Vụ bê bối làm rúng động thượng tầng chính trị Pháp

Thứ Tư, 01/08/2018, 16:58
Ngày 29-7, báo Journal du Dimanche công bố kết quả thăm dò của Viện Điều tra dư luận Pháp cho thấy chỉ 39% người dân ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron, mức thấp nhất kể từ khi ông bước chân vào Điện Élysée.

Theo tờ báo, sự sụt giảm uy tín đáng báo động của ông Macron bắt nguồn từ vụ bê bối mang tên Benallagate mà truyền thông Pháp nhắc nhiều trong hơn 10 ngày qua. Đáng lo hơn cả là quả bom chùm này đang đe dọa thượng tầng nhà nước Pháp.

Tổng thống Pháp xác định ông là “người duy nhất chịu trách nhiệm”

Men chiến thắng của đội tuyển bóng đá giành được chức vô địch thế giới chưa tan, nước Pháp đã bị cuốn vào một cơn lốc chính trị chạm đến thượng tầng nhà nước là phủ tổng thống.

Ngay sau tiết lộ của báo Le Monde ngày 18-7-2018 về vụ Alexandre Benalla, một cố vấn thân cận của Tổng thống Macron, đeo băng tay và đội mũ cảnh sát dã chiến, bị quay phim lúc đang bạo hành 2 sinh viên trong cuộc biểu tình tại Paris ngày lễ Lao Động 1-5, khiến dư luận sôi sục.

Alexandre Benalla trong cuộc tuần hành ngày 1-5-2018 ở Paris.

Hệ quả chính trị bất ngờ đầu tiên là Quốc hội Pháp kể từ hôm 22-7 đã phải tạm hoãn khóa họp bàn về dự luật cải tổ hiến pháp, do thái độ bất hợp tác hoàn toàn của các dân biểu đối lập, liên tục lên diễn đàn đòi chất vấn chính phủ về vụ Benalla. Đến ngày 23-7, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérard Collomb phải ra điều trần trước Ủy ban Điều tra Quốc hội Pháp.

Tại phiên điều trần, ông Collomb đã phủ nhận mọi sai phạm cá nhân trong vụ Benalla. Theo Collomb, ông đã được báo cáo về vụ việc, nhưng trách nhiệm xử lý không phải là của ông mà của Sở Cảnh sát Paris và Văn phòng Phủ tổng thống.

Sau một tuần im lặng kể từ khi vụ Benalla bùng nổ, ngày 24-7, Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố thẳng thắn trước các nghị sĩ rằng ông nhận toàn bộ trách nhiệm vụ việc. Tổng thống Pháp xác định ông là “người duy nhất chịu trách nhiệm” trong vụ tai tiếng đang leo thang thành khủng hoảng chính trị tại Pháp. Ông nhấn mạnh rằng “một nền cộng hòa gương mẫu không thể tránh khỏi sai sót”.

Tổng thống Pháp cũng lên án hành động của Benalla, cho rằng hành động của ông Benalla ngày 1-5 rất đáng “thất vọng” và là một sự “phản bội” đối với ông. Ông Macron cũng khẳng định là không hề có ai trong giới thân cận với ông được bao che để tránh bị luật pháp trừng phạt.

Cũng trong ngày 24-7, ông Patrick Strzoda, Chánh Văn phòng của Tổng thống Emmanuel Macron, ra điều trần trước Ủy ban Điều tra của Quốc hội Pháp về vụ tai tiếng Benalla. Ngày 26-7, đến lượt Tổng Thư ký Điện Elysée Alexis Kohler, cánh tay phải của Tổng thống Macron, ra điều trần trước Ủy ban Điều tra của Thượng viện Pháp.

Chưa dừng lại, ngày 26-7, nhóm dân biểu thuộc đảng đối lập cánh hữu Những người Cộng hòa đã đệ trình một kiến nghị bất tín nhiệm Chính phủ Pháp về vụ Benalla. Kiến nghị này sẽ được đưa ra thảo luận ở Hạ viện.

Một kiến nghị bất tín nhiệm khác của các dân biểu cánh tả cũng có thể được thảo luận hôm đó, sau khi tối 26-7 nhóm nghị sĩ đảng Xã Hội đề nghị với nhóm nghị sĩ thuộc đảng Cộng sản và đảng cực tả Nước Pháp bất khuất đưa ra một kiến nghị chung. Nếu các kiến nghị này được thông qua, chính phủ của Thủ tướng Edouard Phillipe sẽ phải từ chức. Nhưng khả năng này sẽ không xảy ra do đảng LREM của Tổng thống Emmanuel Macron chiếm đa số ở Quốc hội Pháp.

Trong khi đó, Ủy ban Điều tra về vụ Benalla của Quốc hội Pháp đã bị tan rã hôm 26-7, với việc đồng báo cáo viên, dân biểu Guillaume Larrrivé, thuộc đảng đối lập cánh hữu Những người Cộng hòa, rút khỏi ủy ban này, kéo theo các thành viên đối lập khác. Dân biểu Larrivé đã quyết định như vậy sau khi Chủ tịch Ủy ban Điều tra, bà Yael Braun-Pivet (đảng Cộng Hòa tiến bước) từ chối yêu cầu của ông mời toàn bộ ban lãnh đạo của Điện Elysée ra điều trần. Vị dân biểu cánh hữu này tuyên bố không muốn tiếp tục tham gia vào một ủy ban mà ông xem là một “trò hề”.

