Xóm trọ dưới chân cầu Long Biên: “Khu ổ chuột” kề trung tâm Hà Nội

Thứ Sáu, 06/07/2012, 06:45

Cuộc mưu sinh tại chợ đầu mối Long Biên, chợ hoa quả, nông sản lớn nhất miền Bắc đã hình thành nên những khu nhà trọ bình dân dành cho người lao động ngoại tỉnh dọc theo sông Hồng. Và ngay dưới chân cầu Long Biên thuộc cụm dân cư số 2 phường Phúc Xá, quận Ba Đình, một xóm trọ đã và đang hình thành ngay trên bãi bồi dưới lòng sông. Sống tạm bợ, nhếch nhác nhưng hàng trăm người lao động tại đây ngày ngày phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ cho việc cư trú trong những phòng trọ bất hợp pháp đang mọc lên như nấm này…

Lam lũ phận người nơi xóm trọ

Con đường nhỏ cạnh chợ Long Biên, dù ngày mưa hay nắng vẫn bì bõm nước thải và sình lầy. Vượt qua đoạn đường bẩn thỉu này, men theo cống thoát nước, đến điểm cuối cùng của cửa cống là xóm trọ dành cho những người mưu sinh bằng nghề "cửu vạn" tại chợ Long Biên. Cái nghề vất vả, nặng nhọc, tiêu tốn rất nhiều sức lực này, buồn thay lại rơi  vào phần nhiều những người phụ nữ nông thôn ngoại tỉnh. Không có con số thống kê chính xác, nhưng "cửu" ở hai chợ chính của Hà Nội là chợ Long Biên và chợ Đồng Xuân, chủ yếu là nữ.

Xóm trọ của những người lao động nghèo thường là những nơi tồi tàn nhất. Vẫn biết là như vậy nhưng khi đặt chân tới xóm trọ, sau cái cảm giác chờn chợn là ái ngại. Ngẩng mặt nhìn lên phía trên cầu Long Biên, xe cộ đi lại tấp nập và náo nhiệt. Còn phía dưới này, dường như là một "thế giới" khác lạ… Ngay trung tâm thành phố nhưng cuộc sống của những cư dân xóm trọ quả một trời một vực. Gọi là "khu ổ chuột", nghe có phần xót xa, nhưng sự thật là như vậy.

Con đường nhỏ như mê cung hết tối rồi lại sáng. Những gian nhà trọ được dựng lên bằng đủ thứ vật liệu, tường xây kết hợp các tấm prôximăng, ván ép, bìa cáctông, bạt, bao tải… giống như tấm áo vá chằng vá đụp, không ra nhà, cũng chẳng ra lều.

Buổi chiều, thường là giờ nghỉ ngơi của chị em "cửu vạn" sau những giờ lao động mệt nhọc. Các phòng trọ đóng kín cửa, nhiều phòng khóa ngoài. Loanh quanh một lúc, tôi mới gặp một phụ nữ ngồi bệt trước cửa, đăm chiêu nhìn  hố tiêu chềnh ềnh ngay lối vào chỉ đủ một người đi lọt. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Ngay cạnh hố xí là giường ngủ, được kê trên những thùng gỗ đựng hoa quả. Đồ đạc, quần áo treo lỉnh kỉnh trên tường. Nói dại, nếu không may ngủ mê, lỡ quên mất vị trí hố tiêu thì… Thấy tôi hỏi thăm, chị chép miệng: "Tắc mấy ngày nay rồi. May mà chị em trong phòng về ăn Tết Đoan Ngọ chửa lên…". Rồi chị nhanh nhảu chỉ tôi sang phòng trọ đối diện: "Mời cô sang bên này. Tôi cũng đang phải ngủ nhờ chị em bên đó".

Bên này, một phụ nữ áng chừng trên 40 tuổi đang lúi húi chuẩn bị cơm chiều.  Bước vào phòng, tôi không dám đứng thẳng người, bởi sát trên đầu là trần nhà. Ngoài trời nắng to nhưng trong phòng tối như hũ nút. Cái nóng hầm hập bốc từ trên mái, từ xung quanh tường khiến căn phòng không khác nào chảo ngô rang. "Chủ nhà", chị Đào Thị Nhung, quê Kim Động, Hưng Yên, năm nay mới 45 tuổi nhưng cái sự lam lũ khiến chị già hơn đến chục tuổi. Trong số những chị em ở xóm trọ này, chị Nhung lận đận nhất về đường chồng con.

