“Vận hạn” của cựu Tổng thống Philippines

Thứ Tư, 30/11/2011, 15:48
Cựu Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo (64 tuổi) vừa chính thức bị bắt giữ ngay tại bệnh viện nơi bà đang điều trị vào ngày 18/11/2011 vì những cáo buộc gian lận bầu cử và tham nhũng.

Đây được coi là một "kết cục không có hậu" của bà Arroyo sau nhiều ngày đấu tranh với chính quyền đòi được ra nước ngoài trị bệnh. Được biết nếu bị tòa án phán quyết có tội, bà Arroyo nhiều khả năng sẽ phải nhận bản án cao nhất là 40 năm tù.

Còn nhớ "vận hạn" bắt đầu giáng vào bà Arroyo, sau khi Ủy ban Bầu cử trung ương Philippines đưa ra những lời cáo buộc chính thức chống lại cựu Tổng thống. Theo đó, bà Arroyo bị nghi ngờ trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2007 đã móc ngoặc với một số thành viên của Ủy ban Bầu cử trung ương để giả mạo kết quả bầu cử theo hướng có lợi cho các ứng cử viên của mình.

Ngoài ra, cựu Tổng thống còn phải đương đầu với một số cáo buộc khác cho rằng bà đã sử dụng trái phép tiền bạc của chính phủ cho chiến dịch tranh cử của mình. Những cáo buộc tham nhũng trên hiện đang trong quá trình điều tra và kết quả sẽ được công bố trong thời gian sắp tới. Bà Arroyo tất nhiên đã không thừa nhận những cáo buộc này và cho rằng vụ án chống lại mình chỉ là một trò bịa đặt.

Những thông tin cụ thể mới được công bố cho biết, bà Arroyo đã biết rất rõ về những trò gian lận bầu cử tại khu vực tự trị của người Hồi giáo ở miền Nam Philippines, được coi là khu vực nghèo nhất và có nạn tham nhũng nghiêm trọng nhất của đất nước. Nhiều hòm phiếu bầu tại đây đã bị tráo để tạo kết quả có lợi cho ứng cử viên Miguel Zubiri, một đồng minh chính trị của bà Arroyo, người trước đó cũng đã từ chức nghị sĩ tại Thượng viện sau khi những cáo buộc được đưa ra.

Ít nhất đã có hai nhân chứng quan trọng - Lintang Bedol một quan chức giám sát bầu cử và Andal Ampatuan, cựu Thống đốc khu vực Hồi giáo trên - đã thừa nhận về việc bà Arroyo và chồng mình đã ra lệnh gian lận kết quả bầu cử để làm lợi cho các ứng cử viên cùng phe cánh như Zubiri.

Hôm 18/11, những cáo buộc cũng đã chính thức được đưa ra chống lại Lintang Bedol, người hiện cũng đang bị giam giữ và đã đồng ý ra làm chứng tại phiên tòa dự kiến sẽ xét xử bà Arroyo. Còn cựu Thống đốc Ampatuan còn phải đương đầu với một phiên tòa khác, liên quan đến vụ thảm sát 57 người vào năm 2009, trong số các nạn nhân có 32 nhà báo và đối thủ chính trị của ông ta tại khu vực này.

Đoạn kết của cuộc chiến pháp lý giữa cựu Tổng thống với chính quyền đương nhiệm rõ ràng đã nghiêng sang chiều hướng bất lợi đối với bà Arroyo. Trước đó do bà Arroyo đang mắc một chứng bệnh viêm dây thần kinh đốt sống cổ thuộc thể hiếm gặp, nên buộc phải di chuyển trên xe lăn. Cựu Tổng thống tuyên bố mình cần phải ra nước ngoài mới có thể trị khỏi bệnh. Tuy nhiên, phía chính quyền Philippines lại cho rằng, bà Arroyo đã thổi phồng mức độ nghiêm trọng về căn bệnh của mình chỉ để tìm cách rời khỏi đất nước, tránh nguy cơ bị truy tố.

