Ý chí và nhân cách của Fidel Castro

Thứ Năm, 20/08/2009, 15:35
Tinh thần chống Mỹ của Fidel Castro phát sinh từ rất sớm vì ông là người nhìn xa trông rộng. Hồi còn kháng chiến ở Sierra Maestra (chống nhà độc tài Batista), ngày 6/6/1958, Castro đã viết một bức thư sau đó được Carlos Franqui công bố, trong đó ông có nói rõ: "Sau khi cuộc chiến tranh này kết thúc, thì với tôi, sẽ bắt đầu một cuộc chiến tranh quan trọng hơn, lâu dài hơn: đó là cuộc chiến tranh mà tôi sẽ tiến hành để chống bọn Bắc Mỹ (Hoa Kỳ - AC). Tôi tin chắc rằng đây là định mệnh của mình".

Cuộc chiến tranh này quả nhiên đã diễn ra, bền bỉ, trường kỳ, tuyệt đối không khoan nhượng và tính đến nay đã nửa thế kỷ mà núi Thái Sơn Fidel Castro vẫn đứng sừng sững ngay trước ngưỡng cửa của đế quốc Bắc Mỹ.

Thái Sơn Fidel Castro đã  ngạo nghễ nhìn 10 đời tổng thống của Hợp Chúng Quốc Bắc Mỹ múa may quay cuồng, tự tung tự tác, coi Liên Hiệp Quốc như một cái siêu thị khổng lồ mà nó là chủ nhân: Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon, Ford, Carter, Reagan, Bush-cha, Clinton và Bush-con.

Vì thế nên Fidel mới gọi Barack Hussein Obama là Tổng thống thứ 11 của đế quốc Bắc Mỹ, chứ không phải thứ 44 theo lệ thường. Gạt bỏ khỏi mắt ngoài tai cái luận điệu trịch thượng của Mỹ và phương Tây, thì ta sẽ thấy, sẽ nghe được rằng Fidel Castro là một Vĩ Nhân.

Trước nhất, ngay tại siêu cường Hoa Kỳ, Đức Mục sư đầy hồng ân Jesse Louis Jackson Sr., người từng hai lần (1984 và 1988 ) ra tranh cử tổng thống, đã nói hồi 1984 rằng " Fidel Castro là một nhà chính trị trung thực nhất, dũng cảm nhất mà tôi từng gặp".

Tại Canada, phương Tây đấy, hồi năm 1976, ngay cả sau khi Mỹ cấm vận Cuba được hơn 10 năm, thì Pierre Elliott Trudeau, năm đó là Thủ tướng, đã chính thức sang thăm Cuba, mặc dù hệ tư tưởng của Trudeau và của Castro đối kháng hẳn với nhau. Trudeau đã viện trợ cho Cuba 4 triệu đôla, rồi còn cho vay thêm 10 triệu nữa.

Trong diễn từ của mình, Trudeau nói: "Chúc Tổng tư lệnh Fidel Castro trường thọ. Tình hữu nghị Cuba - Canada sống mãi". Tình bạn giữa hai vị vẫn được duy trì sau khi Trudeau mãn nhiệm. Trudeau đã sang thăm Cuba nhiều lần với tư cách cá nhân vào những năm 1980 và 1990.

Rồi năm 2000, khi Trudeau qua đời, Fidel đã sang tận  Montreal để dự tang lễ. Còn gì đẹp bằng vì đây mới thực sự là tình bạn và dân chủ. Có đâu như đế quốc Yankee, cứ thò bàn tay lông lá ra mọi lúc, mọi nơi, để bắt người ta phải ăn theo cái mà nó cho là dân chủ và nhân quyền. Nếu không có nhân quyền và dân chủ của Mỹ thì biết bao nhiêu dân lành ở Iraq  và Afghanistan đã không bị sát hại.

Đằng này, chúng còn ném bom xuống cả đám cưới mà chỉ có bọn lưu manh công nghệ cao mới không cần biết rằng đó là chuyện thiêng liêng ở trên đời. Mà theo một sự thăm dò của Viện Gallup năm 2006 ngay trên đất Mỹ, thì đa số người Cuba lại ủng hộ chính phủ của Castro.

