Vì sao Giám đốc CIA Mike Pompeo được lòng Tổng thống Trump?

Thứ Tư, 16/08/2017, 11:42
Tại Diễn đàn An ninh Aspen vừa mới diễn ra, Giám đốc CIA Mike Pompeo đã nổi cáu khi báo chí liên tục đặt câu hỏi về vấn đề Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016. Và người ta hiểu rằng sự nổi cáu này là có lý do.

Pompeo đang điều hành một cơ quan tin chắc rằng, nước Nga đã can thiệp vào bầu cử, trong khi lại phải phục vụ vị tổng thống luôn bác bỏ điều đó, gọi đó là “tin giả” và gọi cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga là trò “săn phù thủy”.

Một điều chắc chắn rằng, tất cả giám đốc của CIA đều phải cân bằng giữa các yêu cầu chính trị của vị tổng thống mà họ phục vụ với lý tưởng, tôn chỉ hành động phi chính trị của chính cơ quan này. Nhưng không vị giám đốc nào gặp phải thách thức lớn như Pompeo - khoảng cách giữa các yêu cầu chính trị của Tổng thống Trump và tôn chỉ phi chính trị của CIA là quá lớn so với những người tiền nhiệm - và có lẽ Pompeo cũng là người thể hiện quan điểm chính trị rõ ràng nhất, nhưng là thành viên nội các được ông Trump ưa thích nhất.

Không như các Giám đốc CIA trong quá khứ, vốn thường tìm cách tránh nói về chính trị, Pompeo lại là người sẵn sàng tham gia góp chuyện khi tổng thống hỏi ý kiến ông, thậm chí cả những vấn đề không ăn nhập gì với an ninh quốc gia, như chăm sóc y tế,...

Mike Pompeo sinh năm 1963 tại quận Cam, bang California, là người có bảng thành tích quân sự cũng như tính cách mạnh mẽ, cứng rắn khiến Tổng thống Trump ngưỡng mộ. Thời kỳ Chiến tranh lạnh, Pompeo là lính tuần tra trong đại đội kỵ binh canh gác Bức tường Berlin. Sau Chiến tranh lạnh, Pompeo theo học luật Đại học Harvard, lấy bằng tiến sĩ luật (JD).

Trước khi trở thành nghị sĩ, Pompeo từng làm doanh nhân, thành lập một công ty chuyên ngành hàng không và vệ sĩ, sau bán công ty hàng không. Năm 2010, phong trào chính trị đảng Trà (Tea Party) dâng cao, Pompeo nương theo làn sóng và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử bổ sung đại biểu Hạ viện ở bang Kansas. Ông tái đắc cử vào các năm 2012, 2014, 2016.

Cho đến nay, Giám đốc CIA Mike Pompeo đã làm được điều quan trọng là “được lòng Tổng thống Trump”.

Tháng 11-2016, Tổng thống đắc cử Trump tuyên bố sẽ chọn Pompeo vào ghế Giám đốc CIA. Và ngày 23-1-2017, Pompeo được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, chính thức trở thành giám đốc mới của CIA.

Bước vào “ngôi đền” CIA, Pompeo ngay lập tức bộc lộ mình là một người hăng hái “vượt trần” trên nhiều lĩnh vực, từ các chiến dịch tình báo bí mật cho đến chuyện “uốn nắn” báo chí nếu thông tin đăng báo có điều gì chưa đúng hoặc không phù hợp với tôn chỉ của tình báo Mỹ. Pompeo đã không ngần ngại thể hiện quan điểm chính trị diều hâu và sẵn lòng nói thẳng ra những suy nghĩa thật của mình.

Tính cách này đã giúp Pompeo được lòng Tổng thống Trump thời gian qua, nhưng đồng thời cũng khiến cho một số thuộc cấp trong nội bộ CIA e ngại. Cơ quan này tự cho mình có vai trò phải cung cấp sự thật dù đó là điều mà tổng thống không muốn nghe và là chân lý không thể bị chính trị bóp méo.

