Vì sao Liên Xô tan rã?

Thứ Năm, 01/02/2007, 16:00

“Nền chính trị lớn ở Moskva được xây dựng theo hình nón. Người đứng ở đỉnh cao quyền lực có thể làm gần như là tất cả mọi việc. Quyền lực của nhân vật số 1 cực kỳ khổng lồ. Nếu đó là một người thông minh và lương thiện thì tốt; nhưng nếu đó là một người với tính cách phiêu lưu như Gorbachev thì mọi sự quả là tồi tệ…”

Cánh tay phải của Yuri Andropov

Vladimir Kriuskov sinh năm 1924 tại Volgograd. Bắt đầu cuộc đời lao động như một công nhân nhưng ông đã mau chóng chuyển sang làm công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản, rồi bước chân vào ngành kiểm sát và ngoại giao.

Bước ngoặt lớn tới trong đời Kriuskov diễn ra năm 1955, khi Yuri Andropov mời ông tới gặp để chuẩn bị cho nhiệm kỳ làm việc tại Đại sứ quán Liên Xô ở Budapest (Hungari). Khi đó, Kriuskov chỉ là một nhân viên, còn Andropov đã là Đại sứ. Hai người đã hiểu nhau hơn khi sát cánh bên nhau ở Budapest trong những năm 1954 - 1958. Và khi Andropov về lại Moskva, Kriuskov cũng được chuyển về làm ở BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô, gần với người đồng nghiệp đàn anh.

Cũng nhờ Andropov mà Kriuskov đã trở thành cán bộ Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB). Năm 1967, sau khi Andropov nắm quyền lãnh đạo KGB, Kriuskov cũng được xếp vào vị trí trợ lý của Chủ tịch KGB. Andropov rất tín nhiệm người trợ lý của mình và coi như "cánh tay phải". Cũng nhờ tình cảm đó mà Kriuskov đã thăng tiến rất nhanh trong hệ thống KGB. Năm 1974, Kriuskov được phân công phụ trách tình báo đối ngoại của KGB. Từ tháng 10/1988, ông là Chủ tịch KGB. Năm 1989, Kriuskov trở thành Ủy viên Bộ Chính trị BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ năm 1990 cho tới khi Liên bang Xôviết tan rã, ông còn là thành viên của Hội đồng Tổng thống Liên Xô.

Tháng 8/1991, trước nguy cơ Liên bang Xôviết có thể tan rã vì Hiệp ước Liên bang dự định được ký vào ngày 20/8, Kriuskov đã cùng Phó Tổng thống Gennadi Yanayev; Thủ tướng  Victor Pavlov; Bộ trưởng Quốc phòng, Nguyên soái Dmitri Yazov; Bộ trưởng Nội vụ Boris Pugo... thành lập Ủy ban Quốc gia về Tình trạng Khẩn cấp (GKTrP) để cố gắng ngăn chặn thảm họa tiềm tàng này. Tuy nhiên, GKTrP đã không thành công. Kriuskov đã bị chính quyền Boris Yeltsin bắt và kết án tù giam tại trại "Bầu im lặng Thủy quân" ở Moskva. Tới năm 1994, ông được ân xá...

Trong hệ thống KGB, Kriuskov mang quân hàm Đại tướng. Ông thông thạo tiếng Đức và tiếng Hungari. Ông là tác giả của 5 tập sách.

Cải tổ theo... ngẫu hứng

Nhân kỷ niệm 15 năm ngày Liên bang Xôviết tan rã (sau khi Hiệp ước giữa LB Nga, Ucraina và Belorusia ký tháng 12/1991), báo Nga "Izvestia" đã có một cuộc phỏng vấn Kriuskov về những nguyên nhân dẫn tới sự kiện bi thảm này.

Phóng viên: Để làm tan rã Liên bang Xôviết với thể chế cứng rắn và sự kiểm soát toàn diện của các cơ quan an ninh chắc hẳn đã có những nguyên do có trọng lượng hơn là chỉ vì một ông Gorbachev kém cỏi, những phần tử dân chủ vụng về hay thậm chí cả cuộc khủng hoảng kinh tế? Điều gì đã diễn ra khi đó, thưa ông?

Vladimir Kriuskov: Nền chính trị lớn, cả trong nội bộ lẫn để đối ngoại, ở Moskva được xây dựng theo hình nón. Người đứng ở đỉnh cao quyền lực có thể làm gần như là tất cả mọi việc. Đã thành thông lệ rồi, quyền lực của nhân vật số 1 cực kỳ khổng lồ. Nếu đó là một người thông minh và lương thiện thì tốt; nhưng nếu đó là một người với tính cách phiêu lưu như Gorbachev thì mọi sự quả là tồi tệ. Bản thân xã hội Xôviết đã trở thành không được gì bảo vệ, có thể làm bất cứ việc gì với nó. Với một tai họa tầm cỡ như Gorbachev và công cuộc cải tổ của ông ấy, chúng ta mới gặp phải lần đầu.

