"Tuổi tác và sức khỏe không cho phép tôi tiếp tục trọng trách đứng đầu vương triều như ý nguyện của các thần dân được nữa - Vua Albert II nói - vả lại sau 20 năm ngự trên ngai vàng, cũng là một trong những nhà quân chủ trị vì lâu nhất trong lịch sử Hoàng gia Bỉ thời hiện đại, đã đến lúc tôi nên bàn giao quyền hành cho thế hệ sau. Thái tử Philippe đã được chuẩn bị chu đáo cho sự kiện này. Tôi tin rằng vợ chồng Thái tử Philippe và Công chúa Mathilde sẽ làm tròn vai trò mới đầy hiển hách".
Đồng thời, nhà vua cũng cho biết thời điểm chuyển giao ngôi báu sẽ diễn ra vào ngày Quốc khánh 21/7 sắp tới, trùng với dịp kỷ niệm 182 năm ngày Vương quốc Bỉ tuyên bố độc lập (1831-2013).
Albert II là con trai thứ 2 của Vua Leopold III (1901-1983) và Hoàng hậu Astrid (1905-1935). Sau khi anh trai Baudouin (1930-1993) cũng là người thừa kế Leopold III băng hà mà không có người nối dõi, Albert II trở thành người kế thừa ngai vàng rồi đăng quang vào ngày 9/8/1993.
Thái tử Philippe 53 tuổi là con trai cả của Vua Albert II và Hoàng hậu Paola. Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoàng gia Bỉ, Thái tử tiếp tục lấy bằng cử nhân ở Trường đại học Oxford (Anh) và thạc sĩ khoa học chính trị tại Trường đại học Stanford (Mỹ).
 |
Đức Vua Albert II (phải) cùng vợ chồng Thái tử Philippe trong lần xuất hiện nơi công cộng gần đây nhất, khi tham dự một buổi hòa nhạc tại Brussels vào ngày 17/6 vừa qua. |
Hiện Thái tử Philippe mang hàm thiếu tướng Không quân, đồng thời là Chuẩn đô đốc Hải quân trong lực lượng vũ trang của Vương quốc Bỉ. Còn vợ ông là Công chúa Mathilde 40 tuổi thuộc dạng "quý tộc nhà nòi", sử dụng thông thạo 4 ngoại ngữ là tiếng Pháp, tiếng Hà Lan, tiếng Anh và tiếng Italia.
Vợ chồng Thái tử Philippe kết hôn vào năm 1999 và đã có 4 mặt con, 2 trai 2 gái. Theo tập tục truyền đời của Hoàng gia Bỉ cũng giống như Hoàng gia Thụy Điển, thì người nối dõi ngai vàng kế tiếp sẽ là công chúa Elisabeth, con gái đầu của Thái tử Philippe nay chưa đầy 12 tuổi.
Sau thông báo bất ngờ từ Vua Albert II, đám đông cuồng nhiệt hàng nghìn người đã đổ đến quảng trường phía trước Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Brussels cùng reo hò, vẫy cờ bày tỏ sự hoan hỉ... "Tôi nghĩ rằng đó là một hành động can đảm đáng ngưỡng mộ - luật sư Redwan Mettioui 37 tuổi thổ lộ - Điều đáng ghi nhận là trong quá trình trị vì của mình, Albert II đã có những đóng góp đáng kể so với những nhà quân chủ châu Âu đồng nhiệm khác.
Vai trò hậu trường của ông đã giúp hình thành nội các mới do Thủ tướng Elio di Rupo đứng đầu vào cuối năm 2011, chấm dứt 541 ngày khủng hoảng chính phủ triền miên kể từ thời đểm sau cuộc tổng tuyển cử trong năm 2010". Còn kiến trúc sư Andre Francois, 46 tuổi, nhận định: "Thực ra việc thoái vị chỉ là một sự tiếp nối dòng dõi hoàng tộc thuần túy, chẳng có thay đổi gì đáng kể".
Được biết, Albert II là nhà quân chủ châu Âu thứ 2 thoái vị trong năm nay. Hơn 2 tháng trước, Nữ hoàng Beatrix của Vương quốc Hà Lan láng giềng đã rời bỏ ngai vàng sau 33 năm trị vì, nhường ngôi cho con trai cả là Hoàng tử Willem-Alexander, trở thành vị vua đầu tiên của Hà Lan trong hơn một thế kỷ qua
Trần Hồng (theo The Wall Street Journal)