Vì sao Nhật Bản muốn sửa đổi hiến pháp?

Thứ Bảy, 03/12/2005, 07:39

Ngày 22/11, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) Nhật Bản, các nghị sĩ đã trình lên Quốc hội một dự luật do chính phủ bảo trợ, theo đó sẽ nâng Cục Phòng vệ Nhật Bản lên thành Bộ Quốc phòng. Nếu dự án này trở thành hiện thực, sẽ là bước ngoặt quan trọng xóa bỏ lệnh cấm xây dựng lực lượng quân đội do Mỹ áp đặt từ sau Chiến tranh thế giới II.

Vì sao Nhật Bản muốn xây dựng lực lượng quân đội vào lúc này? Và tác động của nó tới an ninh châu Á sẽ như thế nào?

Sau Chiến tranh thế giới II, dưới sự chỉ đạo của tướng Douglas MacArthur, năm 1947, bản Hiến pháp Hòa bình của Nhật Bản ra đời có quy định tại Điều 9 rằng: “Nhân dân Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh với tư cách chủ quyền quốc gia, từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực làm công cụ trong việc giải quyết các xung đột quốc tế”. Bản Hiến pháp tuy vẫn cho phép Nhật duy trì một Lực lượng Phòng vệ (SDF), nhưng không được triển khai lực lượng này ra ngoài lãnh thổ Nhật Bản.

Với tư cách một cường quốc chiếm đóng sau chiến tranh, Mỹ đã tiến hành những chính sách trái với thỏa thuận đã được các nước Đồng minh thông qua, nhằm mục đích buộc Nhật phải phụ thuộc vào Mỹ về kinh tế và chính trị và biến nước Nhật thành căn cứ quân sự của Mỹ ở Viễn Đông.

Tàu ngầm thế hệ mới của Nhật Bản.

Tháng 10/1950, Chính phủ Mỹ đề nghị bắt đầu thảo luận về Hòa ước với Nhật trên cơ sở dự thảo do Mỹ đưa ra. Hòa ước San Fransisco sau đó đã được thông qua vào tháng 9/1951, trong đó không quy định việc đảm bảo không cho phép phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Nhật, mức độ lực lượng vũ trang không bị hạn chế. Không những thế, Nhật không bị cấm tham gia các khối quân sự khác mà còn có quyền ký kết các Hiệp ước liên minh quân sự và có thể có quân đội và căn cứ quân sự nước ngoài trên đất Nhật.

Ngày 8/9/1951, Mỹ đã ký với Nhật một Hiệp ước an ninh cho phép quân đội Mỹ đóng lâu dài trên lãnh thổ Nhật và vùng lân cận. Trong giai đoạn này, SDF vẫn nằm dưới sự điều khiển của Cơ quan quốc phòng dân sự, phụ thuộc vào thủ tướng. Mặc dù được đào tạo tốt, đảm bảo chất lượng để thực hiện các nhiệm vụ được giao phó, song SDF vẫn là một lực lượng nhỏ, thiếu người, và vẫn chưa được trang bị đầy đủ để thực hiện các chiến dịch quân sự có quy mô lớn. Các hoạt động của SDF chủ yếu vẫn là phục vụ các hoạt động cứu trợ nhân đạo và các nỗ lực gìn giữ hòa bình của LHQ.

Bước sang thập niên 60 của thế kỷ XX, dưới chiếc ô của Mỹ, Nhật Bản đã phát triển khá nhanh cả về kinh tế lẫn quân sự. Trong giai đoạn này, chính sách phòng vệ quốc gia của Nhật Bản được duy trì dựa trên Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật sửa đổi năm 1960, theo đó Nhật Bản có trách nhiệm đảm bảo an ninh của riêng mình. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng đồng ý tham gia vào việc phòng thủ của Nhật trong trường hợp Nhật Bản hoặc các vùng lãnh thổ của nước này bị tấn công.