Đó chẳng phải dân chủ và nhân quyền thì là gì? Portia Simpson-Miller, cựu Thủ tướng Jamaica, đã khẳng định rằng  Fidel là "một huyền thoại, một người khổng lồ, một nhà vô địch". Adolfo Pérez Esquivel của Argentina, đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1980, nói rằng mình "luôn luôn bị ngỡ ngàng trước tính nhân văn toát ra từ Fidel Castro", rằng Castro là "một trong những nhà chính trị vĩ đại", "một nhà văn hóa", "một vị trí thức có một cái nhìn lắm khi gần như là tiên tri".

So sánh Castro với Don Quijote, Eduardo Galeano, văn hào Uruguay, nói rằng Castro "có một cách nhìn ngoan cường cổ xưa về danh dự như của Don Quijote, không ngừng đấu tranh cho quyền lợi của người bị thua thiệt". Gabriel García Márquez, Nobel Văn chương người Colombia, nói rằng "Fidel đi tìm vấn đề ở đúng nơi mà nó tồn tại", rằng "lòng kiên nhẫn của Fidel thì không có gì lay chuyển nổi", rằng "kỷ luật của Fidel là kỷ luật sắt", rằng "sức mạnh của óc tưởng tượng đã đẩy Fidel đến sát giới hạn của cái bất ngờ".

Lula da Silva, Tổng thống Brazil, đã ca ngợi Fidel "là huyền thoại sống duy nhất trong lịch sử của nhân loại". Oscar Niemeyer, kiến trúc sư lừng danh thế giới người Brazil, năm nay 101 tuổi, đã gọi Fidel là Vị Anh hùng của Mỹ Latinh và ông cũng là bạn của Fidel. Nhiều chính trị gia và nhân vật danh tiếng khác của Mỹ Latinh và trên toàn thế giới cũng rất ngưỡng mộ Fidel.

Ngược lại, đế quốc, tư bản và đồng bọn, kể cả quá nhiều công dân ngu xuẩn của Hoa Kỳ, trong đó dĩ nhiên có những tay gốc Việt, rất ghét Fidel và cho rằng ông là độc tài, là  tham quyền cố vị, v.v... 

Về chuyện này thì, Ricardo Alarcon, Chủ tịch Quốc hội Cuba đã chỉ rõ: "Sự chính trực truyền thống, những đức tính cá nhân, (...) uy thế, uy tín ở tầm cỡ quốc tế của Fidel giải thích sự nhất trí (tín nhiệm) của toàn dân đối với ông; ông không bao giờ lừa dối người dân và không bao giờ làm giàu cho chính mình. Vậy tại sao chúng tôi lại không tiếp tục bầu cho một con người có tầm vóc kỳ vĩ như thế?".

Còn Jacques Lanctôt, nhà báo người Canada được trả nhuận bút theo từng dòng chữ in, thành viên Phong trào Giải phóng Québec thì gợi ý: "Fidel Castro là nhà độc tài à? Chính là vì những sự xâm lược thường xuyên nên các nhà lãnh đạo mới áp dụng theo cách của mình cái khẩu hiệu cổ xưa của Thánh Ignacio de Loyola: "Trong một pháo đài bị bao vây, mọi sự bất đồng ý kiến đều là phản bội. "Chí lý! Và cái chỗ cực kỳ đểu giả và man rợ của bọn đế quốc chính là ở chỗ nó dồn người ta vào pháo đài bị bao vây để vu cho người ta là độc tài. Vì muốn đem lại sự công bằng cho Fidel nên Ignacio Ramonet, từng là Chủ nhiệm nguyệt san Le Monde Diplomatique của Pháp,  đã liên hệ và sắp xếp để được dịp và được phép phỏng vấn ông trong 100 giờ đồng hồ, kéo dài trong nhiều tuần trò chuyện ráo riết. Toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn này đã được in thành sách, bản tiếng Tây Ban Nha có tên là “Fidel Castro - Biografía a dos voces”  còn tên của bản tiếng Pháp là “Fidel Castro - Biographie à deux voix” (Fidel Castro - Tiểu sử hai giọng).

Bản tiếng Tây Ban Nha còn có tên là “Cien horas con Fidel” (Một trăm giờ với Fidel). Ramonet khẳng định rằng "các phương tiện thông tin chỉ là những con vẹt, con này nhắc lại y hệt con kia khi nói về Cuba". Cái hiện tượng "vẹt báo chí" này thật là đáng kinh tởm và vô cùng tai hại.

