Tymoshenko - nữ hoàng “Cách mạng màu cam”

Thứ Năm, 23/12/2004, 07:44

Cuối tháng 11/2004, khi “biển người màu cam” bịt kín các quảng trường, đại lộ lớn của Ucraina, người ta thấy một Tymoshenko hoạt bát, tay trong tay với Yushchenko. Có lúc, bà xuất hiện trên nóc một chiếc xe buýt, len lỏi trong biển người biểu tình để khuấy động phong trào. Tymoshenko không dấu diếm tham vọng làm thủ tướng Ucraina thời kỳ “Hậu Kuchma”.

Yulia Tymoshenko sinh năm 1960 trong một gia đình nghèo ở thành phố Dnipropetrovsk, miền Đông Ukraina, cùng quê của Tổng thống Leonid Kuchma. Thuở nhỏ, Yulia đã tỏ ra “có khiếu” làm ăn buôn bán. Năm 1989, Yulia Tymoshenko lấy chồng và “khởi nghiệp” bằng việc mở tiệm cho thuê băng video ngay tại quê nhà Dnipropetrovsk.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân kinh tế, gặp lúc Ukraina vừa tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên Xô và tư nhân bung ra làm ăn ồ ạt, Yulia thành lập một công ty kinh doanh nhiều thứ, từ sắt thép cho đến sợi bông và cả môi giới mua bán các thứ phục vụ ngành năng lượng. Đến giữa thập niên 90, Yulia chuyển hướng kinh doanh và nhảy hẳn vào ngành năng lượng, ban đầu cung ứng xăng dầu cho ngành nông nghiệp ở Dnipropetrovsk.

Nữ hoàng khí đốt

"Lady Yu" sát cánh cùng Yushchenko trong cuộc biểu tình ở Kiev và...
Vận may của Yulia bắt đầu kể từ khi Leonid Kuchma lên làm tổng thống Ukraina năm 1994. Năm 1996, Ukraina rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng sau khi các mối quan hệ cung ứng năng lượng không còn như thời Liên Xô. Nước này buộc phải nhập khí đốt của Nga, nhưng lại không có khả năng thanh toán. Thế là, Thủ tướng Lazarenko tung ra giải pháp thiết lập một cơ chế độc quyền khu vực, cho phép các công ty khí đốt độc quyền cung ứng khí đốt nhập khẩu của Nga cho các công ty, xí nghiệp và nhận thanh toán bằng tiền mặt hoặc sản phẩm hàng hóa trao đổi.

Yulia nhanh nhạy chớp lấy thời cơ, thành lập ngay công ty Unified Energy Systems of Ukraina (UESU). Nhờ mối quan hệ quen biết sẵn có với Lazarenko, cộng với việc móc ngoặc, đút lót, Yulia được ưu tiên độc quyền cung ứng khí đốt cho 2.000 công ty, xí nghiệp, trở thành kẻ hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách táo bạo của Lazarenko, và giàu lên nhanh chóng. Biệt hiệu “Nữ hoàng khí đốt” ra đời từ đó.

Trong quyển sách nhan đề Casino Moskva xuất bản năm 2001, tác giả Matthew Brzezinski đã dành hẳn một chương để nói về Yulia Tymoshenko với đề mục “Người đàn bà 11 tỉ USD”. Ông mô tả Yulia là người đàn bà giàu nhất Ukraina, sở hữu nhiều tài sản có giá trị trên khắp đất nước và có tới 4 chiếc máy bay riêng. Bao quanh bà là một trung đội vệ sĩ chuyên nghiệp và dày dạn kinh nghiệm chiến đấu. Brzezinski ước tính tài sản của bà ta vào thời điểm 2001 chiếm đến 20% GDP của Ukraina.

Nguyên nữ bộ trưởng bị Interpol truy nã

Cũng giống như các nhà trọc phú khác ở Ukraina và Nga, khi đã giàu có, Tymoshenko bắt đầu nuôi tham vọng chính trị, muốn bành trướng ảnh hưởng của mình. Bà bắt đầu thực hiện tham vọng đó bằng việc thành lập đảng Hromada, tập hợp toàn những tay nhà giàu cỡ bự với mục tiêu bảo vệ và mở rộng những lợi ích làm ăn của họ ở Ukraina. Thế nhưng, một biến cố bất ngờ đã xảy ra năm 1997, Lazarenko bị đổ với cáo buộc tham nhũng, phải chạy trốn sang tận California.

Tymoshenko cũng bị điều tra vì lời cáo buộc đã hối lộ cho Lazarenko một khoản tiền hoa hồng khá lớn để được ưu tiên trong chương trình độc quyền cung cấp khí đốt. Thế nhưng, tài tháo vát và chiến lược “muốn được việc phải biết điều” đã giúp bà ta bước chân vào Verkhovnaya Rada (Quốc hội Ukraina) năm 1998.

Năm 1999, Viktor Yushchenko lên làm thủ tướng. Một năm sau, Tymoshenko được mời vào nội các, giữ chức Bộ trưởng Năng lượng. Từ đây, Tymoshenko bắt đầu “đổi gió”, phát động chiến dịch “làm trong sạch” ngành năng lượng Ukraina, đặc biệt bà đã thẳng tay phá bỏ hệ thống độc quyền cung ứng khí đốt đã từng giúp bà làm giàu cực nhanh.

