Vì sao Mỹ muốn phế truất Tổng giám đốc IAEA?

Thứ Sáu, 24/12/2004, 12:57

Hiện ông Mohammad ElBaradei, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), đang bị chính quyền Mỹ công kích và vận động các thành viên Hội đồng điều hành IAEA bỏ phiếu bất tín nhiệm khi nhiệm kỳ của ông đến mùa hè năm 2005 mới kết thúc.

Từ vài tháng nay, Washington đã công khai cáo buộc ông ElBaradei thiên vị cho Iran khi không đạt được một nghị quyết cứng rắn hơn đối với nước này. Tháng 9/2004, Ngoại trưởng Colin Powell cho rằng, ông ElBaradei chỉ có thể nắm cương vị Tổng giám đốc IAEA trong hai nhiệm kỳ, không được thêm một nhiệm kỳ nào nữa.

Theo tin từ Washington Post ngày 12/12, các quan chức Chính phủ Mỹ giấu tên cho biết, chính quyền W.Bush đã nghe lén hàng chục cuộc điện thoại cá nhân của ông ElBaradei trong 2 năm qua, nhất là trong quá trình IAEA tiến hành thanh tra hạt nhân ở Iran. Đây là bước đầu tiên trong toàn bộ tiến trình hạ bệ ông ElBaradei theo đúng công thức Mỹ đã từng làm với Chủ tịch Tổ chức cấm phổ biến vũ khí hóa học (OPCW) Jose M.Bustani và người tiền nhiệm của ElBaradei là Hans Blix, người Thụy Điển.

Mục đích của việc này là tìm kiếm bằng chứng phạm tội nhằm tạo dựng một cáo trạng hỏi tội ông, bước tiếp theo là tạo dư luận, gây sức ép buộc Hội đồng điều hành IAEA (đặt tại Geneva, Thụy Sĩ) “tẩy chay” không cho ông tiếp tục giữ chức Giám đốc Cơ quan Giám sát vũ khí hạt nhân toàn cầu này nữa.

Ông Mohammad ElBaradei (62 tuổi), người Ai Cập, khởi đầu sự nghiệp tại Bộ Ngoại giao Ai Cập từ năm 1964 khi mới 22 tuổi. Cũng như Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, ElBaradei từng theo học Trường đại học New York, là người có quan điểm “hướng Tây” mặc dù ông là người Arập và theo đạo Hồi.

Năm 1984, ElBaradei bắt đầu bước vào IAEA và dần trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong tổ chức này suốt 13 năm. Khi lên thay Hans Blix nắm chức Tổng giám đốc IAEA  năm 1997, ElBaradei đồng thời thừa kế ở người tiền nhiệm này một số công việc nhạy cảm của IAEA trong việc kiểm soát giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt trên thế giới. Ông cũng thừa kế Blix tinh thần làm việc khách quan, không thiên vị - một tiêu chí hàng đầu mà IAEA đặt ra trong hàng chục năm qua.

Bên cạnh đó, ElBaradei cũng có quan điểm riêng của mình trong việc xử lý nhiều vấn đề hạt nhân quốc tế đầy gai góc, đó là dùng các biện pháp ngoại giao mềm dẻo, tuân thủ các quy tắc, luật pháp quốc tế để thu phục các nước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Năm 1997, Mỹ đã từng ủng hộ ElBaradei lên làm Tổng giám đốc IAEA. Tuy nhiên, chính quan điểm ngoại giao và tinh thần không thiên vị của ElBaradei, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2 của ông, khi vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Iran và Iraq trở thành mối bận tâm hàng đầu trong chiến lược an ninh toàn cầu của Mỹ, đã gây nên mối bất hòa thường xuyên giữa ông và IAEA với nước Mỹ. Chẳng hạn trong vấn đề Iraq thời Saddam Hussein, khi Mỹ nhất quyết cho rằng nước này có vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và vận động cộng đồng quốc tế hành động chống Iraq, thì ElBaradei cất tiếng nói “lạc quẻ”, cho rằng Iraq không có WMD.

