Vụ xét xử con trai cựu Tổng thống Ai Cập: Quýt làm cam chịu

Thứ Bảy, 29/10/2011, 22:55

Vụ án tham nhũng trong gia đình cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đang xét xử đã làm lộ ra những mối quan hệ bí mật cách đây khoảng 20 năm, khi Mỹ dùng đồng tiền để thúc đẩy Ai Cập tư hữu hóa các cơ sở kinh tế quốc doanh được xây dựng từ thời cố Tổng thống Gamal Abdel Nasser.

Trong vụ án tham nhũng này, con trai ông Mubarak là Gamal Mubarak cùng với 4 người nữa từng là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Ai Cập (ECES) - cơ quan phụ trách chính việc thúc đẩy tư hữu hóa nền kinh tế Ai Cập suốt 20 năm qua - hiện đang bị tạm giam để xét xử. Số tiền tham nhũng, bị thất thoát do tham nhũng gây ra lên đến hàng chục tỉ USD.

Theo cáo trạng của tòa án, các tài sản, tổng giá trị tài sản tư hữu hóa kể từ năm 1991 đến trước khi ông Mubarak bị lật đổ vào khoảng 10 tỉ USD, trong khi giá trị thực của các tài sản ấy được định giá đến 100 tỉ USD. Mặc dù Gamal và các đồng sự của anh ta không nhận mình làm sai, nhưng tất cả bằng chứng, đặc biệt là nhân chứng từ Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Mỹ (USAID), là điều khó chối cãi.

Ở đây, nguồn gốc của tham nhũng đã được phơi bày: sự can dự của Mỹ thông qua công cụ là USAID, với chiêu bài "viện trợ phát triển kinh tế", mục tiêu là thúc đẩy Ai Cập tư hữu hóa nền kinh tế, hướng đến những cải cách kinh tế tư bản chủ nghĩa. "Cả một lũ tư bản bè phái" - phát biểu của vị giám đốc mới của ECES hiện nay. Tính tổng cộng, Mỹ đã viện trợ "phát triển kinh tế" cho Ai Cập 8 tỉ USD, một con số khá khiêm tốn trong 70 tỉ USD viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ dành cho Ai Cập trong 6 thập niên qua.

Câu chuyện về USAID và nguồn gốc tham nhũng trong chương trình tư hữu hóa ở Ai Cập bắt đầu từ thập niên 70 thế kỷ trước. Trong một thập niên đầu, tiến hành tư hữu hóa diễn ra rất chậm chạp vì ông Mubarak tuy đã hứa với Mỹ sẽ “cải cách” nhưng ông không thể ngay lập tức làm điều trái với nguyện vọng của dân chúng. Vì vậy mà cho đến cuối thập niên 80, khu vực quốc doanh vẫn còn chiếm đến hơn một nửa sản lượng công nghiệp Ai Cập và nắm đến 90% hai ngành ngân hàng và bảo hiểm. Đây chính là lý do để USAID thúc đẩy Ai Cập làm mạnh hơn nữa việc tư hữu hóa nền kinh tế.

Bắt đầu từ năm 1990, Ai Cập rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính khiến các nhà lãnh đạo trên thế giới ngán ngẩm không muốn tiếp tục cứu trợ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào quốc doanh như Ai Cập. Để nhận được viện trợ giải cứu, Ai Cập chấp nhận các hình thức tái cấu trúc theo kiểu tư hữu hóa hàng loạt diễn ra trong thời kỳ sau khi Liên Xô tan rã. Gamal Mubarak đã xuất hiện rất đúng lúc và được tôn xưng là "vua cải cách", "vua tư hữu hóa" thời đó.

Cũng dễ hiểu, vì sau khi tốt nghiệp Trường đại học Hoa Kỳ tại Cairo, Gamal khởi nghiệp tại Ngân hàng Bank of America chi nhánh London. Trong thời gian đó, Gamal và anh trai là Alaa, cùng lập ra Công ty Medinvest, mau chóng làm giàu nhờ việc mua đi bán lại nợ của Ai Cập. Thời đó, phương Tây áp đặt các tiêu chuẩn cải cách kinh tế có tên gọi chung là Đồng thuận Washington (Washington Consensus), ra đời năm 1989 nhằm thúc đẩy các quốc gia theo khối xã hội chủ nghĩa cũ đi theo đường lối kinh tế thị trường đúng ý đồ của phái tân bảo thủ.