Quyền lợi bị đụng chạm khiến các đại gia khác nổi giận. Tymoshenko từ bạn biến thành kẻ thù của họ. Thông qua trung gian, những kẻ quyền thế này đưa tối hậu thư yêu cầu Tymoshenko ngưng ngay chiến dịch, nếu không sẽ lãnh hậu quả khó lường. Tymoshenko từ chối. Kết quả là chính phủ hủy bỏ hiệu lực các hợp đồng làm ăn giữa Công ty UESU của bà với phía Nga, buộc UESU phải bồi hoàn cho nhà nước 5 tỉ USD, đồng thời hoàn trả cho Nga toàn bộ lượng khí đốt đã tiêu thụ.

Công ty UESU sụp đổ dưới gánh nặng nợ nần. Chưa thôi, chồng bà, Oleksandr, và bố chồng cũng bị liên quan. Oleksandr đã bỏ trốn. Bố chồng bà thì chờ ra tòa. Ngày 13/2/2001, đến lượt Yulia bị cảnh sát bắt, bị tống giam 43 ngày vì các cáo buộc liên quan trong vụ án Lazarenko, nhưng sau đó được thả. Vài tháng sau, Chính phủ Yushchenko sụp đổ.

Tháng 6/2001, Viện Công tố Nga phát lệnh khởi tố điều tra đối với Tymoshenko và yêu cầu Chính phủ Ukraina dẫn độ bà ta sang Moskva trong vụ án tham nhũng, hối lộ và buôn lậu quân nhu. Tymoshenko bị buộc tội đút lót hối lộ một số quan chức Bộ Quốc phòng Nga trong một phi vụ mờ ám cung cấp năng lượng và trang thiết bị quân dụng cho quân đội Nga hồi năm 1996. Sau đó, cuộc điều tra đã bị gác lại.

Khoảng 2 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Ukraina 2004, Viện Công tố quân sự Nga đã lật lại hồ sơ, tiếp tục điều tra, và gửi lệnh truy nã Tymoshenko đến Interpol. Ngày 7/12/2004, hình ảnh của vợ chồng Tymoshenko xuất hiện trên trang web trong lệnh truy nã toàn cầu của Interpol!

“Lady YU” và “cuộc cách mạng màu cam”

Ở Ucraina, Tymoshenko được mệnh danh là “Lady YU”. Luôn sát cánh bên ứng cử viên Viktor Yshchenko, “Lady YU” được phương Tây ca ngợi như một nhân tố không thể thiếu của phe đối lập trong cuộc “cách mạng màu cam” vừa qua.

Trong suốt tuần lễ cuối tháng 11/2004, khi “biển người màu cam” bịt kín đại lộ Kreshchatik, Quảng trường Maidan (Độc lập), và các ngõ ra vào khu hành chính trên đại lộ Bonkova, người ta thấy một Tymoshenko hoạt bát, sống động luôn tay trong tay với một Yushchenko bị nhiễm độc dioxin. Báo chí và thông tấn phương Tây cho rằng chính bà là nhân tố quan trọng nhất giúp Yushchenko vận động được đám đông, hàng trăm ngàn người. Và việc giữ chân họ trên đường phố suốt hơn 2 tuần lễ trong cái rét đậm của mùa đông là nhờ vẻ bề ngoài gây thiện cảm và tài ăn nói hoạt bát, dễ làm xiêu lòng người của bà.

Thật ra, “tài quậy trên đường phố” của "Lady Yu" đã được “rèn luyện” từ vài năm trước, sau vụ bị bắt giam 43 ngày. Bà đã lôi kéo những người ủng hộ mình xuống đường biểu tình và phát động một chiến dịch lật đổ Kuchma từng gây rúng động chính trường Ukraina.

Theo giới phân tích chính trị, Tymoshenko là một nhân vật cực đoan trong ban lãnh đạo đối lập, là một người cứng rắn, không thỏa hiệp, sẵn sàng đẩy sự việc đi quá giới hạn cho phép dù nó không thật sự nghiêm trọng. Tymoshenko cũng không giấu giếm tham vọng chính trị của mình khi phát biểu trên tờ Nezavisimaya Gazeta của Nga cũng như trên trang web cá nhân về những ý định tương lai nếu được “làm người đứng đầu chính phủ”.

Thực tế, giới phân tích Ukraina và quốc tế đều nói Tymoshenko chỉ thu hút đám đông ở quảng trường Maidan. Còn ở nhiều vùng khác, người dân nghèo hầu như không thích bà ta. Bề ngoài thì Tymoshenko hay sát cánh cùng Yushchenko nhưng giữa hai người luôn tồn tại những bất đồng rõ rệt về đường lối chiến lược lẫn phương thức hành động.

Hơn nữa, những cuộc điều tra hình sự đang được tiến hành ở Nga và cả ở Ukraina nhằm vào những hoạt động làm ăn bất minh trong quá khứ đang khiến cho Tymoshenko có thể sẽ trở thành mục tiêu công kích, gây bất lợi cho đảng của Yushchenko nếu để cho bà ta nắm trọng trách trong chính phủ..

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.