truy tìm thủ phạm.

Chỉ trong thời gian ngắn, các điều tra viên của Cục An ninh quân đội đã bắt giữ được Showqi al-Islambouli, kẻ trực tiếp ám sát Tổng thống Sadat. Sau thành tích này, Suleiman được chuyển hẳn sang làm việc cho tình báo quân đội và đến năm 1990 trở thành người đứng đầu Cơ quan Tình báo quân đội.

Năm 1993, Suleiman được phong quân hàm trung tướng và được đích thân Tổng thống Mubarak bổ nhiệm vào chức vụ chỉ huy Cơ quan Tình báo quốc gia Ai Cập (EGIS).

Một trong những lý do khiến nhiều người khẳng định rằng Tổng thống Mubarak sẽ chọn tướng Suleiman làm người kế vị mình thay vì con trai chính là từ việc tướng Suleiman đã cứu ông thoát chết trong một âm mưu ám sát vào năm 1995.

Vào ngày 26/6/1995, đoàn xe chở Tổng thống Mubarak từ sân bay quốc tế ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia về trung tâm thủ đô của quốc gia Đông Phi này để tham dự một hội nghị quốc tế do Liên minh châu Phi tổ chức đã rơi vào ổ phục kích.

Ngồi trong xe cùng Tổng thống Mubarak, tướng Suleiman bình tĩnh ra lệnh cho viên tài xế phóng nhanh về trung tâm thành phố, bất chấp những chiếc xe hộ tống bị trúng đạn khiến 4 người chết và 14 người khác bị thương. May thay, Tổng thống Mubarak vẫn an toàn mà công lớn cứu mạng ông thuộc về tướng Suleiman.

Bởi vì trước đó, các điệp viên nằm vùng của EGIS tại thủ đô Addis Abeba đã phát hiện ra khả năng sẽ xảy ra âm mưu giết hại Tổng thống Mubarak của tổ chức Hồi giáo Jihad Ai Cập khi ông này đến Ethiopia.

Vì vậy, để bảo vệ sinh mạng của Tổng thống Mubarak, tướng Suleiman đã ra lệnh chuyển ngay chiếc xe Mercedes bọc thép dành riêng cho Tổng thống từ thủ đô Cairo đến thủ đô Addis Abeba vào ngày hôm trước.

Sau khi xảy ra vụ mưu sát, tướng Suleiman đã trực tiếp chỉ huy cuộc điều tra về vụ phục kích giết hại Tổng thống Mubarak và sau đó bắt giữ được kẻ chủ mưu. Đó là Khalia Ahmad, em trai của Showqi al-Islambouli, thủ phạm chỉ huy vụ tấn công giết hại Tổng thống Anwar Sadat.

Sau vụ việc này, tướng Suleiman trở thành cánh tay phải của Tổng thống Mubarak. Không phải Gamal Mubarak mà chính tướng Suleiman đã được Tổng thống Mubarak giao nhiều nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, nhất là trong việc làm trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột vũ trang tại Trung Đông, xung đột chính trị và vũ trang tại châu Phi.

Tướng Suleiman đã thành công trong việc làm trung gian hòa giải giữa các phe phái Palestine và giữa chính quyền Palestine với chính quyền Israel, mà thành công mới nhất là việc kiến thiết một thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính phủ Israel và giới lãnh đạo Hamas ở Dải Gaza vào đầu năm 2009.

Trước đó vào năm 2006, khi xảy ra cuộc tấn công của quân đội Israel vào miền Nam Liban, tướng Suleiman đã tham gia hòa giải thành công cuộc xung đột này khi quân đội Israel chấp thuận rút quân khỏi miền Nam Liban.

Ngoài ra, tướng Suleiman là nhân vật được các đời Chính phủ Mỹ tôn trọng và Tổng thống Mubarak muốn thông qua sự hậu thuẫn này để Ai Cập tiếp tục nhận được viện trợ kinh tế và quân sự lên đến hàng tỉ USD mỗi năm từ phía Mỹ.

Nếu so sánh với tướng Suleiman, Gamal Mubarak không nổi bật, không có kinh nghiệm chính trường, thiếu hiểu biết về chính trị đối ngoại và nhất là không xuất thân từ quân đội.

Theo truyền thống, quân đội là lựa chọn sự nghiệp của các tổng thống Ai Cập. Tổng thống Mubarak từng đứng đầu lực lượng không quân trước khi được Tổng thống Sadat đề cử làm Phó tổng thống.

Và quân đội giành được 1,5 tỉ USD trong số viện trợ hàng năm của Mỹ, vẫn là thể chế chiếm ưu thế của Ai Cập. Vì vậy chẳng lạ gì khi  ứng viên hàng đầu của quân đội cho chiếc ghế tổng thống Ai Cập trong tương lai là tướng tình báo Omar Suleiman

Hoàng Phú (theo Times Online)
.
.