Vụ “Bê bối sofa” của Ankara

Thứ Hai, 12/04/2021, 20:47
Cuộc họp cấp cao của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan với các nhà lãnh đạo Liên minh châu ÂU (EU) tại Ankara hôm 6-4 đang trở thành tâm điểm của báo giới khi bị gọi với cái tên “Bê bối sofa”. Nguyên do là vì trong lúc hội đàm, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen không hiểu sao lại không ngồi cùng với các nhà lãnh đạo khác mà phải ngồi một mình trên một chiếc sofa, đối diện với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.


Sự cố ngoại giao

Theo tin từ hãng Reuters, hôm 6-4, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã thực hiện chuyến công du hiếm hoi đến Thổ Nhĩ Kỳ để gặp Tổng thống Erdogan nhằm kiểm chứng các cam kết của nhà lãnh đạo này về việc cải thiện mối quan hệ song phương EU-Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến đi này được kỳ vọng sẽ giúp giảm sóng gió trong quan hệ hai bên nhưng rắc rối mang tên “Bê bối sofa” lại nảy sinh đúng ngày quan trọng nhất, khi cuộc gặp cấp cao diễn ra. 

Loucas Fourlas, một thành viên trong Nghị viện châu Âu tweet: “Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen không có ghế trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngồi đàm phán với người đồng cấp nam. Bà Von der Leyen đã rất bối rối khi ông Erdogan và Chủ tịch EC Michel giành hai chiếc ghế được đặt trước các lá cờ của EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Nó thể hiện cách Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận về các mối quan hệ của mình với châu Âu?”. Cũng theo miêu tả của nghị sĩ này, cuối cùng, bà Von der Leyen được xếp ngồi trên chiếc sofa cách xa hơn một chút so với những người đồng cấp, đối diện với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ - một người ở cấp thấp hơn bà theo thứ tự của nghi thức ngoại giao.

Bức ảnh cuộc hội đàm gây tranh cãi, người ngồi trên ghế sofa bên trái là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Những hình ảnh này đã thu hút sự chỉ trích dữ dội trên phương tiện truyền thông xã hội với cáo buộc phân biệt giới tính. Biện minh cho việc này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định, quan chức phụ trách về lễ tân của hai nước đã có các cuộc họp trước chuyến thăm và bàn thảo kỹ càng về việc sắp xếp phù hợp với yêu cầu của EU. 

“Nghi thức được áp dụng trong cuộc họp phạm vi hẹp được tổ chức tại văn phòng tổng thống của chúng tôi đã đáp ứng các yêu cầu của phía EU. Nói cách khác, việc bố trí chỗ ngồi như vậy đã được thực hiện theo đề xuất của phía EU”, ông Cavusoglu nói và cho biết, ông cảm thấy có nghĩa vụ “đổ lỗi” cho EU một cách công khai sau những cáo buộc chống lại Thổ Nhĩ Kỳ từ "các cấp cao nhất của EU".

Giới quan sát phân tích, bà Von der Leyen là người đứng đầu cơ quan điều hành EU còn ông Michel đại diện cho chính phủ các nước thành viên. Brussels hy vọng, cả hai nhà lãnh đạo đều được đối xử với giao thức dành riêng cho người đứng đầu chính phủ. “Chủ tịch Ủy ban châu Âu rõ ràng đã rất ngạc nhiên”, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Eric Mamer nói, nhấn mạnh việc bà Von der Leyen lẽ ra phải được đối xử “chính xác theo cách thức” như ông Michel được hưởng. 

“Tuy nhiên, bà ấy đã quyết định tiếp tục hội đàm, ưu tiên nội dung hơn giao thức. Dù vậy, bà ấy vẫn cho rằng những vấn đề này là quan trọng và cần được xử lý một cách thích hợp để đảm bảo rằng sự cố không lặp lại trong tương lai”, ông Mamer nhấn mạnh.

Dấu hiệu của mất đoàn kết?

