Vụ bắt giữ cựu Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina

Thứ Năm, 09/08/2007, 10:15
Tháng 5 vừa qua, bà Sheikh Hasina đã đánh bại được mưu toan tống bà đi biệt xứ và đã trở về nước trong sự phấn khởi của công chúng. Hàng ngàn người dân ủng hộ Hasina đã tràn xuống khắp đường phố Dhaka để ủng hộ bà bất chấp lệnh cấm của chính phủ.

Tuy nhiên cơn phấn khích này kéo dài không lâu. Cựu Thủ tướng Sheikh Hasina đã bị cảnh sát bắt giữ hôm thứ hai 16/7/2007 và sẽ bị giam 1 tháng trong nhà tù.

Cảnh sát phong tỏa mọi ngả đường dẫn đến nhà cựu Thủ tướng Sheikh Hasina ở Dhaka. Chỉ có một số ít lãnh đạo đảng Awami Leagure và người thân được phép thăm bà.

Khi Sheikh Hasina cố gắng đi đến thành phố miền Nam Chittagong trong tháng 6 vừa qua để thăm những nạn nhân sống sót sau thảm họa lở đất, cảnh sát đã ngăn không cho bà rời khỏi nhà.

Vào cuối tháng 6, khi Sheikh Hasina có ý định bay đi Mỹ để thăm con gái, cảnh sát cũng đã tăng cường lực lượng để ngăn chặn bà đến sân bay. Bồi thêm vào đó, nhiều cáo buộc tống tiền và tham nhũng chống lại cựu Thủ tướng được đưa cho Cơ quan Cảnh sát Bangladesh.

Ngày 16/7, bà Sheikh Hasina bị bắt giam cũng vì những cáo buộc tống tiền này. Trước đây, Hasina và đảng Awami League của bà cũng đã từng bị buộc tội liên quan đến cái chết của 4 nhà hoạt động Hồi giáo trong vụ biểu tình hồi cuối tháng 10 năm ngoái.

Sheikh Hasina là người vận động tổ chức bầu cử sớm vì cho rằng, chính phủ tạm quyền được giới quân sự hậu thuẫn không được phép nắm quyền lâu. Bà còn buộc tội Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DGFI) của Bangladesh xen vào chính trị đất nước, “bắt giữ, tra tấn chính khách” và mưu đồ hậu thuẫn hay phá rối các đảng phái chính trị.

Những người ủng hộ bà Sheikh Hasina tin rằng, trong vụ bắt giữ này ẩn chứa ý đồ chính trị nhiều hơn là luật pháp.

Motia Chowdhury, thành viên đảng Awami League, nhận định: “Chính phủ đã bắt giữ cựu Thủ tướng Sheikh Hasina nhằm ý đồ cách ly bà khỏi số người ủng hộ. Sự bắt giữ này có động cơ chính trị. Không ai ở Bangladesh đồng tình với hành động này”.

Bà Sheikh Hasina tin rằng những vụ tham nhũng và tống tiền được dựng lên để đẩy bà rời chính trường”. Nếu bị buộc tội, Hasina sẽ bị coi như  không đủ tư cách ra ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Bà Sheikh Hasina sinh ngày 28/9/1947. Cha là Mujibur Rahman, ông là anh hùng của nền độc lập và tổng thống đầu tiên của Bangladesh. Trong suốt cuộc chiến giành độc lập năm 1971 của Bangladesh, ông Rahman bị quân đội Pakistan giam cầm.

Tháng 8/1975, Sheikh Hasina ở nước ngoài khi cha mẹ và anh em của bà bị giết chết ở Dhaka. Bà được bầu làm Chủ tịch đảng Awami League năm 1981 khi đang bị lưu đày. Hasina bị giam giữ tại nhà ở Bangladesh nhiều lần trong khoảng thời gian giữa thập niên 80 thế kỷ trước. Bà trở thành thủ tướng năm 1996 và mất chức năm 2001 sau cuộc bầu cử.

Cảnh phản kháng trên đường phố Dhaka.

Theo giới quan sát chính trị ở Dhaka, sự lo lắng của Hasina không phải là không có cơ sở. Vụ bắt giữ xảy ra đúng vào lúc chính phủ ép buộc phần lớn các đảng phái chính trị thay đổi người đứng đầu của họ.

Chính phủ cũng âm thầm khích lệ một nhóm nhà lãnh đạo trong đảng Awami League tích cực ủng hộ những đề xuất “cải cách” nhằm hạn chế quyền lực của bà Sheikh Hasina. Chính phủ Bangladesh đã thực hiện từng bước trong kế hoạch vô hiệu hóa bà Sheikh Hasina.

Chính phủ Dhaka cho biết, vụ bắt giữ cựu Thủ tướng Sheikh Hasina là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng được triển khai sau ngày 11/1/2006. Các bộ trưởng đã đưa ra một loạt những vụ việc tham nhũng và tống tiền chống lại bà Sheikh Hasina và khẳng định không ai có thể đứng trên luật pháp.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo của đảng Awami Leagure cho rằng, không cần thiết phải bắt giữ Sheikh Hasina vì bà đã nằm trong tầm kiểm soát của cảnh sát. Còn lãnh đạo các đảng phái khác nhận xét hành động bắt giữ bà Sheikh Hasina chỉ làm tình hình chính trị thêm rối ren.

Ông Rashed Khan Menon, lãnh đạo đảng Công nhân cánh tả, nói: “Cách bắt giữ cựu Thủ tướng, với sự phối hợp hành động giữa cảnh sát và các lực lượng khác, có lẽ là cảnh tượng chẳng hay ho chút nào. Có vẻ như chúng ta đang trong tình huống giống như chiến tranh. Tôi không nghĩ hành động này gây được ấn tượng tích cực”.

Vụ bắt giam cựu Thủ tướng Sheikh Hasina là một sự kiện lớn đáng chú ý ở Bangladesh. Chính phủ tạm quyền đã thể hiện rõ ý chí muốn nhìn thấy sự thay đổi toàn diện trong đảng Awami League trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Vấn đề quan trọng là: giờ đây đảng Awami League - đảng dẫn dắt Bangladesh đi đến độc lập năm 1971, năm tới sẽ tròn 60 năm thành lập sẽ phải đi theo hướng nào? Liệu họ có thể chấp nhận gạt bà Sheikh Hasina ra khỏi vũ đài chính trị? Hay phải củng cố lại sức mạnh và tiến hành một loạt chiến dịch phản kháng mạnh mẽ hơn?

Trong khi đó, người dân Bangladesh có vẻ như không muốn có thêm bất cứ sự kích động chính trị nào. Nhưng tình hình hiện thời cho thấy sắp tới sẽ còn xảy ra nhiều vụ phản kháng và kích động hơn nữa

Trần Thanh Phong (theo BBC)
.
.