Không chỉ CIA, trong cộng đồng tình báo cũng đang có những quan ngại rằng cái gốc đảng phái (trước đây ông từng là nghị sĩ đảng Cộng hòa) có ảnh hưởng đến quan điểm chính trị của ông trong những vấn đề còn tranh luận, như vụ việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, hay thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Một số người còn nghi ngờ Pompeo có thể thiên vị cho anh em nhà tỉ phú Koch, vốn là “mối” tài trợ chính trị cho đảng Cộng hòa, vì thời gian Pompeo làm nghị sĩ, ông là đại biểu thành phố Wichita, bang Kansas, quê nhà của anh em Koch.

Từ khi tiếp quản CIA, Pompeo luôn khen ngợi Tổng thống Trump là người cởi mở, và biện hộ với báo giới rằng những lời châm biếm của Tổng thống dành cho cộng đồng tình báo chỉ là sự “hoài nghi lành mạnh của một vị lãnh đạo thông minh”. Pompeo còn mô tả với mọi người mối quan hệ giữa ông với Tổng thống Trump là “tuyệt vời”.

Còn các quan chức chính quyền Mỹ thì kể rằng Tổng thống Trump “mê” ông Pompeo đến độ khẳng định đích thân Giám đốc CIA đọc báo cáo tình báo hằng ngày, không đả động gì đến Giám đốc Tình báo quốc gia Dan Coats. Pompeo thường báo cáo xong vào cuối buổi trưa hoặc đầu giờ chiều, sau đó ông mới vượt dòng Potomac để về tổng hành dinh CIA ở Langley, bang Virginia.

Mối quan hệ cực tốt của ông Pompeo đang được CIA đánh giá cao, vì đối với cơ quan này, Tổng thống Mỹ là “khách hàng lớn nhất”. Những cái đầu thông thái ở Washington đã đúc kết ra một “định đề” rằng “một Giám đốc CIA chỉ có quyền lực mạnh khi ông ta tiếp cận tốt với Phòng Bầu Dục”.

Michael Hyden, cựu Giám đốc CIA và NSA nhận xét: “Pompeo có khả năng giao tiếp theo một phong cách mà tổng thống cảm thấy hài lòng, và đó là tin tốt lành”. Hyden lý giải, nhiệm vụ của Giám đốc CIA là làm sao nói cho tổng thống chịu nghe điều mà ông ấy không muốn nghe. Phải dẫn dắt ông ấy đi đến chân lý chứ không phải “ném nó cho ông ấy” rồi đi ra khỏi Phòng Bầu Dục.

Pompeo có vẻ đang muốn nắn CIA đi theo mình để hiểu Trump và không làm trái ý Trump, cũng như không làm trái với tôn chỉ, mục đích của cơ quan. Và ông đang thành công. Các sĩ quan tình báo trong CIA kể rằng, ông Pompeo luôn tỏ thái độ rất muốn lắng nghe về công việc của họ làm và những điều họ băn khoăn. Và ông cũng nhận được nhiều lời khen về việc đẩy mạnh việc mở rộng hoạt động tình báo và các chiến dịch bí mật, thăng cấp các sĩ quan cựu trào lên các chức vụ cao cấp để khích lệ tướng sĩ.

Đầu tháng 8-2017, ông còn đích thân bay đến Kabul để thảo luận về hợp tác an ninh với các lãnh đạo Afghanistan, kể cả Tổng thống Ashraf Ghani, nhằm hỗ trợ các cơ sở tình báo của CIA tại đây hoạt động tốt hơn.

Pompeo không phải là cựu nghị sĩ đầu tiên làm Giám đốc CIA, nhưng ông có lẽ là người đầu tiên đối mặt với những vấn đề gai góc, như Iran, Nga, và phải phục vụ một vị tổng thống “khó chiều ý” như ông Trump. Cho đến nay, nhiều người đánh giá Pompeo đã làm rất tốt vai trò của mình.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.