Ngay lập tức, sự cố này đã được đặt tên trên mạng Internet là "sofagate". Nhiều tờ báo bình luận rằng, bê bối xuất hiện vào một thời điểm tế nhị, khi EU và Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách xây dựng lại mối quan hệ bất chấp những lo ngại về hồ sơ của Ankara xung quanh vấn đề nhân quyền, trong đó bao gồm phân biệt đối xử với phụ nữ. Tổng thống Erdogan đã khiến Brussels tức giận trước chuyến thăm của các lãnh đạo khối khi tuyên bố rằng ông sẽ rút Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Công ước Istanbul về ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Bà Von der Leyen đã nhấn mạnh rằng "vấn đề nhân quyền là không thể thương lượng và và rắc rối xung quanh chỗ ngồi trong cuộc họp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến bà “tập trung hơn vào vấn đề này”.

Một điểm đáng chú ý nữa là, cách đối xử đối với phụ nữ là một trong những vấn đề quan trọng, được quan tâm hàng đầu ở châu Âu. Sergey Lagodinsky - một thành viên Nghị viện châu Âu ở Đức cảnh báo: “Đó không phải là cách để thể hiện mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ nên như thế nào”.

Tuy nhiên, không phải tất cả sự giận dữ đều hướng về Thổ Nhĩ Kỳ. Một thành viên Nghị viện châu Âu tên Sophie đến từ Hà Lan đã đặt câu hỏi tại sao ông Michel lại “im lặng” khi đồng nghiệp nữ không có chỗ ngồi? Sau một ngày hứng chịu những lời chỉ trích như vậy, Chủ tịch EC Michel đã trả lời bằng bài đăng trên Facebook, đổ lỗi cho khung cảnh "ảm đạm" và "đáng tiếc" của cuộc gặp là do "sai lầm trong nghi thức" của Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ tịch EC cho biết ông và bà Von der Leyen “đã chọn không làm cho việc này trở nên tồi tệ hơn” mà thay vào đó là tập trung vào các vấn đề cần được thảo luận. “Tôi rất buồn khi việc này đã làm lu mờ công việc địa chính trị quan trọng và có lợi mà chúng tôi đã thực hiện cùng nhau ở Ankara, mà trong đó tôi hy vọng châu Âu sẽ gặt hái được nhiều lợi ích”, ông Michel bày tỏ.

Song, nhiều quan chức EU đã không chấp nhận lời giải thích của Chủ tịch EC. Trao đổi với tờ Politico, một quan chức EU lại phân tích theo khía cạnh sự cố là một cuộc đấu đá nội bộ. Vị quan chức này nói, nhóm của ông Michel đã nghĩ rằng Chủ tịch EC cao hơn trong trình tự ngoại giao và đã xác nhận việc này với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, nhóm chuẩn bị của bà Von der Leyen lại không đến Thổ Nhĩ Kỳ nhưng quan điểm rằng, bà ấy lẽ ra phải có chỗ ngồi giống như ông Michel. “Người Thổ Nhĩ Kỳ không tìm cách gây ra bất kỳ sự cố nào. Họ tôn trọng nghi thức và chúng tôi cũng vậy. Trong mọi trường hợp, khi vụ việc xảy ra, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ được hiểu là bị kích động bởi sự thất bại do “Bê bối ghế sofa” khi họ đang tìm kiếm mối quan hệ tốt hơn và cơ hội gây ấn tượng tốt với các nhân vật cấp cao của Brussels. Đây là vấn đề do chính EU làm ra", tờ Politico viết.

Cách đây 11 năm, Thổ Nhĩ Kỳ từng rơi vào cảnh tranh cãi ngoại giao với Israel một vụ việc tương tự nhưng ở chiều ngược lại. Khi đó Thổ Nhĩ Kỳ đã đe dọa triệu hồi Đại sứ tại Israel Ahmet Oguz Celikkol về nước với lý do ông này bị hạ thấp danh dự khi phải ngồi trên chiếc sofa thấp hơn so với Thứ trưởng Ngoại giao Israel Danny Ayalon trong một chương trình được phát trên truyền hình. Cuối cùng, để cứu vãn tình thế, Thứ trưởng Danny Ayalon đã gửi thư xin lỗi Đại sứ Ahmet Oguz Celikkol. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ sau đó xác nhận Ankara đã nhận được lời xin lỗi đúng như mong muốn còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thì khiển trách Bộ Ngoại giao vì việc này.

Sông Thương
.
.