Xung khắc trong chính trường Pháp

Thứ Tư, 17/11/2010, 16:50
Mâu thuẫn giữa Tổng thống Nicolas Sarkozy và Dominique de Villepin ngày càng sâu sắc từ khi cựu Thủ tướng Pháp phê bình Tổng thống là "một trong những vấn đề của nước Pháp".

Ngày 7/11 vừa qua, cựu Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin đã lên tiếng trên đài Europe 1 chỉ trích Tổng thống Nicolas Sarkozy là "một trong những vấn đề của nước Pháp, và đã đến lúc dấu ngoặc chính trị mà chúng ta trải qua từ năm 2007 phải được đóng lại. Chúng ta cần đưa đất nước vào đúng vị trí. Thế nhưng chúng ta đang bị lật ngược. Chúng ta không có cái nhìn về đích đến và chúng ta đang bị đắm. Hãy nhìn cảnh tượng thảm thương của đời sống chính trị Pháp. Đó không phải là một cảnh tượng mà một đất nước đang khốn khó nên trưng ra".

Nhưng những tuyên bố của Dominique de Villepin đã không được sự đồng tình của nhiều người. Trợ lý tổng thư ký UMP (Liên minh vì một phong trào quần chúng) nhận định: "Ông ta từng là tổng thư ký trong dinh Tổng thống, kế đó là bộ trưởng và thủ tướng mà không được bầu. Làm thế nào được nếu không phải do triều đình? (ám chỉ đến quyển sách mới "Tinh thần triều đình" của Dominique de Villepin - ND). Hội đồng giải thể năm 1997 là gì nếu không phải là hệ quả của hiện tượng tinh thần triều đình. Ông ta đã sử dụng hết mọi ưu thế và đã chứng kiến mọi nguy cơ của chúng. Có lẽ luôn có những tác động triều đình trong điện Elysée và quanh chính quyền, tại Pháp cũng như nơi khác. Ở đâu đó thì không cần thiết phải nói đến nhưng thật nực cười khi hôm nay lại do chính Dominique de Villepin gợi ra".

Đến ngày 9/11, Dominique de Villepin lại đổ thêm dầu vào ngọn lửa âm ỉ: "Nicolas Sarkozy không phải là vấn đề của tôi mà là một trong các vấn đề của nước Pháp, điều này nói lên rằng chúng ta không còn ở thời kỳ chống chủ nghĩa Sarkozy nữa mà đã vượt quá chủ nghĩa Sarkozy. Tôi không xét lại cuộc tuyển cử của ông ta, điều tôi muốn xem xét chính là tính hợp pháp trong hành động của ông ta. Nó có phù hợp với quyền lợi chung không? Điều đáng nói đến chính là cảm tưởng bất công sau việc cải cách hưu trí, đó là sự mù mờ thượng đỉnh. Năm 1997, Nicolas Sarkozy đang ở dưới hố sâu và tôi đã đưa tay ra cứu vớt ông ta. Năm 2001, chẳng ai muốn nhắc đến nhưng tôi đã giúp ông ta trở lại chính phủ. Đến năm 2005, tôi đã nhận ông ta vào chính phủ của tôi. Như thế tôi không có gì phải biện minh cho quan hệ giữa tôi và Nicolas Sarkozy cả".

Phải chăng Dominique de Villepin đã đi quá xa? Ngay cả những người thân cận cũng đã né tránh ông. Bruno Le Maire, cựu cố vấn của ông hiện giờ là Bộ trưởng Nông nghiệp, đã phê phán những lời lẽ chống đối Tổng thống của ông là "nhục mạ". "Tôi phải thành thực nói rằng tôi rất phiền lòng". Khi được hỏi về nguyên cớ của nỗi hiềm khích đó, Le Maire bảo rằng ông không biết gì cả vì "không nằm trong đầu của ông ta". Ngay cả Bộ trưởng Công chức Georges Tron cũng bất bình: "Ông ta đã cắt đứt mọi cầu nối với mọi người, với những kẻ thân cận nhất trong chúng tôi".

Frédéric Lefebvre, phát ngôn viên của đảng đa số, đã nhận xét: "Khi một chính trị gia có những lời lẽ lăng mạ, thực tế là ông ta đã tự tách lìa với mọi người". Trong buổi họp với các giới chức của UMP tại Điện Elysée tối 8-11, Tổng thống Nicolas Sarkozy lên tiếng: "Ông ta đã hoàn toàn bị cô lập, sự điên khùng không bao giờ tốt đẹp cả".

Thật ra Tổng thống Nicolas Sarkozy và Dominique de Villepin đã có hiềm khích từ lâu, đặc biệt là sau vụ Clearstream, trong đó Tổng thống Pháp bị cáo buộc khống là có nhiều tài khoản bí mật ở nước ngoài. Cũng trong vụ đó, Dominique de Villepin bị ghép vào tội "đồng lõa vu khống" và sẽ ra trước phiên tòa phúc thẩm vào tháng 5/2011

M.L. (tổng hợp)
.
.