Vị Bộ trưởng Mỹ đầu tiên lâm vòng lao lý khi đang tại chức

Thứ Sáu, 11/11/2016, 15:30
Suốt nửa đầu thập niên 80 thế kỷ trước, vào cuối giai đoạn của thời Chiến tranh Lạnh một danh sách dài các viên chức cao cấp, từng giữ những chức vụ quan trọng khác nhau trong bộ máy hành pháp Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan (1911-2004), đã bắt buộc phải từ chức do "dính" vào các vụ scandal tai tiếng bị phanh phui.

Đầu tiên phải kể đến viên Bí thư Nhà nước kiêm Ngoại trưởng Hoa Kỳ - "lão tướng" Alexander Haig (1924-2010), nguyên Tổng thư ký Khối Bắc Đại Tây Dương (NATO), phải ngậm ngùi ra đi vào đầu tháng 7-1982.

Sau khi có những vụ cãi cọ gây bất đồng chính kiến triền miên, khiến "bộ sậu trung thành" của R. Reagan ngày càng tỏ ra mất niềm tin vào ông ta, quy kết A. Haig thành kẻ "đứng ngoài êkíp chung". Còn đương kim Bộ trưởng Nội vụ James G. Watt tới đầu tháng 11-1983 chẳng còn sự lựa chọn nào khác là… đệ đơn xin từ chức, sau khi đã nhiều lần đặt cá nhân Tổng thống Reagan vào những hoàn cảnh "tế nhị - khó xử đầy bất tiện".

Đây cũng chính là nhân vật bảo thủ nhất và gây ra nhiều tranh cãi nhất trong nội các hiếu chiến của R. Reagan.

Rồi tới lượt Bộ trưởng Tư pháp William Smith (1917-1990), người từng bị hàng loạt cáo buộc bởi có những hoạt động tài chính phi pháp, cũng cuốn gói ra đi vào cuối tháng 2-1985…

Ngoài ra 3 nhân vật cao cấp khác cùng chung số phận với  Bí thư Nhà nước A. Haig, là Cố vấn An ninh quốc gia Richard Allen vì tội nhận hối lộ từ một phóng viên Nhật Bản; Anne Gorsuch sau những scandal trong Cơ quan Bảo vệ môi trường Liên bang (EPA) do bà ta lãnh đạo; còn nguyên Thứ trưởng Quốc phòng John Tower (1925-1991) phải ra hầu tòa vì những vấn đề tài chính mờ ám.

Viên Bộ trưởng quyền uy R. Donovan khi còn đương chức.

Ngay cả viên sếp sừng sỏ của J. Tower là viên Bộ trưởng Chiến tranh khét tiếng Caspar Weinberger (1917-2006), cũng bị Tòa Bạch ốc… sa thải, sau gần 7 năm tại vị qua 2 nhiệm kỳ của R. Reagan.

Nhưng có lẽ Raymond J. Donovan, đương kim Bộ trưởng Bộ Lao động trong nội các thuộc nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống R. Reagan, là nhân vật "sừng sỏ" hơn cả. Tên tuổi của ông ta sẽ mãi được lưu danh vào lịch sử Hoa Kỳ như là vị bộ trưởng đầu tiên bị kết án khi đang tại chức.

Hội đồng Thẩm phán tiểu bang New York quyết định đưa R. Donovan ra trước vành móng ngựa, xét xử các tội danh bao gồm ăn cắp "số lượng nhiều và có hệ thống", giả mạo giấy tờ và cung cấp thông tin sai lệch. Sau khi có trát của Tòa án New York triệu tới, thành viên nội các R. Donovan được Chánh văn phòng Nhà Trắng Donald Regan (1918-2003) cho nghỉ phép… không ăn lương.

"Vụ Donovan" khởi đầu từ những năm 1979-1980, trước cả khi ông ta được đề cử làm Bộ trưởng Lao động Mỹ vào đầu tháng 2-1981. Khi đó R. Donovan là Phó chủ tịch Công ty Schiavone, hãng đảm trách việc xây cất đường tàu điện ngầm mới ở New York.

Công tố viên Mario Merola thuộc quận Bronx của New York, người trực tiếp buộc tội Hãng Schiavone đã lừa chính quyền thành phố khoản tiền 8 triệu USD, khi lập ra những chứng từ giả về "núi" công việc chưa bao giờ hoàn thành.

"Như thế Công ty Schiavone đã tận thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ, qua sự liên kết với Hãng Jopel của tên William Maselli, một bố già mafia nổi tiếng qua biệt danh "đồ tể" cầm đầu dòng họ Genovese sừng sỏ trong thế giới ngầm tội phạm New York", như nguyên văn lời nhà điều tra kỳ cựu M. Merola nói với báo giới.

R. Donovan (trái) luôn "kề vai sát cánh" cùng Tổng thống R. Reagan trong các chuyến công cán.

Còn những lời buộc tội đầu tiên liên quan trực tiếp đến cá nhân R. Donovan khởi sự từ mùa xuân năm 1981. Thẩm phán đặc biệt Leon Silverman được Hội đồng Thẩm phán New York giao trọng trách điều tra, nhưng khi đó ông ta cho biết là mình chưa thu thập chứng cứ đầy đủ về mối liên hệ của R. Donovan với thế giới tội phạm.

Riêng công tố viên M. Merola, một người luôn được coi là "không thể bị mua chuộc", lại lên tiếng khẳng định rằng mình đã phát hiện ra những bằng chứng mới.

Vụ việc được phanh phui khi giới chức cảnh sát New York điều tra qua 2 vụ án mạng xảy ra trong tổ chức tội phạm của W. Maselli, lúc ấy mới té ngửa ra rằng khi biết quá trình điều tra về Donovan được xúc tiến, bọn mafia đã quyết định thủ tiêu 2 nhân chứng quan trọng nhất nhằm… bịt đầu mối, đưa đến kết cục R. Donovan được tha bổng vì thiếu bằng chứng.

Khi nghe những tin tức loan báo về vụ việc khiến R. Donovan lâm vòng lao lý, Tổng thống R. Reagan đang đi vận động tranh cử cho nhiệm kỳ 2 tại tiểu bang Texas. Thoạt tiên người đứng đầu Nhà Trắng tỏ thái độ kiên quyết hậu thuẫn R. Donovan ra mặt, bởi kẻ đang giữ chiếc ghế Bộ trưởng Lao động đầy quyền uy đã từng giúp đỡ "tài tử thất sủng" Reagan thuở hàn vi rất nhiều…

Nhưng một vài vị cố vấn thân cận của Tổng thống, nhất là James Baker - người từng lèo lái con thuyền đối ngoại của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ trong một thời kỳ dài, sau này liên tiếp 2 lần làm Trưởng ban vận động bầu cử Tổng thống cho một nhân vật siêu hạng của đảng Cộng hòa là George H. W. Bush (Bush-cha), thừa biết cách khuyên người đứng đầu Tòa Bạch ốc nên làm điều gì có lợi đúng thời điểm nhất, nếu như R. Reagan muốn tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống thêm lần nữa.

Và rồi Tổng thống đã nêu "nhã ý" qua lời viên Bí thư Nhà nước George P. Shultz: "Tốt hơn Raymond Donovan nên đệ đơn từ chức, thay vì xin nghỉ phép không hưởng lương". Sự nghiệp chính trị của cựu doanh gia R. Donovan chính thức "tuột dốc không phanh" từ đấy…

Thu Hường (theo Secret Services)
.
.