Venezuela: Tổng thống Hugo Chavez giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý

Thứ Hai, 23/02/2009, 08:45
Chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 15/2 không những tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng thống Hugo Chavez tiếp tục tái tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, mà còn xóa đi những định kiến sau thất bại cách đây gần 2 năm (2/12/2007) khi Venezuela muốn thay đổi Hiến pháp.

Xu thế không thể đảo ngược

Theo Bộ trưởng Thông tin Jesse Chacon, có 54% ủng hộ và 46% phản đối việc sửa đổi Hiến pháp. Việc này tạo điều kiện để ông Hugo Chavez có đủ thời gian thực hiện cuộc cách mạng XHCN tại Venezuela sau khi nhiệm kỳ Tổng thống kết thúc vào năm 2012.

Giới quan sát quốc tế cho biết, cuộc bỏ phiếu diễn ra công bằng và tự do. Được biết, hàng trăm quan sát viên quốc tế đã có mặt ở Venezuela để trực tiếp giám sát việc thực thi quyền dân chủ của người dân.

Phát biểu tại điểm bỏ phiếu hôm 15/2, Tổng thống Hugo Chavez cho biết, cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa quyết định đến tương lai chính trị của bản thân, cũng như xác định tương lai của đất nước - Venezuela sẽ trở thành quốc gia tự do, độc lập và XHCN hay không?

Theo Hiến pháp hiện tại, một tổng thống chỉ được phép làm hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 6 năm và điều này đồng nghĩa với việc ông Hugo Chavez sẽ phải rời chiếc ghế tổng thống trong 3 năm tới. Nhưng với sự đồng ý của đa số cử tri, Hiến pháp sẽ được cải tổ (gồm 69 điểm) và ông Hugo Chavez hy vọng tiếp tục tái cử sau 3 năm nữa.

Chiến thắng của Tổng thống Hugo Chavez cũng đồng nghĩa với việc đa số người dân Venezuela muốn đất nước phát triển theo con đường XHCN. Ngay sau khi biết kết quả kiểm phiếu, Tổng thống Hugo Chavez đã nhấn mạnh, theo đó sự thật, chân giá trị đã thắng thế và chúng ta đã mở toang cánh cửa của tương lai.

Tuy nhiên, Tổng thống Hugo Chavez cũng cảnh báo, bất kỳ một nỗ lực nào nhằm phủ nhận kết quả trưng cầu ý dân đều bị vô hiệu hóa. Còn những người ủng hộ Tổng thống Hugo Chavez thì đổ xuống đường, tụ tập bên ngoài Cung điện Miraflores bắn pháo hoa, vẫy cờ và bấm còi xe để ăn mừng.

Tuy sinh ra (28/7/1954) trong một gia đình có cha mẹ đều là giáo viên ở Sabaneta thuộc bang Barinas cùng ước mơ trở thành vận động viên bóng chày, nhưng ông Hugo Chavez lại đi theo nghiệp quân sự trước khi trở thành một chính trị gia có tầm ảnh hưởng nhất tại Nam Mỹ hiện nay.

Sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 2/12/2007, Tổng thống Hugo Chavez đã an ủi những người ủng hộ không nên chán nản và ông đã đúng khi tôn trọng nguyện vọng của cử tri.

Giới bình luận cho rằng, một trong những yếu tố tạo nên thắng lợi của ông Hugo Chavez bởi Tổng thống đã tiến hành những cuộc cải cách hợp lòng dân như Luật đất đai có lợi cho người nghèo, quốc hữu hóa ngành dầu khí, xóa nạn mù chữ, xóa đói giảm nghèo, nâng cấp hạ tầng cơ sở, xây dựng thêm nhiều trường học, cải thiện dịch vụ y tế...

Cựu Phó tổng thống Jose Vicente Rangel tuyên bố, trong 10 năm cầm quyền, ông Hugo Chavez đã cứu hàng triệu người dân khỏi cuộc sống bần hàn bằng các chính sách phục vụ dân nghèo.