Gorbachev đến nay vẫn coi mình là người kế thừa Andropov?

Sự thật không phải như thế. Khi trong Bộ Chính trị bắt đầu định hướng tới người kế thừa trẻ tuổi, Andropov đã không phản đối. Nhưng khoảng 2-3 tháng trước khi qua đời, Andropov đã nói với những đồng chí thân cận: "Tôi nghĩ rằng Mikhail Sergeyevich Gorbachev không phải người chúng ta cần. Điều làm tôi lo ngại là, đó là một người hậu đậu". Andropov đã lý giải mọi sự bằng nhận xét đó. Và đồng chí ấy không hề nói với ai rằng "sau tôi phải là Gorbachev".

Tới thời điểm nào thì ở Liên Xô đã bị mất bánh lái kinh tế, quân sự? Tại sao lại bất thình lình như vậy?

Đầu năm 1986, Gorbachev đã tuyên bố chú trọng đặc biệt tới tiến bộ khoa học kỹ thuật như con đường chính yếu để canh tân đất nước. Tất cả đều đã lao vào việc này. Nhưng đã không hề có các quyết định của BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô cũng như Hội đồng Bộ trưởng để xây dựng nên một chương trình như thế. Và sau đó khoảng nửa năm, ông ta lại bắt đầu trở giọng rằng, không thể làm được gì cả, hệ thống chính trị và kinh tế không thích hợp, cần phải thay đổi mọi sự một cách căn bản.

Thông qua những kênh tình báo, chúng tôi biết rằng, ngay cả ở phương Tây cũng bối rối: cứ theo đà như thế, Liên Xô sẽ trôi đến đâu? Chẳng bao lâu sau Gorbachev đã quên bẵng đi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật - "Chúng ta tạm thời phải hoãn lại đã" - và tới cuối năm 1986 thì đã rõ ràng là, chúng ta đang đi không có tay chèo và không có cả cánh buồm. Tại một trong những hội nghị của Trung ương, tôi bỗng kinh hoàng nhận ra rằng, nói chung, Gorbachev không hề có một chương trình định sẵn nào cả.

Sau khi phá tung toé tất cả ở trong nước, ông ta bắt đầu quay ngoắt về phía phương Tây. Năm 1991 có Hội nghị G-7  (các nước công nghiệp phát triển ở phương Tây) mà ông ta được mời tham dự. Chúng tôi nhận được thông tin rằng, Gorbachev sẽ không được thoả mãn trong bất cứ vấn đề nào mà ông ấy dự định đặt ra. Tôi đã gửi báo cáo cho ông ấy về chuyện này. Ông ấy bảo: "Không sao. Tôi hiểu rằng họ sẽ không cho chúng ta tất cả nhưng thể nào chúng ta cũng tìm được cách điều khiển họ".

Tóm lại, đó là một chính sách thảm họa, xuất phát từ thượng đỉnh.--PageBreak--

Nhưng ông nói chung cũng đã không phải ở dưới cùng. Khi người tiền nhiệm Victor  Mikhailovich Trebrikov bàn giao công việc cho ông, ông ấy có dặn dò nhắn nhủ gì với ông không?

Có dặn dò. Đó là một cuộc nói chuyện dài. Ông ấy bảo: "Tôi biết anh có góc nhìn đúng đắn đối với các sự kiện đang diễn ra trong nước. Nhưng hãy thận trọng!”.

Chủ tịch KGB thì còn phải e ngại ai nữa?

Ông Trebrikov bảo: Hãy chú ý tới Aleksandr Yakovlev (nhà tư tưởng của cải tổ theo cách Gorbachev tiến hành, người có xu hướng thiên về phương Tây). Bản thân ông ấy đã cố gắng không dính dáng tới nhân vật này.

Ban lãnh đạo Mỹ có nhìn thấy trước sự kết thúc của Liên bang Xôviết không?

Năm 1987, tại Mỹ, tôi đã gặp Giám đốc CIA Robert Gates. Ông ta hỏi tôi: "Liệu ngài có cảm giác rằng đang có nguy cơ tan rã Liên bang Xôviết không?". Lẽ ra tôi phải nói: "Đôi khi tôi cũng có cảm giác đó". Thế nhưng, tôi đã trả lời: "Không, tôi không có cảm giác ấy!". Gates bảo: "Nếu ngài muốn, tôi sẽ gửi cho ngài thông tin về việc ranh giới năm 2000 sẽ rất không dễ chịu đối với các ngài". Tôi đáp: "Có lẽ chúng ta sẽ trao đổi thông tin với nhau". Tuy nhiên, rốt cuộc là Gates chẳng gửi thông tin gì tới cho tôi cả. Theo tôi nghĩ, có lẽ người Mỹ cũng hiểu rằng, với chính sách mà Gorbachev cùng những phần tử dân chủ của chúng ta lèo lái, mọi sự sẽ kết thúc không cần tới bàn tay của họ.

