Vua Tây Ban Nha lên tiếng bảo vệ Hoàng gia

Thứ Sáu, 02/11/2007, 16:47
Từ lâu Hoàng gia Tây Ban Nha đã chọn giải pháp im lặng trước những làn sóng phản đối của các thành phần cực hữu. Nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. Ngày 1/10 vừa qua, nhà vua Juan Carlos đã quyết định lên tiếng bảo vệ Hoàng gia và chế độ quân chủ của nước này.

Lần đầu tiên kể từ 3 thập niên trở lại đây, Vua Juan Carlos mới chủ trì Hội đồng Quốc phòng quốc gia. Đến dự cuộc họp này, người đứng đầu nhà nước, đứng đầu quân đội, Vua Juan Carlos còn dẫn theo người sẽ thừa kế ngôi vị của ông, Hoàng tử Felipe des Asturies.

Cuộc họp này, diễn ra hai ngày trước Quốc khánh Tây Ban Nha, mang một giá trị biểu tượng cao cả. Nó diễn ra đúng vào thời điểm vai trò của nhà vua đang bị những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan xứ Catalan và phe cực hữu tại Tây Ban Nha "đặt vấn đề".

Nếu như trước đây, những người chống đối chế độ quân chủ tại Tây Ban Nha đấu tranh trong im lặng hòng đưa đất nước trở lại chế độ Cộng hòa (nền Cộng hòa cuối cùng của Tây Ban Nha bị Franco lật đổ vào năm 1939), thì nay họ đã công khai cuộc chiến.

Luật pháp Tây Ban Nha quy định hình phạt nặng đối với những hành vi mang tính xúc phạm Hoàng gia. Chẳng hạn, Luật Hình sự quy định rằng, những hành vi bị cho là xúc phạm tới nhà vua sẽ chịu mức hình phạt từ 6 tháng tới 2 năm tù giam.

Mới đây nhất, một số thanh niên tự do chủ nghĩa xứ Catalan đã bị triệu tập tới tòa án sau khi đốt những bức ảnh của Vua Juan Carlos I.

Cuối tháng 7 vừa rồi, tạp chí châm biếm El Jueves và tác giả bức tranh đã bị trừng phạt khi đăng tranh biếm họa hình ảnh vợ chồng Hoàng tử Felipe. Một số nhân vật cực hữu chỉ trích mạnh mẽ Hoàng gia và yêu cầu cần phế truất nhà vua.

Những làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên đã khiến vua Juan Carlos bước ra khỏi sự khiêm tốn hàng ngày.

Ngày 1/10 vừa qua, trong bài phát biểu tại Đại học Oviedo, nhà vua đã công khai lên tiếng bảo vệ cho vai trò của chế độ quân chủ nghị viện tại nước này. Và đây là điều chưa từng xảy ra trong 30 năm qua. “Chế độ quân chủ đã cho phép Tây Ban Nha sống trong giai đoạn ổn định và thịnh vượng dài nhất từ khi nền dân chủ được thiết lập” - nhà vua phát biểu.

Juan Carlos đệ nhất được coi như người bảo lãnh cho sự chuyển giao dân chủ sau 40 năm chế độ độc tài Francisco Franco. Chính Vua Juan Carlos là người đã giúp phát hiện một âm mưu cướp chính quyền của quân đội nước này vào tháng 2/1981 do Trung tá Tejero cầm đầu.

Theo kết quả điều tra mới nhất của Gesop đăng trên tạp chí Tiempo, có đến 85,3% người dân Tây Ban Nha muốn duy trì chế độ như hiện nay. Tuy nhiên, trong hàng ngũ đảng Cộng hòa Tây Ban Nha thì hình ảnh về nhà vua lại bị coi là lỗi thời. “Tây Ban Nha đã bị lạc hậu chỉ vì chế độ quân chủ. Chính vũ khí và ý muốn của nhà độc tài Franco đã đưa chế độ này lên nắm quyền”- Miguel Jorda Tarrago, Chủ tịch Hiệp hội Thống nhất công dân vì nền cộng hòa, phát biểu.

Năm nay 78 tuổi, vị cựu chiến binh chống chế độ Franco này đang mơ tới một nền cộng hòa thứ 3 tại Tây Ban Nha. Trong lúc chờ đợi, vị này yêu cầu sửa đổi luật Hình sự để luật này không còn bảo vệ “những vị vua bất hợp pháp” nữa

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.