Xét xử cựu Thủ tướng Pháp Dominique De Villepin

Thứ Sáu, 02/10/2009, 17:15
Dư luận Pháp đang đặc biệt quan tâm tới phiên toà xét xử cựu Thủ tướng Dominique de Villepin bị cáo buộc âm mưu bôi nhọ Tổng thống Nikolas Sarkozy trước cuộc bầu cử năm 2007 tại thủ đô Paris hôm 21/9 vừa qua bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Giới chuyên môn coi phiên tòa xử ông Dominique de Villepin là bước khởi đầu cho việc chuẩn bị xét xử cựu Tổng thống Jacques Chirac trong tương lai?

Những câu hỏi chưa có lời giải

Được coi là vụ "Watergate của nước Pháp" nên phiên tòa xét xử ông Dominique de Villepin, cựu Thủ tướng, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi nó liên quan tới một số chính trị gia cấp cao, cũng như thành viên trong nội các của cựu Tổng thống Jacques Chirac, cùng thẩm phán, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo, phóng viên và nhà thầu quốc phòng. Pháp coi vụ xử ông Dominique de Villepin là "phiên tòa của thập niên".

Cách đây hơn 8 năm (tháng 2/2001), dư luận bắt đầu biết tới Ngân hàng Clearstream ở Luxembourg sau khi phóng viên Denis Robert và Ernest Backes, cựu nhân viên Clearstream cho ra mắt độc giả cuốn "Những tiết lộ". Sau đó Denis Robert còn cho ra mắt cuốn "Hộp đen" (năm 2002) và "Cuộc điều tra" (năm 2006) đều đề cập tới những bí mật tại Ngân hàng Clearstream.

Theo đó, thể chế tài chính tại ngân hàng Clearstream đã tạo điều kiện thuận lợi và là cỗ máy rửa tiền và trốn thuế của một số công ty, tổ chức tội phạm và những nhân vật nổi tiếng trên khắp thế giới. 4 tháng sau (6/2001), Ngân hàng Clearstream lại được nhắc tới sau khi cơ quan chức năng mở cuộc điều tra về vụ Pháp bán 6 tàu khu trục cho Đài Loan năm 1991.

Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Trong năm 1991, Pháp đã bán cho Đài Loan 6 tàu khu trục trị giá 2,8 tỉ USD và những người hữu quan được nhận khoản "lại quả" lên tới 350 triệu USD (5 tỉ frăng). Tính đến nay đã có tới 8 người chết, 13 sĩ quan quân đội và 15 lái buôn vũ khí bị Tòa án Đài Loan kết án từ 8 tháng tù đến chung thân vì tội hối lộ và tiết lộ bí mật quân sự.

Khi đó người ta đã phát hiện một số chính khách nằm trong danh sách những người nhận "lại quả" được chuyển vào tài khoản ở Ngân hàng Clearstream. Nhiều nhân viên của Cơ quan Mật vụ Pháp - DGSE cũng được nhắc tới trong bản danh sách này.

Cựu Ngoại trưởng Roland Dumas và người tình Christine Deviers Joncour là một trong những người có tên trong bản danh sách kể trên. Được biết, bà Christine Deviers Joncour đã bị tòa tuyên án 3 năm tù, phạt 1 triệu frăng vì có liên quan tới việc nhận "lại quả" của nhiều thương vụ, trong đó có vụ Pháp bán 6 tàu khu trục cho Đài Loan.

Theo giới truyền thông, lúc đương nhiệm (năm 2004) Tổng thống Jacques Chirac đã đề nghị ông Dominique de Villepin, khi đó là Bộ trưởng Nội vụ và Giám đốc Cơ quan Tình báo Yves Bertrand thành lập một tổ chức được biết tới dưới tên gọi "Nội các đen" với nhiệm vụ làm mất thể diện để buộc ông Nicolas Sarkozy, (lúc đó là Bộ trưởng Tài chính) phải mất chức. Ông Yves Bertrand bị coi là người đứng sau "bản danh sách Clearstream".

Một trong những nguyên nhân chính khiến "người ta" phải động thủ vì cho rằng khi đó ông Nicolas Sarkozy đang gây ảnh hưởng xấu tới tham vọng của ông Dominique de Villepin trong việc trở thành người thay thế Tổng thống Jacques Chirac.

Giới truyền thông coi "vụ Clearstream" là chiến dịch bôi nhọ do cựu Thủ tướng Dominique de Villepin tiến hành nhằm chống lại ông Nicolas Sarkozy khi hai người cùng tham gia cuộc chạy đua để thay thế cựu Tổng thống Jacques Chirac. Ngày 5/7/2007, tư dinh của cựu Thủ tướng Dominique de Villepin tại Paris đã bị khám xét cho dù ông không có mặt ở nhà.

Trước đó (tháng 12/2006), ông Dominique de Villepin đã bị thẩm vấn với tư cách nhân chứng. Ông Dominique de Villepin từng bị các thẩm phán thẩm vấn suốt 17 tiếng đồng hồ và đó là lần thứ hai một Thủ tướng đương nhiệm bị triệu tập với tư cách nhân chứng.

Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Michele Alliot-Marie, cựu Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin cũng từng bị thẩm vấn với tư cách nhân chứng của "bản danh sách Clearstream". Bà Michele Alliot-Marie đã bị thẩm vấn hơn 11 giờ đồng hồ tại một tòa án ở Paris xung quanh vụ án kể trên. Người ta đã tiến hành lục soát nhiều văn phòng, trụ sở của Bộ Quốc phòng để tìm chứng cứ.

Lời khai của ai đáng tin cậy?

Có tin nói rằng, ông Dominique de Villepin đã sử dụng tình báo quân đội để "hạ bệ" ông Nikolas Sarkozy, nhưng bất thành. Khi trả lời phỏng vấn của tờ Le Figaro, ông Dominique de Villepin thừa nhận đã yêu cầu tướng tình báo Philippe Rondot, nguyên lãnh đạo Cơ quan Mật vụ DGSE mở cuộc điều tra, nhưng đã giới hạn quy mô.

Tướng Philippe Rondot từng tuyên bố, cựu Thủ tướng Dominique de Villepin từng yêu cầu ông bỏ qua những hạn chế trong quá trình điều tra do Bộ Quốc phòng áp đặt để thẩm định những bằng chứng liên quan tới các chính trị gia.

Nhưng ngày 2/5/2006, tướng Philippe Rondot lại khẳng định với tờ Le Figaro rằng, ông Dominique de Villepin không đề nghị điều tra đối với các chính khách. Tuy nhiên, tại phiên điều trần tháng 6/2007, tướng Philippe Rondot tuyên bố, ông Dominique de Villepin đã hành động theo "thánh chỉ" của cựu Tổng thống Jacques Chirac, người luôn từ chối các cuộc điều tra. --PageBreak--

Theo những ghi chép trong nhật ký, máy tính và lời khai của tướng Philippe Rondot thì ngay từ tháng 1/2004, ông Dominique de Villepin đã yêu cầu điều tra về một danh sách gồm nhiều chính trị gia và doanh nhân có tên tuổi ở Pháp bị tình nghi có tài khoản bí mật tại Ngân hàng Clearstream.

Ông Philippe Rondot cho biết, đã nhận bản danh sách từ Jean-Louis Gergorin, cựu lãnh đạo tại Tập đoàn Hàng không vũ trụ châu Âu EADS trước sự hiện diện của ông Dominique de Villepin.

Và tên của ông Nicolas Sarkozy đã được nhắc tới trong cuộc gặp kể trên, nhưng ông Dominique de Villepin luôn phủ nhận điều này. Tuy nhiên, sau một thời gian điều tra, tướng Philippe Rondot đã phát hiện thấy, bản danh sách kể trên là giả mạo.

Mặc dù ông Jean-Louis Gergorin thừa nhận mình là tác giả của "bản danh sách Clearstream", nhưng dư luận vẫn cho rằng, có người đứng sau việc này. Giới chuyên môn quan tâm tới mối quan hệ cũng như thỏa thuận từng đạt được giữa tình báo Pháp với EADS, một trong những công ty hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới sau khi "bản danh sách Clearstream" được công bố.

Không chỉ có ghi chép của tướng Philippe Rondot, mà cả những ghi chép của ông Yves Bertrand cũng đều có chung một kết quả, đó là cựu Thủ tướng Dominique de Villepin và cựu Tổng thống Jacques Chirac có liên quan tới "bản danh sách Clearstream".

Thẩm phán Renaud Van Ruymbeke cũng có kết luận tương tự, đồng thời coi đó là một âm mưu nhằm bôi nhọ ông Nicolas Sarkozy. Mãi tới tháng 5/2006, kết luận của thẩm phán Renaud Van Ruymbeke mới được minh chứng sau khi Jean-Louis Gergorin thừa nhận là người đã gửi tài liệu kể trên.

Theo lời của Jean-Louis Gergorin, bản danh sách giả mạo này là của một chuyên gia công nghệ thông tin ở EADS có tên gọi là Imad Lahoud. Tháng 12/2006, phóng viên Denis Robert và Florian Bourges, nhân viên của hãng kiểm toán đã bị buộc tội sở hữu tài sản ăn cắp và vi phạm lòng tin.

Ai được hưởng lợi nhiều nhất?

Trước khi Luxembourg bãi bỏ vụ kiện đối với Ngân hàng Clearstream (tháng 11-2004) thì thẩm phán Renaud Van Ruymbeke, người chịu trách nhiệm điều tra vụ bán tàu khu trục cho Đài Loan cũng hủy vụ kiện vì liên tiếp bị từ chối tiếp cận những thông tin mật.

Trong tài liệu của thẩm phán Renaud Van Ruymbeke khi đó người ta thấy có tên tuổi của ông Nicolas Sarkozy và Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn. Ông Nicolas Sarkozy chính thức khởi kiện vào đầu năm 2006 sau khi Phó chủ tịch Airbus Philippe Delmas được tòa minh oan trong việc bị "người ta" vu khống, bôi nhọ.