Trả lời phỏng vấn trên tờ L'Humanité (Pháp), Roberto Hernandez Montoya gọi nó là "chủ nghĩa cực quyền về các phương tiện thông tin" (totalitarisme  médiatique). Nó là sự thống trị về hệ tư tưởng cũng như về mặt nghiệp đoàn, do các tổ hợp quân sự - công nghiệp chỉ huy. Với nó, các phương tiện thông tin là những chính đảng, thay thế cho những đảng đối lập.

Những phương tiện thông tin đó thực sự là những AMD (vũ khí giết người hàng loạt) -  ẩn dụ của chính Montoya; nó làm cho hàng triệu, hàng triệu con người lương thiện trên thế giới, kể cả nhiều đại trí thức, phải sống cái đời sống thực vật về nhận thức chính trị, chúng đút cho ăn cái gì thì cứ nhai lấy nhai để cái đó mà nuốt.--PageBreak--

Ramonet cho biết chính  vì thế nên, tìm kỹ trong kho lưu trữ mới thấy, trong vòng 15 năm, tại Pháp, hầu như không một tờ báo nào nhắc đến một lời nói hay một bài diễn văn của Fidel. Ramonet nói tiếp rằng, chính vì thế nên nghĩa vụ nhà báo của ông là phải để cho người bị công kích lên tiếng.

Đó là việc mà nhà báo lương thiện phải làm. Với quyển sách của Ramonet, Fidel đã lên tiếng. Đặc biệt về chuyện độc tài và gia đình trị mà những con vẹt phương Tây vu cho mình, Fidel đã nói, ngắn gọn mà rành rọt: 

“Trước nhất, về mặt kỹ thuật, khi tôi chết, người ta sẽ chỉ định Raul Castro vì ông ấy là Phó chủ tịch. Khi Bush chết, ông Cheney sẽ trở thành Tổng thống. Khi vua chết thì con vua trở thành vua. Thiết chế nói như thế. Vị Phó chủ tịch được bầu, đó không phải là chuyện kế nghiệp gia đình. Mà Raul cũng chưa phải là giải pháp (...)".

Còn hiện nay thì Fidel đã từ chức. Nhưng ông vẫn chiến đấu. Trong thông điệp từ chức ngày 18/2/2008, Fidel viết: "Tôi không chào từ biệt đồng bào. Tôi chỉ muốn chiến đấu như một người lính trên mặt trận tư tưởng. Tôi sẽ tiếp tục viết dưới tên mục Những dòng suy nghĩ của đồng chí Fidel". Trên mặt trận này, Fidel vẫn dõng dạc, sáng suốt và mãnh liệt.

Gần đây, suy nghĩ của ông liên quan đến thời sự thế giới tháng 6 và tháng 7, đặc biệt là về cuộc đảo chính quân sự ở Honduras. Ngay sau khi bọn tiếm quyền Micheletti lật đổ Tổng thống hợp hiến Manuel Zelaya, Fidel đã có bài trên tờ Granma ngày 29/6/2009: "Đảo chính ở Honduras: sai lầm tự sát".

Sau khi điểm lại diễn biến của cuộc đảo chính, Fidel viết: “Không thể thương lượng với các quan chức cao cấp của bọn đảo chính. Cần phải buộc chúng từ chức và thay thế chúng bằng những viên chức trẻ hơn và không thỏa hiệp với bọn quả đầu. Bằng không, thì sẽ không bao giờ có một chính phủ của dân, do dân và vì dân tại Honduras. Bọn đảo chính bị dồn vào bước đường cùng sẽ không có lối thoát nếu ta đương đầu với chúng một cách cương quyết (...). Nếu không có sự ủng hộ của Mỹ thì chúng thậm chí còn không dám thở nữa là đằng khác"

Ở bài này, Fidel còn dè dặt khi nói đến bàn tay lông lá. Nhưng đến bài "Cái chết của một cuộc đảo chính hay cái chết của các bản hiến pháp" ngày 10/7/2009 thì ông đã khẳng định: "Hiện nay, Honduras là một đất nước không những bị bọn đảo chính cai trị mà còn bị các lực lượng quân sự của Mỹ chiếm đóng. Căn cứ quân sự Soto Cano, còn được biết với cái tên Palmerola, nằm cách Tegucigalpa chưa đầy 100 km, đã hoạt động trở lại từ thời của chính phủ Reagan.