Lấy chồng năm 1991, sau khi sinh con gái đầu lòng thì vợ chồng ly hôn. Chị gửi con nhờ bà ngoại nuôi giúp rồi lần hồi ra Hà Nội kiếm sống, làm "cửu" ở chợ Đồng Xuân, Long Biên. "Năm 1997, cháu lớn không may chết đuối. Hai năm sau, tôi "mượn máu" người ta, đẻ được thằng cu để sau này có nơi nương tựa,  không may cháu bị viêm não Nhật Bản, thành ra mấy năm nay chưa qua nổi lớp 6". Chị Nhung thật thà kể, mắt ngân ngấn.

Mưu sinh bằng công việc bán sức ở chợ Long Biên này ngót nghét 20 năm, với chị Nhung giờ là con số không khi tiền dành dụm được giờ đây đã tiêu tốn hết vào việc chạy chữa bệnh cột sống, hậu quả của những ngày tháng mang vác nặng. Không có tiền đi bệnh viện, cứ nằm nhà chữa loanh quanh bằng… dầu cù là. Chị bảo bệnh không khỏi cũng buộc phải khỏi, không gánh được nặng thì nhúc nhắc ra chợ nhặt cái chai cái lọ, kiếm bữa cơm sống qua ngày.

"Đầu tháng vừa rồi, đỡ đau tôi mới đi gánh lại. Ngày xưa gánh được khoảng 60-70 cân, giờ chỉ dám gánh khoảng vài chục cân thôi. Đủ ăn là may rồi cô ạ". Nghe tôi hỏi sao không về quê mà làm ăn, chị Nhung cười trừ: “Ở đây vất vả nhưng dù sao còn kiếm được mấy đồng. Khổ mấy cũng phải chịu, cố làm thêm dăm năm nữa tích lũy tý vốn chứ  về quê chỉ có mấy sào ruộng, ăn còn không đủ"…

Chị Nhung cho biết, phần đông chị em ở xóm trọ này là người Hưng Yên. Không có nghề phụ, cuộc sống mưu sinh buộc những người phụ nữ phải rời quê lên Hà Nội tìm việc. Có người cả hai vợ chồng cùng ra thành phố, gửi con nhờ ông bà trông nom. Có chị nặng gánh hơn, thân cò lặn lội. Cuối tháng tích cóp được ít tiền lại gửi về quê cho chồng con. "Làm cái nghề cửu vạn nhiều lúc nhục nhã lắm. Mình thì gánh nặng, chủ hàng chửi mắng xơi xơi vẫn phải lao vào làm, không thì mất việc" - chị  Lại Thị Anh tâm sự.

Ra chợ từ tờ mờ sáng với cái bụng lép kẹp, tầm trưa vãn chợ, chị em "cửu vạn" mới lục tục kéo nhau về xóm trọ. Thường là tranh thủ vừa làm vừa ăn uống ở ngoài chợ, về đến phòng trọ là ngả lưng, chợp mắt cho lại sức. Đến chiều tối mới dậy nấu ăn. Đây cũng là bữa ăn chính của các chị sau một ngày lao động mệt nhọc.  "Chúng em bán mồ hôi lấy tiền, được dăm chục bạc nhưng vẫn phải chắt bóp, phòng lúc khó khăn. Hôm nào mưa to, hàng về chợ ít thì coi như đói". 

Già nhất xóm trọ là bà Nguyễn Thị Thìn, năm nay 70 tuổi. Phòng trọ của bà cụ Thìn chừng dăm thước vuông, ngổn ngang những xô, chậu, thúng mủng. Thành ra chỗ nằm của cụ chỉ còn lại một góc không đủ duỗi thẳng chân. Nghe tôi hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, bà cụ đưa vạt áo lên lau nước mắt.

