Xung đột tại Syria: Chính khách phương Tây tiếp tục phiêu lưu

Thứ Ba, 25/06/2013, 20:40

Một chiếc trực thăng của Chính phủ Syria đã oanh kích thành phố Aarsal của Liban. Tổng thống Michel Sleimane xem đó như là một sự xâm phạm chủ quyền của Liban. Chiếc trực thăng này đã thả 2 quả bom xuống thành phố Aarsal ủng hộ phe nổi dậy Syria làm 1 người bị thương. Trong một bản tin được phát đi, quân đội Liban cho biết đã có "những biện pháp phòng vệ cần thiết để đáp trả lập tức với mọi sự xâm phạm tương tự". Vài giờ sau, 4 quả rốckét từ phía Syria đã bắn vào thành phố Bekaa ở miền Đông Liban với đa số dân chúng là người Shiite. Khu vực đó có ít dân cư.

Vụ việc này đã được đưa ra trước Đại hội đồng LHQ và Liên đoàn Arập. Trong thời gian đó, một tuần sau vụ giao tranh giữa quân đội LHQ và phe nổi dậy Syria tại Qouneitra trên cao nguyên Golan, Chính phủ Áo đã rút 378 binh sĩ trong lực lượng gìn giữ hòa bình tại lằn ranh ngừng bắn giữa Syria và Israel về nước. Điều này khiến người ta lo ngại những quốc gia khác sẽ noi theo.

Tính chất tín ngưỡng của cuộc xung đột càng nghiêm trọng hơn bởi sự tham gia của phe Hezbollah Shiite Liban bên cạnh quân đội Chính phủ Syria. Sự hỗ trợ này đã giúp quân chính phủ chiếm lại cứ điểm chiến lược Al-Quseir ở tỉnh Homs. Trong khi phe nổi dậy đã mất dần ưu thế, chính phủ Pháp và Anh đang trù tính đến các biện pháp để hỗ trợ cho phe nổi dậy.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius than phiền rằng "quân đội Syria, nhất là phe Hezbollah và các chiến binh Iran với vũ khí của Nga đã tái chiếm đáng kể lãnh thổ. Nếu không có sự cân bằng lực lượng tại đấy, sẽ không có Hội nghị Geneva 2 vì phe nổi dậy sẽ không đồng ý tham dự".

Tại Washington, sau khi gặp gỡ người đồng nhiệm John Kerry, Ngoại trưởng Anh William Hague khẳng định rằng Anh và các đồng minh đang ủng hộ phe nổi dậy phải "làm nhiều hơn nữa" tại Syria. Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ thảo luận với Tổng thống Nga Putin về vấn đề Syria và Hội nghị Geneva 2 vào ngày 16/6.

Chiến binh phe nổi dậy.

Trong tuần này Chính phủ Mỹ đã đưa vấn đề Syria vào cuộc họp hàng tuần. Mỹ đã xem nhẹ kịch bản hiện nay vì cứ tin rằng chính quyền Bashar sẽ bị lật đổ. Sự hủy bỏ chuyến công du của Ngoại trưởng John Kerry sang Trung Đông cho thấy có sự thảo luận căng thẳng trong Chính phủ Mỹ. Một số người khẳng định rằng một quyết định sẽ được đưa ra trong tuần này. Đề tài thảo luận là liệu Mỹ có phải đảm đương vai trò chủ yếu trong việc cung cấp vũ khí và sự hỗ trợ cho Quân đội Syria Tự do không? Vấn đề liên quan là cần phải tập trung hệ thống phân phối vũ khí để tránh không lọt vào tay những phe cực đoan như Al-Nosra.

"Những ai cho rằng một sự can thiệp của Mỹ sẽ có thể thay đổi cục diện, chẳng hạn như cung cấp vũ khí hay can thiệp quân sự, sẽ phải chờ lâu. Nếu có thì chỉ là một hành động "tượng trưng" khi gần đến Hội nghị Geneva 2" - chuyên gia phân tích Brian Katulis nhận định.

Cho đến nay Tổng thống Obama luôn phản bác đề nghị cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy vì lo sợ nguy cơ vũ trang cho Al-Qaeda. Nhưng các diễn tiến mới đây tại thực địa, đặc biệt là tại Al-Quseir, đã thúc đẩy một động thái cương quyết hơn. Nhân vật đứng đầu Hội đồng Quân sự Tối cao của phe nổi dậy đã đưa ra một bản tường trình đáng lo ngại về sự suy yếu của phe nổi dậy và sự cần thiết phải nhanh chóng có được vũ khí để tránh một thất bại sắp tới tại Aleppo. Tướng Idriss nhấn mạnh rằng tham dự Hội nghị Geneva 2 với tương quan lực lượng hiện nay cũng tương tự như trao phe nổi dậy cho Bashar Al-Assad.

Phe diều hâu trong Thượng viện, đứng đầu là nghị sĩ John McCain, đề nghị lập một khu cấm bay hoặc những phi vụ oanh kích nhằm khóa chặt không quân của Syria dưới đất, và cho rằng gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí là quá trễ. Nhưng một phương án táo bạo như thế có vẻ không khả thi vì Tổng thống Obama không muốn đưa đất nước vào một cuộc phiêu lưu quân sự mới

Minh Luân (tổng hợp)
.
.