"Văn hóa tham nhũng" ở một số chính khách phương Tây

Thứ Năm, 26/07/2007, 10:15
Khi thông tin ông Chirac có một tài khoản bí mật tại Ngân hàng KOFUKU của Nhật trị giá 42 triệu euro bị rò rỉ, ngay lập tức ông Chirac lên tiếng phủ nhận và các cơ quan chức năng liên quan thì không thể điều tra thêm vì ông vẫn đang... đương kim tổng thống.

Jacques Chirac và tài khoản ngân hàng bí mật tại Nhật Bản

Ông Chirac, năm nay 74 tuổi đã sớm chuẩn bị cho mình cuộc sống sau khi về hưu bằng cách thành lập một quỹ mang tên ông nhằm hỗ trợ phát triển chống đói nghèo, bảo vệ môi trường, đồng thời tích cực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa các vùng khác nhau trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, nếu muốn hưởng cuộc sống an nhàn sau khi về hưu, trước hết ông Chirac phải thoát khỏi một số phiền phức lớn đã đeo đuổi ông từ nhiều năm nay, đó là vụ bê bối liên quan đến việc quyên tiền chính trị phi pháp của “Liên minh bảo vệ Cộng hòa”, tiền thân của đảng cầm quyền Pháp trước đây - “Liên minh phong trào nhân dân”, do chính ông Chirac đứng ra thành lập.

Bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi ông Chirac là Thị trưởng thành phố Paris, người bạn chính trị thân thiết của ông là Alain Juppe đã được giao toàn quyền việc phụ trách kinh tế tài chính của thành phố Paris, cùng với đó trong thời gian từ năm 1988 đến năm 1995, ông Alain Juppe còn được giao giữ chức Tổng Bí thư “Liên minh bảo vệ Cộng hòa”.

Sau này, Cơ quan kiểm sát của Pháp đã tố cáo, trong thời gian Juppe phụ trách mảng kinh tế tài chính của thành phố Paris, Tòa thị chính Paris đã từng cung cấp tiền quỹ phi chính trị cho “Liên minh bảo vệ Cộng hòa” dưới hình thức song song.

Một mặt, họ ký hợp đồng xây dựng công trình với một số công ty xây dựng của Pháp để thu quỹ, số tiền này được coi là quỹ hoạt động chính trị của chính đảng này, mặt khác đưa 175 thành viên của đảng này vào Tòa thị chính và một số doanh nghiệp tư nhân, yêu cầu phía bên kia phải trả lương tháng cho họ.

Lời tố cáo này đã được một số nhân vật trong “Liên minh bảo vệ Cộng hòa” và một số công ty có liên quan thừa nhận. Tháng 2/2004, Tòa án Paris xử ông Juppe 18 tháng tù, cho hưởng án treo với tội danh “lập quỹ phi pháp”.

Trong khi đó, ông Chirac là cấp trên cao nhất của Juppe, do đó không thể tránh khỏi việc có liên quan đến vụ bê bối này, nhưng do khi đó ông là đương Tổng thống nên không bị điều tra vì được quyền miễn trừ của tổng thống. Sau ngày 16/6/2007, khi ông Chirac mất đi quyền miễn trừ, ông đang đứng trước khả năng bị thẩm vấn về vụ này.

Tháng 5/2006, người phụ trách Tổng cục An ninh đối ngoại của Pháp là Philip Londo lần đầu tiên tiết lộ một tin gây chấn động dư luận: Ông Chirac có một tài khoản bí mật tại Ngân hàng KOFUKU của Nhật, trong vòng mấy năm đã có 42 triệu euro được gửi vào tài khoản này.

Philip Londo cho biết, vụ việc được phát hiện tình cờ khi một nhân viên tình báo Pháp tiến hành điều tra một doanh nhân người Nhật Bản năm 1996, doanh nhân này chính là một người bạn thân của ông Chirac.

Sau khi thông tin này được tiết lộ, ông Chirac đã lập tức lên tiếng phủ nhận, còn Philip Londo cũng nhanh chóng "thu lại" lời nói của mình. Cũng do trong thời gian đó, ông Chirac vẫn đang là đương kim tổng thống, nên các cơ quan chức năng liên quan không thể điều tra sâu thêm.