Một “Benallagate” theo cách đánh giá của báo chí Pháp

Theo phân tích của báo chí Pháp, vấn đề xô xát giữa nhân viên công lực và người biểu tình, hay việc người biểu tình bị lực lượng cảnh sát dùng vũ lực giải tán không phải là một cảnh hiếm hoi, nhưng vụ Benalla đã làm dấy lên làn sóng bất bình ngày càng mạnh. Người cận vệ thân tín của Tổng thống Macron hoàn toàn không có phận sự gì tại nơi diễn ra biểu tình nhưng lại có đủ trang bị của một cảnh sát, từ mũ bảo hiểm, băng đeo tay, cho đến máy bộ đàm và lại có hành vi thô bạo đối với người biểu tình hơn cả cảnh sát, mà không hề bị ai cản trở.

Alexandre Benalla (trái) luôn có mặt bên Tổng thống Macron.

Đến khi vụ việc đến tai Phủ Tổng thống, biện pháp kỷ luật đối với tác giả vụ bạo hành lại bị cho là quá nhẹ, không tương xứng với lỗi mà ông ta đã phạm phải. Điều này làm dấy lên suy nghĩ là Phủ Tổng thống Pháp tìm cách bao che cho người thân cận của ông Macron. Tâm lý bất bình càng lúc càng tăng trong bối cảnh Phủ Tổng thống Pháp khá im hơi lặng tiếng, đặc biệt là Tổng thống Macron.

Báo chí Pháp không ngần ngại gọi đây là một Benallagate - so sánh vụ này với vụ Watergate - đầu thập niên 1970 - thời Tổng thống Mỹ Richard Nixon, đã tác động đến cấp cao nhất nhà nước Mỹ, dẫn đến việc ông Nixon phải từ chức.

Trong một bài nhận định đăng ngày 20-7 trên tạp chí L’Obs, nhà phân tích Pascal Riché công nhận rằng vụ tai tiếng Benalla quả thực là có nguy cơ nổ lớn vì hàm chứa 4 tai tiếng khác nhau: dùng bạo lực vô cớ, mạo danh nhân viên công lực, sử dụng “lính kín” và mưu toan nhận chìm vụ việc. Theo tác giả, khi kết hợp lại với nhau, 4 yếu tố này biến thành một loại bom chùm nổ chậm.

Trong bài xã luận mang tựa đề “Benalla, một vụ tầm cỡ nhà nước”, Le Monde nhận định trong lúc ông Macron muốn nhiệm kỳ tổng thống của mình phải là mẫu mực thì chính một thiếu sót lớn về đạo đức và trách nhiệm đã gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất từ khi ông đắc cử. Sau khi hành hung 2 người biểu tình, Benalla chỉ bị đình chỉ 15 ngày.

Dư luận xôn xao, nhưng mãi đến ngày 20-7 Benalla mới bị sa thải. Quyết định chậm trễ này đã đưa ra ánh sáng tình trạng tập quyền: Macron chủ trương như thế với mục đích cải cách đất nước một cách hiệu quả nhưng nay bị tác dụng ngược. Chính hệ thống đặt lòng trung thành lên trên tất cả đã khiến ông phạm phải sai lầm chính trị lớn.

Theo Le Monde, hậu quả là nặng nề vì mang đủ mọi tính chất của một scandal tầm vóc nhà nước. Chính quyền đã bao che cho một cá nhân chỉ vì người này nằm trong số được ông Macron tin cậy nhất, bất chấp luật pháp và các quy tắc. Uy tín chính phủ bị tổn thương, và phe đa số trong Quốc hội cũng hoang mang trước thái độ của Điện Elysée.

Khi trả lời báo Le Point, luật sư Patrice Spinosi - làm việc tại Tham chính Viện và Tòa Phá án, tuy thừa nhận các bê bối xung quanh những hành động lạm quyền của cựu vệ sĩ của Tổng thống Macron cho thấy “mặt khuất”, nhưng mặt khác ông cũng nhấn mạnh là, cho đến nay việc xử lý vụ việc đang diễn ra một cách “lành mạnh”, cho thấy “tính minh bạch” của nền dân chủ tại Pháp. Luật sư Patrice gợi ý nên coi vụ Benalla là “một tiền lệ” để thúc đẩy quyền lực đối trọng, Quốc hội phải “đảm nhiệm đầy đủ vai trò” hiến định của mình.

Theo Le Monde, Benalla có con đường thăng tiến rất nhanh chóng. Sinh tại Evreux (Pháp) năm 1991, có bằng cử nhân luật và bằng thạc sĩ về “an ninh công cộng”, Benalla đã có mặt trong mỗi giai đoạn đánh dấu con đường đến vinh quang của ông Macron.

Alexandre Benalla không đơn thuần là cận vệ của tổng thống, mà còn có thẩm quyền gặp gỡ các dân biểu, các lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà vận động hậu trường, tiếp xúc với giới tình báo, luật sư cũng như các quan chức chính quyền nước ngoài.

Benalla được tín nhiệm đến mức mà, theo một nguồn tin từ Điện Elysée, anh ta còn được tham gia nhóm làm việc về cải tổ bộ máy an ninh của Điện Elysée, để lập ra một cơ chế duy nhất chỉ tuân theo lệnh của tổng thống.


M.T. (tổng hợp)
.
.