Vì sao Đại sứ Mỹ tại Mexico phải từ chức?

Thứ Ba, 19/04/2011, 14:40
Theo báo chí Mỹ, việc ông Pascual từ chức đại sứ có nguyên nhân trực tiếp từ mối quan hệ đã xấu đến mức không thể cứu vãn giữa ông với Tổng thống nước sở tại Felipe Calderon - người đã tung ra những lời lẽ nặng nề đối với ông đại sứ vì nội dung các bức điện ngoại giao được trang WikiLeaks tiết lộ cuối tháng 11/2010.

Theo thông báo của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton, Đại sứ Mỹ tại Mexico Carlos Pascual đã tuyên bố từ chức hôm 19/3 vừa qua. Bà Clinton cho biết, việc ông Pascual buộc phải từ chức không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ hợp tác giữa 2 nước. "Ông Carlos đã quyết định quay trở về Washington vì mong muốn của bản thân ông là đảm bảo quan hệ 2 nước Mỹ - Mexico được duy trì mạnh mẽ...", bà Clinton tuyên bố.

Tháng 2/2011, ông Calderon đã trút cơn giận trên tờ nhật báo El Universal ở Mexico City rằng: "Sự ngu ngốc của anh ta (Pascual) đã khiến cho sự thật về những gì đang diễn ra ở Mexico bị bóp méo". Chưa thôi, trong chuyến thăm nước Mỹ hồi đầu tháng 3/2011, ông Calderon đã nêu vấn đề và "phàn nàn" với Tổng thống Obama, cho rằng ông không thể tiếp tục làm việc với ngài đại sứ, rằng những gì được WikiLeaks tiết lộ "có thể gây tổn hại nghiêm trọng" đến quan hệ song phương giữa 2 nước. Ông Calderon đã dọa không đến dự một hội nghị thương mại quan trọng Mỹ - Mexico nếu có sự xuất hiện của Đại sứ Pascual.

Ngay sau khi Đại sứ Pascual từ chức, báo chí Mỹ đã đưa ra những lời bình luận thiếu khách quan và có phần xuyên tạc đối với Tổng thống Calderon. Người Mỹ thì cho rằng, Pascual đã hành động đúng theo những gì mà ông ta được giao phó. Trong thông báo của mình, bà Clinton đã hết lời khen ngợi ông Pascual, cho rằng ông là "kiến trúc sư" và người thúc đẩy quan hệ song phương Mỹ - Mexico, có công lớn trong việc xây dựng chương trình phối hợp chung giữa an ninh 2 nước Mỹ - Mexico trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy và buôn lậu vũ khí xuyên biên giới. Từ khi nhậm chức Đại sứ Mỹ tại Mexico từ tháng 8/2009, Pascual đã bắt tay vào xây dựng chương trình hợp tác chưa từng có giữa Mỹ và Mexico trong cuộc chiến chống ma túy,...

Theo trang báo điện tử BNO, trong các bức điện ngoại giao, Pascual đã đưa ra những lời nhận xét tiêu cực về cuộc chiến chống lại các tập đoàn ma túy mà Tổng thống Felipe Calderon cố hết sức tiến hành. Trong một bức điện năm 2009, ông Pascual mặc dù mới đến nhậm chức chưa lâu đã phê phán phương án chống ma túy của Tổng thống Calderon và nhận định ông Calderon có nguy cơ "thất bại" trong cuộc chiến này.

Chưa hết, cũng trong một bức điện khác năm 2009, Pascual tiếp tục đưa ra những nhận định khiến ông Calderon không thể chấp nhận được khi cho rằng, đảng Cách mạng thể chế (PRI) đang "lấy lại thế mạnh" và sẵn sàng "giành lại chức tổng thống vào năm tới". Ngoài ra, theo tìm hiểu của báo chí, trước khi các bức điện ngoại giao được tiết lộ, Pascual đã hẹn hò với con gái của Francisco Roja - một nghị sĩ cao cấp của đảng PRI.