Mặc dù quy mô và khả năng của SDF luôn bị giới hạn bởi vai trò của nó, tới năm 1976, kế hoạch phòng thủ của Nhật Bản đã chú trọng vào việc phát triển lực lượng, đủ khả năng đối phó với các đối thủ tiềm tàng tại khu vực. Cũng bắt đầu từ năm 1976, chính sách của chính phủ cho phép SDF được phát triển đủ nhằm đẩy lùi các cuộc xâm lược có giới hạn, trên quy mô nhỏ và điều này càng khiến Nhật phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ để nhận viện trợ, trong trường hợp xảy ra tấn công quân sự.

Bước sang những năm 90, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu xem xét lại chính sách an ninh của mình trên cơ sở những căng thẳng giảm bớt ở vùng Viễn Đông vẫn dưới chiếc ô của Mỹ, lực lượng phòng vệ của Nhật Bản đã có những bước chuyển biến vượt bậc. Cho tới nay, ngân sách chi cho quốc phòng hàng năm ở Nhật Bản lên tới khoảng 50 tỉ USD và SDF đã có khoảng 240.000 quân.

Tháng 6/1992, Nghị viện Nhật thông qua Bộ luật Hợp tác gìn giữ hòa bình LHQ, trong đó cho phép SDF được tham gia vào các hoạt động của LHQ như: y tế, viện trợ nhân đạo, vận tải, sửa chữa cơ sở hạ tầng, giám sát bầu cử và hoạch định tác chiến trong những điều kiện được giám sát chặt chẽ.

Tháng 5/1999, Quốc hội Nhật Bản thông qua một đạo luật bổ sung, liên quan tới Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, nhằm đảm bảo việc thực thi có hiệu quả của chương trình “Những đường hướng cho sự hợp tác phòng thủ Nhật - Mỹ”.

Tháng 10/2004, Hội đồng An ninh và Năng lực phòng thủ đã đưa kiến nghị tới Thủ tướng J.Koizumi về năng lực phòng thủ của Nhật Bản trong tương lai. Bản báo cáo này sẽ là nền tảng để đưa ra những đường hướng phòng thủ mới của Nhật Bản như: Nhật Bản cần nghiên cứu việc giành lấy khả năng tấn công phủ đầu như Mỹ đã sử dụng; Nhật Bản không nên quá kỳ vọng vào Mỹ, hay Chính phủ Nhật cần phải thảo luận về việc mở rộng vai trò gìn giữ trật tự ở nước ngoài của SDF.

Tháng 11/2004, các sĩ quan của Cơ quan phòng vệ còn đưa ra ba kịch bản về khả năng Nhật Bản bị tấn công, nhằm giúp cơ quan này chuẩn bị chiến lược phòng thủ quốc gia.

Cùng với sự thay đổi môi trường an ninh ở châu Á cũng như trước sức mạnh quân sự gia tăng ở một số nước, Nhật Bản càng muốn thúc đẩy nhanh hơn nữa chương trình quân sự của mình. Đây cũng là cách để Nhật thoát ra khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Để làm được điều đó, Nhật buộc phải thay đổi lại hiến pháp.

Tháng 11/2004, trong quá trình vận động tranh cử vào chiếc ghế thủ tướng, Chủ tịch đảng LDP J.Koizumi đã cam kết sẽ đưa ra đề xuất cho việc thay đổi hiến pháp vào tháng 11/2005, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập đảng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thay đổi hiến pháp không phải là một công việc đơn giản, vì có thể đưa tới những cuộc tranh cãi về vai trò của Nhật hoàng, và cả về cơ cấu nhà nước phi tập trung hơn, thậm chí là quyền của phụ nữ trong xã hội Nhật Bản... Ngay phần lớn công chúng Nhật hiện cũng tỏ ra không muốn Nhật có quân đội chính quy vì họ vẫn chưa quên thảm họa của hai quả bom nguyên tử trước kia... Đó là chưa kể tới những phản ứng của các quốc gia từng là nạn nhân của chế độ phát xít trong Chiến tranh thế giới II

Đại Dương (Tổng hợp)
.
.