Bà cụ Thìn có lẽ là "người Hà Nội" hiếm hoi ở xóm trọ đặc biệt này. Quê gốc ở Nhổn, bố mẹ chết sớm nên bà được cậu ruột nuôi. Lớn lên, bà lấy chồng ở Khâm Thiên, đẻ được ba người con. Người con trai út nghiện ma túy đã chết, hai cô con gái lấy chồng xa. Không chịu nổi ông chồng rượu chè suốt ngày lôi vợ ra đánh, cụ bỏ nhà đi lang thang gần chục năm nay, bán rau kiếm sống. Ngày trước cụ thuê trọ bên bãi Phúc Tân. Sau chuyển qua bán hàng tại đường Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá nên chuyển sang khu trọ bên này. Sáng sớm, cụ ra chợ Long Biên mua các loại rau, củ, quả rồi gánh bán rong.

"Dạo này trời nắng, rau thối, ngày nào cũng phải đổ đi, chẳng có lãi cô ạ" - cụ Thìn than phiền. "Tội nghiệp bà cụ, còng lưng rồi mà ngày nào cũng gồng gánh mấy chục cân. Ở đây hơn một năm rồi mà chẳng thấy con cái đến thăm. Bà cụ đi về là khóa cửa ở trong nhà. Nhiều hôm chị em lo bà cụ ốm, đập cửa hỏi thăm, nhỡ xảy ra chuyện gì thì khổ". Một chị hàng xóm thở dài.  

Xóm trọ chân cầu Long Biên thuộc cụm 2 phường Phúc Xá, quận Ba Đình.

Xóm trọ liệu có trở thành "xóm liều"?

Những hoàn cảnh éo le như vậy, có thể gặp ở bất cứ xóm trọ nào dọc theo bờ sông Hồng, nơi mà ngày ngày số người lao động ngoại tỉnh đổ về tìm cơ hội đang có chiều hướng gia tăng. Thế nhưng, điều khiến tôi kinh ngạc là những dãy nhà trọ tồi tàn, xập xệ nhất Hà Nội như xóm trọ gầm cầu này, lại có giá thuê chẳng bình dân tý nào. Theo những người thuê trọ cho biết, phòng rẻ nhất có diện tích dưới 5m2, như phòng của bà cụ Thìn cũng 500.000 đồng/tháng. Còn lại phòng rộng hơn khoảng 7-8m2 giá từ 800.000 đến 1 triệu đồng/tháng, chưa kể điện nước. Điện ở đây được tính với giá 4.000 đồng/số. Trước cửa mỗi phòng trọ được lắp đặt một công tơ riêng.

Nước giếng khoan bơm theo đường ống vào tận trong phòng. Trả tiền nước nhưng nào có được dùng thoải mái. Mỗi khi bơm nước, các chị phải mang xô, chậu ra hứng dự trữ dùng cho cả ngày, vừa là nước ăn, vừa tắm rửa, vệ sinh. Biết là đắt, biết là bẩn, biết là ở lâu sẽ sinh bệnh vào thân, nhưng vì cuộc sống mưu sinh hàng ngày tại chợ Long Biên, những người thuê trọ tại đây vẫn phải chấp nhận. Sáng mở mắt, chạy ào mấy bước chân là ra đến chợ.

Chủ của khu nhà trọ "dưới lòng sông" này là ông Thanh, khoảng trên 50 tuổi. Tối nào cũng vậy, "ông chủ" vác một quyển sổ đi tới các phòng trọ thu tiền của những người thuê trọ theo ngày. Giá trọ ngày là 13.000 đồng/người. Thuê trọ tháng thì bất luận có ở hết thời gian hay không, đầu tháng phải nộp tiền đủ. Để tiết kiệm tiền trọ, thường mỗi phòng có từ 3-4 người ở chung. Diện tích chật hẹp, muốn ở đông cũng chẳng còn chỗ mà thêm người.

