Vài nét về tân Tổng Giám đốc IAEA

Thứ Bảy, 11/07/2009, 14:40

Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong thời gian sắp tới sẽ có Tổng Giám đốc mới – nhà ngoại giao Nhật Yukiya Amano, người đã nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ của Hội đồng điều hành tổ chức này. Ông Amano theo kế hoạch sẽ chính thức đảm nhiệm cương vị mới vào mùa thu tới, sau khi Tổng Giám đốc hiện nay -ông Mohamed El Baradei chính thức nghỉ.

Các nhà quan sát cho rằng, Amano sẽ là người ít phải chịu những tác động chính trị hơn so với người tiền nhiệm, đồng thời hy vọng điều kiện trên sẽ giúp cho tân tổng giám đốc IAEA giải quyết hiệu quả hơn những vấn đề phức tạp liên quan tới Iran, Syria và CHDCND Triều Tiên.

Theo Hãng tin Reuters, nhà ngoại giao Nhật  Yukiya Amano (62 tuổi) đã chính thức được bầu làm tân Tổng Giám đốc IAEA sau một cuộc bỏ phiếu kín của các thành viên Hội đồng Điều hành hôm 2/7 vừa qua tại Vienna.

Cụ thể, ông Amano đã nhận được tổng cộng 23 lá phiếu ủng hộ, bằng 2/3 số lượng thành viên Hội đồng Điều hành IAEA (bao gồm đại diện của 35 quốc gia trên khắp thế giới). Với kết quả này, ông Yukiya Amano đã giành thắng lợi trước đối thủ cạnh tranh duy nhất của mình trong vòng bỏ phiếu cuối cùng - đồng nghiệp người Nam Phi Abdul Samad Minty. Nhật là quốc gia đầu tiên bày tỏ sự vui mừng về thắng lợi của ông Yukiya Amano.

“Thực sự ấn tượng khi người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế lại được lựa chọn từ một quốc gia đã từng là nạn nhân của bom nguyên tử - phát ngôn viên nội các Takeo Kawamura đã tuyên bố như vậy trước các phóng viên - Chúng tôi hy vọng ông ấy sẽ giúp IAEA thực thi đầy đủ vai trò của mình khi tiến trình giải trừ quân bị về hạt nhân đang gặp phải những thách thức”.

Ông Yukiya Amano sinh ngày 9/5/1947 tại Yokohama, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp Khoa luật Trường đại học Tổng hợp Tokyo, ông vào làm việc tại Bộ Ngoại giao, chuyên trách về mảng giải trừ quân bị quốc tế và ngăn chặn các nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông Amano còn được cử đi tu nghiệp tại Pháp, trước khi đảm trách nhiều cương vị ngoại giao tại Mỹ, Bỉ, Pháp và Lào. Đến năm 2005, ông Amano trở thành quan chức đại diện Nhật Bản tại IAEA. Đến tháng 9/2008, Chính phủ Nhật tuyên bố chính thức đề cử ông Amano ra tranh cử chiếc ghế tổng giám đốc IAEA.

Chiến dịch tranh cử vào chiếc ghế tổng giám đốc IAEA trước đó từng là một cuộc chạy đua khá dài hơi và rất khó dự đoán. Chính vì vậy mà đương kim Tổng giám đốc Mohamed El Baradei - người đã giữ cương vị này trong suốt 12 năm (3 nhiệm kỳ) - chỉ có thể chính thức rời chiếc ghế của mình vào tháng 11 tới, do trong cuộc bầu cử hồi tháng 3, chưa có một ứng cử viên nào có thể nhận được ưu thế dù là tối thiểu để được chính thức thắng cử.

Ban đầu từng có tới 5 ứng cử viên đăng ký tranh cử vào vị trí Tổng giám đốc IAEA. Nhưng hai đại diện của Bỉ và Slovenia là những người đầu tiên rút khỏi danh sách này, sau khi nhận thấy hoàn toàn không có cơ hội giành chiến thắng. Một thời gian sau, đến lượt ứng cử viên Tây Ban Nha Luis Echavarri cũng rời bỏ cuộc đua do chỉ nhận được có 4 phiếu ủng hộ trong vòng bỏ phiếu hôm 9/6 vừa qua.

Trong chiến dịch tranh cử, đại diện nhiều quốc gia từ trước đó đã không che giấu quan điểm cho rằng, họ muốn nhìn thấy trên cương vị này một nhân vật có những quan điểm ôn hòa, một chuyên gia thuần túy về kỹ thuật để có thể tập trung giải quyết các vấn đề không phổ biến công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân tại nhiều nước, đang được coi là nhiệm vụ hàng đầu của IAEA.

Còn El Baradei, cho dù đã có không ít công lao - chẳng hạn như hồi năm 2005 từng được nhận giải Nobel về hòa bình nhờ những thành tựu đạt được trên cương vị của mình - nhưng lại không ít lần bị chỉ trích vì những phát biểu quá cảm tính và cởi mở, hay những xu hướng được đánh giá là “chính trị hóa” IAEA. 

Trên cương vị mới, ông Yukiya Amano sẽ phải đương đầu với một loạt vấn đề nghiêm trọng liên quan đến các tham vọng hạt nhân của Syria, Iran và CHDCND Triều Tiên. Nhiệm vụ không kém phần cấp thiết tiếp theo của tân Tổng giám đốc IAEA là tìm cách tăng thêm ngân sách hoạt động cho IAEA.

Để đạt được mục đích này, ông Amano sẽ không còn cách nào khác là phải ngồi vào bàn thương lượng với đại diện các quốc gia là thành viên của IAEA, một nhiệm vụ được đánh giá là không hề đơn giản, nếu tính tới những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.

IAEA từ trước tới nay vẫn được coi là diễn đàn quốc tế chính cho các hợp tác khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Tổ chức này được Liên Hiệp Quốc (LHQ) thành lập vào năm 1957, với điều lệ được thông qua tại một hội nghị sáng lập ở New York vào ngày 23/10/1956 và chính thức có hiệu lực vào ngày 29/7/1957.

Nhiệm vụ quan trọng hiện nay của IEAE là giám sát sao cho các nguyên liệu hạt nhân và trang bị chỉ được sử dụng cho mục đích hòa bình, nghiêm cấm sử dụng chúng cho các mục đích quân sự. Đó là lý do các thanh tra viên của tổ chức này thường xuyên có mặt tại nhiều cơ sở hạt nhân của nhiều quốc gia trên khắp thế giới, nhất là những nước được đánh giá là đang có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân như Iran, Syria hay CHDCND Triều Tiên.

Hoạt động của IAEA được triển khai trên cơ sở Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân được đại diện 102 quốc gia ký kết vào năm 1968. Từ đó, IAEA có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện cam kết của các quốc gia thành viên.

Theo các nguồn thông tin mở, những phái đoàn của IAEA hiện đang có mặt tại hàng chục quốc gia trên thế giới, kể cả những nước có ngành công nghiệp hạt nhân phát triển - trong đó có nhiều cơ sở hạt nhân của Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga v.v...

Các thanh tra viên IAEA còn giám sát tới 95% các cơ sở hạt nhân đặt tại nước ngoài của 5 cường quốc hạt nhân nói trên. Cho đến thời điểm hiện nay, IAEA đã ký tổng cộng 225 thỏa thuận về kiểm tra giám sát với 141 quốc gia trên thế giới

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.