Vì sao Mỹ lo ngại việc Iran trao tiền cho Afghanistan?

Thứ Ba, 09/11/2010, 14:35
Việc một tờ báo của Mỹ ngày 24/10 đưa tin Chánh văn phòng Tổng thống Afghanistan, Umar Daudzai, đã nhận hàng triệu USD từ Iran và sau đó chính Tổng thống Hamid Karzai và Iran đều nhanh chóng xác nhận những thông tin trên là đúng sự thật đang khiến Mỹ và NATO lo ngại.

Câu hỏi được đặt ra là vì sao Mỹ lo ngại việc Iran trao tiền cho Afghanistan đến thế? Vì sao số tiền đó xem ra chẳng thấm vào đâu so với hàng trăm tỉ USD mà Mỹ và các đồng minh đã đổ vào đất nước này trong 10 năm qua lại chẳng thể tạo được nhiều ảnh hưởng bằng số tiền ít ỏi của Iran?

Tờ New York Times số  ra ngày 24/10 vừa qua đưa tin, Chánh văn phòng Tổng thống  Afghanistan, Umar Daudzai, đã nhận hàng triệu USD từ Iran. Tờ báo tiết lộ, Tổng thống  Afghanistan Hamid Karzai và ông Umar Daudzai đã dùng những khoản tiền đó để chi cho các nhà lập pháp Afghanistan, các vị bô lão bộ tộc và thậm chí các chỉ huy Taliban để có được lòng trung thành của họ.

Cũng theo New York Times, các khoản chi hàng triệu USD được đưa vào một ngân quỹ bí mật nhằm mua chuộc lòng trung thành của ông Umar Daudzai, cựu Đại sứ  Afghanistan tại Iran, và để phát huy các quyền lợi của Iran trong Phủ tổng thống  Afghanistan. Tờ báo dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng, Iran muốn sử dụng ảnh hưởng của mình để chia rẽ người dân  Afghanistan với lực lượng Mỹ và NATO giúp bảo vệ đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Báo New York Times còn cho biết, các giới chức Iran có quyền gần như tự do ra vào dinh Tổng thống  Afghanistan và có thể không cần phải thông qua các nghi thức luật lệ thông thường. Tờ báo dẫn lời một quan chức phương Tây mô tả khoản tiền này là một quỹ hối lộ tổng thống. Tiết lộ này cho hay, hồi tháng 8 năm ngoái khi Tổng thống Hamid Karzai kết thúc chuyến thăm chính thức đến Iran, Đại sứ Iran tại  Kabul, Feda Hussein Maliki, đã mang đến máy bay của ông Hamid Karzai một túi nylon lớn chứa đầy tiền và giao nó cho Umar Daudzai.

Một ngày sau tiết lộ trên New York Times, Tổng thống Hamid Karzai đã lên tiếng khẳng định rằng mỗi năm một hoặc hai lần, chính quyền Iran chuyển cho văn phòng ông số tiền từ 700.000 đến 950.000USD mỗi lần. Tuy nhiên, ông bác bỏ những cáo buộc mà New York Times nói về mục đích của những khoản tiền này mà khẳng định số tiền ông nhận từ Tehran là để chi trả cho các chi phí điều hành Phủ tổng thống và Washington cũng cung cấp "nhiều túi tiền mặt" vì văn phòng ông thiếu tiền. Ông Karzai cho biết chi tiết ông chỉ thị cho ông Daudzai, cựu Đại sứ Afghanistan tại Iran, là cứ nhận tiền từ Tehran. "Đó là hành động chính thức theo lệnh của tôi" - ông Karzai khẳng định.

Ông cho biết thêm một số quốc gia khác cũng cho tiền Phủ Tổng thống - nước đầu tiên là Liên hiệp các tiểu Vương quốc Arập, vốn cung cấp 1,5 triệu USD 9 năm trước khi Chính phủ lâm thời Afghanistan được hình thành. "Đây là sự trợ giúp lớn lao, chúng tôi nộp tất cả số tiền vào ngân hàng trung ương và chúng tôi dùng trả cho chi phí hàng ngày của chính phủ. Sau đó, một số quốc gia khác cũng trợ giúp chúng tôi theo cách này" - ông Karzai cho biết.

