Vì sao Israel ngày càng gần Nga hơn Mỹ?

Thứ Hai, 20/06/2016, 12:05
Những động thái ngoại giao thời gian gần đây của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang khiến người Mỹ băn khoăn lo lắng. Đó là việc ông Netanyahu đang trở thành vị khách thường xuyên đến Moskva hơn là Washington, khiến dư luận cho rằng, đang có sự thay đổi trong cán cân ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông giữa Nga và Mỹ.

Theo một thống kê không chính thức, chuyến thăm Nga hôm 7-6 vừa qua của ông Netanyahu là chuyến thăm thứ ba trong vòng một năm qua, và là lần thứ tư ông Netanyahu “tay bắt mặt mừng” với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ đầu năm nay.

Trong khi đó, chuyến thăm Mỹ gần nhất của ông Netanyahu đã diễn ra từ tháng 11-2015, và một chuyến thăm dự kiến vào tháng 3-2016 đã bị hủy do Tel Aviv và Washington tranh cãi xung quanh bản ghi nhớ hiểu biết (MOU) về tương lai viện trợ quốc phòng của Mỹ dành cho Israel.

Mục đích chuyến thăm Moskva của ông Netanyahu là tham dự lễ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nga-Israel, nhưng đồng thời ông cũng nhằm mục đích tiếp tục xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với nước Nga, với cá nhân Tổng thống Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Điện Kremli.

Không ai nghĩ Israel sẽ sớm cắt đứt mối quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng việc xích lại gần Nga trong thời điểm này có nhiều cái lợi cho Israel nhiều hơn. Trước hết, vị thế của Mỹ trong khu vực đang yếu dần do cách xử lý cuộc nội chiến ở Syria và cuộc chiến chống IS của Washington, và một phần do mối quan hệ Mỹ-Israel đang xấu đi rất nhiều trong vài năm gần đây vì một số lý do. Mỹ và Israel bất đồng quan điểm trong việc thỏa thuận với Iran về chương trình hạt nhân của Iran và việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận, nối lại quan hệ ngoại giao với Iran, trong khi Iran và Israel xem nhau như kẻ thù không đội trời chung.

Mỹ và Israel lại bất đồng sâu sắc trong vấn đề người Palestine, chủ yếu xung quanh việc Israel không chịu dừng xây nhà trên phần đất chiếm đóng của người Palestine để tạo điều kiện cho đàm phán hòa bình tái khởi động. Vấn đề này đã khiến cho quan hệ giữa Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Mỹ Barack Obama trở nên rất xấu, khó lòng hàn gắn.

Trong khi đó, Israel hướng về người Nga với một số mong muốn về lợi ích an ninh, chính trị. Dễ thấy nhất là vấn đề Syria. Israel luôn phải lo lắng canh chừng đám cháy ở Syria lan sang nhà mình. Israel luôn quan tâm đề phòng những sự cố bắn nhầm và mong muốn Nga giúp bảo đảm rằng các trường hợp như thế sẽ không xảy ra.

Một trong những nguyên nhân làm cho mối quan hệ giữa Israel với Washington xấu đi chính là vấn đề Iran, và giới chuyên gia cho rằng Israel mong muốn thông qua quan hệ với Nga để tác động lên cách hành xử của Syria và Iran. Sau khi Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, Israel không còn hy vọng gì vào sự bảo đảm an ninh từ phía Washington để đối phó với Iran.

Trong khi đó, Nga là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho Iran, với hệ thống tên lửa S-300 hiện đại mà Israel xem là mối đe dọa nguy hiểm cho mình. Cho nên, Israel cũng muốn lợi dụng mối quan hệ gần gũi với Nga để hy vọng Moskva có thể ngăn chặn Iran chuyển giao loại vũ khí đó cho các lực lượng Hồi giáo vũ trang trong khu vực.

