Xung quanh kế hoạch thành lập lực lượng quân sự chung châu Âu

Thứ Hai, 02/12/2019, 16:13
Ý tưởng về việc thành lập lực lượng vũ trang toàn châu Âu không phải là điều mới mẻ. Những đề xuất về kế hoạch này trên thực tế đã được nêu từ thời cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac, thậm chí trước đó đã có những kế hoạch tương tự.

Và cho đến nay, tuyên bố muốn được độc lập, tự chủ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh của Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron chỉ là hồi sinh ý tưởng đã có một cách mạnh mẽ hơn. Với nhận định Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đang “chết não”, ông chủ Điện Elysse dường như đang thể hiện rõ tham vọng về việc phát triển lực lượng quân sự riêng.

Song, liệu đây có phải thời điểm thích hợp để thực hiện ý tưởng của ông Macron hay chỉ là tuyên bố nhất thời, vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Ý tưởng không mới!

Còn nhớ, trong cuộc phỏng vấn với tạp chí The Economist hôm 21-10 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dựng lên một bức tranh ảm đạm về tình hình an ninh ở châu Âu. Thẳng thắn mà nói, ông đã kêu gọi đánh giá lại NATO, vai trò lâu nay của tổ chức này là một “hòn đá tảng” bền vững trong việc bảo vệ châu Âu và đi xa hơn khi khẳng định rằng châu Âu đang nếm trải sự “chết não của NATO”.

Ông cũng cảnh báo rằng nếu châu Âu tiếp tục quanh quẩn trong việc chọn cách phớt lờ thực tế của một đối tác Mỹ ngày càng không đáng tin cậy trong việc thực hiện cam kết của NATO đối với tự do và an ninh của các nước thành viên thì châu Âu sẽ không thể kiểm soát được số phận của chính mình nữa. Châu Âu cần có lực lượng quân đội của riêng mình và cần bắt đầu nghĩ về mình là một cường quốc chiến lược. Ông Macron có đúng hay không?

Một lực lượng quân đội độc lập của EU có thể giúp bảo vệ các nước châu Âu là lối nói quen thuộc và ý tưởng EU có thể rốt cục chệch hướng khỏi NATO cũng được thảo luận trước khi ông Macron xuất hiện trên chính trường. Lần đầu tiên EU phát đi tín hiệu về sự thay đổi về lượng trong tầm nhìn chiến lược của mình là năm 2016 với tài liệu Chiến lược Toàn cầu EU. Tài liệu này đặt ra ý tưởng đạt được “một cấp độ tự chủ chiến lược nhất định” và có thể “hành động độc lập nếu và khi cần thiết”.

Sự hô hào này có thêm động lực khi Thủ tướng Đức Angela Merkel hưởng ứng lời kêu gọi của ông Macron về việc thành lập quân đội của riêng EU hồi tháng 11-2018. Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã nói bóng gió một thời kỳ mới trong đó quan hệ của Mỹ và châu Âu đang rơi vào thời điểm đánh giá lại do những khác biệt về quan điểm và hành động về các vấn đề quốc tế.

Ông Tusk cũng lặp lại quan điểm cần có một lực lượng quân đội châu Âu trong bối cảnh chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump dường như muốn phá vỡ trật tự thế giới hậu Thế chiến II. Tiếp đó, ngày càng có nhiều lời kêu gọi thành lập một lực lượng quân sự độc lập của EU đồng thời những công kích về một thế giới đa cực không chắc chắn đã tạo thêm động lực cho luận điệu quen thuộc nói trên.

NATO đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nội bộ.

Thời điểm đã chín muồi?

Điều này không có nghĩa là không hề có nỗ lực nào nhằm nâng cao năng lực quân sự và cấu trúc quốc phòng của EU. Trên thực tế, EU đã có những bước đi nhằm củng cố năng lực quân sự của mình thông qua việc thiết lập cơ cấu hợp tác thường trực về an ninh và quốc phòng (PESCO) và các nhóm chiến đấu. Những sáng kiến này tạo nền tảng cho các nước thành viên EU hợp tác với nhau trong quá trình lên kế hoạch, đầu tư và phát triển các dự án giúp tăng cường sự gắn kết về mặt chức năng giữa các lực lượng quân đội.

Tuy nhiên, bản chất của những dự án như vậy đồng nghĩa với việc các nước thành viên có thể vẫn né tránh vấn đề hợp tác quốc phòng. Ngoài ra, khi để các nước thành viên tự nguyện tham gia cơ cấu PESCO nói trên, sẽ không có nhiều sự gắn kết và nhất trí về cách thức mà các nước thành viên sẽ đóng góp cho những dự án này.

Tương tự, việc thành lập các nhóm chiến đấu năm 2004 với mục đích bù đắp cho việc EU không có các lực lượng quân sự thường trực đã đem lại hứa hẹn ngay từ khi được thành lập. Tuy nhiên, các nhóm chiến đấu này lại chưa từng được triển khai kể từ khi đi vào hoạt động năm 2007. Việc châu Âu thiếu quyết tâm chính trị trong những nỗ lực nói trên nhằm tăng cường năng lực quân sự của EU đem lại bóng dáng của những thách thức mà ông Macron sẽ phải đối mặt nếu ông nỗ lực thúc đẩy việc phát triển một lực lượng quân sự EU độc lập, thống nhất và lâu dài.

Đằng sau những nỗ lực nửa vời nhằm củng có năng lực quân sự của EU là sự phụ thuộc của các nước thành viên vào NATO. Việc rút khỏi NATO đồng nghĩa với việc không nhận được sự hỗ trợ của NATO về tài nguyên cũng như liên quan năng lực lập kế hoạch quân sự, vốn là những nguồn hỗ trợ thiết yếu mà lâu nay EU đã quen nhận.

Liệu những ngôn từ mạnh mẽ của ông Macron đã đủ chín muồi? Châu Âu tự thấy mình đang phải đối mặt với tình hình địa chính trị ngày càng không chắc chắn. Những diễn biến gần đây như Mỹ rút binh sĩ khỏi Syria, vốn dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự ở vùng lãnh thổ người Kurd sinh sống ở Syria, chắc chắn khiến ông Macron chỉ trích mạnh mẽ NATO.

Những hành động quyết đoán của Nga ở Ukraine, Georgia và Moldova đã khiến Chủ tịch Diễn dàn An ninh Munich Wolfgang Ischinger khẳng định rằng “việc thành lập quân đội châu Âu là điều chắc chắn xảy ra”. Tuy nhiên, việc cổ vũ cho một lực lượng phòng vệ tập thể độc lập của châu Âu đòi hỏi phải có một mức độ thống nhất và cam kết nhất định mà EU hiện dường như không thể làm được.

Nhìn chung, EU vẫn đang vướng mắc giải quyết vấn đề Anh rời EU (Brexit) đồng thời đấu tranh với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và cuộc khủng hoảng di cư chưa có hồi kết. Khả năng các nước thành viên EU sẽ “đồng thanh tương ứng” với lời kêu gọi thành lập lực lượng quân sự riêng của EU và quay lưng lại với những vấn đề trong nước của họ là mong manh.

Do đó, những lời lẽ cảnh báo của ông Macron có thể rốt cục sẽ chỉ là những hô hào mang tính biểu tượng, dù có phần táo bạo, song sớm bị lãng quên cho đến khi một lời “hô hào tương tự” được khơi lên một lần nữa.

Quang Nguyễn
.
.