Cách đây gần 3 năm (3/3/2006), Quốc hội đã thông qua quyết định thay đổi Quốc kỳ và Quốc huy theo kiến nghị của ông Hugo Chavez. Mới đây (1/2), Chính phủ Venezuela cũng thông báo một quyết định bất ngờ khi chọn ngày 2/2 là "quốc lễ" để kỷ niệm 10 năm cuộc cách mạng XHCN dân chủ của Tổng thống Hugo Chavez. Ông Hugo Chavez cũng đã thay đổi múi giờ của Venezuela chậm lại 30 phút so với trước đây.

Những thách thức không nhỏ

Mặc dù giành được thắng lợi quan trọng kể trên, nhưng ông Hugo Chavez đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức, nhất là phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới.

Ngoài ra, kể từ khi làm Tổng thống, ông Hugo Chavez đã phải đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng chính trị. Đầu tiên là cuộc đảo chính (từ 9 đến 13/4/2002) và tiếp đến là lần buộc tội của phe đối lập (tháng 8/2004).

Tuy lãnh đạo Venezuela được gần 11 năm (từ tháng 12/1998) và giành thắng lợi trong việc sửa đổi Hiến pháp ngay trong năm đầu nắm quyền, nhưng ông Hugo Chavez cũng gặp không ít thách thức, khó khăn trong quá trình điều hành đất nước. Việc 51% cử tri nói "không" trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 2/12/2007 là ví dụ điển hình nhất.

Trước cuộc bỏ phiếu hôm 15/2, phe đối lập đã tổ chức biểu tình tại thủ đô Caracas, phản đối việc Tổng thống Hugo Chavez lần thứ hai cố gắng sửa đổi Hiến pháp. Trong thời gian tại nhiệm, ngoài những âm mưu đảo chính, lật đổ chính quyền, Tổng thống Hugo Chavez còn phải đối mặt với nhiều vụ ám sát của những đối tượng khác nhau.

Theo giới truyền thông, trong số 3 chính khách dám công khai chống lại cựu Tổng thống Mỹ Bush có Tổng thống Hugo Chavez - gọi ông Bush là "kẻ khủng bố lớn nhất hành tinh".

Ông Hugo Chavez từng dọa lập "Liên minh chống đế quốc" cũng như thành lập Ngân hàng dầu mỏ quốc tế với Iran để chống lại sự kiềm chế của Mỹ. Tổng thống Hugo Chavez cũng có công lớn trong việc đưa Tổng thống Evo Morales lên nắm quyền tại Bolivia, thay thế người tiền nhiệm Carlos Mesa thân Mỹ.

Mới đây (10/1), Tổng thống Hugo Chavez còn trục xuất một nhà ngoại giao Mỹ vì đã tham gia tư vấn cho các nhà lãnh đạo đối lập ở Venezuela trong việc làm thất bại kế hoạch tái tranh cử của mình. Tuy nhiên, ông Hugo Chavez vẫn muốn đàm phán và thúc đẩy quan hệ với tân Tổng thống Barack Obama.

Với thế mạnh là một trong những thành viên sáng lập của OPEC, đồng thời là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 5 thế giới, là nhà cung cấp dầu đứng hàng thứ tư của Mỹ (sau Canada, Mexico và Arập Xêút), Venezuela có những ảnh hưởng nhất định trong khu vực.

Giới kinh tế cho rằng, để tạo dựng một liên minh cánh tả tại khu vực, vũ khí lợi hại nhất mà ông Hugo Chavez đã và đang sử dụng để gây ảnh hưởng chính là dầu mỏ.

Nhưng với việc giá dầu đang suy giảm như hiện nay (khoảng 35 USD/ thùng) sẽ khiến những quốc gia xuất khẩu dầu lớn như Venezuela gặp khó khăn lớn như giảm thu nhập từ dầu tới hàng chục triệu USD/ngày, tăng thêm gánh nặng cho ngân sách quốc gia

Nguyễn Diệu Hương Ly (tổng hợp)
.
.