Lúc đó, nó đã được tướng Oliver North sử dụng khi hắn ta chỉ huy cuộc chiến tranh bẩn thỉu chống lại Nicaragua. Chính phủ Mỹ đã sử dụng căn cứ này làm bàn đạp để mở những cuộc tấn công chống lại những người cách mạng SalvadorGuatemala, làm cho hàng chục ngàn người bị thiệt mạng. Đâu là mục tiêu của căn cứ này, của máy bay, của trực thăng và của lực lượng tác chiến của Mỹ ở Honduras?  Không còn nghi ngờ gì nữa, nó được chuyên dùng để khống chế Trung Mỹ chứ cuộc đấu tranh chống việc buôn lậu ma túy đâu có cần đến các loại vũ khí nhiều đến thế". 

Rồi Fidel chỉ ra cái nguy cơ chung cho toàn vùng Mỹ Latinh: "Nếu Tổng thống Manuel Zelaya không được phục chức thì làn sóng đảo chính sẽ quét đi không ít chính phủ ở Mỹ Latinh hoặc rồi những chính phủ này sẽ bị phó mặc cho sự thao túng của bọn quân phiệt cực hữu, từng được đào tạo theo học thuyết an ninh của Học viện Các châu Mỹ (School of the Americas), già dặn kinh nghiệm về tra tấn, về chiến tranh tâm lý và về khủng bố.

Quyền lực của nhiều chính phủ ở Trung Mỹ và Nam Mỹ sẽ bị xói mòn. Những thời kỳ tối tăm ngày xưa không bao lâu nữa sẽ trở lại. Bọn quân sự chuyên đảo chính thậm chí còn không thèm đếm xỉa đến chính quyền dân sự của Hoa Kỳ nữa ấy chứ. Tình hình sẽ trở nên bất lợi cho một tổng thống muốn cải thiện  hình ảnh của nước Mỹ, như Barack Obama".

Rồi tiếp đến là bài "Kẻ trung gian Oscar Arias là một đồng minh trung thành với Mỹ" ngày 22/7/2009, trong đó Fidel đã tố cáo sự đi đêm giữa Arias và Mỹ rồi khẳng định: "(...) Bây giờ bọn Mỹ hối hả đi tìm Tổng thống Oscar Arias vì chúng biết rõ tay này. Chúng đi tìm tay này nhằm kéo dài thời gian để cho bọn đảo chính bắt đầu nêu ra những yêu cầu không thể chấp nhận được. Ai đời một tên đảo chính  lại đi thương lượng với người mà nó  đã cướp đi những quyền hợp hiến?

Những quyền này không thể nào  là đối tượng để thương lượng: chuyện rất đơn giản là phải phục chức cho Tổng thống Manuel Zelaya đúng theo các nghị quyết của ALBA (Liên minh Bolivarian của các dân tộc châu Mỹ), của nhóm Rio, của SICA (Hệ thống hội nhập Trung Mỹ), của OEA (Tổ chức các nước châu Mỹ) và của Liên Hiệp Quốc". Thế là tuy đã từ chức nhưng Fidel không hề "nghỉ hưu". Ông chỉ chuyển sang lĩnh vực của quyền lực thứ tư, lĩnh vực báo chí. Nhà báo Fidel Castro vừa đúng 83 tuổi, lại vừa trải qua một cơn bệnh thập tử nhất sinh, tưởng chừng như không thể gượng dậy nổi, khiến cho kẻ thù hí hửng chờ ông ra đi trong ngày một ngày hai.

Không, chúng đã cụt hứng. Fidel vẫn sống; chẳng những vẫn sống mà còn tiếp tục chiến đấu trên mặt trận tư tưởng bằng những dòng suy nghĩ  vô cùng tỉnh táo, sáng suốt, tinh tế, dứt khoát và thuyết phục. Trong những dòng suy nghĩ đó, ta thấy vẫn toát lên một tinh thần chống Mỹ mãnh liệt và triệt để, đúng như ông đã nhận lãnh định mệnh của mình cách đây nửa thế kỷ, khi còn ở trong vùng rừng núi Sierra Maestra.

53  năm đã trôi qua. Cùng với nhân dân và đồng chí của mình xây dựng nên một Cuba, tuy nhỏ bé nhưng hiên ngang và ngạo nghễ, Fidel là núi Thái Sơn cao vời vợi về ý chí chống Mỹ, chống đế quốc, thách thức đế quốc Mỹ ngay trước mũi của nó là bang Florida. Tất nhiên là một ngày nào đó Fidel sẽ ra đi. Nhưng bản anh hùng ca Fidel Castro thì sẽ sống mãi trong lịch sử nhân loại

An Chi
.
.