Vì sao thủ tướng Tây Ban Nha tiếp tục đắc cử?

Thứ Năm, 03/11/2016, 10:35
Sau thời gian tê liệt chính trị kéo dài 10 tháng không có chính phủ, thủ lĩnh cánh hữu và người đứng đầu chính phủ trước đây đã tái nhiệm vào chức vụ. Tuy sự tái bổ nhiệm ông Mariano Rajoy, 61 tuổi, từ lâu đã được định hình nhưng vẫn là điều khó hy vọng.

Sau 5 năm khốn khó về kinh tế và theo chủ nghĩa bảo thủ cứng nhắc - Mariano muốn giảm bớt quyền tự do phá thai - mức độ hợp lòng dân của ông đã xuống đến mức thấp nhất (25%). Hình ảnh chính trị gia bất định, bị vướng vào nhiều vụ việc tham nhũng khiến nhiều người ghét bỏ ông và bị chỉ trích cả trong nội bộ đảng.

Bất chấp sự bất bình trong đảng, Mariano đã biết sử dụng việc kiểm soát guồng máy đảng và sự ủng hộ của đa số giới quyền quý địa phương để tiếp tục lãnh đạo. Với những “con sói” trẻ hung hăng trong đảng đã quá mệt mỏi với những scandal tha hóa làm ô uế phe bảo thủ, Mariano đối lại bằng sự hiểu biết của đảng mà ông đã lãnh đạo từ năm 2004. Và mặc kệ nếu ông bị chê trách vì thiếu quyết định, Mariano lấy đó làm sức mạnh cho ông. 

Một khi cử tri đã chán nản, Mariano phải đối diện với một kết quả chính trị tế nhị. Bị một phần dân chúng căm ghét vì đã tăng thuế, đóng băng tiền lương, thực thi một chính sách thắt lưng buộc bụng chưa từng có và cải cách hệ thống giáo dục, Thủ tướng đã đưa ra các thành tựu trước khi lợi dụng bóng ma Brexit.

“Mariano đã bảo vệ Tây Ban Nha về tài chính mà không nhờ đến sự trợ giúp của châu Âu. Vì niềm tự hào của người dân, điều này rất quan trọng. Thế là ông ta chủ yếu dựa vào điểm đó” - Barbara Loyer cho biết. Nạn thất nghiệp đã giảm trong những tháng cuối nhiệm kỳ của ông. Đây là điểm cần thiết để giúp ông ta tự hào về chính sách kinh tế của mình.

Chủ đề thứ nhì mà Mariano đưa ra là sự liên kết chính trị của Tây Ban Nha, luôn luôn được duy trì bởi đảng Nhân dân. Đó là một cách để soi rọi những khác biệt giữa phe bảo thủ và xã hội về điểm đó. Phe bảo thủ luôn tỏ ra quả quyết trong khi phe xã hội lại đàm phán với những kẻ đòi độc lập vùng Catalonia.

Thủ tướng Mariano Rajoy.

Trong khi Tây Ban Nha lạc lối trong sự bất định chính trị, người dân Anh đã chọn Brexit. Đây là thời cơ may mắn đối với Mariano, ông lợi dụng để tự giới thiệu mình trước công chúng như là người đảm bảo đáng tin cho sự ổn định của đất nước trước sự rã rời của đảng Xã hội. “Người dân Tây Ban Nha bị dằn vặt giữa mong muốn thay đổi và nỗi hãi sợ khoảng trống không” - Barbara Loyer giải thích.

Một mặt Mariano sử dụng tình thế chính trị đó để kích thích sự sợ hãi. Mặt khác ông ta không đưa ra quyết định kinh tế để không làm tăng thêm sự mất uy tín trước một cuộc bầu cử thứ nhì. Một thực trạng bình thường sẽ không khiến EU hài lòng vì lo lắng cho tình hình kinh tế của Tây Ban Nha. Nhưng trong bối cảnh đặc biệt của Brexit, Brussels không mong muốn mạnh tay đối với các quốc gia miền nam.

Kết quả: sau 5 tháng nhẫn nại và chờ đợi, Mariano là ứng viên duy nhất mạnh thêm khi lấy được nhiều lá phiếu giữa 2 kỳ bầu cử. “Đó là một con nhân sư. Ông ta kiên trì, chờ dông tố đi qua để thu hoạch quả” - giáo sư Nacima Baron ở Đại học Paris - Đông nhận định.

Mê Linh (tổng hợp)
.
.