Ai Cập: Xung quanh bản án tử hình cho cựu Tổng thống Morsi

Thứ Ba, 26/05/2015, 15:15
Tình hình đất nước Ai Cập lại khiến cho cộng đồng quốc tế quan tâm xung quanh việc Tòa án Cairo tuyên án tử hình cựu Tổng thống Mohamed Morsi cùng 105 người khác, các lãnh đạo Huynh đệ Hồi giáo Muslim Brotherhood, từ đó châm ngòi cho hàng loạt vụ tấn công khủng bố mới trên bán đảo Sinai.

Ông Morsi và 105 người khác cùng bị buộc tội giết người và bắt cóc cảnh sát, tấn công các cơ sở cảnh sát và phá ngục, vượt ngục trong thời gian xảy ra bạo loạn.

Ngày 16/5, Tòa án Cairo tuyên án tử hình đối với ông Morsi và 105 người này. Trước khi đưa ra phán quyết tử hình, trong một phiên tòa khác vào ngày 21/4 vừa qua Tòa án Ai Cập cũng đã tuyên án ông Morsi 20 năm tù cho tội kích động bạo loạn. Đây mới chỉ là những phán quyết sơ bộ. Phán quyết cuối cùng sẽ được tuyên trong một phiên tòa sẽ mở vào ngày 2/6 tới, sau khi đã tham khảo ý kiến của vị Đại Giáo chủ Hồi giáo Ai Cập.

Bộ trưởng Tư pháp Ai Cập Ibrahim Al-Heneidy.

Theo luật, ông Morsi có thể kháng án để được giảm án hoặc thay đổi án quyết, nhưng giới luật sư ở Ai Cập cho rằng khả năng ông Morsi kháng án thành công là rất thấp, bởi lẽ khó có việc tòa án ở Ai Cập xét xử một cách khách quan và công bằng đối với ông Morsi và những người theo Huynh đệ Hồi giáo; mặt khác, ông Morsi cũng từng đối nghịch căng thẳng với hệ thống tư pháp cho nên sẽ khó có sự khách quan, công bằng dành cho ông.

Ngoài ông Morsi và 105 người, một phiên tòa khác ở Cairo cũng tuyên án tử hình đối với các lãnh đạo hàng đầu của Huynh đệ Hồi giáo là Mohamed El-Beltany và Khairat El-Shater cùng 14 người liên quan, với cáo buộc cấu kết với các nhóm ngoại quốc gây bất ổn Ai Cập. Trong một diễn biến khác, vào ngày 17/5, chính quyền Ai Cập hành quyết 6 người bị buộc tội giết các binh sĩ quân đội, diễn ra trong giai đoạn bạo loạn sau khi ông Morsi bị lật đổ và bị bắt giam. Đặc biệt, 2 trong 6 người bị hành quyết vụ việc không tham gia phạm tội, vì họ đang bị giam cầm trong lúc vụ việc xảy ra, mặc dù họ đã kháng án kêu oan.

Vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Morsi vào đầu tháng 7/2013 đã châm ngòi cho loạt biểu tình phản đối lan khắp Ai Cập, với hàng trăm ngàn người tham gia. Ngay sau đó, chính phủ mới của Ai Cập do quân đội ủng hộ đã ban hành những sắc lệnh mới mở rộng quyền cho cảnh sát và quân đội, đồng thời siết chặt vòng kiểm soát đối với những người Hồi giáo ủng hộ Tổng thống Morsi và tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.

Theo sắc lệnh đó, ông Morsi và hàng loạt quan chức cấp cao của Huynh đệ Hồi giáo bị bắt giam. Hàng ngàn người đã chết dưới làn đạn của cảnh sát và quân đội trong thời gian diễn ra xung đột giữa các nhóm đối lập cánh tả và người Hồi giáo ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo với chính phủ lâm thời.

Việc bắt giam và đưa ra xét xử cựu Tổng thống Morsi và hàng trăm người Hồi giáo đã gây nên dư luận bất bình vì ông Morsi là Tổng thống đầu tiên của Ai Cập kể từ thời ông Hosni Mubarak được nhân dân trực tiếp bầu lên. Năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố tạm dừng khoản tài trợ quân sự hàng năm cho Ai Cập để phản đối việc quân đội nước này làm đảo chính và bắt giam Tổng thống Morsi (khoản viện trợ này mới được nối lại vào ngày 1/4/2015). EU và một số quốc gia trong khu vực Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ cũng thể hiện sự phản đối chính sách bắt giam và kết án hàng loạt người thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood).

Ngày 17/5, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng chỉ trích phán quyết của tòa án Ai Cập. Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) trụ sở tại Anh đã lên tiếng chỉ trích Ai Cập đi ngược lại các quy tắc, thủ tục xét xử công bằng.

Tòa án thành phố El-Arish, nơi 3 thẩm phán bị giết chết.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thẳng thắn nhận xét: Phiên tòa xét xử ông Morsi cùng hàng loạt người khác và phán quyết tử hình được đưa ra cho thấy "Ai Cập đang trở lại thời kỳ cổ đại". Đồng thời, ông Erdogan cũng chỉ trích phương Tây đã không có động thái gì cụ thể nhằm ngăn chặn những phiên tòa tập thể mang động cơ chính trị xét xử những người Hồi giáo Ai Cập. Từ Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố "quan ngại sâu sắc" trước phán quyết tử hình dành cho ông Morsi của tòa án Ai Cập.

Tuy nhiên, cũng như các thủ đô khác của phương Tây, Washington hầu như chẳng thể làm gì khác hơn một tuyên bố "cho có hình thức" như thế. Abdullah al-Arian, một trợ lý giáo sư của Đại học Georgetown (Mỹ) đã nhận xét một cách cay đắng rằng, ai cũng nhận biết đó là phán quyết thiếu công bằng trong một phiên tòa chính trị, là vụ việc mới nhất trong gần 2 năm chính quyền mới ở Ai Cập đàn áp những người Hồi giáo và các nhóm cánh tả "nhằm củng cố nền tảng vững chắc cho một hệ thống chính trị đã sẵn có từ mấy chục năm qua".

Đúng như lời cảnh báo trước của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, ngay sau vụ tuyên án tử hình ông Morsi, hoạt động khủng bố mới lại diễn ra tại Ai Cập. Theo Al-Ahram Online, vài giờ sau khi tuyên án tử hình ông Morsi, 3 thẩm phán của tòa án ở thành phố Arish trên bán đảo Sinai và tài xế lái xe chở họ đã bị các tay súng bịt mặt giết chết; một thẩm phán thứ tư đi trên một chiếc xe khác thì bị thương nặng. Các thẩm phán này bị giết chết khi trên đường đến dự một phiên tòa tại Arish.

Trong ngày 17/5, lại thêm một vụ đánh bom nhắm vào nhà riêng của thẩm phán Moataz Khafagi, người đã tham gia tuyên án tử hình và án tù cho nhiều bị can Hồi giáo. Các vụ khủng bố xảy ra ngay sau phán quyết của Tòa án Cairo khiến cho dư luận lo ngại Ai Cập sẽ lại chìm trong làn sóng khủng bố mới sẽ bắt đầu và lan rộng. Bộ trưởng Tư pháp Ai Cập Ibrahim Al-Heneidy cáo buộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (hiện nay đang hoạt động ngầm) là thủ phạm đứng sau các vụ tấn công, tuy không có bằng chứng.

An Châu (tổng hợp)
.
.