Thế những nhà lãnh đạo khác của Liên Xô đã xử sự ra sao?

Năm 1989, tôi trở thành Ủy viên Bộ Chính trị và tôi đã thống nhất với các đồng chí Pavlov, Yanayev, Yazov, Pugo... cùng tới hỏi Gorbachev cho ra nhẽ, nói cho cùng, ông ấy muốn tiếp tục làm thêm những gì nữa?

Sao các ông lại phải chờ lâu đến thế?

Gorbachev là kẻ giáo điều và mị dân bậc nhất. Trước đó, chúng tôi tất nhiên cũng đã từng tới với ông ta để thảo luận các vấn đề chiến lược và gửi cho ông ta hằng hà sa số các công văn giấy tờ. Ông ta luôn luôn gật đầu đồng tình nhưng rồi ngay lập tức lại làm ngược lại mọi sự.

Khi quyết định lập Ủy ban Quốc gia về Tình trạng Khẩn cấp (GKTrP), liệu các ông có tính tới thắng lợi hay không?

Khi ấy tất cả đều đã thấy rõ: nếu ngày 20/8/1991 Hiệp ước Liên bang được ký kết thì sẽ không còn Liên bang Xôviết nữa. Chúng tôi đã kéo dài tuổi thọ của đất nước thêm được 4 tháng nữa.

Nhưng như thế thì chúng ta đã được thêm cái gì?

Chúng tôi đã lập chương trình, triển vọng, phác ra tình hình và mọi người đều hiểu rằng cần phải làm việc gì đó. Tất nhiên, không có nhiều người ủng hộ chúng tôi, nhưng cũng không có nhiều người chống lại chúng tôi...

Năm 1989, trong một hội nghị, ông đã phê phán các máy ghi âm. Ông có nhớ không, ông từng nói là: "Đâu cần thì KGB nhìn về đấy". KGB đã không nhìn ra bệnh dịch khiến cho Liên bang Xôviết tan rã?

Đó là lời đáp cho câu hỏi: "KGB nhìn đi đâu?". Tôi đã trả lời: "Đâu cần thì KGB nhìn về đấy". Thế là cả hội nghị cười ồ cả lên.

Có gì là đáng cười đâu? Vì sao mọi người lại bật cười?

Có lẽ họ bật cười vì cách nói. Tôi còn nhớ, năm 1991, tôi đã phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng: "Nạn tội phạm gia tăng, cần phải đưa ra những biện pháp kiên quyết". Tôi đã cố gắng thuyết phục đề ra cơ chế lấy vân tay tất cả. Làm vậy sẽ tăng mạnh khả năng phá án. Thế nhưng đã xảy ra những cuộc tranh luận giáo điều dằng dai: cần hay không cần. Mãi bây giờ nước Nga mới thực hiện việc này. Tại Mỹ, người ta đã làm việc đó từ lâu rồi.

Trong những năm cuối cùng của chế độ Xôviết, các cơ quan an ninh đã hành xử như thế nào? Trong khoảng thời gian đó, về mặt nghiệp vụ thì tình báo Xôviết và tình báo Mỹ, ai hơn ai?

Tình báo Xôviết cao hơn về trí tuệ, phương pháp hoạt động và tinh thần phấn đấu. Tình báo Mỹ thô bạo lắm. Vừa gặp đã chìa tiền ra dụ ngay, một triệu, hai triệu đô... Chính tôi đã từng nói với họ về việc này. Còn người Anh thì họ bỏ ra hàng năm trời để tiếp cận con người mới đạt được kết quả. Người Mỹ nặng ví nên ít quan tâm tới yếu tố thời gian. Còn tình báo Xôviết thì chú trọng tới yếu tố tư tưởng hơn. Chúng ta đã có những điệp viên từ chối nhận tiền mà vẫn làm việc.

Trên phương diện tư tưởng thì tình báo Nga hiện nay có thể đưa ra những đề nghị gì?

Nước Nga hiện nay không có hệ tư tưởng hùng hậu và sự ủng hộ trên thế giới lớn như Liên Xô trước đây. Vì thế nên tình cảnh của tình báo Nga đang rất phức tạp. Cần phải học những phương thức làm việc theo kiểu khác

Đinh Thế Cường
.
.