Một số người dân sinh sống lâu năm tại tổ dân cư số 7 cụm 2 Phúc Xá cho biết, nghe nói trước đây ông Thanh làm nghề buôn bán thiết bị y tế. Từ những năm 1990, khi cả khu vực sau chợ Long Biên còn vắng người ở, ông Thanh mua lại của cụ Đàm Văn Mão khoảng hơn 100m2 đất nông nghiệp để trồng cấy. Khoảng đất này nằm giáp bờ sông, phía cuối cống thoát nước bây giờ. Một thời gian, ông Thanh cho người khác thuê làm bãi đóng than tổ ong.

Năm 1996, cụ Mão xây dựng nhà  cấp bốn cho thuê trọ trên phần đất gia đình có công khai hoang lâu năm. Ông Thanh cũng xây nhà trọ "ăn theo" nhưng là đất nông nghiệp nên chính quyền phường Phúc Xá xử lý, phá dỡ nhiều lần. Bẵng đi một thời gian dài, đến khoảng những năm 2006-2007, cống thoát nước được cải tạo, kè bờ thành đường đi lối lại sạch sẽ, ông Thanh xây dựng hơn chục phòng trọ trên diện tích đất mua của  cụ Mão và từ đó đổ đất, mở rộng diện tích thuê trọ sang bãi đất bồi dưới sông. Từ sau trận lụt lịch sử năm 1996 thì bãi bồi này mỗi ngày một cao hơn và rộng ra.

Bà cụ Thìn bên chiếc giường không đủ chỗ duỗi chân.

Theo cư dân ở đây cho biết thì việc lấn đất bãi bồi cũng phải có "chiến thuật". Ban đầu là tăng gia trồng cấy, tạo thành lối đi lại. Sau đó dựng lều lán tạm, ngoài quây bạt, gỗ, prôximăng tạm bợ giống như chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm. Đến khi đã quen mắt thì bí mật xây dựng kiên cố phía trong.

Ngoảnh đi ngoảnh lại trong vòng mấy năm, đến nay diện tích lấn đất bãi bồi để làm nhà trọ của ông Thanh đã lên tới hàng nghìn mét vuông. Những dãy nhà trọ cứ thế mọc dần lên như nấm. Nếu tính từ mép cống thải, là đường phân giới giữa khu dân cư với bờ sông trước đây thì nay, diện tích "lấn sông" của khu trọ đã kéo dài thêm hàng chục mét tính về phía lòng sông. Đếm sơ sơ cũng có đến gần trăm phòng trọ. Với giá cho thuê trọ như vậy thì mỗi tháng, tiền thu về không hề nhỏ.

Câu chuyện xóm trọ gầm cầu bất hợp pháp tồn tại và ngày càng phát triển ra phía… sông Hồng,  đâu phải  "con kiến" mà chính quyền địa phương không nhìn ra.  Bằng chứng là dãy nhà ở giữa xóm trọ gần đây bị chính quyền xử lý tháo dỡ, chỉ còn trơ nền.  "Vì sao riêng chỗ này bị đập, trong khi xung quanh hàng chục phòng trọ khác vẫn tồn tại, muốn biết phải hỏi chính quyền địa phương" - Một người dân lấp lửng đầy ẩn ý khi chúng tôi thắc mắc về kiểu xử lý vi phạm kiểu "nửa vời" lạ lùng như vậy.    

Làm một phép so sánh đơn giản nhất khi đứng trên cầu Long Biên, nhìn về hai bên chân cầu sẽ thấy rõ sự khác biệt. Nửa chân cầu thuộc địa bàn phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm đã được quy hoạch đường cơ đê sạch sẽ, khang trang. Buồn thay khi nhìn về phía nửa chân cầu thuộc địa bàn phường Phúc Xá. Xóm trọ lố nhố như tấm áo vá đang làm nhếch nhác bộ mặt Thủ đô.

Khoan  nói đến nguy cơ trở thành "xóm liều", bởi sự đồn đoán là chưa có cơ sở. Nhưng sự tồn tại của  những xóm trọ như thế này đã và đang làm giàu bất hợp pháp cho một số cá nhân khi người lao động nghèo  phải  bấm bụng trả tiền cho những chỗ ở tạm bợ, tồi tàn mà họ không có cơ hội để lựa chọn. Ít nhất ở tầm chính quyền cơ sở, không thể chối bỏ trách nhiệm

Hương Vũ
.
.