Chưa hết, hoạt động bên ngoài khuôn khổ đại sứ quán của Pascual còn khiến ông trở thành mối quan ngại thường trực của giới chức và nghị sĩ Quốc hội Mexico. Các nghị sĩ cho rằng, Pascual tuy là một người giỏi và có năng lực, nhưng ông ta đã đi quá giới hạn của một đại sứ. Trong suốt hai năm tại nhiệm, Pascual đã áp dụng phương pháp hành động trực tiếp, tự ý đi đến các khu vực nguy hiểm, những thành phố ma túy khét tiếng bạo lực để "nắm tình hình" mà không thông qua chính quyền sở tại. Đây là điều khó chấp nhận.

Tờ New York Times của Mỹ hôm 25/3 đã phơi bày gần như tất cả sự thật về những xích mích, mâu thuẫn trong quan hệ song phương Mỹ-Mexico vì nhiều vấn đề khác nhau, trong đó những vấn đề của Đại sứ Pascual chỉ là phần nổi của tảng băng ngầm. Sự bất đồng quan điểm trong việc xử lý các vấn đề với tư thế thiếu công bằng trong giao thương buôn bán trong khuôn khổ Hiệp ước khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là nguyên nhân khiến cho quan hệ nhiều mặt giữa 2 đồng minh chung khối Bắc Mỹ này không còn nồng ấm như trước nữa.

Đặc biệt, theo giới chuyên gia, thời điểm hiện tại đang rất nhạy cảm đối với Tổng thống Calderon, vì đang gần đến ngày diễn ra các cuộc bầu cử vào năm 2012, và vấn đề an ninh là át chủ bài tranh cử của ông. Việc Mexico nhận sự hỗ trợ khá nhiều của Mỹ trong cuộc chiến chống ma túy và ở thế yếu hơn trong sự hợp tác, để cho lực lượng an ninh Mỹ tự do truy lùng tội phạm trên đất Mexico khiến cho ông Calderon bị các đảng phái đối lập trong Quốc hội công kích kịch liệt.

Đại sứ là người đại diện ngoại giao cao nhất của một quốc gia ở nước ngoài, chịu trách nhiệm bảo vệ lợi ích quốc gia tại khu vực mình phụ trách. Thế nhưng, các đại sứ Mỹ gần đây thường hay gây xích mích với nước sở tại khi can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ hoặc có những hành động, lời bình phẩm, thậm chí phê phán, chỉ trích rất thiếu tính xã giao. Đại sứ Pascual cũng chẳng phải người đầu tiên buộc phải "xách vali về nước" vì đã có những hành động tương tự. Ngay cuối tháng 12/2010, Đại sứ Mỹ tại Venezuela là Larry Palmer đã bị Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cấm nhập cảnh khi chưa kịp nhận nhiệm vụ, với lý do ông này từng nhiều lần can thiệp vào nội bộ Venezuela và có những lời lẽ, hành vi khiếm nhã, xúc phạm Tổng thống Chavez.

Gần đây nhất, cũng từ những bức điện ngoại giao do WikiLeaks tiết lộ, Đại sứ Mỹ tại Nicaragua Robert J. Callahan đã có những hoạt động rất thiếu tính xã giao khi can thiệp sâu vào nội bộ chính trị của Nicaragua, hậu thuẫn Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ tại Nicaragua (AmChams Nicaragua) chống phá Tổng thống Daniel Ortega.

Cũng tờ New York Times hôm 25/3 viết rằng: “Ông Pascual là hình mẫu đại sứ Mỹ mang sứ mệnh ngoại giao mới là tìm cách làm thay đổi quốc gia sở tại hơn là chỉ đơn thuần chuyển thông điệp của lãnh đạo quốc gia mình như trước đây”. Chính điều này khiến cho Tổng thống Calderon cảm thấy không thể chấp nhận được

An Châu (tổng hợp)
.
.