Giàu có quá nhanh nhờ vào việc mua bán tài sản nợ, Gamal Mubarak dần đi theo đường lối Washington Consensus. Cùng hội cùng thuyền với Gamal còn có luật sư M. Taher Helmy - người tham gia việc soạn thảo một đạo luật vào năm 1991 khai sinh ra chương trình tư hữu hoá của Ai Cập. Kế hoạch của chương trình này là sẽ tư hữu hóa hơn 350 công ty có tổng trị giá tài sản khoảng 104 tỉ USD. Một năm sau, ông Mubarak cùng với luật sư Helmy đứng ra thành lập ECES, với quỹ hoạt động ban đầu là 10 triệu USD do USAID tài trợ và do luật sư Helmy làm chủ tịch. Ngay trong thập niên 90, ECES đã tiến hành tư hữu hóa một số công ty.

Gamal Mubarak tại một phiên tòa.

Nhưng chuyển biến đáng kể nhất chỉ xuất hiện sau khi Gamal cùng các chiến hữu cật ruột nắm quyền kiểm soát đảng Dân chủ Quốc gia (NDP - đảng cầm quyền ở Ai Cập). Hàng loạt đạo luật và các chính sách mới ra đời, chủ yếu dựa trên các báo cáo và tham vấn của ECES. Năm 2002, ông Mubarak hình thành một ủy ban hoạch định chính sách của đảng NDP. Ngay sau đó, các thành viên của ECES, kể cả luật sư Helmy, được bổ nhiệm vào ủy ban này.

Cũng kể từ sự kiện đó, tiến trình tư hữu hóa bắt đầu tăng tốc chóng mặt: Nếu năm 2003 có 9 công ty được bán cho tư nhân với giá 18 triệu USD, thì chỉ trong 2 năm 2005 và 2006, con số đã vọt lên 59 công ty, trị giá 2,6 tỉ USD. Sau những con số ấn tượng đó phát sinh các vấn đề. Trong một bức điện tín ngoại giao đầu năm 2006, Đại sứ Mỹ tại Cairo Frank Ricciardone đã bày tỏ mối quan ngại của ông về vấn đề tham nhũng trong bộ máy thực thi tư hữu hóa có thể làm ảnh hưởng đến kết quả tư hữu hóa. Hoạt động tư hữu hóa khi đó đã tăng tốc tối đa, với ECES là hạt nhân. Một số công ty lớn được bán cho những người có quan hệ ngầm với ECES và cả công ty luật tư nhân của luật sư Helmy.

Điển hình là vụ bán Ngân hàng Quốc gia Alexandria với giá 1,6 tỉ USD và Telecom Egypt với 892 triệu USD. Công ty Luật quốc tế Baker & McKenzie đóng tại Chicago được xem là đơn vị "dây máu ăn phần" khá nhiều trong chương trình tư hữu hóa của Ai Cập, xử lý các hợp đồng mua bán trị giá hơn 3 tỉ USD, bao gồm các tài sản, công ty và đất đai. Baker & McKenzie đóng vai trò 2 mặt, vừa là giúp Chính phủ Ai Cập thương lượng hợp đồng bán các công ty quốc doanh, vừa giúp các công ty tư nhân trục lợi bằng việc mua lại các công ty đó với giá rẻ mạt.

Một trong những người có quan hệ mật thiết với bộ sậu ECES và hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình tư hữu hóa của Ai Cập là Ahmed Ezz - một nghị sĩ, thành viên sáng lập ECES. Ezz từng được mệnh danh là "vua thép" của Ai Cập, là người có công xây dựng Công ty Sắt thép quốc gia Alexandria (Alexandria National Iron and Steel) thành nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Đông, với quy mô 7.000 công nhân. Năm 1998, khi công ty bên bờ vực phá sản, với sự hỗ trợ từ công ty luật của Helmy và Bộ trưởng Công nghiệp Ai Cập khi đó là Ibrahim Salem Mohamadein, Ezz bắt đầu mua gom cổ phần công ty thép. Theo cáo trạng của tòa án, thương vụ đó đã mang lại cho Ezz khoản lợi nhuận kếch xù, hơn 1 tỉ USD (thời giá lúc đó).

Trong vụ tham nhũng liên quan đến chương trình tư hữu hóa Ai Cập, đã có 5 người bị kết án, trong đó bao gồm: Gamal, Ezz cựu Bộ trưởng Nhà đất Ahmed al-Maghrabi và một số quan chức thuộc Bộ Nhà đất và Công nghiệp cũ của Ai Cập, trong đó Ezz bị kết án 10 năm tù. Riêng luật sư Helmy thì đã "bặt vô âm tín" kể từ khi từ chức chủ tịch ECES vào năm ngoái

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.