Trong vấn đề người Palestine, gần đây chính quyền Mỹ và Pháp tỏ ý có thể sẽ ủng hộ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ lên án việc Israel xây dựng nhà ở định cư trên phần đất chiếm đóng của người Palestine, và Israel mong muốn tranh thủ mối quan hệ gần gũi với Nga để hy vọng Nga có thể dùng lá phiếu phủ quyết của mình đối với một nghị quyết như thế.

Cho đến nay, Nga vẫn kín tiếng về những gì họ có thể bảo đảm cho Israel. Sau chuyến thăm Moskva của Thủ tướng Netanyahu hôm 7-6, người phát ngôn Điện Kremli Dmitry Peskov nói rằng “mỗi bên chỉ thể hiện quan điểm của mình trên tinh thần xây dựng là chính”.

Ông Peskov cũng cho rằng những cuộc tiếp xúc như thế không phản ánh mối quan hệ đối nghịch với bất cứ ai – ý ám chỉ nước Mỹ. Tuy vậy, ông Netanyahu đã rời Moskva một số món quà vô cùng ý nghĩa: Chiếc xe tăng của quân đội Israel đã bị các lực lượng Syria bắt giữ trong các cuộc giao tranh hồi năm 1982 và được Nga thu hồi; đồng thời Nga cũng đồng ý chi trả lương hưu cho hàng chục ngàn người Nga di cư sang Israel. Đây đều là những thứ có giá trị lớn về mặt chính trị ở Israel.

Người dân Israel đánh giá rất cao sự thành công của ông Netanyahu trong chuyến đi, đồng thời những người nói tiếng Nga ở Israel cũng gia tăng sự ủng hộ dành cho ông Netanyahu và chính phủ của ông. Bên ngoài cộng đồng các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây, Israel có cộng đồng nói tiếng Nga lớn thứ ba trên thế giới.

Mặc dù tinh thần bài Do Thái vẫn tồn tại ở Nga cũng như nhiều quốc gia Liên Xô cũ, nhưng bản thân Tổng thống Putin lại thể hiện một tấm gương thân thiện với cộng đồng người Do Thái nói tiếng Nga. Điều này sẽ có ích cho Chính phủ Israel trong những kỳ bầu cử.

Bằng chứng là đảng Yisrael Beiteinu của Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman đã được cộng đồng người Israel nói tiếng Nga ủng hộ và họ đang ngày càng trở thành cơ sở cử tri có tầm ảnh hưởng gia tăng trong các kỳ bầu cử, giúp cho đảng Yisrael Beiteinu của ông Lieberman ngày càng gia tăng số đại biểu trong nghị viện và có thế lực trong liên minh cầm quyền.

Về phía Nga, quan hệ gần gũi với Israel cũng có thể tạo ra một số thuận lợi. Thông qua quan hệ gần gũi với Israel, Nga có thể làm giảm vị thế của Mỹ ở Trung Đông. Tham gia giải quyết các vấn đề trong khu vực có liên quan đến Israel sẽ giúp Nga gia tăng tầm ảnh hưởng của mình.

Cuộc nội chiến Syria là một ví dụ điển hình cho lợi ích chính trị, ngoại giao của Nga tại Trung Đông. Israel và Nga đều có cùng mong muốn tránh đụng độ tại Syria, khi Israel đột xuất đưa máy bay sang oanh kích thành phần Hezbollah tham chiến hỗ trợ quân đội Chính phủ Syria, trong khi quân đội Nga cũng có lực lượng đặc nhiệm tham gia hỗ trợ quân đội Chính phủ Syria trong cuộc chiến chống phiến quân đối lập và chống IS.

Giới phân tích đánh giá, với sự phối hợp chặt chẽ của Israel, Nga sẽ dễ dàng đạt được các mục tiêu chiến lược của mình tại Syria, trong đó đặc biệt quan trọng là việc duy trì căn cứ quân sự tại tỉnh Latakia.

An Châu (tổng hợp)
.
.