Ông Chirac vừa chuyển giao quyền lực cho tân Tổng thống Nicolas Sarkozy, thì các nhân viên điều tra của Pháp cũng bắt đầu lật lại những vụ án trước đây. Họ đã tiến hành tra hỏi Londo về những vấn đề liên quan trong 9 tiếng đồng hồ, đồng thời cũng tiến hành kiểm tra những tài liệu thu được trong nhà ông ta.

Những tài liệu này gồm có những ghi chép về số tiền lưu động của ngân hàng trên cùng với hơn 100 trang bị vong lục liên quan đến việc này. Các nhân viên điều tra cho biết, từ những tài liệu này cho thấy một thực tế khá rõ ràng là ông Chirac có tài khoản bí mật tại ngân hàng Nhật Bản, thế nhưng đến nay họ vẫn chưa thể biết được chính xác số tiền lớn này có từ đâu. Vụ việc này hiện vẫn đang được cơ quan liên quan của Pháp tiến hành điều tra.

Thủ tướng Anh Blair bí mật bán tặng phẩm

Ông Tony Blair.
Trong thời gian 10 năm cầm quyền, Thủ tướng Anh Tony Blair đã nhận được rất nhiều lễ vật quý giá từ chính phủ và các nhà lãnh đạo nước ngoài, trong đó phải kể đến món quà là một con ngựa sắt, vốn là của Stalin, được làm rất tinh xảo mà Tổng thống Nga Putin tặng với trị giá lên đến 25.000 bảng Anh.

Thế nhưng, tờ Daily Mail của Anh gần đây cho biết, trước khi trao quyền cho ông Gordon Brown, Thủ tướng Anh đã bí mật bán đi những tặng phẩm này thông qua một công ty nào đó. Theo quy định của luật pháp nước Anh, thì những tặng phẩm trên đều là tài sản quốc gia và không ai có quyền sở hữu cá nhân.

Tờ báo cho biết, ông Blair đã ủy quyền cho Phủ thủ tướng tiến hành công việc này, và họ (Phủ thủ tướng) đã bí mật thông qua một công ty ở Anh có mối quan hệ mật thiết với chính phủ, để tiến hành giao dịch.

Đầu tiên, Phủ thủ tướng Anh sẽ liệt kê những món hàng mà họ sẽ đem bán, sau đó công ty này sẽ tiến hành rao bán công khai cho người ngoài, với điều kiện công ty này không được để lộ ra rằng những món đồ đó có quan hệ với Phủ thủ tướng.

Khi phóng viên của tờ Daily Mail đến xác nhận thông tin, Phủ thủ tướng Anh đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Theo quy định của luật pháp Anh, ông Blair chỉ được giữ lại những lễ vật có giá trị dưới 140 bảng Anh. Khi ông nhận được những món quà có giá trị lớn hơn 140 bảng Anh từ lãnh đạo các nước hay những người khác, thì những lễ vật này sẽ thuộc về tài sản quốc gia, và chúng sẽ được quản lý trực tiếp bởi Phủ thủ tướng...

Như vậy có thể thấy, hành động bí mật bán đi những tặng phẩm có giá trị của ông Blair và phu nhân là vi phạm pháp luật, đồng thời nó sẽ tạo ra tiền lệ không tốt cho những người kế nhiệm ông cũng như ảnh hưởng tới danh dự của Chính phủ Anh trước chính phủ và các nhà lãnh đạo khác trên thế giới.

Trong khi đó, nhiều người lại chỉ trích chính phu nhân của ông Blair mới là người đứng đằng sau tất cả chuyện này và yêu cầu các cơ quan kiểm sát và Thuế vụ của Anh tiến hành điều tra vụ việc. Tuy nhiên, cho đến nay, sau khi chuyển giao quyền lực cho ông Gordon Brown (ngày 27-6) xong, vẫn chưa có một cuộc điều tra chính thức được tiến hành.

Bremer và vụ tham nhũng 12 tỷ USD

Ông Paulo Bremer
Mới đây, ông Paulo Bremer, cựu quan chức hành chính tối cao của Mỹ tại Iraq vốn đã “biến mất khỏi mắt công chúng Mỹ” trong thời gian dài bỗng trở thành nhân vật tâm điểm chú ý của dư luận và báo chí khi có liên quan đến vụ ăn cắp lớn nhất trong lịch sử Iraq.

