Về bản thông điệp năm mới của Tổng thống Moon Jae-in

Thứ Hai, 13/01/2020, 18:10
Trong bài phát biểu chúc mừng năm mới 2020, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh tính cần thiết của việc tìm kiếm phương án thiết thực tăng cường hợp tác liên Triều, nỗ lực thúc đẩy hướng tới thành công của đối thoại Mỹ - Triều Tiên.

“Sự thay đổi thiết thực”

Ông Moon nhấn mạnh về “sự thay đổi thiết thực”, “sự cùng tồn tại và thịnh vượng chung” và đề nghị Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm Hàn Quốc để cải thiện quan hệ liên Triều.

Ở lĩnh vực ngoại giao, Tổng thống Moon nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, tăng cường hợp tác giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, đồng thời phát triển quan hệ Hàn-Nhật hướng tới tương lai. Ông cũng đề cập đến “đổi mới” toàn nền kinh tế, yêu cầu giải quyết vấn đề tuyển dụng lao động độ tuổi 40 và trong ngành chế tạo.

Tổng thống Moon cam kết sẽ cải thiện mạnh mẽ bất công mọi lĩnh vực trong đời sống người dân, bao gồm cả vấn đề giáo dục và tuyển dụng, để công bằng “bén rễ” toàn xã hội Hàn Quốc. Đồng thời, ông khẳng định Chính phủ sẽ thúc đẩy đạt mục tiêu thịnh vượng chung bằng những thay đổi thiết thực.

Tổng thống Moon bày tỏ hy vọng hai miền Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến thăm Hàn Quốc của ông Kim Jong-un. Trên thực tế, ông Kim đã đề xuất đến thăm Hàn Quốc. Trong Tuyên bố chung Bình Nhưỡng tháng 9-2018, lãnh đạo hai miền nêu rõ ông Kim Jong-un sẽ thăm Seoul trong tương lai gần để đáp lại chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng thống Moon Jae-in và ông Moon đã đề cập thời điểm cho chuyến thăm là “trong năm 2018”.

Tuy nhiên, do các vấn đề đảm bảo an ninh cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un và bế tắc đàm phán Mỹ-Triều, CHDCND Triều Tiên không có phản hồi gì về chuyến thăm Seoul nên kế hoạch này đã bị hủy bỏ.

Tách bạch với đàm phán Mỹ - Triều Tiên

Trong bài phát biểu chúc mừng năm mới, Tổng thống Moon bày tỏ quyết tâm cải thiện quan hệ liên Triều độc lập với tiến triển đàm phán Mỹ-Triều. Ông Moon cho biết thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên cần nỗ lực hợp tác của cộng đồng quốc tế nhưng có một số vấn đề hai miền có thể tự giải quyết. Ông Moon cũng đề xuất Seoul và Bình Nhưỡng cùng bàn thảo kỹ càng về các phương án xây dựng nền hòa bình.

Theo các chuyên gia phân tích, Tổng thống Moon đang muốn cải thiện quan hệ liên Triều để tạo ảnh hưởng tích cực cho quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. Người đứng đầu Phủ Tổng thống cũng đề xuất các phương án hợp tác liên Triều tại khu vực biên giới và giao lưu lĩnh vực thể thao.

Cụ thể, ông Moon hi vọng CHDCND Triều Tiên sẽ hưởng ứng đề xuất của Hàn Quốc cùng kiến nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), công nhận Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) là di sản thế giới và xây dựng khu vực này thành khu vực hòa bình quốc tế. Tổng thống Moon cũng đề nghị Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên cùng tìm phương án thúc đẩy dự án kết nối đường sắt và đường bộ liên Triều.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Trong lĩnh vực thể thao, ông Moon hi vọng CHDCND Triều Tiên sẽ tham gia Giải vô địch cử tạ Đông Á lần thứ nhất và Giải vô địch bóng bàn thế giới do Hàn Quốc đăng cai trong năm nay và hai miền tiếp tục thảo luận việc cùng diễu hành trong lễ khai mạc, hợp nhất thi đấu tại Olympic mùa hè Tokyo 2020. Ngoài ra, Tổng thống Moon nhấn mạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy tái khởi động khu công nghiệp liên Triều Gaesung và nối lại chương trình du lịch núi Geumgang.

Về kinh tế và xã hội, ông Moon nhấn mạnh cần tạo bầu không khí để xây dựng xã hội tôn trọng lao động, tăng cường hỗ trợ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, cam kết đổi mới giúp nền kinh tế Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ. Để đạt mục tiêu này, Tổng thống Moon cho biết sẽ thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư trang thiết bị để kinh tế tăng trưởng mạnh hơn.

Ông Moon cũng đề cập đến những thách thức, trong đó có việc áp dụng chế độ tuần làm việc tối đa 52 tiếng, cải thiện hợp lý cách tính lương tối thiểu và cải cách các quy chế.

Đưa quan hệ Mỹ - Hàn Quốc lên tầm cao mới

Ông Moon cam kết sẽ đưa quan hệ đồng minh truyền thống giữa Hàn Quốc và Mỹ lên tầm cao mới, bày tỏ quyết tâm cùng nỗ lực với Mỹ trên lộ trình hòa bình Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, những vấn đề nảy sinh giữa quan hệ Mỹ - Iran đang đẩy Hàn Quốc vào thế kẹt. Trong thập kỷ qua, Hàn Quốc vẫn có thể duy trì một mối quan hệ tích cực - dù hạn chế với Iran, bất chấp những căng thẳng về chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, các chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Iran hiện nay về cơ bản đã gây cản trở đến quan hệ thương mại của Hàn Quốc với Iran.

Việc Mỹ tiêu diệt tướng Soleimani, chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, đã làm gia tăng sự không chắc chắn ở Seoul về tác động của một cuộc đối đầu kéo dài hoặc thậm chí leo thang giữa Tehran và Washington.

Hàn Quốc vẫn duy trì các mối quan hệ với Iran, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, trong suốt các giai đoạn căng thẳng trước đó giữa Tehran và Washington. Sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp dụng các biện pháp trừng phạt hà khắc đối với Iran năm 2012 và loại nước này ra khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) vốn tạo điều kiện cho các giao dịch quốc tế, thương mại giữa Hàn Quốc và Iran đã suy giảm nhưng không dừng hẳn, bằng chứng là Hàn Quốc vẫn nhập khoảng 4% sản lượng dầu từ Iran cho đến năm 2015.

Do mối quan hệ song phương vẫn tiếp diễn, Hàn Quốc là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ bước đột phá ngoại giao của Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã ký với Iran năm 2015.

Cựu Tổng thống Park Geun-hye đã thăm Iran hồi tháng 5-2016, đánh dấu cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi họ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1962. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thực hiện một loạt dự án kinh tế từ đầu tư cơ sở hạ tầng cho đến hợp tác y tế.

Như vậy, cho dù có thể duy trì, thậm chí là phát triển quan hệ với Iran trong thập kỷ qua, Hàn Quốc hiện bị mắc kẹt khi Mỹ tiếp tục tăng cường các chính sách cứng rắn đối với Tehran. Khi khu vực này vật lộn với bất ổn do những tác động từ cái chết của tướng Soleimani, Hàn Quốc có thể sẽ tiếp tục cố gắng làm việc với Mỹ, đồng minh chủ chốt của nước này nhưng cũng không hoàn toàn từ bỏ mối quan hệ khó khăn với Iran.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.