Argentina: Tổng thống Macri đối mặt với khó khăn

Thứ Ba, 08/03/2016, 17:10
Chỉ hai tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã bắt đầu đối mặt với thực tế một đất nước Argentina không dễ dàng chấp nhận những chính sách mới do ông đưa ra, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và cả giới doanh nghiệp. Những cuộc biểu tình phản đối diễn ra trong những ngày hạ tuần tháng 2-2016 đã cho thấy thái độ của người dân đối với các chính sách đó.

Một cuộc đình công, bãi khóa, biểu tình của hơn 20.000 công nhân, nhân viên bệnh viện và công chức, viên chức các cơ quan nhà nước đã diễn ra rầm rộ từ ngày 24 đến 26-2 trên toàn quốc để phản đối chính sách cắt giảm việc làm và việc Tổng thống Macri đã để cho tỉ lệ lạm phát tiếp tục quá cao. Cuộc đình công diễn ra trong 3 ngày, là hành động thực tế đầu tiên người dân thể hiện đối với việc triển khai các chính sách của ông Macri.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự không hài lòng của người dân là do cách thức ông triển khai thực hiện các công việc đã hứa. Mặc dù được các nhà đầu tư quốc tế khen ngợi vì quan tâm khai thác tốt các nguồn lực của đất nước, nhưng việc ông Macri quá vội vã các chính sách mới đã khiến cho sự bất mãn tăng cao. Cụ thể là ông đã triển khai quyết liệt việc cắt giảm biên chế trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp hưởng lương ngân sách nhằm giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách đang ngày càng lớn nhằm mục tiêu phục hồi nền kinh tế Argentina đang èo uột.

Bên cạnh đó, chính phủ của ông cũng cho phá giá đồng peso (tiền Argentina) và xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu đã được áp dụng từ lâu dưới thời Tổng thống Nestor Kirchner và Cristina Fernandez de Kirchner. Những hành động này vô tình làm cho tỉ lệ lạm phát vốn đã ở mức 30% tiếp tục tăng cao hơn.

Tổng thống Argentina Mauricio Macri đau đầu khi triển khai thực hiện các chính sách mới.

Theo hãng thăm dò ý kiến dư luận Ricardo Rouvier & Asociados, tỉ lệ ủng hộ đối với chính phủ của ông Macri tuy vẫn còn khá cao, ở mức 60%, nhưng tỉ lệ đó cũng đã giảm đi 11 điểm phần trăm sau 2 tháng ông Macri nhậm chức. 12% số cử tri từng bỏ phiếu cho ông Macri nói rằng họ thay đổi quan điểm và sẽ không tiếp tục bầu cho ông Macri nữa.

Người dân không hài lòng với cách thức ông Macri triển khai các chính sách mà ông hứa thực hiện, cho rằng ông đã quá vội vàng khi thực hiện các lời hứa mà không quan tâm đến tâm tư nguyện vọng thực tế của người dân. Một nguyên nhân khác xuất phát từ việc áp mức trần tăng lương cho công chức, viên chức, người lao động.

Ông Macri đã tính toán việc nâng mức lương cho công chức, viên chức và người lao động sẽ không vượt quá mục tiêu lạm phát 25% của năm 2016, nhưng một quan chức ở Bộ Lao động tham gia bàn kế hoạch tăng lương nói rằng "không hề có con số trần 25%".

Khi thực hiện việc cắt giảm việc làm, chính phủ của ông Macri đã khiến cho 21.000 công chức, viên chức bị mất việc, nhưng chỉ có khoảng 5.000 trong số họ tìm được việc làm mới hoặc được tuyển dụng lại. Thực tế này khiến cho các công đoàn của công chức và nhân viên bệnh viện phải can thiệp đấu tranh cho quyền lợi của công đoàn viên. Ngoài các công đoàn nêu trên, công đoàn giáo viên, vốn có thực lực rất mạnh, cho biết họ đã hứa sẽ đấu tranh nhằm tăng lương cho giáo viên thêm 32% trong năm nay, và họ cũng đang có kế hoạch đình công bãi khóa để phải đối việc chính phủ áp đặt mức trần tăng lương làm ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên.

Ngay từ khi giành chiến thắng trong bầu cử, ông Macri được cho là sẽ đối mặt vô vàn khó khăn nếu ông muốn hiện thực hóa các lời hứa trong lúc vận động tranh cử. Thực tế sau hai tháng ông nhậm chức đã cho thấy, việc triển khai thực hiện các lời hứa đó đã động chạm quá nhiều vào lợi ích của nhân dân, những người trực tiếp lao động trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, kể cả trong hệ thống cơ quan nhà nước. Không ai có thể dễ dàng chấp nhận để cho lợi ích chính đáng của mình bị ảnh hưởng, bị cắt giảm so với trước đây.

Sự thay đổi mang tính cải cách, mang lại hiệu quả tích cực luôn được đón nhận, nhưng nếu buộc phải trả giá thì sẽ rất khó. Thực hiện lời tuyên bố phá bỏ các chính sách dân túy của người tiền nhiệm chỉ làm hài lòng một bộ phận cử tri ủng hộ ông nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của họ, nhưng đại bộ phận người dân Argentina vẫn đang rất cần những chính sách đó thì sẽ không dễ dàng chấp nhận nó.

Hơn 20.000 công nhân, nhân viên bệnh viện và công chức, viên chức các cơ quan nhà nước đã đình công, bãi khóa, xuống đường phản đối cách thực thi chính sách của Tổng thống Mauricio Macri.

Riêng về hành động của ông Macri kể từ khi nhậm chức thì cũng đã xảy ra "sự cố". Để thể hiện mình đối nghịch hoàn toàn với phong cách của người tiền nhiệm, ngay sau khi nhậm chức, ông Macri đã gấp rút cho thay các vị thẩm phán tòa án tối cao, đồng thời mạnh tay thay đổi luật về truyền thông đại chúng. Hành động này ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới truyền thông và dư luận công chúng.

Mặc dù các quan chức chính phủ của ông Macri ra sức thanh minh trước công chúng về những hành động "khẩn cấp" này của chính phủ, nhưng sự quyết liệt trong phản ứng của dư luận đã buộc ông Macri phải chấp nhận hoãn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới cho đến tháng 2-2016. Tuy nhiên, cho đến nay việc bổ nhiệm này vẫn chưa thể tiếp tục.

Khi lên nắm quyền, Tổng thống Macri đặt ưu tiên hàng đầu là việc khôi phục nền kinh tế. Để làm được điều này, ông đã tuyển dụng một loạt các nhà kinh tế trẻ tuổi với hy vọng họ sẽ đưa ra nhiều sáng kiến hay, hiệu quả. Mục tiêu mà ông đặt ra là kéo giảm tỉ lệ lạm phát trong năm 2016 xuống còn từ 20% đến 25%. Hãy còn quá sớm để đánh giá tính hiệu quả của các chính sách ông Macri đưa ra chỉ sau hai tháng cầm quyền. Nhưng việc gì cũng thế, quyền lợi người dân phải được xem xét trước nhất.

An Châu (tổng hợp)
.
.