Sau khi chuyển giao quyền lực cho Chính phủ lâm thời Iraq từ năm 2004, ông Bremer đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, và được đề cử chức cố vấn an ninh cho Công ty IT nổi tiếng là Global Secure.

Ngày 20/5/2007, Bộ Nội chính Iraq chứng nhận rằng, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Iraq từ năm 2004 đến 2005,  Hazem Shalan đã bị Tòa án tối cao Iraq xử tử hình với tội danh “tham ô một lượng lớn kinh phí quân sự của nhà nước”.

Ở cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Iraq thời kỳ hậu S.Hussein, Hazem Shalan trực tiếp phụ trách việc tái thiết quân đội Iraq.

Theo cơ quan điều tra Iraq, trong thời gian đương chức, Shalan đã lợi dụng việc mua vũ khí cho quân đội để tham ô một khoản tiền lớn, ví dụ tháng 1/2004, Shalan đã ký hợp đồng mua một loạt súng tiểu liên MP5 do Mỹ chế tạo với giá 3.500USD một khẩu, thế nhưng sau khi những khẩu súng này đến tay quân đội thì chúng do Ai Cập sản xuất, mỗi khẩu trị giá không quá 200USD, tất nhiên phần chênh lệch đó được nằm gọn trong túi Shalan.

Ông ta còn bỏ ra 100 triệu USD để mua về 24 chiếc trực thăng 2 cánh từ Pakistan, nhưng điều đáng nói là số trực thăng này đều đã “quá date”, tất cả đều trên 30 năm tuổi, nên khi chúng được đưa về Iraq thì chẳng ai dám nhận.

Theo thống kê, trong vòng 10 tháng cầm quyền, Shalan đã mang về cho quân đội Iraq một đống sắt vụn, còn bản thân ông ta đã kịp tham ô 800 triệu USD từ tiền dùng cho chi phí quốc phòng của nước này.

Ngoài số tiền của Bộ Quốc phòng bị tham nhũng, các nhân viên điều tra Iraq còn phát hiện ra rằng, trong các cơ quan vận tải, điện lực và Nội chính đã có khoảng 500-600 triệu USD bị “mất tích”, mà toàn bộ số tiền này đều là tiền viện trợ của Mỹ cung cấp cho Iraq để tái thiết đất nước sau chiến tranh trong thời gian ông Bremer điều hành từ năm 2003 đến 2004.

Một năm sau khi chính quyền Saddam bị lật đổ, Mỹ đã viện trợ cho Iraq số tiền là 12 tỉ USD. Một thực tế mà ít người biết đến là, tất cả số tiền này đều là tiền mặt. Sau khi được rút ra khỏi Ngân hàng Dự trữ liên bang, chúng được vận chuyển trực tiếp tới Iraq.

Theo điều tra từ phía Mỹ, đã có khoảng 8,8 tỉ USD trong số đó bị tiêu không rõ lý do, và không có bất cứ một ghi chép nào về khoản tiền này. Tất nhiên, vụ việc này có quan hệ trực tiếp tới cựu quan chức hành chính tối cao Iraq - ông Bremer.

Khi đến điều trần tại Quốc hội Mỹ về vụ việc này, Chủ tịch Ủy ban Cải cách giám sát và cải cách chính phủ của Hạ viện Henrry Christman đã chỉ trích rằng: “Bất kỳ ai có đầu óc bình thường cũng không bao giờ vận chuyển một số tiền mặt lớn như vậy đến khu vực chiến đấu như thế cả”.

Khi tiến hành điều tra vụ án tham ô của Shalan, phía Iraq đã không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào từ phía Mỹ. Do đó, cựu Bộ trưởng Tài chính Iraq là Ali Allawi nghi ngờ rằng, đã có rất nhiều người có quyền thế trong vụ này được hưởng lợi, và như vậy việc đưa Shalan ra trước tòa sẽ khiến cho những người này “khó ăn khó nói”

Vũ Hạ (theo Thanh niên tham khảo và Times)
.
.