"Đây là điều minh bạch, điều mà tôi cũng từng thảo luận khi gặp Tổng thống Bush ở trại David và nó chẳng phải là điều cần giấu giếm. Chúng tôi cám ơn sự giúp đỡ của người Iran. Mỹ cũng làm điều tương tự. Họ cung cấp tiền mặt cho một số văn phòng của chúng tôi" - Tổng thống Karzai phát biểu.

Chuyện bên cho bên nhận thừa nhận là điều dễ hiểu vì có những vấn đề nhạy cảm của nó trong sự tính toán khác nhau của cả Kabul lẫn Tehran. Nhưng điều oái oăm là Washington lại lo ngại món tiền mà Tehran trao cho Kabul. Chính quyền Washington đang lâm vào thế lúng túng khó xử. Trước hết bởi vì Tổng thống Hamid Karzai, đồng minh của Mỹ lại đi nhận tiền tài trợ của chính quyền Tehran, bị coi như là một trong những kẻ thù hàng đầu của Washington.

Ông Umar Daudzai thường xuyên nhận tiền mặt từ Iran.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Philip Crowley cân nhắc lời lẽ khi đưa ra tuyên bố: "Chúng tôi không đặt vấn đề về quyền của Iran tài trợ cho Afghanistan, cũng như Afghanistan có quyền nhận tài trợ của Iran... Người dân Afghanistan có thể gây dựng tương lai đất nước họ mà không phải chịu ảnh hưởng xấu của quốc gia láng giềng. Chúng tôi chỉ hoài nghi về dụng ý của Iran. Cho tới giờ, chính quyền Tehran thường có những động thái làm mất ổn định tình hình trong khu vực''.

Chính quyền Mỹ cũng tỏ ra lúng túng vì Tổng thống Karzai đã tuyên bố Afghanistan trực tiếp nhận tiền mặt từ tay Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ không phản bác tuyên bố này và khẳng định, các khoản viện trợ của Mỹ cho Afghanistan không phải ở ngoài luồng, mà chỉ được các định chế tài chính thông qua. Về phần mình, Nhà Trắng cũng bày tỏ phản ứng. Phát biểu trước báo giới tại Washington ngày 25/10, Phó phát ngôn viên Nhà Trắng Bill Burton cho biết Mỹ và cộng đồng quốc tế có lý do để lo ngại khi Iran đang tìm mọi cách gây ảnh hưởng tiêu cực đến Afghanistan.

Vì sao Mỹ lại lo ngại việc Iran trao tiền cho Afghanistan? Món tiền đó xem ra có thể là vài ba triệu USD thì có thấm vào đâu so với hàng trăm tỉ USD mà Mỹ và các đồng minh đã đổ vào đất nước này trong 10 năm qua? Nếu nói về sức mạnh của đồng tiền thì Mỹ hơn gấp nghìn lần so với số tiền mà Tehran trao cho văn phòng của Tổng thống Hamid Kazai. Nhưng Mỹ bỏ tiền ra nhiều vậy mà lại để cho Iran qua mặt về mặt tác động lên chính quyền Kabul với số tiền ít ỏi đó? Ở đây rõ ràng là không phải tiền ít hay nhiều mà nó được trao như thế nào và mục đích sử dụng ra sao.

Mặt khác nó cũng phản ánh chiến lược tồn tại của ông Karzai là dùng quan hệ gắn bó với các nước láng giềng làm một trong những đảm bảo quyền lực sau khi quân đội nước ngoài rút đi hết. Cho nên, sự lo xa của Washington cũng là điều không khó hiểu và sự vô tư của chủ nhà khi công khai minh bạch việc nhận tiền  của Iran cũng chẳng có gì đáng trách

Nguyễn Lê Bảo Phương (tổng hợp)
.
.