Sau Iraq, Iran là vấn đề được Mỹ quan tâm nhiều nhất bởi nước này đóng một vai trò chiến lược cực kỳ quan trọng trong khu vực Trung Đông, đồng thời cũng là một trong những quốc gia giàu dầu mỏ nhất, có trữ lượng khí đốt lớn thứ 2 thế giới. Sau sự  kiện 11/9, Mỹ xếp Iran vào “trục ác” cùng với Iraq và CHDCND Triều Tiên, và xem Iran như mối đe dọa hàng đầu đối với Israel và các lợi ích Mỹ trong khu vực sau khi Iraq sụp đổ.

Mỹ càng "thâm gan tím ruột" đối với chuyện Iran phát triển chương trình hạt nhân. Vấn đề này từng gây căng thẳng quan hệ Nga - Mỹ dưới thời Bill Clinton, vì Nga là nước hỗ trợ kỹ thuật chủ yếu cho Iran. Mặc dù Iran và Nga chính thức tuyên bố chương trình hạt nhân của Iran chỉ nhằm mục đích hòa bình là xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, Mỹ vẫn một mực quy kết Iran bí mật phát triển vũ khí hạt nhân, và đòi Iran phải ngưng toàn bộ chương trình hạt nhân của mình.

Bài học Iraq làm sụp đổ niềm tin quốc tế đối với Mỹ đã buộc Mỹ phải “lùi lại một bước”, nhường cho IAEA và EU tiên phong xử lý, thanh tra và đàm phán với Iran nhằm tìm kiếm một thỏa thuận “đóng băng” vĩnh viễn chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, bộ ba trong Liên minh châu Âu - EU (Anh, Pháp, Đức) lẫn phái đoàn thanh tra của IAEA đều đã không làm đúng ý đồ của Mỹ, khi để cho Iran nhiều phen thắng thế hơn Mỹ. Những thỏa thuận EU vừa mới đạt được với Iran, và kết quả thanh tra được IAEA công bố hồi đầu năm 2004, trong đó không phát hiện dấu vết chương trình vũ khí hạt nhân nào ở Iran, đã khiến cho người Mỹ cảm thấy quá thất vọng.   

Ngay sau khi IAEA công bố kết quả thanh tra có lợi cho Iran hồi tháng 4/2004, Mỹ bắt đầu khai hỏa chống ElBaradei, công khai cáo buộc ông đã hợp tác với Iran. Mỹ muốn ông ElBaradei phải trình lên IAEA báo cáo theo đó có thể kết luận Iran ngầm phát triển vũ khí hạt nhân, và đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ những biện pháp chế tài cứng rắn hơn để trên cơ sở đó Mỹ phát động chiến dịch bao vây nhằm triệt tiêu hoàn toàn khả năng hạt nhân của nước này (và mục tiêu cuối cùng là lật đổ chế độ Hồi giáo, thiết lập một nhà nước thân thiện với Mỹ, có lợi cho Mỹ).

Tuy nhiên, điều Mỹ mong muốn lại đi ngược lại tiêu chí trung lập, khách quan của IAEA, đồng thời là điều khó thực hiện đối với ElBaradei. Vấn đề còn lại là nếu Mỹ muốn phế truất ông ElBaradei là phải tìm được một nhân vật thay thế ông, vừa đáp ứng yêu cầu năng lực và uy tín, vừa thỏa mãn những đòi hỏi chiến lược của Mỹ. Điều này hiện nay xem ra vô cùng khó.

Mỹ đã lên danh sách gồm 1 người Brazil, 1 người Hàn Quốc, 2 người châu Phi, và Ngoại trưởng Australia Alexander Downer. Các ứng viên trên đều không thể được các thành viên IAEA chấp nhận, còn Ngoại trưởng Downer thì đã tỏ ý từ chối. Chính uy tín và năng lực cộng với kinh nghiệm ngoại giao quốc tế lâu năm của ông ElBaradei đã tạo cho ông một chỗ đứng hoàn toàn vững chắc, khiến cho hầu hết các nước, kể cả các đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Anh và Australia, đều không muốn có hành động nào chống lại ông.

Gareth Evans, Ngoại trưởng Australia hiện đang là chủ tịch một Ủy ban cải tổ LHQ, nhận xét, ElBaradei đã hoàn thành quá xuất sắc vai trò của mình và vì thế Washington đã mắc sai lầm lớn khi phát động chiến dịch chống lại ông

An Châu (theo Asia Times, Washington Post)
.
.