Ông Nicolas Sarkozy tuyên bố mình là nạn nhân của một âm mưu bôi nhọ sau khi trở thành ứng cử viên đầy tiềm năng trong cuộc bầu cử tổng thống 2007. Ngay sau khi ông Nicolas Sarkozy lên tiếng, các ông Dominique Strauss-Kahn, Alain Madelin, Jean-Pierre Chevenement cũng tuyên bố mình bị bôi nhọ, vu khống.

Dư luận chú ý tới tuyên bố trước thềm ngày hầu tòa của ông Dominique de Villepin - phiên tòa sẽ không bao giờ được khai đình nếu không có sự can thiệp của Tổng thống Nikolas Sarkozy. Trước khi tòa khai đình, ông Dominique de Villepin đã phát động một chiến dịch truyền thông nhằm cáo buộc Tổng thống Nicolas Sarkozy cố ý chính trị hóa vụ Clearstream.

Ông Nicolas Sarkozy tuyên bố, sẽ theo đuổi vụ kiện tới cùng. Những bí ẩn đằng sau "bản danh sách Clearstream" có được hé mở hay không còn tùy thuộc vào tiến độ xét xử tại tòa, cũng như khả năng biện hộ của các bên, tuy nhiên, phiên tòa đã và đang tạo ra những sóng gió mới trên chính trường nước Pháp.

Trong khi cựu Tổng thống Jacques Chirac hưởng quyền miễn trừ thì ông Dominique de Villepin phải đối mặt với phiên tòa bắt đầu khai đình ngày 21/9 và dự kiến sẽ kéo dài hơn một tháng (23/10). Tuy nhiên, có người lại cho rằng, phiên tòa sẽ kéo dài tới cuối năm bởi không ai muốn ra về "tay trắng".

Nếu bị tòa kết tội đồng lõa vu khống, đồng lõa sử dụng hồ sơ giả, sử dụng tài sản ăn cắp và bội tín, cựu Thủ tướng Dominique de Villepin sẽ phải đối mặt với bản án 5 năm tù cùng khoản tiền phạt trị giá 45.000 euro. Ngoài cựu Thủ tướng Dominique de Villepin, còn có ông Jean-Louis Gergorin, ông Imad Lahoud và một số người khác cũng phải hầu tòa.

Cựu Thủ tướng Dominique de Villepin sinh ngày 14/11/1953 trong một gia đình nghị sĩ tại Rabat, Morocco, nhưng lại tốt nghiệp Trường Hành chính quốc gia cùng khả năng nói tiếng Anh hoàn hảo. Được coi là nhà ngoại giao hùng biện bởi từng làm việc tại Vụ châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao (1980-1984), sau đó làm việc tại Đại sứ quán Pháp ở Mỹ (1984-1989), ở Ấn Độ (1989-1992), rồi trợ lý Ngoại trưởng (1993-1995) và thư ký của Tổng thống Jacques Chirac (1995-2002).

Cựu Thủ tướng Dominque De Villepin.

Sau khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng (tháng 6/2002), ông Dominique de Villepin được cử làm Bộ trưởng Nội vụ (tháng 3/2004) trước khi trở thành Thủ tướng (từ 31/5/2005 đến 16/5/2007). Cựu Đệ nhất phu nhân Bernadette Chirac từng gọi ông Dominique de Villepin là Nero, Hoàng đế La Mã mắc chứng hoang tưởng bởi luôn cho mình là một thi sĩ vĩ đại.

Về phần mình, sau khi rời điện Elysee (16/5/2007), cựu Tổng thống Jacques Chirac đã tới sống ở trong một căn hộ rộng 180m2 ở phố Voltaire, quận 7, đối diện với Viện Bảo tàng Louvre. Ngoài căn hộ kể trên, ông Jacques Chirac còn có một biệt thự ở tỉnh Correze toạ lạc trên một khu đất rộng tới 10 ha và một căn nhà gỗ với 8 phòng (4 phòng có sẵn và 4 phòng được cải tạo từ 2 gian nhà kho) nằm trên một mảnh đất rộng 37 thước Anh.

Ngoài ra, vợ chồng cựu Tổng thống còn sở hữu số tài sản trị giá 580.000 Euro như đồ trang sức, hàng mỹ nghệ, ôtô... cùng số tiền tiết kiệm hơn 70.000 euro. Đây là con số thống kê tài sản theo quy định bởi bất cứ một tổng thống nào trước khi mãn nhiệm đều phải làm như vậy.

Kể từ khi làm Thị trưởng Paris (từ 1977 đến 1995), ông Jacques Chirac đã bị tố cáo liên quan tới những vụ mua bất động sản với giá rẻ hơn vài lần so với giá thị trường, sau đó bán lại với giá "cắt cổ".

Ngoài ra, ông Jacques Chirac còn bị cáo buộc vi phạm luật gây quỹ tranh cử. Tuy làm 2 nhiệm kỳ tổng thống, 2 lần làm thủ tướng và 18 năm làm thị trưởng Paris, nhưng ông Jacques Chirac vẫn có thể phải hầu tòa nếu "người ta" tìm được lý do

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.