Chính quyền của đương kim Tổng thống Benigno Aquino đã từ chối yêu cầu xuất cảnh của bà Arroyo, đồng thời đề xuất phương án mời các chuyên gia nước ngoài sang chữa trị. Phía gia đình Arroyo đã nộp đơn kiến nghị và được  Tòa án tối cao gỡ bỏ lệnh cấm trên, cho phép bà Arroyo được ra nước ngoài trị bệnh với khoản tiền bảo lãnh 40 ngàn USD. Nhưng các quan chức chính quyền cuối cùng vẫn không cho phép bà Arroyo rời khỏi Philippines, đúng vào lúc bà cùng chồng đã có mặt ở sân bay chuẩn bị làm thủ tục xuất cảnh.

Được biết tờ trát bắt giữ cựu Tổng thống đã được Giám đốc Cục cảnh sát thủ đô trực tiếp mang tới bệnh viện nơi bà Arroyo đang nằm điều trị. Thủ tục được tiến hành khẩn trương với sự hỗ trợ của một nhóm chuyên viên điều tra hình sự. Các đại diện của tòa án thông báo, họ vừa mới nhận được kết quả điều tra mới nhất, và những bằng chứng thu được về cơ bản đã đủ để ban hành lệnh truy tố. Với những bằng chứng mới, đại diện Jose Midas Marquez của Tòa án tối cao tuyên bố về quyết định hủy bỏ phán quyết trước đây cho phép bà Arroyo được rời khỏi Philippines. Vì lý do sức khỏe, bà Arroyo không được đưa về đồn cảnh sát, mà bị giam giữ ngay tại bệnh viện nơi đang điều trị.

Bước ngoặt trên được đánh giá là một hành động kiên quyết của chính quyền đương kim Tổng thống Aquino, người lên kế nhiệm bà Arroyo sau cuộc bầu cử năm 2010 với một cương lĩnh hành động tập trung vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Tổng thống Aquino trước đó đã không ít lần tuyên bố rằng, bà Arroyo cần phải công khai đối diện với hàng loạt những lời cáo buộc về tham nhũng và gian lận bầu cử.

Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, bà Arroyo sẽ là cựu Tổng thống thứ hai của Philippines phải ra tòa vì cáo buộc tham nhũng. Trong quá khứ, bà Arroyo cũng từng ủng hộ cho việc mở một phiên tòa xét xử người tiền nhiệm của mình - cựu Tổng thống Joseph Estrada - cũng vì tội tham nhũng. Ông Estrada cuối cùng đã phải nhận bản án tù chung thân. Nhưng cũng chính bà Arroyo sau đó lại ký quyết định ân xá cho ông này.

Trong suốt thời kỳ 9 năm làm Tổng thống đầy bất ổn của mình (từ 2001 đến 2010), bà Arroyo được đánh giá là một vị nguyên thủ có uy tín thấp nhất trong lịch sử, phải đương đầu với một loạt những cuộc nổi loạn và nguy cơ bị phế truất vì những cáo buộc tham nhũng. Chỉ một năm sau khi đắc cử vào năm 2004, bà Arroyo đã dính líu vào một vụ bê bối nghiêm trọng, sau khi một đoạn băng ghi âm tiết lộ về cuộc nói chuyện của bà với một quan chức trong Ủy ban Bầu cử về chuyện đảm bảo tỉ lệ phiếu cho mình. Bà Arroyo sau đó đã xin lỗi về chuyện này nhưng vẫn khẳng định đã không làm điều gì sai trái.

Sau khi từ chức, bà Arroyo vẫn được bầu vào Hạ viện, nhưng bà liên tiếp phải đối đầu với các cáo buộc, chủ yếu tập trung vào chuyện sử dụng ngân quỹ quốc gia cho vận động tranh cử hay chuyện hưởng lợi cá nhân từ những hợp đồng ký kết với nước ngoài.

Raul Lambino, luật sư riêng của bà Arroyo cho biết, ông hy vọng quyết định bắt giữ trên sẽ nhanh chóng bị bãi bỏ, do tòa án ra quyết định không có thẩm quyền xét xử cựu Tổng thống. Theo quy định, một phiên tòa đặc biệt cấp cao hơn như Sandiganbayan mới có quyền xử lý những cáo buộc chống lại các quan chức cao cấp của chính quyền

Đinh Linh (Tổng hợp)
.
.